Chuyện những người làm công việc bất đắc dĩ

Chuyện những người làm công việc bất đắc dĩ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Mỗi vụ tai nạn giao thông xảy ra, người điều khiển phương tiện bị tai nạn có thể bị thiệt mạng hoặc bị thương, người gây tai nạn có thể dừng lại hoặc bỏ trốn, người đi đường có thể tò mò đứng xem.

Nhưng có một lực lượng của CSGT mà sau mỗi vụ tai nạn họ phải làm một công việc bất đắc dĩ là khám nghiệm, thu dọn và lần tìm theo các dấu vết để làm rõ nguyên nhân gây nên tai nạn. Không khóc than vật vã như người thân của người bị nạn, nhưng với mỗi cán bộ khám nghiệm hiện trường, họ luôn cần mẫn, lặng lẽ làm việc.

Cuộc gọi lúc nửa đêm

Trong một lần tiếp xúc với trung tá Nguyễn Đức Thịnh, Phó đội trưởng Đội tuyên truyền và điều tra giải quyết TNGT, phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội tôi đã được nghe những tâm sự về nghề khám nghiệm hiện trường, nhưng thực sự nếu không tham gia một buổi khám nghiệm hiện trường tôi cũng không thể hiểu hết chuyện đời chuyện nghề của một cán bộ làm công tác điều tra, giải quyết TNGT.

Mặc dù đã được dặn dò là chuẩn bị tinh thần bất cứ khi nào có tai nạn là phải lên đường nhưng tôi cũng không nghĩ là tai nạn lại xảy ra và được báo vào lúc nửa đêm như vậy. Đang thư thái chuẩn bị đi ngủ thì đúng 21h35 ngày 6/9/2011 tôi nhận được điện thoại có vụ tai nạn xảy ra tại km23+40, quốc lộ 6, thuộc địa phận xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội. Tức tốc lấy đồ nghề tôi theo chân các cán bộ khám nghiệm hiện trường lên địa điểm xảy ra tai nạn.

Cán bộ điều tra giải quyết TNGT đang tiến hành công việc.

Sau ít phút chiếc xe đưa cán bộ điều tra có mặt tại hiện trường. Do sự có mặt kịp thời của lực lượng công an địa phương khi xảy ra vụ tai nạn giao thông đến lúc chúng tôi có mặt vẫn còn giữ được nguyên vẹn hiện trường. Đến nơi tôi lặng lẽ nhìn từng thành viên của đoàn làm công việc của mình một cách khẩn trương và thận trọng bởi mùa này đang là mùa mưa và có thể ập đến bất cứ lúc nào sẽ làm thay đổi hiện trường vụ TNGT.

Vụ tai nạn xảy ra giữa chiếc ô tô mang BKS 29Z -73xx do một người Hàn Quốc điều khiển với xe mô tô BKS 98 N7 49xx do anh Đoàn Bá Q (41 tuổi, trú tại Việt Tiến, Việt Yên, Bắc Giang) điều khiển. Hậu quả là anh Đoàn Bá Quang đã thiệt mạng.

Những mảnh nhựa của chiếc mô tô, chiếc mũ bảo của nạn nhân văng tung tóe khắp đường, những vết máu loang lổ và một chiếc chiếu đắp vội lên thi thể nạn nhân cùng với khói hương nghi ngút mà một người dân nào cạnh đó đã chạnh lòng thương xót thắp hương cho người xấu số.

Tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ rằng, không hiểu người thân của họ lúc này khi được thông báo về sự ra đi của người chồng, người cha của mình liệu họ có đứng vững được không. Bất giác tôi nhớ đến bác tôi khi nhận được tin cậu con trai bị tai nạn do bị đinh tặc tại Bình Dương. Bác đã ngất lịm không nói được một câu nào.

