Chuyện tình đi vào thi ca của nữ liệt sỹ làng Xuân Dục

Chuyện tình đi vào thi ca của nữ liệt sỹ làng Xuân Dục

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Cô nữ dân quân đã liều mình cản bước chân địch và báo hiệu cho các đồng đội.

"Giặc giết em rồi, dưới gốc thông/Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa/ Em sống trung thành chết thủy chung...”những câu thơ đầy xúc động trong bài thơ Núi Đôi của nhà thơ Vũ Cao vẫn được người dân xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội ngâm khi nhắc về liệt sỹ Trần Thị Bắc. Người nữ dân quân làng Xuân Dục ấy đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ những người đồng đội của mình trước họng súng của kẻ thù. Không chỉ có thể, đến mảnh đất này, chúng tôi còn được gặp cô giáo Lê Thị Thức, một người con của đất Phù Linh vốn được biết đến với giọng ngâm ngọt ngào, da diết.

Xã hội - Chuyện tình đi vào thi ca của nữ liệt sỹ làng Xuân Dục

Cô giáo Lê Thị Thức

Cô nữ dân quân xả thân cứu đồng đội

Theo người dân, sở dĩ ngọn núi mang tên Núi Đôi vì hai quả đồi phủ bên trên một rừng thông xanh nằm sát cạnh nhau. Nhìn từ xa, Núi Đôi đẹp lung linh giống hệt bầu sữa mẹ căng tròn nuôi dưỡng cho đàn con của mình.

Nói đến người liệt sĩ Trần Thị Bắc, người dân ở Phù Linh ai ai cũng biết. Bởi bà chính là một hình tượng, một nhân vật mà họ luôn tôn thờ. Bao nhiêu năm qua, người dân nơi đây vẫn thường kể với nhau về nữ dân quânTrần Thì Bắc. Được biết, đó là một người gái xinh đẹp, hát hay và khéo ăn nói. Bà tham gia hoạt động cách mạng từ năm 17 tuổi và được giao cả ba nhiệm vụ: Quân báo, cứu thương và binh vận.

Ngày 21/3/1954, Trần Thị Bắc lĩnh nhiệm vụ đưa Đoàn cán bộ di chuyển ra vùng tự do thì bị địch phục kích. Người nữ dân quân trẻ tuổi lúc ấy không tiếc thân mình cản địch và báo hiệu cho mọi người chạy thoát.

Từ chân Núi Đôi, không khó khăn để chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Nhuận, em ruột của liệt sỹ Trần Thị Bắc. Dù đã bước sang tuổi 66, nhưng câu chuyện về người chị gái của mình thì đến bây giờ ông vẫn còn nhớ như in.

Ông Nhuận tâm sự: “Ngày ấy chị ấy hăng hái tham gia phong trào du kích. Mỗi ngày về nhà chỉ ăn vội mấy củ khoai nướng rồi lại vội vàng đi ngay. Ngày nghe tin bố bị địch tra tấn, hy sinh ở chiến trường Điện Biên Phủ chị khóc mấy ngày liền. Mấy lần chị định liều chết ném lựu đạn đánh phá căn cứ giặc. Thế nhưng, khi bố tôi thoát chết trở về thì chính chị lại hy sinh.

Ông Nhuận còn nhớ rất rõ cái ngày định mệnh ấy, hôm đó là ngày 16/3/1954. Khi chị làm nhiệm vụ dẫn đường cho đoàn cán bộ sang căn cứ xã tân Minh thì bị giặc phục kích. Chị nhanh chóng báo hiệu cho đoàn người phía sau để tránh địch. Tuy nhiên, thấy địch đến quá gần, tình thế quá nguy cấp, chị vội ôm chặt mấy tên lính Tây để đồng đội kịp chạy thoát. Từ đằng xa, các chiến sĩ chỉ nghe thấy tiếng nổ vang trời từ những loạt đạn. Những viên đạn khô khốc cứ liên hồi giáng thẳng vào ngực của người nữ dân quân. Chị đã hy sinh ngay tại chân Núi Đôi.

Đến nay, người người dân ở Phù Linh còn kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình của người nữ dân quân và anh bộ đội tên Trịnh Khanh như một giai thoại. Khác với những đôi lứa khác, mối tình của người nữ dân quân và anh bộ đội lại là một tình yêu kháng chiến. Ngày đó, ông Trịnh Khanh là bộ đội, đóng quân ở đại đội Trần Quốc Tuấn. Khi nữ du kích Trần Thị Bắc được cử đi học lớp y tá trên huyện đội Sóc Sơn, một người bạn cùng đơn vị với ông Trịnh Khanh đã kể về Trần Thị Bắc cho ông Trịnh Khanh nghe.

Tò mò về một cô du kích cùng quê, vừa xinh đẹp lại vừa có tiếng gan dạ, dũng cảm, ông Trịnh Khanh đã đến gặp gỡ, làm quen. Sau nhiều lần trò chuyện, cả hai đã dần cảm mến nhau. Nhưng phải hai năm sau đó, vào năm 1952, người lính cụ Hồ và nữ du kích Trần Thị Bắc mới ngỏ lời yêu nhau.

