Chuyện tình của thi sĩ Nguyễn Thụy Kha

Chuyện tình của thi sĩ Nguyễn Thụy Kha

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Ông không trách ai khi tình yêu "đẹp như mơ" đổ vỡ vì đó là sự khắc nghiệt của chiến tranh.

Có thể cái tên Nguyễn Thụy Kha không "đóng đinh" trong tâm trí công chúng nhưng những "đứa con tinh thần" đã làm việc đó thay ông. Không ít người sẽ "à" lên một tiếng khi đọc các vần thơ quen thuộc: "Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Rơi cơn mưa ban trưa/ Chợt thấy mình tách làm hai nửa/ Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa"...

Xã hội - Chuyện tình của thi sĩ Nguyễn Thụy Kha

Chân dung nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

Tin đồn hi sinh làm tan vỡ mối tình đẹp

Có lẽ sẽ là một câu giới thiệu rất dài để có thể kể hết chức danh mà con người tài hoa này sở hữu. Nguyễn Thụy Kha nổi tiếng nhờ thơ, có bằng kĩ sư kĩ thuật thông tin, viết báo sắc sảo và có rất nhiều giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam. Thoáng qua nghe có vẻ vô lý nhưng lại rất hợp lý với Nguyễn Thụy Kha. Tôi có dịp tiếp xúc với ông 2 lần, lần trước gặp để nghe ông kể về mối tình của một người khác, lần này quay lại để được nghe câu chuyện của chính ông, cũng là hoàn cảnh ra đời của bài thơ "Không đề" nổi tiếng.

Nguyễn Thụy Kha cao, dáng vẻ trầm ngâm và luôn chậm rãi. Từ từ châm điếu thuốc, giọng trầm buồn, ông kể lại những kỉ niệm một thời sinh viên như những thước phim quay chậm. Nhà thơ "Không đề" trước là sinh viên đại học Kĩ thuật Thông tin liên lạc (nay là Học viện Bưu chính viễn thông). Năng nổ và đa tài, cậu chiếm được tình cảm của cô hoa khôi trường lúc đó. Được "phong hàm" hoa khôi, khỏi phải nói cô có nhiều "đuôi" đến mức nào nhưng cô lại "phải lòng" chàng sinh viên đất Cảng. Người con gái Hải Phòng đã để lại trong trái tim chàng trai đồng hương những kỉ niệm của một mối tình đẹp.

Nhưng có lẽ "tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở", chuyện tình sinh viên chỉ kéo dài vỏn vẹn 4 năm trên giảng đường đại học. Đã có lúc hai người tính đến chuyện kết hôn, nhưng "người tính không bằng trời tính", chiến tranh đã làm thay đổi mọi dự định. Năm 1971, Nguyễn Thụy Kha nhập ngũ. Chàng binh nhì để lại "một nửa thương nhớ" nơi Thủ đô để vào chiến trường Quảng Trị. Bom đạn đã làm lạc đi nhiều cánh thư yêu. Để rồi trong một lần đi công tác, chiếc xe chở Kha và đồng đội gặp nạn. Tin tức loan truyền về đến Hà Nội là anh đã hi sinh. Chiến tranh khắc nghiệt chính thức chia lìa đôi tình nhân trẻ. Một năm sau, cô lên xe hoa về nhà chồng, giữ trong lòng những dư vị đẹp đẽ của tình yêu.

Vì có khả năng làm văn nghệ, mùa thu năm 75, Nguyễn Thụy Kha được về Hà Nội để tuyển quân cho đội văn nghệ quân đội. Bạn bè xưa ngỡ ngàng và vui mừng khi được gặp lại anh. Tuy nhiên cô hoa khôi đại học thuở nào lại có tâm trạng khác. Giờ cô "ván đã đóng thuyền", anh tuy buồn nhưng hiểu cho cô. Dừng dòng suy tưởng, Nguyễn Thụy Kha quay sang nói với tôi nhưng dường như là nói với chính mình: "Đó là sự khắc nghiệt của chiến tranh, không thể trách ai vì chẳng ai có lỗi, mình chỉ biết chấp nhận thôi".

Trong đợt tuyển quân đó, anh gặp một cô nữ sinh Hà thành xinh xắn và có chí tiến thủ. Sự đồng cảm nhanh chóng đưa hai người lại gần nhau hơn. Cuối năm 77, anh đưa cô về Hải Phòng ra mắt gia đình. Chuyến tàu trưa đưa hai người từ Hà Nội về đến đất Cảng. Trên quãng đường từ ga về nhà, khi hai người đi đến con phố Cát Dài (nay là phố Hai Bà Trưng) thì trời bất chợt đổ mưa. "Không hiểu thế nào, đi đến gần nhà cô người yêu cũ thì trời lại đổ cơn mưa. Tôi dẫn cô người yêu mới đến trước cửa nhà người yêu cũ trú mưa. Tôi nói với cô ấy: "Đây là nhà người yêu cũ của anh". Cảm xúc lúc đó rất lạ. Tối về, tôi viết thật nhanh mấy câu thơ: "Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Rơi cơn mưa ban trưa/ Chợt thấy mình tách làm hai nửa/ Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa", nhà thơ Nguyễn Thụy Kha kể lại.