Từng nét vẽ màu trắng trên nền đường nhựa được vạch ra. Phương tiện tai nạn, các mẫu vật tại hiện trường được đo đạc đánh dấu từng centimet vết lốp xe để lại trên mặt đường. Họ cần mẫn trong đêm khuya với từng chi tiết nhỏ nhất. Mặc dù vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm nhưng rất may là trời không mưa chính vì vậy sau hơn 1 tiếng đo vẽ, chụp ảnh hiện trường cán bộ khám nghiệm hiện trường đã lập được biên bản vụ việc. Sau đó hồ sơ được chuyển cho lực lượng cảnh sát điều tra thụ lý giải quyết.

Rợn người tình huống không có trong giáo trình

Khi xảy ra tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông hoặc người đi bộ bị tai nạn, thường thì quần áo của nạn nhân cũng tham gia vào quá trình tương tác, va chạm. Cụ thể là những vết thủng, rách và những chỗ va đập của phương tiện giao thông đó sẽ có rất nhiều vi vết sợi, sợi chỉ, sợi dệt từ quần áo nạn nhân.

Từ manh mối này, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào đây để xác định chính xác phương tiện gây ra tai nạn, đặc biệt là các trường hợp gây tai nạn rồi bỏ chạy. Để tìm các dấu vết vải sợi ở các vụ tai nạn, các giám định viên cẩn thận tìm các bộ phận tay nắm của xe, gương chiếu hậu, thiết bị ống xả, vành bánh xe, đinh vít mui xe...

Theo giải thích của thiếu úy Lê Anh Tới thì, điều quan trọng nhất để các cán bộ khám nghiệm hiện trường sau mỗi vụ tai nạn giao thông có thể hoàn thành nhiệm vụ là đưa ra một biên bản chính xác nhất từ hiện trường. Chính vì thế bất cứ lúc nào họ cũng phải chuẩn bị tinh thần từ trước để có thể tiếp cận hiện trường sớm và nhanh nhất. Bởi tai nạn xảy ra luôn bất ngờ.

Một cán bộ điều tra giải quyết tai nạn giao thông không những cần phải tỷ mỉ mà quan trọng phải đo đạc chính xác để phân tích nguyên nhân vụ tai nạn, làm cơ sở xử lý hậu quả đã xảy ra để chỉ ra được đâu là điểm va chạm đầu tiên, đâu là điểm xê dịch của nạn nhân và phương tiện giao thông.

Nghe những chiến sỹ tại đội khám nghiệm hiện trường kể lại quá trình điều tra một vụ tai nạn giao thông không phải họ không gặp những tình huống rợn người mà người bình tĩnh nhất cũng phải giật mình. Điển hình như vụ tai nạn giao thông vào đầu năm 2011 tại địa phận huyện Hoài Đức, Hà Nội. Sau khi nhận được điện báo của công an khu vực về vụ tai nạn giao thông giữa hai xe mô tô. Ngay lập tức đội khám nghiệm hiện trường có mặt tại đây sau ít phút.

Do thời điểm xảy ra vào gần 11h đêm nên đường sá không có nhiều người qua lại. Dấu vết để lại tại hiện trường là những đôi dép cho thấy có 4 người trong vụ tai nạn. 3 người đã được đưa đi cấp cứu còn một nạn nhân không thấy tại hiện trường. Thiếu úy Lê Anh Tới kể lại: Cả đội đang tiến hành đo đạc, vẽ lại hiện trường cùng với đó lực lượng công an khu vực tìm kiếm xung quanh vẫn không thấy một nạn nhân nữa đâu.

Bất ngờ chúng tôi thấy cách vị trí xảy ra tai nạn khoảng hơn 20m từ phía ruộng ven đường có người đàn ông lóp ngóp bò lên mặt đường, nói ú ớ. Dù đã va chạm với rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc, nhìn nhiều cảnh tượng thương tâm không khỏi xót xa nhưng thực sự trong đêm khuya một tình huống bất ngờ như vậy không khỏi làm cho chúng tôi giật mình sởn gai ốc.

Kỳ sau: Từ sếp đến quân đều mong được thất nghiệp

Đỗ Thơm