Chuyện Nhóm Mua làm đổ vỡ lòng tin từ khách hàng

Chuyện Nhóm Mua làm đổ vỡ lòng tin từ khách hàng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Hàng loạt sự cố của một số công ty mua hàng theo nhóm qua mạng liên tục xuất hiện đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Trước nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu các công ty mua theo nhóm phá sản, người tiêu dùng đang đặt ra vấn đề ai sẽ đảm bảo quyền lợi cho mình.

Thời gian vừa qua, với ưu điểm giá rẻ, dịch vụ chuyên nghiệp mô hình Groupon (mua hàng theo nhóm) trở thành xu hướng mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Chỉ trong vòng 2 năm, gần 20 website mua hàng theo nhóm ra đời với địa bàn hoạt động chính tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng. Các công ty này thu hút được người dân nhờ việc họ chuyên cung cấp hàng ngàn sản phẩm, dịch vụ với mức giá chỉ còn 50 - 80% so với giá gốc.

Ông Phạm Văn Tâm, chuyên gia thương mại điện tử tại TP.HCM cho hay: "Sự cố của Nhóm Mua, một trong những "ông lớn" của thị trường mua hàng theo nhóm trên internet tại Việt Nam bất ngờ thay đổi giám đốc điều hành, trụ sở tạm thời đóng cửa, website ngừng hoạt động đã làm cho nhiều khách hàng đang sở hữu những voucher của công ty này như ngồi trên đống lửa.

Xã hội - Chuyện Nhóm Mua làm đổ vỡ lòng tin từ khách hàngKhách hàng mất niềm tin sau chuyện xảy ra tại Nhóm Mua

Ngay cả những đối tác của công ty này như Sumo BBQ, Kichi Kichi, Hương Sen... cũng tuyên bố tạm dừng cung ứng dịch vụ cho khách hàng sử dụng voucher của Nhóm Mua. Vụ việc trên cho thấy những bất cập trong lĩnh vực mua hàng theo nhóm tại Việt Nam đã lộ rõ nhiều tồn tại cần phải giải quyết".

Theo ông Nguyễn Dzũng, tổng thư ký kiêm trưởng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử tại TP.HCM: "Nhóm Mua chưa phải là thành viên của hiệp hội nên hội cũng không có chức năng can thiệp. Hơn nữa, hoạt động mua theo nhóm chỉ mới ra đời tại Việt Nam trong vòng 2 năm nay nên các văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động này cũng chưa có. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước cần siết chặt hoạt động này vì các công ty đã thu giữ trước một lượng tiền mặt của khách hàng. Vì vậy cần đưa hoạt động này vào loại hình kinh doanh có điều kiện và có hình thức ký quỹ".

Nhiều chuyên gia thương mại điện tử cho rằng, sự cố của Nhóm Mua chưa làm cho mô hình kinh doanh theo nhóm sụp đổ. Nhưng nó cho thấy mô hình kinh doanh này đang thiếu nhiều quy định, chế tài để hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Công ty bán hàng theo nhóm đông nhưng vấn đề quản lý chất lượng dịch vụ của người bán chưa được thắt chặt, khiến người dùng phải quan tâm tới chất lượng hàng hóa nhiều hơn trước. Trên các trang mạng có không ít lời than phiền về sản phẩm mua theo nhóm không như lời quảng cáo. Một số người tiêu dùng còn "tố" nhà cung cấp "có thái độ phân biệt giữa khách thường và khách dùng voucher".

Nhiều điểm hạn chế mua hàng theo nhóm

Điểm hạn chế của mô hình mua hàng theo nhóm tại Việt Nam đó là công cụ thanh toán chưa tiện lợi. Chính vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, để tham gia vào hình thức mua hàng này và tránh phức tạp khi mua các sản phẩm, dịch vụ, người có nhu cầu cần phải đăng ký một tài khoản ví điện tử ở các website cung cấp loại hình trên. Ngoài ra, một hạn chế nữa là vẫn có nhiều doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ còn có thái độ coi thường, phục vụ không tốt, chất lượng sản phẩm, dịch vụ không đúng như cam kết.

P. Phúc - T. Trịnh