Chuyện tình như tiểu thuyết của một người nghệ sĩ

Chuyện tình như tiểu thuyết của một người nghệ sĩ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Với ông, tình yêu vừa là duyên nợ, vừa là cái đạo ở đời mà kể 3 ngày cũng không hết…

Nghệ sĩ Ngô Đình Long nhớ nhất là “mối tình thơ mộng, vụng dại”, “mối tình sét đánh” và cuối cùng là “mối tình chung thủy” trọn đời của mình. Nói về những người tình của mình, nghệ sĩ Ngô Đình Long không ngần ngại thổ lộ: “Chuyện tình yêu của giới nghệ sĩ có lẽ những người trong cuộc sẽ hiểu hơn ai hết. Với tôi, chuyện tình yêu đến từ khá sớm, nhiều người cho tôi là đa tình, cũng có người cho đó là hạng lăng nhăng, bát nháo…Vì thế, mỗi lần “nhắc nhớ” về nó thì nói suốt đêm ngày cũng không hết. Rất nhiều nhà văn từng nói vui với tôi rằng, những chuyện tình của tôi có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết dài đến 500 trang giấy”. Nói xong ông cười khúc khích.

Sự kiện - Chuyện tình như tiểu thuyết của một người nghệ sĩ

Vợ chồng nghệ sĩ Ngô Đình Long

Một mối tình mà các nhà văn, nhà thơ khó chịu nhất đó là “mối tình tiếng sét”. Tiếng sét ấy, hình ảnh ấy, đụng đâu là làm bầm dập trái tim ông. Nó bắt ông phải quỳ gối, phải đau khổ vì cái chết về mối tình “tiếng sét” là cái chết hụt hững nhất, đau khổ nhất. Cuộc tình ấy diễn ra lúc ông tròn 17 tuổi, người con gái này si mê ông chỉ qua một hình ảnh. Lúc đó, một người em của Ngô Đình Long đang học ở trong Sài Gòn, khi về quê nhìn thấy hình người anh (ông Long) chụp đẹp quá liền lấy một tấm mang vào Sài Gòn làm kỷ niệm.

Khi cậu em của ông vô học, bỗng dưng nhớ anh nên lấy hình ra xem. Tình cờ, người con gái tên Tuyết ấy nhìn thấy. Cô ấy hỏi bạn (em ông Long) ai vậy? Thế là, cậu em của Ngô Đình Long kể thêm về ông cho Tuyết nghe. Trong tâm cô ấy luôn ghi dấu ấn về ông, một chàng trai đa tài, đàn hay, hát giỏi và còn là một võ sư. Sau đó, cô ấy thường xuyên kể với em ông là đêm nào nằm xuống cũng thấy khó ngủ vì thổn thức người trong ảnh.

Sau một tháng, cô Tuyết lúc đó đang ở Sài Gòn tự động bay ra miền Trung tìm chàng trai tài hoa Ngô Đình Long. Và tình cảm của hai người nảy sinh lúc nào không hay. Song vì gia cảnh nghèo quá, lại đang trong quân ngũ nên “lúc đó ngoài tấm thân ra, tôi chẳng có gì để lo cho tình yêu đôi lứa. Trong thời gian quen nhau, cô ấy có tặng tôi một chiếc nhẫn để làm kỷ vật”, ông Long nhớ lại. Rốt cuộc, tình yêu sét đánh của hai người cũng theo gió bay đi.

Cuộc tình này, khi chiêm nghiệm lại, ông mới thấy nó thật nghiệt ngã, thấm thía nỗi khổ của tình yêu đơn phương. Hai năm sau đó, ông lại tiếp tục gửi thương nhớ với một cô bé “Tây lai” 14 tuổi, tên Thanh Tâm, con nuôi của nghệ sĩ Hữu Phước.

