Chuyện tình người lính cuối cùng trong sự kiện Vũng Rô

Chuyện tình người lính cuối cùng trong sự kiện Vũng Rô

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Trên những con tàu không số, người chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã phải gồng mình để chịu đựng muôn vàn khó khăn để vận chuyện vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Phía sau sự khốc liệt đó, có chuyện tình yêu trong sáng, thơ mộng lấn át cả tiếng bom rơi, đạn nổ.

Đã 50 năm, kể từ ngày những người lính trong đoàn tàu không số trở về với cuộc sống đời thường. Những ngày tháng 10 này, họ lại có dịp hội ngộ ở ngay tại nơi mà cái chết cận kề với sự sống. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn nhắc đến chuyện tình của chàng trai xứ dừa miền Tây và cô gái đất Cảng miền Bắc. Bởi câu chuyện ấy đã trở thành bản tình ca bất tử, thơ mộng và đẹp lung linh.

Xã hội - Chuyện tình người lính cuối cùng trong sự kiện Vũng Rô

Vợ chồng thiếu tá Huỳnh Văn Tiến cùng cháu nội trong ngày hội ngộ Tàu không số

Gặp người lính cuối cùng của sự kiện Vũng Rô

Ông Huỳnh Văn Tiến - chủ nhân của cuộc tình lãng mạn ấy, nhớ lại: Ngày ấy, trước họng súng của kẻ thù, cận kề giữa sự sống và cái chết, người chiến sĩ Huỳnh Văn Tiến cùng đồng đội trên con tàu không số 143 đã anh dũng chiến đấu quả cảm, kiên cường để bảo vệ từng khẩu súng từng viên đạn chi viện cho miền Nam. Sự kiện Vũng Rô (xã Hòa Hiệp - Tuy Hòa - Phú Yên) là dấu mốc chấm dứt một giai đoạn hoàn toàn bí mật của tuyến vận tải quân sự trên biển mang tên Hồ Chí Minh.

Đến nay đã hơn nửa thế kỉ, những chiến sĩ trong đoàn tàu không số 134 năm ấy giờ chỉ còn vài người, họ đều ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy". Ông Mười Tiến năm nay đã bước sang tuổi 74 song gương mặt ông vẫn còn phảng phất nét rắn rỏi, đanh thép của người đi biển. Là một trong những nhân chứng sống cuối cùng, ông được mời đi nói chuyện ở các buổi gặp mặt, giao lưu với các thế hệ con cháu sau này. Chất giọng Nam bộ rành rọt, sang sảng của ông kể về lịch sử vẫn còn nguyên khí phách tự hào về lòng dũng cảm, kiên trung của một người lính Hải quân.

Nhiều người biết đến những người lính hải quân anh dũng, ngoan cường, đối đầu với địch thì mưu trí, dũng cảm. Nhưng ít ai biết được họ cũng có những chuyện tình giống như tiểu thuyết lãng mạn diễn ra ngay trong khói lửa chiến tranh.

Chuyện tình bằng thơ của người lính trên tàu không số

Những người lính trên các con tàu không số ra đi là những cảm tử quân. Họ không hẹn ước ngày trở về, không thư từ, không một dòng nhắn gửi. Cứ thế biền biệt lênh đênh trên biển cả, bám trụ với con tàu với hàng tấn vũ khí thiết yếu chi viện cho miền Nam.

Ngày ấy, chàng trai trẻ Huỳnh Văn Tiến ra đi mang theo lời thề với Đảng với đất nước sẽ chiến đấu hết mình cho độc lập dân tộc để rồi "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Không ước hẹn ngày về, anh có mặt trên nhiều chuyến hàng chở vũ khí vào miền Nam. Trong những ngày đợi lệnh ở bến Đồ Sơn (Hải Phòng) tình cờ anh gặp được người con gái xứ Bắc tên Nguyễn Thúy Quỳnh.

Ngày ấy, thanh niên thường nhút nhát lắm, cả một thế hệ cứ lưu truyền mãi tới tận ngày nay. Mười Tiến lại là trai miền Tây ra Bắc, xem như anh đã mất lợi thế về mặt ngôn ngữ, vùng miền với con trai bản địa. Nhưng khi vừa mới gặp người con gái xứ Bắc này thì anh đã đem lòng thương yêu nhưng không dám nói mà chỉ gửi thông điệp qua ánh mắt mỗi lần gặp mặt. Cũng thật lạ, giữa biết bao chàng trai theo đuổi mà cô thôn nữ Thúy Quỳnh không ưng ai. Vậy mà chỉ vừa chạm phải ánh mắt đầu tiên anh lính hải quân Bến Tre này cô đã thấy cảm mến.

