Chuyện về người thày dạy hai đời vua Lê

Chuyện về người thày dạy hai đời vua Lê

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Là vị quan thanh liêm được 3 đời vua trọng dụng, công đức của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi luôn được con cháu đời đời kính ngưỡng.

Được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, đền thờ Nguyễn Văn Nghi tại xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa hiện là nơi lui tới của những người hiếu học trong vùng.

Công đức cảm được cả trời đất

Xưa người Ái Châu vẫn có câu "Đông Sơn tứ Bôn, Hoằng Hóa lưỡng Bột" là để chỉ những vùng đất hiếu học và đỗ đạt. Theo chân những người học trò đến kính lễ người thầy lớn của vùng, chúng tôi đến cụm di tích lịch sử quốc gia đền thờ - lăng mộ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi ở xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn.

Xã hội - Chuyện về người thày dạy hai đời vua Lê

Cổng vào khu đền nội với dáng vòm tạo nên cảm giác ấm cúng và thanh tịnh

Với tổng diện tích 38.000m2, khu đền thờ - lăng mộ Nguyễn Văn Nghi bao gồm nhiều thành phần kiến trúc với chức năng khác nhau được bố trí theo kiểu "Nội công ngoại quốc", gồm 2 vòng thành khép kín: Thành đất (thành ngoại) ở ngoài, thành đá (thành nội, rộng tới 16.000m2) ở trong. Bên trong thành nội là các cụm kiến trúc gỗ được xây dựng theo hình chữ "Công", chữ "Tam", chữ "Nhị" và "Nhất" rất tiêu biểu cho lối kiến trúc thời hậu Lê.

Đường dẫn từ thành ngoại vào trong khu nội viên được lợp đá tảng, hai bên là hàng chó đá, ngựa đá, voi đá và tượng thần hộ pháp. Hai chiếc bia đá rộng hơn 2,5m đối xứng hai bên, một chiếc bao gồm cả phần mái che cũng được đục nguyên khối không tách rời khiến người xem phải kinh ngạc vì sự tỉ mỉ của từng con chữ và hoa văn được khắc tinh tế trên bia.

Cổng vào hình mái vòm, bên trên có khắc ba chữ "Tướng công môn". Tường đá bao bọc cao tới gần 2m, bề rộng 1,5m dựng bằng hai hàng đá tảng, ở giữa đổ đất nện, phía trên là những phiến đá hình mai rùa úp xuống. Tính chiều dài bao phủ của tường thành nội cũng đến cả cây số, nhưng do nhiều lý do, một phần của tường thành đã bị chuyển ra làm cầu cống nên mất mát không ít.

Theo lời ông từ giữ đền Nguyễn Xuân Thái, trước kia, nơi đây là một vùng trũng, bốn bề là nước. Ở giữa có một khu đất cao hơn một chút, về sau được nhà vua ban cho gia đình Đăng Quốc công Nguyễn Khải (con trai Nguyễn Văn Nghi) làm nơi thờ tự. Việc dựng đền trong khu vực này gặp không ít gian nan.

Tương truyền để xây dựng xong khu đền, người xưa đã phải sử dụng tới hàng vạn phiến đá tảng từ núi Nhồi, hàng trăm chuyến bè nối đuôi nhau trên sông, đến sát khu chân đền rồi vận chuyển tiếp lên cao. Không biết có phải "phạm" tới long thần, thổ địa hay không mà không ít lần bè đã đến bến mà vẫn vỡ. Những phiến đá xanh kích cỡ cả nửa khối đá được mài nhẵn 6 mặt cứ thế chìm xuống lòng sông, người thợ lại phải kích lên rồi vận chuyển bằng chính sức người.

Ròng rã nhiều năm trời, nơi dùng để tập kết bè chở đá giờ vẫn còn vết tích là một khu trũng sâu, nước ngập. Việc làm móng thì vô cùng vất vả, phải gia công hàng năm trời đất mới đủ độ chắc để xây dựng. Đến khi đền dựng xong rồi lại liên tiếp xảy ra hạn hán. Bấy giờ nhà vua mới cho lập đàn cầu mưa ở ngay chính ngôi đền thờ Nguyễn Văn Nghi. Lời khấn có nhắc nhiều tới đạo cao đức trọng của người thầy dạy học cho vua này khiến trời đất cũng phải cảm. Mưa đổ xuống như một lời ứng nghiệm. Chính vì điều này mà một lần nữa, triều đình lại ban sắc chỉ phong tước phúc thần cho ông.

Bông sen lớn nở giữa đầm nước trũng

Theo lời các cụ truyền lại, đền thờ Quốc công Nguyễn Văn Nghi được xây dựng theo dáng của một bông sen lớn, nở giữa đầm nước. Người dân quê quanh năm làm nông nghiệp, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, quen với mùi bùn nên càng trọng hương thơm hoa sen vươn lên từ trong bùn mà vẫn ngạt ngào, mát lành. Có thể dễ dàng tìm thấy những "bông sen" nhỏ hơn trong kiến trúc của đền, cho dù đã xuống cấp nhiều, chỉ còn lại một phần nhỏ của cụm di tích.

