Chuyện tình người 20 lần được cầu hôn

Chuyện tình người 20 lần được cầu hôn

Thứ 2, 04/02/2013 | 16:09
0
Trong chuyến đi công tác về vùng Lục Ngạn, Bắc Giang, chúng tôi được nghe người dân kể lại câu chuyện về bà Hoàng Thị Pít, một phụ nữ ở bản Trạm, xã Sa Lý đã từng 18 lần từ chối lời cầu hôn của trai bản để được sống với người mình yêu.

Lấy chồng năm... 13 tuổi

Được sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân bản địa, chúng tôi tìm về nhà bà Hoàng Thị Pít ở Sa Lý (Lục Ngạn - Bắc Giang) để tìm hiểu rõ thực hư câu chuyện. Năm nay đã bước qua tuổi 80 nhưng bà vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Chúng tôi ngỏ ý muốn nghe lại chuyện năm xưa, khi bà đã từng từ chối 18 lời cầu hôn để đến với người mình yêu, bà Pít chỉ cười. Như muốn tìm thêm sự đồng cảm nên bà đã trải lòng mình: "Lúc trước ở quê, mọi người lấy vợ lấy chồng đều do bố mẹ sắp đặt trước. Tôi cũng đã lấy một đời chồng, khi lên 13 tuổi, bố mẹ gả tôi cho một gia đình giàu có trong làng. Người chồng khi ấy mới 12 tuổi, kém tôi 1 tuổi. Hàng ngày hai vợ chồng đi chăn trâu, có khi không ai chịu ai lại đánh nhau khóc là chuyện bình thường. Gia đình tôi cứ tưởng sang nhà giàu sẽ có cơm ăn và có cuộc sống sung sướng. Nhưng mới 13 tuổi, phận làm dâu phải giã gạo, xay gạo... làm hết mọi việc, làm chậm, làm hỏng thì bị mắng, chửi... thậm chí bị đánh đòn nên tôi thấy tủi thân lắm".

Xã hội - Chuyện tình người 20 lần được cầu hôn

Bà Hoàng Thị Pít kể: "Đến bây giờ vẫn thấy quyết định của mình là đúng".

"Ở nhà chồng được gần một năm thấy khổ quá, tôi trốn về nhà bố mẹ đẻ. Nhà chồng có sang gặp bố mẹ tôi nói chuyện và xin đón về nhưng tôi nhất định không về nữa. Mặc cho hàng xóm dè bỉu, mặc cha mẹ hết lời thuyết phục nhưng tôi vẫn không đồng ý và xin ở lại với bố mẹ. Thời gian sau đó, nhà trai đến đòi tiền phạt, bố mẹ đành vay tiền mua một con trâu và hai con gà đi đền danh dự cho người ta. Khi ấy, con trâu là tài sản lớn lắm, chỉ nhà giàu mới có", bà Pít nhớ lại.

Khi được hỏi vì sao bố mẹ lại bắt bà lấy chồng sớm như vậy? Bà Pít phân trần: "Ngày trước nhà tôi nghèo lắm, chẳng có gạo ăn nên bố mẹ gả tôi cho nhà giàu đổi lấy gạo và mong con mình vào nhà giàu sau này sẽ được sung sướng hơn nhưng ai ngờ. Với lại người Sán Chỉ chúng tôi nhiều người dựng vợ, gã chồng sớm nên khi đó 13 tuổi tôi được cha mẹ gả chồng cũng là bình thường...". 

Sau khoảng lặng giây lát, bà kể thêm, từ lúc bỏ nhà chồng về, bà bị mọi người xem như là đứa con bất hiếu vì không nghe lời bố mẹ. Khi ấy, ông cụ thân sinh ra bà Pít tuyên bố bà phải ở nhà làm việc đến khi nào đủ tiền trả nợ mới cho đi lấy chồng. Năm lên 22 tuổi, đang bị coi là ế thì bà gặp ông Lâm Khanh, một người địa phương. Hai người sớm nảy sinh tình cảm và yêu nhau, thế nhưng khi xin phép gia đình thì bố mẹ bà Pít nhất định không đồng ý, thậm chí, họ còn nói lớn: "Mày lấy nó thì đừng nhìn mặt tao nữa".