Đầu năm 1953, anh bộ đội tên Trịnh Khanh và cô dân quân Trần Thị Bắc tổ chức đám cưới ngay tại đơn vị của chú rể. Thế nhưng, cuộc sống vợ chồng của đôi bạn trẻ thật ngắn ngủi. Hai ngày sao khi cưới, họ tạm chia tay mà không hẹn ngày về. Ông Khanh theo đơn vị chuyển quân đến địa điểm mới. Thế rồi, ba tháng sau, người nữ dân quân làng Xuân Dục đã ngã xuống trước họng súng của kẻ thù.

Tác giả vẫn chưa biết nữ liệt sĩ có chồng

Khi Hiệp định Genève được ký kết, một buổi chiều cuối năm 1954, người ta nhìn thấy một anh bộ đội vai đeo ba lô bước về, nhưng không vào làng ngay mà ngồi thẫn thờ bên ngôi mộ chị Bắc ven gò Cầu Cốn. Ông Khanh nghẹn ngào như câu thơ Vũ Cao đã viết "Anh ngước nhìn lên hai dốc núi/ Hàng cây, bờ cỏ, con đường quen/ Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em".

"Không hiểu vì sao nhà thơ Vũ Cao lại có thể đồng cảm, hiểu tâm trạng của người trong cuộc đến như thế", ông Khanh nói. Sau khi đất nước thống nhất, ông Khanh đã tới tìm gặp nhà thơ Vũ Cao. Nói chuyện một hồi, nhà thơ này mới bàng hoàng thốt lên: "Thế Bắc có chồng rồi à?"

Hiện nay, tại làng Xuân Dục, mỗi khi nhắc đến bài thơ là người ta nghĩ ngay đến cô giáo Lê Thị Thức. Năm 1975, cô Thức vừa tròn 17 tuổi, đúng bằng cái tuổi của nữ du kích trong bài Núi Đôi. Cô gái trẻ đã hăng hái tham gia các phong trào văn nghệ ở địa phương. Chính vì thế, cô Thức đã nhiều lần được nghe những người cao tuổi trong làng kể chuyện về sự hy sinh quà cảm và mối tình thiêng liêng, cao cả của người du kích tên Trần Thị Bắc.

Thế rồi, không biết từ lúc nào, bài thơ này đã gắn chặt vào trong trí nhớ của cô gái trẻ. Cô yêu thích bài thơ Núi Đôi đến lạ thường và yêu người nữ dân quân kháng chiến.

Một lần các bạn học sinh miền Nam học ở Vĩnh Yên lên thăm Núi Đôi. Cô Thức đã ngâm bài thơ này cho họ nghe. 16 khổ thơ dài tương ứng với 84 câu qua sự thể hiện của cô như có hồn khiến các bạn học sinh miền Nam đều rưng rưng nước mắt. Họ không thể cầm lòng được trước những dòng thơ về cuộc đời, mối tình của cô nữ dân quân ngày nào.

Kể từ ngày đó, chất giọng mượt mà, sâu lắng, đầy cảm xúc của cô bắt đầu được chú ý. Các cuộc hội nghị, hội diễn ở địa phương cô đều được mời đến để ngâm bài thơ nổi tiếng này. Trong tất cả những lần đó, cô đã thể hiện bài thơ bằng tình cảm chân thành và sự rung động từ chính trái tim mình. Đặc biệt trong những lễ kỉ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ, nhìn những bà mẹ, những người vợ có chồng để lại thân thể mình ở chiến trường đều xúc động nghẹn ngào khiến cô thấy mình như được động viên, chia sẻ.

Nhưng kỷ niệm sâu sắc và đáng nhớ nhất đối với cô chính là lần được mời đến ngâm bài thơ Núi Đôi cho chính tác giả, nhà thơ Vũ Cao nghe trong một lần ông về thăm huyện Sóc Sơn.

Cô thực sự xúc động và hạnh phúc khi nghe nhà thơ Vũ Cao nhận xét rằng: “Tôi đã từng được nghe nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp ngâm bài thơ ở những thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, chưa bao giờ được nghe ai thể hiện một cách chân chất và đầy tình cảm đến vậy”. Không chỉ sở hữu một chất giọng mượt mà, sâu lắng mà cố Thức còn nhiệt tình tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ của ngành, của địa phương.

Bài thơ ra đời trong bom đạn

Sự hy sinh quả cảm và mối tình có thật của nữ dân quân Trần Thị Bắc đã làm rất nhiều người xúc động trong đó có nhà thơ Vũ Cao. Trong một lần hành quân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ qua Núi Đôi, thi sĩ Vũ Cao được người dân kể cho nghe câu chuyện về cô nữ du kích tên Trần Thị Bắc. Và những hình ảnh về cô gái làng Xuân Dục và mối tình của cô đã làm rung động trái tim nhà thơ này. Ngay trong đêm đó, ông đã cầm bút viết nên những dòng thơ mà không theo một thể thơ nào: "Núi vẫn đôi mà anh mất em!". Những câu thơ tiếp theo cứ viết ra cùng mạch cảm xúc mặc dù ông cũng chưa một lần gặp người dân quân ấy. Một bài thơ về Núi Đôi đầy cảm xúc được sáng tác ngay trong tiếng gầm của bom đạn.

Đào Giang