Chuyện lạ: Xây mộ giữa biệt thự cùng người đang sống

Chuyện lạ: Xây mộ giữa biệt thự cùng người đang sống

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Một nữ Việt kiều Mỹ sau khi mất có di nguyện được đưa về an táng ở quê nhà thuộc tỉnh Bến Tre và muốn được chôn cất trong chính ngôi biệt thự rất đẹp mà chị đã bỏ tiền xây cất. Những người trong nhà đã vượt qua nỗi sợ, làm huyệt mộ ngay giữa phòng khách.

Từ TP.HCM đi thẳng theo quốc lộ 1A khoảng 70km sẽ đến cầu Rạch Miễu.Qua cây cầu dài đến 8331m - dài nhất vùng sông nước miền Tây này, hỏi thăm ngôi biệt thự có chôn người chết bên trong, ai cũng biết.

Lạnh người với ngôi mộ giữa nhà

Theo hướng dẫn của người dân, ngôi mộ có một không hai này nằm ở ấp Tân Thi An, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Đi dọc theo bờ sông Rạch Miễu, cách bến phà cũ chừng 500m, chúng tôi tìm đến một căn biệt thự rất đẹp. Bước vào cổng chính của căn biệt thự, đập vào mắt chúng tôi là một ngôi mộ khá lớn, gây cảm giác lạnh sau gáy.

Ngôi mộ giữa phòng khách

Ngôi mộ “đặc biệt” này nằm trong căn biệt thự cách bến phà Rạch Miễu cũ chưa đầy 1 km. Từ ngoài cổng nhìn vào, ngôi mộ thật sự “gây sốc’ cho những ai yếu tim. Ngôi mộ với hình thức đơn giản, xung quanh được dán đá hoa cương màu vàng. Bên trên ngôi mộ là di ảnh phóng to của người quá cố. Bốn bề ngôi mộ được ốp đá hoa cương màu vàng, phía trên có ghi tên, tuổi người đã khuất.

Ngôi mộ khá đẹp được chôn cất trong một căn biệt thự rất đẹp, lại nằm ở nơi phong cảnh hữu tình nên rất nhiều người hiếu kỳ đã ghé thăm. Những người đang sinh sống trong nhà tiếp khách rất lịch sự. Chủ nhà là anh Trần Văn Tuấn đã mời chúng tôi vào nhà để tham quan. Anh Tuấn là em ruột của người vắn số đang nằm trong mộ.

Theo anh Tuấn, chị của anh là Trần Thị Kim Liên, sinh năm 1960. Khoảng năm 1987, chị Liên lập gia đình. Cả hai vợ chồng chị sinh sống bằng nghề chở cá thuê bằng ghe, cuộc sống khá vất vả nhưng hạnh phúc.

Ở cái xóm nghèo mà hai vợ chồng chị Liên sinh sống, chị nổi tiếng là người phụ nữ chịu thương chịu khó, rất hay giúp đỡ mọi người. Cuộc sống dù khá chật vật nhưng chị luôn lo lắng cho người thân, luôn chăm sóc cha mẹ và anh em xong mới tới phần mình. Nhiều người ở gần nhà kể lại, chị Liên là một tấm gương hiếu thảo mà trong xóm ai cũng quý mến.

Biệt thự có ngôi mộ, nhìn từ bên ngoài

Đến năm 1991 thì vợ chồng chị Liên đi Mỹ định cư. Cũng như nhiều người Việt tại Mỹ, họ mở tiệm làm

Ở xã Long An (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), một Việt kiều họ Cao cũng bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư xây dựng một khu biệt thư lấy tên Cao gia trang. Một căn nhà đúc trong khối nhà này được dành riêng cho mục đích chôn cất với 7 huyệt mộ (kim tỉnh) được làm sẵn. Công an xã Long An cho biết, gia đình ông Việt kiều này vẫn đang sinh sống ở nước ngoài nên khu Cao gia trang kín cổng cao tường phải thuê người canh giữ. Hiện 7 huyệt mộ vẫn còn bỏ trống và chưa chôn cất ai. Ban đầu, những người sống gần khu biệt thự Cao gia trang thấy lúc nào khu nhà này cũng kín cổng cao tường, nhìn qua khe cửa đập ngay vào mắt là 7 huyệt mộ nằm lộ thiên trên mặt đất khiến ai cũng sợ. Thậm chí, người ta còn đồn thổi có 3 cô gái đồng trinh được chôn cất tại đây để làm “thần giữ của”. Tuy nhiên, địa phương bác bỏ hoàn toàn thông tin này. Hiện những người chủ của Cao gia trang thỉnh thoảng vẫn về thăm nhà và thuê người chăm sóc vườn tược nên cảnh lạnh lẽo xung quanh ngôi nhà cũng không còn nữa.

móng để kiếm tiền trang trãi cuộc sống. Thời gian đầu, chị Liên chưa dư dã gì nhiều nhưng chị vẫn đều đặn gửi tiền về quê giúp đỡ gia đình. Ông bà đã dạy “Sống có đức mặc sức mà ăn”, có lẽ vì vậy mà kinh tế gia đình chị liên tục đi lên. Chỉ vài năm định cư tại Mỹ, vợ chồng chị đã mở thêm cửa hàng bán đồ trang trí nội thất, cuộc sống ổn định.

Anh Tuấn xúc động: “Chị nói là từ nhỏ cuộc sống khó khăn nên có ước mơ là sau này sẽ cố gắng làm nhiều tiền để xây một căn nhà lầu để ở. Bên Mỹ xây biệt thự rất tốn kém nên chị nói sẽ để dành tiền gửi về Việt Nam xây, sau này về già chị sẽ về sinh sống. Đến khoảng năm 2006, căn nhà mà chị Liên hằng ao ước được hoàn thành với tổng chi phí xây dựng khoảng 1,7 tỷ đồng - hơn 100 cây vàng ở thời điểm đó.

