Chuyện tình của vợ chồng nghệ sỹ nông dân

Chuyện tình của vợ chồng nghệ sỹ nông dân

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Đã ngoài độ ông bà nhưng tình cảm của hai vợ chồng Huy Thường Bích Hảo vẫn như tuổi đôi muơi. Chồng cầm chầu, vợ hát, người đời vẫn gọi họ với cái tên: Vợ chồng nghệ sỹ nông dân làng Dương Cốc...

Cơ duyên đến với tiếng hát tuồng

Dương Cốc là một làng có truyền thống văn nghệ lâu đời của huyện Quốc Oai (Hà Nội). Truớc Cách mạng, trong làng đã có nghiệp hát tuồng bắc từ đời cha ông truyền lại, đến khi chiến tranh nổ ra, dân làng lại rủ nhau hát chèo, hát cải luơng. Cơ duyên đến năm 1967, nhà hát tuồng liên khu V (nay là nhà hát tuồng Đào Tấn) tản cư về làng, những đứa trẻ Duơng Cốc lại có cơ hội được tiếp xúc với lối hát tuồng nam. Không ngờ, lối hát từ một nơi cách đó hàng trăm cây số lại là sợi chỉ xe duyên cho đôi vợ chồng Huy Thường- Bích Hảo.

Sự kiện - Chuyện tình của vợ chồng nghệ sỹ nông dân

Vợ chồng nghệ sĩ nông dân Huy Thường- Bích Hảo.

Cũng như thanh niên trong làng, ngoài thời gian đi học, đi làm ban ngày, cứ tối đến cô Hảo, cậu Thường lại đi tập văn nghệ. Đội văn nghệ thanh niên của làng lúc đó khá đông nhưng không hiểu vô tình thế nào, ngay từ những vở diễn đầu tiên, hai người đã được sắp cho đóng cặp vợ chồng với nhau.

Năm 1973, đội văn nghệ nhận quyết định dựng vở Vợ chồng chị Ngộ, chị Hảo đóng vai người vợ thảo hiền có chồng bị giặc bắn và giết. Trong vòng lao lý của kẻ thù, người vợ trẻ tìm cách trốn về nuôi mẹ chồng và con thơ, vẫn quyết tâm nuôi giữ mối thù giết giặc.

Nhìn chị Hảo diễn đạt quá, khiến những người lớn trong làng phải giật mình, mẹ chị quyết định không cho diễn nữa vì sợ điềm gở. Ngày nào cũng diễn cùng nhau, đột nhiên bị cấm khiến anh Thường cảm thấy lo lắng. Không trông thấy nhau thì nhớ, thấy nhau thì thẹn, phải khó khăn lắm anh mới dám ngỏ lời, vì sợ nếu không nói ra thì sẽ mất người thương. Ngày ấy, chị Hảo nhiều người theo đuổi lắm.

Nhà anh thì nghèo, một mẹ một con, đến một túp lều riêng cũng không có, phải đi ở nhờ. Ngỏ lời với nhau, được tổ chức tác thành cho nhưng vì nghèo nên bị cha mẹ hai bên phản đối. Quan niệm môn đăng hộ đối vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ của người làng.

Chị Hảo vốn con nhà khá giả trong làng, sợ con gái vất vả, mẹ chị nhất quyết không đồng ý. Ngày tết, lễ, anh Thường cứ kiên trì đến, chút quà lễ lạt gọi là thành tâm. Mãi một tháng trước lễ cưới, anh mới được bà cụ đồng ý. Đến bây giờ, hai vợ chồng vẫn còn hỏi nhau: Nếu ngày đó không có vở Vợ chồng chị Ngộ thì hai người có đến được với nhau không?

Một đám cưới nho nhỏ được tổ chức đứng ra vun vén cho hai vợ chồng. Những khó khăn bắt đầu đặt lên vai hai vợ chồng trẻ. Gánh nặng cơm áo và niềm đam mê nghệ thuật buộc họ phải lựa chọn. Thêm phần ác cảm của mẹ chồng từ trước khiến chị Hảo nhiều khi muốn từ bỏ. Bà cụ chỉ muốn con dâu ở nhà chăm lo nhà cửa, chồng con. Đến từng nếp ăn, nếp ở của con dâu cụ cũng soi từng chút một.

