Chuyện tình không lời của đôi vợ chồng câm điếc

Chuyện tình không lời của đôi vợ chồng câm điếc

Thứ 5, 07/02/2013 | 08:35
0
Trong thế giới của họ không có những lời mật ngọt và những câu chuyện để nói cùng nhau. Cuộc sống của họ chìm trong thế giới của những ngôn ngữ không lời, của những sẻ chia từ ánh mắt. Mặc dù cuộc hôn nhân bị hai bên gia đình lên tiếng phản đối nhưng chị Phan Thị Quý và anh Nguyễn Cẩm Tú vẫn vượt qua để đến với nhau. Đám cưới của họ được Thành đoàn TP.HCM tổ chức ngày 12/12/2012.

Ngỡ đâu đời đã quên mình

Có khi nào bạn thử bịt chặt tai lại, không còn nghe thấy bất kỳ một âm thanh nào từ cuộc sống. Bạn đứng đó, nhìn cuộc sống vẫn sôi động quanh mình nhưng không thể nói thành lời. Những người xung quanh nói cười, nhưng bạn không nghe thấy. Bạn sống với thế giới riêng của mình, với những suy nghĩ không thể diễn đạt thành lời. Chị Phan Thị Quý (38 tuổi) và anh Nguyễn Cẩm Tú (34 tuổi) đã sống trong thế giới ấy hơn 30 năm qua, cho đến khi họ tìm thấy nhau.

Xã hội - Chuyện tình không lời của đôi vợ chồng câm điếc

Hình cưới của anh chị.

Hai anh chị đều sinh ra và lớn lên ở TP.HCM và trong những gia đình khá giả. Anh Tú khi sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Năm 12 tuổi, sau khi trải qua một cơn bạo bệnh, anh mất đi khả năng nói. Chưa hết bàng hoàng khi không giao tiếp được với mọi người, anh Tú chết lặng khi mình mất luôn cả khả năng nghe. Từ đó, mọi người xung quanh và ngay cả những người thân trong gia đình không thể thấu hiểu được những suy nghĩ, tình cảm và khó khăn mà anh đang phải chịu đựng. Càng ngày, anh Tú thu mình lại, chạy trốn khỏi thế giới của mọi người.

Khác với anh Tú, chị Quý là một người không có khả năng nghe nói bẩm sinh. Chị lại sinh ra trong một gia đình khá phức tạp, với những mối quan hệ chồng chéo. Ba lấy mẹ khi ông đã có một đời vợ và những đứa con riêng. Sau khi lấy nhau, mẹ sinh thêm được chị và một người chị gái nữa. Nhưng bản thân mẹ chị Quý trước đó cũng đã có một đời chồng. Và chị Quý có những người anh chị em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha.

Sống trong một đại gia đình phức tạp như vậy, cô bé kém may mắn Phan Thị Tú đã không nhận được sự yêu thương, chia sẻ đủ đầy từ những người thân của mình. Chị sống khép kín trong 4 bức tường, không thể trò chuyện, tâm sự cùng ai. Rất nhiều năm, chị chỉ quanh quẩn làm công việc nhà, lo chuyện nấu ăn, giặt giũ cho đại gia đình của mình. Chị cần mẫn, câm lặng như một cái bóng.

Cứ thế, họ sống không bạn bè, không một ước mơ về tương lai, về gia đình riêng cho mình. Nếu có, cũng chỉ là mơ ước xa xỉ mà chính bản thân chị Quý cũng không dám tin sẽ thành hiện thực. Nhưng hạnh phúc không bỏ rơi một ai. Được sự giới thiệu của những người cùng cảnh ngộ, từ hai hoàn cảnh, hai phương trời khác nhau, anh chị tìm đến sinh hoạt tại Tổ chức Cộng đồng Điếc câm TP.HCM. Tại đây, họ được gặp gỡ, tiếp xúc với những người cùng cảnh ngộ. Ở đây, những con người không may mắn được cảm thông và thấu hiểu. Dần dần, qua nhiều lần hoạt động chung, anh chị trở nên thân thiết, gắn bó với nhau một cách tự nhiên. Ít ai dám tưởng tượng, tình yêu lại đến với hai con người khốn khổ. Họ không thể trao cho nhau những thời thề nguyện, yêu thương bằng lời, mà chỉ có cử chỉ, ánh mắt, và sự quan tâm dành cho nhau.