Tình cờ biết được anh Nguyễn Xuân Thơm, một đồng đội của anh Tiến có người yêu là bạn của cô Quỳnh nên những lần anh Thơm tới thăm người yêu, anh Tiến đều xin theo. Gặp nhau được vài lần, "tình trong như đã mặt ngoài còn e", Mười Tiến có ý ngỏ lời nhưng chưa kịp thì có lệnh rời bến, anh phải lên đường làm nhiệm vụ.

Anh Tiến lên đường, giữa sự sống và cái chết, họ chẳng thể trao nhau một lời hẹn, nhưng dường như trong tim mỗi con người đều có một sự lay động không nói thành lời. Cô Quỳnh kể: "Tôi cũng có tình cảm với anh ấy nhưng vì nhiệm vụ, chiến tranh nên cứ sợ chẳng ai dám nói với nhau lời nào. Đến khi anh đi xa rồi mới ngẩn ngơ nuối tiếc".

Thật bất ngờ, những chuyến đi của Mười Tiến đều thành công, anh lại có dịp quay ra miền Bắc. Một ngày đẹp trời trên bến Đồ Sơn, anh đang thả mình trên một cây cầu nhỏ bắc qua sông thì vô tình gặp lại Quỳnh. Không gì diễn tả nổi mừng vui mừng của hai con người ấy. Chàng lính thủy mỉm cười bông đùa: "Em có muốn làm quen với anh không?" Cô Quỳnh ngập ngừng còn chưa biết trả lời sao thì anh trai miền Tây lãng mạn buông những lời thơ tình tứ: "Chắc em chẳng lấy chồng lính thủy đâu / Lấy chồng lính thủy chóng mọc râu / Trải qua cơn sóng đời đi đứt / Để lại cho em vạn nỗi sầu".

Đôi má của người thiếu nữ xinh đẹp ửng hồng vì ngượng ngùng e thẹn. Lời tỏ tình bằng thơ của anh lính thủy khiến cô quá bất ngờ. Cô nghĩ bụng, trai miền Tây cũng ga lăng, thơ mộng chẳng kém gì trai miền Bắc. Lính thủy suốt ngày làm bạn với sóng biển mênh mông thế mà làm thơ tỏ tình cũng hay thật.

Vậy là trên có trời cao trong xanh, dưới có sóng biển bao la chứng kiến tình yêu thật đẹp giữa thời chiến. Sau đó, họ chính thức làm quen và hẹn hò những câu chuyện dưới trăng.

Yêu nhau chưa được bao lâu thì họ lại phải chia tay cho Mười Tiến lên đường chiến đấu. Hai năm sau, Mười Tiến chính thức ngỏ lời cầu hôn cô gái đất Cảng. Một người miền Bắc xa xôi, một người miền Tây đang oằn mình chiến đấu. Nhưng đã vượt qua tất cả, cô gái đất Cảng rời quê hương lên đường vào Nam theo chồng. Trong ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, có một mối tình vượt ra ngoài phạm vi vùng miền, phong tục. Chính tình yêu chân thành sâu sắc của hai người con miền Bắc và miền Nam đã khiến nhiều người cảm động.

Hòa bình lập lại, niềm vui chiến thắng hòa chung niềm hạnh phúc ngày đoàn tụ. Cô gái Bắc theo chồng về Bến Tre ra mắt họ hàng nhưng thật khó để dung hòa giữa giọng nói, và văn hóa vùng miền. Thương vợ, ông Mười Tiến dứt ruột tình quê đưa vợ lên Sài Gòn lập nghiệp. Rồi ông được điều động về vùng 4 Hải Quân công tác. Một lần nữa, bà lại từ bỏ công việc của một kế toán ở Công ty tổng nha Ngoại Thương về Vũng Tàu với chồng.

Cho đến bấy giờ, cặp uyên ương ngày đó vẫn nồng nàn quấn quýt bên nhau. Hễ ông đi đâu là bà lại theo sau chăm sóc, gánh đỡ một phần khó nhọc. Ông bị nặng tai, hệ quả của những lần hủy tàu bằng bộc phá, những pha lặn ngụp xuống tận đáy biển kiểm tra sự cố. Bà là người thay ông kể lại những câu chuyện từ xa xưa gắn với kỉ niệm của hai người.

Giờ đây, họ đã có cháu nội, cháu ngoạn vui vầy hạnh phúc nhưng chuyện tình người chiến sĩ đoàn tàu không số năm xưa vẫn hiện lên như một thước phim quay chậm về một tình yêu tràn đầy lý tưởng. Tình yêu của người chiến sỹ đoàn tàu không số vẫn không hề phai nhạt theo thời gian. Kỷ niệm lần thứ 36 ngày cưới của họ, ông vẫn làm thơ tặng bà.

Hoa Nguyên