Sự tình cờ đầy duyên số

Cô người yêu mới, cũng là vợ của ông bây giờ là độc giả trung thành nhất của bài thơ ấy. Bà luôn hiểu và thông cảm cho ông từ những ngày đầu tiên cho đến tận bây giờ. Nói bà là độc giả trung thành nhất vì bà đã yêu mến bài thơ đó từ những năm 77, còn độc giả thì phải đến năm 87 mới được biết đến 4 câu thơ này. Năm 1987, nhà xuất bản Phụ nữ tuyển chọn một tập thơ tình, lấy tên là "Mưa đền cây", "Không đề" từ đó mới được phổ biến. Và chỉ vài năm sau, nó đã "chễm chệ" trong sổ tay của không biết bao thế hệ học trò.

Nói về thơ tình của mình, Nguyễn Thụy Kha cho biết: "Chủ thể người yêu muôn thuở là nguồn cảm hứng của thơ tình. Chỉ có người yêu mới sắp xếp lại được cái xộc xệch của ta mà đời sống đầy biến động mang tới. Nhưng trong người yêu cũng có một sự luân chuyển tự nhiên".

Cuộc đời cho Nguyễn Thụy Kha quá nhiều cơ hội. Phục vụ trong quân ngũ một thời gian thì ông được cử đi học một lớp chuyên tu âm nhạc. Kết thúc lớp nhạc, ông lại được vào học trường viết văn Nguyễn Du khóa 1. Từ đó, ông vào vòng xoáy làm thơ, viết báo, sáng tác ca khúc và nghiên cứu âm nhạc. Năm 2007, ông sang Mỹ công tác và gặp Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh khoa Ngôn ngữ và Á Đông thuộc đại học Havard, Mỹ.

Trong một lần trò chuyện, ngẫu hứng Nguyễn Thụy Kha đọc "Không đề". Bất chợt TS Vinh "ôm vai bá cổ" nói: "Tôi đọc và rất tâm đắc với bài thơ này nên đã dịch nó sang tiếng Anh, bản dịch được rất nhiều sinh viên yêu thích. Tôi dịch mà không biết tác giả là ai, giờ lại được ngồi đọc thơ với chính cha đẻ của "Không đề". Dịch giả và tác giả gặp nhau một cách tình cờ như vậy. Từ ngày định mệnh đó, hai con người ấy trở thành tri kỉ của nhau.

Nguyễn Thụy Kha đến với thơ cũng rất tình cờ. Ngược thời gian về tuổi thơ, ông nhớ lại những vần thơ đầu tiên của đời mình: "Thời thơ ấu, tôi có thích văn học. Nhưng mãi tới năm học lớp bảy, tôi mới có dịp về thăm quê nội ở Sen Hồ, Hà Bắc. Đấy là một ngôi làng xinh xắn và tĩnh mịch. Buổi chia tay với quê nội về nhà, bỗng dưng trong tôi xuất hiện một tình cảm khác thường và chẳng biết có gì xui khiến, tôi đã viết một bài thơ. Tôi chỉ nhớ lo mơ vài câu thơ sau: "Xa rồi mái tóc bác bạc phơ/ Xa rồi Nếnh buổi sớm mai nhộn nhịp". Bác ở đây là bác ruột (chị ruột bố). Rõ ràng khi ấy, tôi là một nhà thơ chủ quan, chỉ chìm ngập trong chính mình, chỉ sống với xúc động, thích thú của mình. Thơ đối với tôi khi ấy như một thứ tự thuật và giải thoát...".

Tự nhận mình là người Hải Phòng "zin", khi còn là sinh viên đại học, Nguyễn Thụy Kha đã làm bài thơ đầu tiên về Hải Phòng, tại Hải Phòng trong một kỳ hè của chiến tranh. Ông kể lại: "Sau một năm xa cách, khi tôi đã đi học đại học, tôi trở về Hải Phòng trong một đêm tối trời. Nhìn thành phố đổ nát sau chiến tranh nhưng con người vẫn sống, vẫn cười đùa, vẫn đi lại nhộn nhịp, tôi thấy lòng mình lắng hẳn xuống. Sau đó, bài thơ "Đêm về trên bến cảng" ra đời. Trong bài thơ ấy, ngoài nhu cầu giải thoát tâm trạng chính mình, tôi còn muốn nói với rất nhiều người về sức sống của Hải Phòng trong những năm chiến tranh ác liệt. Nhưng ý định làm thơ thực sự là lúc tôi vào bộ đội. Khi đó tâm hồn tôi giằng xé bởi những ước mơ, khao khát, bị gác lại với thực tại gian khổ mà người lính phải chấp nhận. Đến bây giờ, sự giằng xé đó vẫn là nét chủ đạo trong thơ tôi. Tôi thực sự muốn làm thơ để khám phá, để đóng góp những phát hiện làm hoàn chỉnh chân dung người lính thế hệ mình".

Thanh Xuân