Ở nhà với cha mẹ được chiều chuộng bao nhiêu thì khi làm dâu vất vả bấy nhiêu nhưng bản thân chị cũng hiểu được nỗi khổ của mẹ chồng, người đàn bà bao nhiêu năm chịu cảnh lẽ mọn, cái khó, cái nghèo đâm ra khó tính. Chị cắn răng chịu đựng. Nhiều khi, để tỏ ra bênh mẹ, anh Thường cũng phải ra vẻ mắng vợ rồi tối đến lại thủ thỉ với nhau cho nhau hiểu. Cũng may, chị Hảo được bà con hiểu và có tiếng dâu thảo nhịn mẹ chồng trong làng. Khó khăn, vất vả nhưng hai vợ chồng vẫn kiên trì trong cuộc chiến thuyết phục mẹ chồng để được đứng hát bên nhau.

Những đứa con lần lượt ra đời, tiếng trống, ánh đèn sân khấu vẫn gắn với anh chị mỗi đêm. Miếng cơm manh áo trói ghì tiếng hát lại, đêm đi diễn, ngày đến hai vợ chồng lại kéo nhau lên rừng kiếm củi đong gạo. Hai đứa trẻ nheo nhóc ở nhà, thằng lớn trông thằng bé, chiều về trông đứa nào đứa nấy nhem nhuốc, lấm lem bùn đất, vợ chồng chỉ chực rơi nước mắt nhìn nhau. Trong làng, nhà nào nhà nấy con đàn con đống, nhìn cũng thích nhưng bảo đẻ thêm hai vợ chồng chỉ dám lắc đầu.

Nằm trong danh sách phải đi lính, nhưng gia cảnh hiếm muộn, thiếu ăn triền miên, mới nhập ngũ được hơn 1 năm, anh Thường đã được đơn vị cho ra quân. Về nhà, nhìn thấy dáng vợ như lệch hẳn một bên giữa gùi củi to quá đầu khiến anh Thường thấy đắng lòng. Chưa một lần anh nghe thấy vợ than thở một câu.

Chiến tranh ngày càng trở nên ác liệt hơn, đội văn nghệ không chỉ nhận nhiệm vụ biểu diễn cho bà con trong làng mà còn phải đi lưu diễn khắp nơi để dấy lên phong trào "tiếng hát át tiếng bom". Có những chuyến phải đi diễn cả tuần, cả tháng, không biết gửi con cho ai trông, vợ chồng con cái lại phải cắp nhau đi trên những chuyến xe bò lọc cọc. Vừa đi, vừa phải lọ mọ kiếm ăn, vừa phục vụ cách mạng.

Lên sâu khấu, đóng vai vua quan, hoàng hậu, lầu son thếp vàng, oai phong là vậy mà trong bụng đói cồn cào. Con ốc, con cua thay cơm độn mì, độn khoai những lúc thiếu đói. Vợ chồng con cái vẫn vui vẻ bên nhau cho dù người nào người nấy trông xanh lét.

Sự sống và cái chết không chỉ ở ngoài chiến trường mà còn ngay trên chính sân khấu. Nhiều lần, khi đang diễn, máy bay địch kéo đến, bao nhiêu cờ kéo cũng phải bỏ đó mà chạy. Có bận, địch vừa thả bom, vừa cho lính nhảy dù xuống phục kích, canh diễn trở nên tán loạn, hai vợ chồng cứ thế mũ mão, tay bồng tay bế, dắt con chạy. Nhiều năm sau nghĩ lại, với họ cảm giác vẫn như mới hôm qua.

Tình yêu đã đưa đường chỉ lối cho đôi vợ chồng Huy Thường- Bích Hảo đi qua những năm tháng khó khăn, hiểm nguy chiến tranh. Đến thời bình, họ lại lao vào cuộc chiến xây dựng kinh tế gia đình. Thời gian nông nhàn, chồng đi làm thợ mộc, vợ chạy chợ buôn bán gà vịt cũng nuôi được các con đến tuổi trưởng thành.