Lúc này, chị Liên về Việt Nam và sinh sống cùng gia đình 3 tháng thì trở về Mỹ. Khi phát hiện mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối, chị Liên có di nguyện là được chôn cất ở Việt Nam, trong chính căn nhà mà chị bỏ tiền ra xây cất để được gần người thân. Đến năm 2007 thì chị mất.

Trong ngôi biệt thự có một phòng nhỏ cạnh phòng khách phía trước mà theo anh Tuấn nói là chị Liên định làm chỗ để xe hơi, biết mình sắp chết chị Liên muốn được chôn ở đó. Tuy nhiên sau đó chị Liên đổi ý và yêu cầu gia đình chôn mình ngay chính giữa nhà, tức là tại phòng khách. Sau khi chị Liên mất, gia đình đã có gửi đơn lên chính quyền địa phương xin được chôn chị trong nhà và được địa phương đồng ý.

Thi thể chị Liên được chuyển từ Mỹ về và được quàn trong một chiếc quan tài rất đẹp. Đám tang được gia đình tổ chức chu đáo, hoành tráng. Việc chị Liên được chôn ngay tại phòng khách ngôi biệt thự đã thu hút rất đông người đến viếng cũng như đến “xem” đám tang.

Có mộ, nhà thêm… ấm cúng

Người nhà chị Liên kể lại, do thủ tục sân bay kéo dài, hơn 10 ngày sau thì xác chị được đưa về sân bay Tân Sơn Nhất trong một quan tài nhôm. Trong thời gian này, gia đình đã cho tiến hành bóc lớp gạch men trong phòng khách giữa nhà rồi xây huyệt mộ.

Do nền nhà cao hơn 1 mét, huyệt được đào sâu xuống khoảng 0,5 mét nên khi đặt quan tài sẽ nằm ngang với nền nhà. Như vậy, có cảm giác người đã khuất cũng đang tồn tại cùng với người đang sống. Quá trình xây dựng được nhóm thợ chuyên nghiệp làm khá kỹ nên không gây ảnh hưởng gì đến môi trường. Hơn nữa, quan tài nhôm của Mỹ đã trãi qua các quá trình kiểm dịch rất nghiêm ngặt từ nước ngoài rồi mới được đưa vào Việt Nam nên vấn đề vệ sinh hoàn toàn đảm bảo.

Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008:

Việc táng người chết phải được thực hiện trong các nghĩa trang, trường hợp táng trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo phải bảo đảm vệ sinh môi trường và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương theo phân cấp của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).Việc táng phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại. Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5m2.

Bà Nhạn nói, cũng có ý kiến cho rằng chôn cất trong nhà sẽ không đảm bảo về môi trường nhưng gia đình bà sống cùng mộ chị Liên suốt hai năm nay chưa gặp vấn đề gì về sức khỏe.

Anh Trần Văn Tuấn nói: “Gia đình rất thương chị, hơn nữa căn nhà này là do công sức của chị mà có nên ai cũng muốn chị được ở trong ngôi nhà như chị vẫn đang còn sống”. Lúc cánh thợ hồ đào huyệt giữa nhà, nhiều thành viên trong gia đình (bà Nhạn, người con trai thứ 3, vợ chồng anh Tuấn và hai đứa con nhỏ) cũng hơi sợ nhưng “sống riết rồi cũng quen”.

Những người trong nhà chị Liên cho biết, do chị Liên khi còn sống rất yêu thương gia đình nên khi chết nhất định sẽ phù hộ cho người nhà khỏe mạnh, làm ăn phát đạt.

Theo lời anh Tuấn, căn phòng mà ngày xưa chị Liên sử dụng ở Việt Nam các vật dụng vẫn được giữ nguyên trạng. Buổi trưa, anh Tuấn vẫn thường vào phòng bắt quạt ngủ trưa bình thường. Hàng xóm mới đầu cũng hơi ngại ngôi mộ giữa nhà, dần dần cũng quen nên xem là chuyện bình thường.

Nhiều người trong xóm thậm chí còn thích thú khi ngồi tựa vào lớp đá hoa cương mát lạnh ốp xung quanh ngôi mộ mà không hề có cảm giác sợ hãi.

Anh Trần Văn Hải, một người dân sống gần ngôi biệt thự nói: “Ban đầu tôi cũng hơi dị ứng với cách làm này. Nhưng suy đi nghĩ lại, tôi thấy ai có người thân bị mất sẽ hiểu được tâm lý của những người còn sống. Hồi cha tôi mất năm 2010, anh em tôi đã thống nhất sau đó chôn cất ngay trước cửa nhà tôi. An táng kiểu này mình có cảm giác người thân vẫn đang dõi theo cuộc sống của mình. Nếu mai này mẹ tôi có trăm tuổi già, có khi tôi sẽ áp dụng kiểu chôn ngay trong nhà cũng nên. Mà nói gì thì nói, nếu xin phép mà chính quyền địa phương không đồng ý thì cũng đành chịu”.

Chúng tôi hỏi, căn nhà có ngôi mộ chính giữa sau này sẽ giải quyết thế nào nếu có tranh chấp. Các thành viên trong gia đình cho biết, hiện căn nhà do anh Tuấn đứng tên. Căn nhà là di sản mà chị Liên để lại, mục đích là để ở chứ không phải bán chác nên chuyện tranh chấp sẽ rất khó xảy ra. Các thành viên sống trong ngôi nhà sẽ có trách nhiệm thờ cúng người đã khuất.

Phương Dung (Bài đăng trên chuyên đề Báo ĐS& PL)