“Hồi đó là năm 1968, ông 19 tuổi đã vào lính được vài tháng, biết ôm đàn ca hát, biết cả nhảy đầm và uống rượu Tây. Gặp nhau trong một buổi dạ hội, tôi mời cô bé trong đoàn đó ra nhảy đầm. Thấy thế, ông Hữu Phước nói, nó là con nuôi của tôi đó. Nghe vậy, mình mới thưa: “Xin phép chú, cháu nhảy với con nuôi chú một chút ạ”. Vừa ra nhảy vài bước, động lòng cảm mến, ông đã buôn lời tán tỉnh: “Lần đầu tiên gặp em anh đã mê em quá, chịu không nổi”. Vui vẻ bên nhau vài ngày (thường đoàn cải lương đi hát thì vài đêm là chuyển sang địa bàn khác), cô ấy cũng ra đi không để lại lời nhắn gì. Về sau, mình lại đâm ra tương tư cô ấy mới chết chứ. Sau vào Sài Gòn, tôi đi hết các đoàn cải lương hỏi han nhưng các nghệ sĩ đều không ai biết cô ấy đã đi đâu. Tính hỏi cô Hương Lan nhưng không có duyên gặp.

Tình đầu thời học sinh chính là người đã khuyên tôi không nên đi dạy võ nữa vì nó khô cứng quá. Cô ấy thương tôi lắm. Nhưng vì nghèo quá, tôi cảm thấy rất mặc cảm. Cô gái ấy là con chủ một tiệm vàng, một nữ sinh có hạng của một trường trung học ở quê tôi. Hai đứa học cùng trường, cô yêu tôi và tôi cũng đáp lại tình yêu ấy rất trong sáng. Sau đó, cô ấy theo gia đình sang bên kia bờ đại dương. Năm 1988 cô ấy về nước và tìm gặp tôi. Thấy tôi khắc khổ quá nên khuyên: “Em sẽ “tiếp” cho anh để anh đi theo con đường nghệ thuật. Bằng mọi giá em sẽ đưa anh trở về với giấc mơ thời trai trẻ. Sau đó, cô ấy mua tặng ông rất nhiều thứ: 2 bộ đồ vest, một bộ catset và một chiếc xe honda… Chính cô ấy đã đưa tôi thành Ngô Đình Long như ngày nay. Rồi cuối cùng bọn tôi cũng phải chia tay vì lúc đó cả hai đều đã có gia đình rồi. Cô ấy là người phụ nữ mà tôi cảm phục nhất.

Cuộc tình mà nghệ sĩ Ngô Đình Long gọi là “cuộc tình thủy chung” của đời mình chính là người vợ hiện tại của ông. Hai người ở cùng làng, quen nhau vì nghe danh tiếng của nhau. Cô gái ấy chính là nhà giáo Minh Châu, người đã đem lòng si mê Ngô Đình Long từ thuở thiếu thời bởi tiếng đàn, tiếng hát của ông. Họ đã quyết định kết hôn với nhau sau nhiều lần trắc trở. Nhưng cuộc sống xô bồ của người nghệ sĩ không đủ sức “giữ lửa” cho mối tình thủy chung ấy. Những sóng gió cứ liên tục ập tới vì thú “ham vui – lãng tử” của người chồng làm nghệ sĩ. Họ từng chia tay nhau trong 3 năm, tưởng chừng như không thể hàn gắn.

Nhưng một lần nữa, cái duyên và cái đạo ở đời đã hòa quyện họ lại khi đứa con trai duy nhất của hai người học từ bên Mỹ trở về, hàn gắn tình cảm cho ba mẹ. “Lúc đầu, vợ tôi cũng không chấp nhận, nhưng cánh cửa của tình thương gia đình đã khiến cô ấy suy nghĩ lại. Từ đó tôi nhận ra, chính Minh Châu mới là một nửa của cuộc đời người nghệ sĩ lang bạt như tôi. Thầm cảm ơn người vợ thủy chung nhất của đời anh”, ông nói về vợ đầy trân trọng.

Đ.V – H.H