Chuyển thẩm quyền cai nghiện bắt buộc từ UBND sang toà án

Chuyển thẩm quyền cai nghiện bắt buộc từ UBND sang toà án

Thứ 5, 18/07/2013 | 16:13
0
Từ ngày 1/7/2013, luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành. Theo luật này, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được chuyển từ từ UBND sang TAND.

Liên quan đến việc đơn khởi kiện của công dân Nguyễn Thanh Lâm, ở Sóc Sơn, Hà Nội, về việc đi cai nghiện bắt buộc, trong khi đối tượng khẳng định mình không phải là người nghiện. PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Khánh Toàn, đoàn Luật sư Hà Nội.

Thưa ông, theo quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính mới có hiệu lực thi hành, thẩm quyền ra quyết định đưa một người vào trung tâm cai nghiện bắt buộc được chuyển từ UBND sang TAND. Như vậy, tòa án có thêm "việc" ra quyết định cai nghiện bắt buộc đối với những đối tượng nghiện. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ngày 1/7/2013, luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) có hiệu lực, trong đó có rất nhiều điểm mới quan trọng. Một trong những nội dung đặc biệt mới đó là quy định chuyển thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ Chủ tịch UBND sang TAND, từ thủ tục hành chính sang thủ tục tư pháp. Quy định rất chặt chẽ điều kiện áp dụng một số biện pháp ngăn chặn liên quan đến nhân thân, quyền và lợi ích người dân, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh việc lạm dụng của người có thẩm quyền trong quá trình áp dụng các biện pháp ngăn chặn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh của người dân.

Luật sư - Chuyển thẩm quyền cai nghiện bắt buộc từ UBND sang toà án

Luật sư  Nguyễn Khánh Toàn.

Tuy nhiên, vấn đề này xem ra còn có nhiều bất cập trong việc giải quyết xử lý vi phạm hành chính, nhất là khi có khiếu kiện về thẩm quyền giải quyết xử lý vi phạm hành chính. Việc thẩm quyền để UBND hay TAND ra quyết định bắt buộc cai nghiện đối với một cá nhân cụ thể, điều đó liên quan đến chức năng nhiệm nhiệm vụ của tòa án, mà chức năng của tòa án là xét xử. Do đó nếu có chuyển thẩm quyền từ UBND sang TAND, ngoài việc thay đổi còn phải bổ sung thêm về chức năng nhiệm vụ quyền hạn của tòa án. Theo quan điểm cá nhân tôi, thứ nhất, nếu để cho cấp cơ sở (UBND) quản lý theo dõi sẽ tốt hơn, vì họ sát sao, nắm bắt nhanh đối với đối tượng nghiện ma túy. Thứ hai, nếu để thẩm quyền quyết định sang TAND, khi có khiếu kiện về quyết định đó cơ quan nào sẽ xử lý? Khi mà tòa vừa ra quyết định vừa có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, khiếu kiện đối với những quyết đinh đó thì liệu có khách quan?

Trước kia luật quy định, việc bắt buộc một người phải cai nghiện dựa trên hồ sơ của UBND hoặc công an cung cấp, tòa án chỉ làm nhiệm vụ xét duyệt hồ sơ.

Để buộc một người phải cai nghiện bắt buộc phải dựa vào những căn cứ như sau: Phải làm xét nghiệm hai lần hoặc người đó phải bị bắt quả tang khi đang sử dụng ma túy và đã bị xử phạt hành chính. Nếu cơ quan chức năng không đủ những căn cứ nêu trên thì không thể buộc một người đi cai nghiện bắt buộc được. Điều đó đồng nghĩa với việc phải hủy quyết định hành chính đối với người đó. Tòa án ra quyết định bắt buộc cai nghiện là quyết định hành chính (theo quy định của luật mới). Trong trường hợp có khiếu kiện yêu cầu hủy quyết định đó của tòa án thì cơ quan nào sẽ giải quyết để hủy quyết định đó?

Có ý kiến cho rằng, người nghiện và gái mại dâm là những người thuộc nhóm tệ nạn xã hội. Trước kia, gái mại dâm, đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, khi bị bắt những đối tượng này  bắt buộc phải chữa bệnh, nay luật mới thay đổi, không phải bắt buộc chữa bệnh đối với gái mại dâm, điều này có nguy cơ trong việc lây nhiễm bệnh xã hội?

Trên thực tế, mối liên hệ giữa mại dâm và ma túy là rất gần gũi. Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi cá nhân cần phải ý thức được mối hiểm họa này và tự phòng tránh cho mình là giải pháp hữu hiệu nhất. Mặt khác, do luật đã có hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn nên tôi chưa có ý kiến bình luận nhiều về vấn đề này.

Xin cảm ơn ông!                         

Phải mở rộng mô hình cai nghiện

Luật sư  Nguyễn Khánh Toàn cho rằng: Tình trạng lạm dụng ma túy và các chất gây nghiện đang diễn ra ngày càng phức tạp. Vì vậy, sẽ không có mô hình cai nghiện nào là duy nhất, không có phác đồ điều trị nào là đúng cho tất cả mọi người. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác cai nghiện với nhiều mô hình ở cộng đồng, để không chỉ là nơi chữa bệnh, những mô hình này còn là nơi sẻ chia của gia đình và xã hội trên tinh thần nhân ái, bao dung. Có như vậy thì những người vấp ngã mới tự tin đứng lên làm người có ích.

Bất cập

Cá nhân tôi nhận thấy đây là điều vô cùng bất cập trong việc giải quyết khi có khiếu kiện xảy ra, nếu như không nói là cơ quan chức năng sẽ lúng túng trong việc hủy quyết định hành chính trong sự việc nêu trên. Mặt khác thẩm quyền của UBND sẽ đảm bảo việc sát sao hơn đối với từng cá nhân người nghiện. Nếu luật quy định chuyển thẩm quyền quyết định cai nghiện bắt buộc từ UBND sang TAND, vô hình trung tạo điều kiện cho tòa "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Liễu hải (thực hiện)

Hành trình cai nghiện của gã giang hồ nổi tiếng Tân Cảng

Thứ 5, 11/04/2013 | 15:23
Trải qua những bĩ cực của tuổi thơ và nỗi ám ảnh của những phận đời nghiện ngập, gã giang hồ lừng lẫy đất Tân Cảng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) một thời tạo nên một kỳ tích cứu giúp những con nghiện thoát khỏi "cái chết trắng" hành hạ.