Chuyện về gia đình được Bác Hồ tặng áo lụa

Chuyện về gia đình được Bác Hồ tặng áo lụa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Chúng tôi về thành phố Nam Định vào một ngày thu giữa tháng 9. Tiết trời trong veo và thanh bình khiến cho tôi càng háo hức sải bước tìm đến gia đình vốn được Bác Hồ ngợi khen là "Một nhà trung hiếu Muôn thuở thơm danh". Đó là gia đình ông Tạ Quang Tám (trú tại số nhà 87, đường Trần Thánh Tông, TP. Nam Định).

Bốn người con cùng hi sinh trong một trận đánh

Tranh thủ thời gian đợi gia chủ về, tôi đã kịp bắt chuyện với những người hàng xóm trong con phố nhỏ nơi vợ chồng ông Tám sinh sống. Dường như chỉ nhắc đến cái tên Tạ Quang Tám, những người dân nơi đây ai cũng có thể kể vanh vách về những chiến công của gia đình ông cũng như những kỉ niệm xúc động liên quan đến câu chuyện gia đình ông được Bác Hồ tặng áo và viết thư ngợi khen vì sự hy sinh cao cả cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đang tiếp chuyện với người hàng xóm làm nghề thợ hàn ở căn nhà đối diện, bỗng từ xa tôi nhìn thấy một người đàn ông dáng nhỏ thó từ từ đạp xe tiến dần về phía ngôi nhà số 87. Người hàng xóm nói với tôi đó là người tôi đang cần tìm gặp. Tôi ngỡ ngàng khi biết rằng dù đã ở tuổi 83 nhưng ông Tám còn khá khỏe khoắn, sáng sáng vẫn đạp xe đi tập thể dục và thăm thú bà con, bạn bè.

Xã hội - Chuyện về gia đình được Bác Hồ tặng áo lụa

Bức trướng thêu nội dung bức thư của Bác Hồ.

Biết nhà có khách, ông Tám vồn vã mời tôi vào tiếp chuyện. Đến căn nhà nhỏ nơi vợ chồng ông cùng cô con gái cả sinh sống có lẽ điều khiến mỗi vị khách khó quên nhất là những tấm bằng Tổ quốc ghi công xếp kín trên tường, cạnh đó là bức trướng thêu trọn nội dung bức thư Bác Hồ khen tặng gia đình ông. Rót xong chén nước mời khách, giọng ông như trùng xuống, lần giở dòng hồi tưởng nhớ về những ngày tháng đã qua của gia đình.

Gia đình ông vốn có truyền thống cách mạng. Cụ thân sinh ra ông là Tạ Quang Yên (người gốc ở Huế) - một nhà Nho yêu nước trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công đã hăng hái tham gia Hội Liên Việt, còn mẹ ông là cụ Nguyễn Thị Nuôi hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc. Gia đình ông có 9 anh chị em (8 anh em trai và 1 chị gái). Thừa hưởng tinh thần yêu nước từ cha mẹ, 9 anh chị em sớm được giác ngộ và hăng hái tham gia các hoạt động chiến đấu tại địa phương. Người anh cả là ông Tạ Quang Trường sau khi tham gia giành chính quyền thành công trong Cách mạng Tháng 8 đã hòa mình vào đoàn quân Nam tiến lên đường vào Nam chiến đấu. Noi gương người anh cả, bốn người anh kế tiếp của ông cũng hăng hái chiến đấu trong Trung đoàn 34.

Đến tháng 3/1947, Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương quyết định mở cuộc hành quân giải vây cho quân của chúng ở Thành phố Nam Định và đã huy động một lực lượng lớn từ Hà Nội theo đê sông Hồng tiến xuống. Bốn người anh của ông Tám khi ấy đã cùng các đồng đội đón đầu, đánh chặn địch, buộc chúng phải chuyển hướng tấn công và đã anh dũng hi sinh. Đón nhận tin cả bốn đứa con trai yêu quý cùng ra đi một ngày, bố mẹ ông dường như quỵ ngã.

"Cha tôi như phát điên lên. Tôi không thể quên được ánh mắt của cha tôi lúc ấy, vừa đau đớn quằn quại, vừa rực lửa căm hờn. Có lẽ vì người đã chứng kiến sự hi sinh của quá nhiều đồng đội, đồng bào và giờ đây là những đứa con mình rứt ruột sinh ra. Mẹ tôi vẻ ngoài có phần điềm tĩnh hơn. Nhưng tôi biết nước mắt mẹ chảy ngược vào trong, bà không khóc nổi bởi nỗi đau ấy có lẽ không có gì diễn tả hết", ông Tám nghẹn ngào, khóe mắt đỏ hoe.