Xã hội - Chuyện tình người 20 lần được cầu hôn (Hình 2).

Bà Pít tâm sự: "Cho các con quyền quyết định hạnh phúc của mình nên ai cũng biết trân trọng và vun vén hạnh phúc".

2 tháng, từ chối 18 lời cầu hôn

Không lấy được người mình yêu, bà Pít nai lưng lo làm việc kiếm tiền trả nợ. Đến năm 26 tuổi, số tiền nợ sau lần "bỏ chồng" đã trả đủ nhưng lúc này bà cũng không có ý định lấy chồng. Bà tự "cấm cửa" những chàng trai làng bén mảng đến. Sợ con ế nên bố mẹ bà ra sức tìm kiếm chồng cho con gái. Biết gia đình nào có con trai tầm tuổi chưa lấy vợ là ông bà đánh tiếng trước.

Mặc dù đã 26 tuổi và có một đời chồng, nhưng bà Pít vẫn đẹp mặn mà nên được nhiều chàng trai để ý. "Tôi vẫn còn nhớ tháng 10 và tháng 11 âm lịch năm 1958, chỉ trong vòng hai tháng có tới 18 người mang sính lễ đến hỏi nhưng tôi đều mang trả hết (theo phong tục của người Sán Chỉ ở Sa Lý thì khi nhà trai đem quả cau, miếng trầu đến nhà gái nếu không đồng ý thì người con gái có quyền đem lễ trả lại nhà trai). Tôi lấy lý do trước đó đã lấy một đời chồng do bố mẹ sắp đặt nhưng không thành nên lần này muốn được tự chọn chồng. Nhưng bố mẹ tôi không nghe vẫn muốn tôi làm theo sự sắp đặt của người lớn. Họ đến hỏi là bố mẹ tôi tỏ vẻ vui mừng ra mặt, chưa gì đã gọi trước là ông, bà thông gia. Trong số 18 người đó thì người xa nhất là ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn-Bắc Giang), ngày đó mang sính lễ đi trả tôi phải đi bộ mất cả ngày trời mới tới nơi nên còn nhớ rất rõ. Còn một người tên Trần ít hơn 7 tuổi, khi đem lễ đến nhà thì anh này khóc ngay trước mặt tôi, lúc ra về anh ta kéo tôi lại và nói muốn lấy tôi làm vợ nhưng tôi không chịu", bà Pít kể.

Ai đến hỏi bà cũng đem lễ trả lại, biết không thể ép buộc được nên cuối cùng bố mẹ cũng đành chiều ý con gái. Suốt 4 năm trời, sau lần bị gia đình họ gái từ chối cau trầu, dù ít có cơ hội gặp nhau, tâm tình nhưng giữa bà Pít và ông Lâm Khanh vẫn mang tình cảm sâu đậm. Bản thân ông Lâm Khanh cũng không có ý định lấy người khác mà chỉ chờ khi có cơ hội đón bà Pít về "nâng khăn sửa túi". Thương con gái, cảm động trước tấm chân tình của Lâm Khanh, bố mẹ bà Pít đồng ý cho hai người lấy nhau. 

Xã hội - Chuyện tình người 20 lần được cầu hôn (Hình 3).

Anh Lâm Văn Cùng, con trai bà Pít: Cảm phục trước tình cảm của cha mẹ.

Nghe tin cô Pít lấy chồng, bà con lối xóm đến chung vui rất đông. Mẹ bà Pít chỉ cười và gật đầu khi thấy tân lang mang cau trầu đến lần nữa. Đây là lần thứ 20 có người đến xin lấy con gái bà làm vợ (đây là lần thứ 2 ông Khanh đến cầu hôn và 18 lần trước các chàng trai đến mà bà Pít từ chối). Còn người dân Sán Chỉ ở bản Trạm tập trung rất đông về nhà bà Pít để uống rượu, ăn thịt mừng hạnh phúc. Trước họ hàng hai bên và bà con lối xóm, ông Khanh, bà Pít cùng nhau uống hết 1 can rượu cần, nghi lễ trở thành vợ chồng của hai ông bà đã hoàn thành. Trước hạnh phúc ngỡ như trong mơ bà Pít vui mừng, nghẹn lời trong nước mắt. Còn ông Khanh trong tâm trạng lâng lâng hạnh phúc. Vậy là từ nay ông đã có người cùng xây dựng hạnh phúc, cùng nhau lên rẫy và sinh con, đẻ cái