Dựng vợ, gả chồng cho các con xong, chị Hảo mới có cơ hội dành nhiều thời gian hơn cho những vở diễn. Tuy ở tuổi không còn đẹp nữa, thân hình đã phát phì ra nhưng mỗi lần cất lên tiếng hát vẫn đắm say như ngày nào. Yêu vì mỗi khi đứng lên sâu khấu có thể tạm gác hết những lo âu của cuộc sống đời thường và hóa thân thành những số phận khác nhau, anh chị cảm thấy lo lắng khi tiếng hát ngày một thất truyền đi. Những người trẻ trong làng giờ đây có quá nhiều mối bận tâm, quá nhiều thứ để giải trí mà quên đi một nét văn hóa của làng.

Tình nghệ sĩ và “bí quyết” giữ hạnh phúc gia đình

Quyết tâm không để tiếng hát mai một, hai vợ chồng lại cùng nhau bước vào "cuộc chiến thứ ba" của cuộc đời mình. Họ cùng với một số người đam mê trong làng thành lập lại và duy trì đội hát tuồng truyền thống. Những ông, bà tuổi ngoại năm mươi, ngoài thời gian đi làm lại tụ tập cùng nhau để diễn, hát và dạy dỗ cho những người trẻ trong làng. Tuy ít ỏi nhưng thấy vẫn có những người có đam mê, đó được xem như niềm động viên lớn của hai vợ chồng, thêm sức mạnh cho họ không bỏ cuộc.

Khi chúng tôi tìm đến căn nhà của hai vợ chồng ở giữa làng Dương Cốc, căn nhà mới cất lên còn chưa sơn trát vôi ve, thấy hai vợ chồng hồ hởi ra đón. Mới từ phiên chợ về, lại thêm phần mới ốm dậy nhưng chị Hảo vẫn nhiệt tình hát cho chúng tôi nghe. Cô cháu gái năm nay mới lên lớp hai, bé xíu nhưng có đôi mắt sáng. Thấy bà bảo hát thử cho các cô nghe, cô bé nép mình sau vạt áo bà. Được mọi người động viên, bé mới cất tiếng hát lên, tròn vành rõ tiếng. Ông gõ nhịp thay trống, bà và cháu ngồi trên chiếu hát như một canh diễn khiến chúng tôi có cảm giác như niềm đam mê đã ăn sâu vào máu của gia đình nhỏ này, truyền từ đời ông bà sang con cháu.

Hơn bốn mươi năm gắn bó với tiếng hát tuồng, đi diễn ở khắp nơi, số lượng bằng khen và giải thưởng không đếm hết được nhưng anh chị chưa một lần được công nhận nghệ sĩ chuyên nghiệp. Với anh chị, chỉ có sự yêu ghét của khán giả dành cho những vai diễn mới là sự đánh giá quan trọng nhất.

Hàng trăm vở diễn trong bấy nhiêu năm, không phải vở diễn nào cũng được đóng cặp với nhau, anh chị tâm sự, nghề diễn phải có sự thông cảm lắm mới giữ được hạnh phúc cho đến ngày hôm nay. Có những khi màn sân khấu khép lại rồi, nhưng những tình cảm vai diễn vẫn còn dư âm. Mỗi lần ngồi dưới sân khấu trông lên, thấy vợ hoặc chồng diễn với người khác tình tứ và dạt dào yêu thương, anh chị cũng không tránh khỏi hờn ghen.

Biết thế nhưng diễn khác đi thì không được, phải tập nhịn và quên. Sự quên và nhịn có lẽ cũng là một thứ gia vị để giữ lửa cho tình yêu của hai anh chị trong suốt ngần ấy năm, đi qua chiến tranh và đi qua khó khăn mà vẫn giữ được niềm đam mê với tiếng hát tuồng.

Đạo diễn Lưu Ngọc Nam, Nhà hát tuồng Trung ương khẳng định: "Mặc dù chỉ là người nông dân - nghệ sĩ không chuyên nhưng chị Hảo có giọng hát tuồng rất đặc biệt với khả năng chuyển tiết tấu, lối nhấn giọng vừa sắc gọn vừa mượt mà. Chị có thể vào các vai các kép nam rất "điệu nghệ" hoặc những vai đào thương trong một vở tuồng cũng rất ngọt ngào…".

Đỗ Huệ