Xã hội - Chuyện tình không lời của đôi vợ chồng câm điếc (Hình 2).

Vợ chồng anh Tú, chị Quý đang làm hàng thủ công tại cơ sở của Tổ chức Cộng đồng Điếc câm TP.HCM.

Hạnh phúc không bỏ quên ai

Sau 2 năm yêu nhau, anh chị quyết định công khai tình yêu của mình với gia đình. Vừa nghe tin, cả hai gia đình đều kịch liệt phản đối. Họ lo lắng cho rằng, cả hai anh chị đều không nghe nói được. Nếu lấy nhau rồi sau này sẽ sống ra sao. Không thể nói, không có người phiên dịch, việc trình bày thuyết phục, bày tỏ quan điểm của mình với cả hai bên là một khó khăn lớn.

Nhưng những trở ngại đó không thể ngăn cản hai con người tìm đến với nhau. Hàng ngày, anh chị vẫn sinh hoạt trong ngôi nhà chung của những người cùng cảnh ngộ. Họ vẫn động viên nhau kiên nhẫn thuyết phục cha mẹ hai bên để được về ở bên nhau.

Lúc mới quen nhau, chị Quý chỉ ở nhà nội trợ còn anh Quý xin được vào làm công nhân cho một công ty thuộc khu công nghiệp Bến Lức (Long An). Sau khi yêu nhau, anh Tú xin luôn cho chị Quý vào làm cùng mình để được giao tiếp nhiều hơn với bên ngoài. Họ sống độc lập không phụ thuộc vào gia đình. Họ muốn rằng, hai gia đình sẽ bỏ qua định kiến về việc hai con người khuyết tật không thể tự nuôi sóng được nhau. Hàng ngày, anh Tú dậy sớm, đi từ nhà mình sang đón chị Quý, rồi cả hai cùng bắt xe bus xuống Long An làm việc. Sau giờ làm, anh chị lại ghé cơ sở của Tổ chức Cộng đồng Điếc câm để làm thủ công cho đến khuya mới về. Hàng tháng, hai anh chị thu nhập được 6 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền đó không quan trọng bằng việc họ đã tự nuôi sống được mình. Trong con mắt của gia đình, hai con người này không còn là kẻ ăn bám.

Ở công ty, mọi người đều trầm trồ ngưỡng mộ tình yêu của anh chị. Họ rất thích thú khi chứng kiến cảnh anh chị nói chuyện với nhau. Bởi, không có tiếng nói, họ phải thể hiện tình cảm, sự quan tâm bằng cử chỉ và ngôn ngữ bằng tay. Ở đó, hạnh phúc, niềm vui, tình yêu đều toát lên trên cơ thể của họ, từ ánh mắt, nụ cười cho đến đôi bàn tay. Nó là một loại ngôn ngữ giao tiếp đặc biệt của người câm.

Sau 5 năm yêu nhau, đến cuối tháng 12 năm 2012, họ quyết định bỏ qua sự ngăn cấm của gia đình để đến với nhau. Anh chị đã nhờ một người trong Tổ chức Cộng đồng Điếc câm dẫn ra chính quyền đăng ký kết hôn. Họ chính thức trở thành vợ chồng. Ngày 12/12/2012, anh Tú chị Quý là một trong 120 cặp có hoàn cảnh khó khăn đến được với nhau. Khoác lên mình bộ quần áo cưới của tân nương, tân lang, họ được Thành đoàn TP.HCM đứng ra tổ chức. Sau đám cưới, anh chị thuê một căn phòng nhỏ làm tổ ấm cho mình. Ngày ngày họ vẫn cùng nhau đi làm, cùng nhau hoạt động tại tổ chức. Họ cùng nhau ghé qua nhà thăm gia đình chị Quý. Để có được hạnh phúc ấy, họ đã phải đi một chặng đường dài. Nhưng hai con người này xứng đáng được hưởng hạnh phúc ấy, dù họ có khiếm khuyết cơ thể. Bởi hạnh phúc là một cơ hội được dành cho tất cả mọi người.