Vượt qua nỗi đau mất 4 đứa con, cha mẹ vẫn tiếp tục động viên ông và cậu em trai út là Tạ Quang Mười tham gia Cách mạng. Ngày đó, ông được giao nhiệm vụ làm liên lạc, nắm bắt tình hình, thăm dò đường đi lối lại và truyền lệnh của cấp trên cho các đơn vị của Trung đoàn 34 để các đồng đội chuẩn bị sẵn sàng chờ lệnh khai hỏa mở màn cho cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Nam. Người em trai của ông sau này cũng tham gia vào sư đoàn cao xạ. Anh chiến đấu anh dũng và hi sinh tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) vào năm 1972. Ghi nhận những hi sinh đóng góp của gia đình ông, thân mẫu của ông là cụ Nguyễn Thị Nuôi đã được tặng danh hiệu Bà mẹ Nam Hà và năm 1994 cụ đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Giữ áo Bác tặng giữa lòng địch

Tự hào về truyền thống gia đình, ông Tám lại kể cho tôi nghe về món quà mà ông nói là vô giá và quý trọng nhất của gia đình. Năm 1947, khi biết tin về sự hy sinh anh dũng của bốn người anh của ông, nhân ngày Quốc khánh 2/9/1947, cụ thân sinh của ông đã được Bác Hồ tặng một áo lụa và gửi thư khen. Năm ấy, ông Tám 17 tuổi và đã tham gia làm liên lạc cho Trung đoàn 34. Ngày gia đình ông được vinh dự về thôn Ngọc Tỉnh (thuộc huyện Xuân Trường, Nam Định ngày nay) để đón nhận quà và thư của Bác Hồ, ông vẫn đang đi làm nhiệm vụ. Qua lời của cha mẹ, ông vẫn nhớ như in cảm xúc tự hào ấy.

Xã hội - Chuyện về gia đình được Bác Hồ tặng áo lụa (Hình 2).

Ông Tạ Quang Tám bên những tấm huân chương của gia đình.

Ông Tám được cụ thân sinh kể lại, trong buổi lễ mít tinh tuyên dương các anh hùng liệt sĩ được Tỉnh đội Nam Định tổ chức năm 1947, bức thư và tấm áo lụa Bác Hồ tặng được rước trang trọng trong buổi lễ và được cán bộ tỉnh trao cho gia đình ông. Tấm áo lụa cổ cao màu vàng, 5 tà trước đó là quà của nhân dân tặng Bác Hồ. Bên ngực phải có thêu chữ: "Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kim Sơn, Ninh Bình", ngực trái có ghi dòng chữ Hồ Chủ Tịch tặng kèm theo chữ ký của Bác. Gia đình ông trân trọng và coi đó như một báu vật. Cha ông chỉ mặc tấm áo vào những dịp trang trọng nhất. Ngày quân đội Pháp đánh chiếm Thái Bình và Nam Định, cả gia đình tìm mọi cách để cất giấu tấm áo. Lũ tay sai gián điệp trong lòng địch nhanh chóng đánh hơi được gia đình ông được nhận kỷ vật của Bác Hồ nên ngày đêm cho quân săn lùng. Song với tài khéo léo và nhanh nhẹn của mẹ ông, tấm áo đã được cất giấu an toàn. Kẻ địch gian manh nhưng không hề biết được rằng mẹ ông Tám đã sẵn sàng xé phăng tấm chăn bông để nhét tấm áo vào giữa rồi khâu kín lại. Cứ vậy, tấm áo nằm trong lõi chiếc chăn đã sưởi ấm cho gia đình ông qua bao mùa đông giá lạnh.

Đến năm 1956, tỉnh đội Nam Định đã mượn chiếc áo Bác tặng đem đi triển lãm ở một số nơi và sau đó chuyển về cho một bảo tàng trong tỉnh. Lúc đầu, ông Tám cũng có ý định giữ món quà đó cho riêng gia đình, song ông lại quyết định dành tặng cho bảo tàng để đông đảo người dân được chiêm ngưỡng tấm áo. Bởi đó không chỉ là một tấm áo lụa đơn thuần mà còn là minh chứng cho sự hy sinh lớn lao của bao thế hệ người Việt Nam vì nền độc lập dân tộc.

Khi được hỏi về bức thư Bác Hồ gửi, ông Tám vô cùng luyến tiếc cho biết, bức thư ấy đã không may lưu lạc trong những ngày sơ tán. Thời gian gia đình sơ tán ở Thái Bình, cha ông đã cho thư vào một tuýp thuốc rồi chôn tại chợ Gốc (Thái Bình) để quân địch không tìm thấy được. Sau ngày chiến tranh, gia đình đã nhiều lần về chợ Gốc, lật tung nhiều ngóc ngách nhưng vẫn không tài nào tìm lại được nơi đã cất giấu bức thư. Mặc dù bị thất lạc nhưng ông Tám vẫn nhớ như in bức thư được Bác đánh máy với nội dung: "Kính gửi cụ Tạ Quang Yên ở Nam Định: Tôi rất cảm động được báo cáo rằng cụ có 8 người con trong đó 6 người tham gia kháng chiến, mà bốn người đã oanh liệt hy sinh vì Tổ quốc. Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ gửi lời khen ngợi và tặng cụ mấy chữ: Một nhà trung hiếu, muôn thuở thơm danh. Nhân dịp này tôi xin biếu cụ 1 chiếc áo mà đồng bào đã biếu tôi. Chúc cụ mạnh khỏe và sống lâu".

Sau này, để lưu giữ những lời vàng ngọc ấy cũng như nhắc nhở con cháu về truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình, ông Tám đã thuê người thêu toàn bộ nội dung bức thư lên một tấm vải lụa màu đỏ và treo trang trọng trong nhà. Phía trên bức trướng là tấm ảnh Bác Hồ với nụ cười hiền hậu.

Giờ đây đã ở tuổi xưa nay hiếm, nối tiếp truyền thống của gia đình, những ngày tháng còn lại của cuộc đời mình, ông Tám vẫn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương để sống sao cho xứng đáng với niềm tin yêu và phần quà mà vị lãnh tụ kính yêu trao tặng.

Phạm Hạnh