Hai ông bà sống hạnh phúc với nhau và sinh được 10 người con. Năm 2009, ông Lâm Khanh qua đời sau trận ốm, phần vì tuổi cao sức yếu. Bà Pít vẫn làm nương rẫy và vui vầy cùng con cháu. Ngồi kế bên mẹ, anh Lâm Văn Cùng, con trai bà Pít góp lời: "Ngay từ nhỏ, tôi và các anh chị em đã được ông bà kể nhiều về mối tình của bố mẹ. Tục hỏi vợ, trả trầu của người Sán Chỉ ở Sa Lý chúng tôi đến nay vẫn còn lưu giữ. Có lẽ từ chuyện đó nên bố mẹ tôi hiểu, tình cảm không ép được. Ngay cả 10 anh chị em chúng tôi không ai bị ép lấy vợ lấy chồng theo tục "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Hồi tôi còn trẻ, nhiều lúc mẹ tôi còn nói: "Các con yêu ai thì lấy người đó, đấy là quyền của các con. Miễn sao hai đứa bảo nhau mà vun vén hạnh phúc. Âu cũng là cái duyên, cái số vì vậy phải nhớ lấy mà trân trọng, gìn giữ".

 Chuyện tình cảm động ở bản Trạm

Để tìm hiểu thêm về câu chuyện tình hiếm gặp của bà Hoàng Thị Pít, chúng tôi đến tìm gặp một số người bạn đồng niên với bà, trong đó có những cụ tuổi cao, sức yếu. Tuy nhiên, bà Vi Thị Xuân, một người bạn thân và cũng là người biết rõ câu chuyện về bà Pít kể lại: "Ngày trước cả làng bán tán xôn xao về chuyện này, có người độc miệng bảo bà Pít bị bệnh, con gái gì mà làm cao thế? Có lần về nhà ngoại, tôi ghé lên chơi thì nghe bố bà ấy mắng: "18 thằng mang cau trầu đến rồi, thằng nào cũng bảo không được, thế mày định lấy người như thế nào bảo tao"... Bà ấy vẫn một mực từ chối tất cả lời cầu hôn của các chàng trai. Cuối năm đó thì bà ấy lấy chồng, một người mà bà dành tình cảm từ lâu. Đến giờ các cụ trong làng có dịp ngồi với nhau lại lấy chuyện này ra nói, nửa đùa, nửa phục bà ấy".

CAO TUÂN

Chuyện tình trong hang đá

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Phù Luông (Lũng Cao), nơi hàng ngàn người dân từ khắp nơi trong vùng đổ về đây với hy vọng đổi đời. Bởi từ xa xưa, người dân Bá Thước đã biết vùng đất này trầm tích nhiều khoáng sản quý giá.

Người anh hùng thời chiến và chuyện tình ngàn dặm

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
Đánh giặc giỏi trên chiến trường nhưng ngoài đời thường, chàng trai Nguyễn Huy Hiệu khi đã là Trung đoàn trưởng vẫn có lúc bẽn lẽn trước mặt các cô gái, chưa từng có mối tình đầu.

Vợ Bình Minh nói gì với "chuyện tình" của chồng

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
Anh Thơ cho biết, chị đã đọc những thông tin mà Thanh Thảo giãi bày trên báo chí, cô ca sĩ này thừa nhận từng một thời mặn nồng với chồng chị.

Những chuyện tình xuyên biên giới giữa đại ngàn

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Vượt qua cách trở núi rừng những mối tình ở thôn A Bã, xã Nhâm, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế được nhiều người ví như những bản tình ca lãng mạn giữa đại ngàn.