Tôi gặp anh chị tại chung cư Nguyễn Thiện Thuật trong một buổi chiều muộn. Khi ấy, anh Tú đang hoàn thành những chi tiết cuối cùng trên một sản phẩm thủ công. Chị Quý ngồi cạnh, phụ chồng cùng làm. Trước khi tới, tôi có chút thắc mắc, không biết những người như anh chị sẽ thể hiện tình yêu thương như thế nào. Qua người phiên dịch, chị Quý cho biết, chị yêu chồng vì anh là một người chăm chỉ và rất chân thành. Còn anh thương vợ vì chị là một cô gái ngoan hiền, chịu thương chịu khó. Trong tình yêu, đôi lúc họ cũng hờn giận, cãi vã nhau như bao cặp uyên ương khác. Nhưng chỉ một lúc sau, họ đã làm lành, lại vui vẻ như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Nỗi niềm khó nói của hai vợ chồng khuyết tật

Chặng đường phía trước của anh chị còn rất dài và nhiều khó khăn. Đôi lúc anh chị cũng lo lắng xa xôi về tương lai của mình. Chị Quý "tâm sự" với chúng tôi bằng ngôn ngữ đôi bàn tay, cả hai vợ chồng đều mong muốn sẽ sinh ra những đứa con xinh đẹp và khỏe mạnh. Nhưng họ lại lo sợ, con sinh ra sẽ giống như mình. Hoặc, cả hai người đều khuyết tật thì làm sao có thể bảo ban được con cái. Vì thế, anh chị chưa có kế hoạch sinh con trong lúc này. Thỉnh thoảng chị đi chùa để cầu mong sẽ sinh ra những đứa con lành lặn. Có như thế, cuộc đời chúng mới có tương lai, mới giao tiếp được với đời. Chúng sẽ được lắng nghe mọi âm thanh của cuộc sống, được thốt ra những lời mà mình suy nghĩ. Cầu mong tình yêu của anh chị đủ sức mạnh, để anh chị vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống, để dệt nên một giấc mơ đẹp có thật trong cuộc đời

Hương Lam

Chàng trai "lùn" và chuyện tình cổ tích

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
"Em chưa dám nghĩ tương lai mình sẽ lấy được vợ, bởi người như em thì có ma nào thèm để ý tới". Thế nên ngoài công việc, gia đình ý nghĩ tìm lấy mái ấm hạnh phúc trong đầu chú lùn Nguyễn Văn Thu dường như bị chôn vùi.

Nghe lính đặc công miền Tây kể chuyện tình buồn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
Ở cái tuổi 82, người lính đặc công kiên cường ấy ngồi kể lại những chuyện tình buồn của mình, những tiếc nuối hóa thành lệ rơi.

Chuyện tình cảm động của “liệt sĩ” lang thang

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
Năm 2002, có một gia đình từ Thái Nguyên đi vào tận Cần Thơ tìm người em của mình tưởng chừng như đã hy sinh 27 năm, nhưng người lính ấy còn sống và đã có gia đình nhưng bị mất trí nhớ.

Chuyện tình cảm động của cụ ông 85 tuổi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
“Những người già như chúng tôi càng cần đến với nhau. Tình yêu khiến chúng tôi quên đi tuổi già, xua tan bệnh tật”. Đó là lời nhận định của ông Mai Trọng Điệp (85 tuổi) khi nói về câu chuyện tình yêu đầy cảm động của mình với người phụ nữ kém ông đến phân nửa tuổi đời.