Trước đây, tính tổng ra, cả khu có tới 24 dãy nhà lớn bé bao quanh, bố trí từ nhà sắp lễ ở ngoài cổng, khu đền thờ, khu hậu viên, khu nhà tổ, khu nhà thờ bà… Hiện nay chỉ còn lại khu nhà chính nằm ở giữa thế đất với gian nhà cầu nối làm nơi thờ tự. Đây là gian nhà nằm giữa, nối gian tiền đường, trung đường với nhà chánh tổng dài và rộng ở phía sau. Tất cả đều có mái chạm trổ cong cong, lát gạch lợp mũi hài, có những viên nặng tới 7kg, trông như một bông sen hồng đang e ấp nở.

Gian nhà cầu nối vốn ban đầu không có tường bao quanh, chỉ gồm những cột trụ to, tròn được chạm trổ tinh tế. Sau, do chiến tranh, loạn lạc, những khu nhà khác lần lượt sập, chỉ còn lại gian cầu nối, người dân và chính quyền địa phương mới chung tay làm nên bức tường bao cho gian nhà để tránh nắng mưa, tiện nơi thờ tự.

Phía trước thành ngoại là một khu ao rộng, người dân dùng để trồng sen, cứ đến mùa lại nở ra thơm mát cả một vùng. Một phần khác thuộc khu di tích, nhỏ nhưng lại khá thú vị với chúng tôi là giếng Ngọc nằm bên trái khu đền. Giếng nhỏ nhắn, phần chân được chạm hình những cánh hoa sen và mây đều đặn tạo cảm giác dễ chịu và hài hòa, đẹp mắt, không chỉ có giá trị sử dụng mà còn có giá trị nghệ thuật cao. Xung quanh thành giếng tròn là những bệ đá được sắp xếp. Chiếc giếng cổ có tuổi đời bằng chính lịch sử của khu di tích, đây cũng là nơi người dân quanh vùng tụ họp, xin nước lành mỗi dịp lễ tết.

Xã hội - Chuyện về người thày dạy hai đời vua Lê (Hình 2).

Giếng Ngọc - một nét son duyên dáng của khu di tích

Người thầy của hai đời vua

"Trai Đại Bái, gái Kẻ Bôn", người dân trong vùng vẫn còn "thịnh" sử dụng câu ca dao trên để nói về sự đảm đang của người phụ nữ quê mình. Trai làng Đại Bái thì giỏi việc kiếm tiền còn gái Kẻ Bôn (tên gọi khác là Cổ Bôn - chính là Đông Thanh xưa) là những người phụ nữ tảo tần buôn bán, khéo thu vén việc gia đình, chăm sóc việc nhà để chồng con chuyên tu việc đèn sách. Cũng từ đó mới có những ông nghè, ông tổng, ông hương cống và những vị đại khoa được ghi bảng vàng. Tính ra, cả xã có tới 12 vị đỗ đại khoa và được triều đình cho tạc bia ở Văn Miếu. Người Kẻ Bôn hiếu học và chịu khó. Người thầy học lớn nhất của vùng chính là Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi.

Ông vốn người làng Ngọc Bôi, sinh ra trong một gia đình vốn dòng họ khoa bảng, cha và anh đều là những người giữ trọng trách trong triều. Năm Giáp Dần, niên hiệu Thuận Bình thứ 6 (1554) dưới đời vua Lê Trung Tông, ông đỗ nhất giáp khoa. Là người đoan chính, trọng khuôn phép, ông được Trịnh Kiểm tin cậy giao cho làm Hiệu lý Viện hàn lâm.

Năm 1556, khi Lê Anh Tông lên ngôi, ông được cử vào cung dạy học cho vua, được vua Lê trọng dụng. Đến năm sau, lại được thăng chức Cấp sự bộ khoa kiêm quản lý tài chính, lần lượt giữ qua các chức Tả thị lang bộ binh, tống kí lục chính dinh.

Đến năm 1580, thời Lê Thế Tông, ông sang làm Tả thị lang bộ lại, vào hầu vua trong điện Kính diên, kiêm học sĩ Đông các. Lê Thế Tông còn trẻ, lại vời ông ra làm thầy dạy. Đến khi ông mất, thọ 69 tuổi được đích thân nhà vua truy tặng Thượng thư bộ Công, gia thăng Thái Bảo. Sử gia Phan Huy Chú đã từng nhận định về ông như sau: "Là bậc danh nho đỗ cao, được 3 vua tri ngộ, sự nghiệp và tiếng tăm hơn cả các Nho thần đầu thời Trung hưng".

Theo sử sách, đền thờ Nguyễn Văn Nghi được xây dựng từ năm 1617 niên hiệu Hoàng Định thứ 18 đời vua Lê Kính Tông (1600-1619). Đến năm 1628, con trai thứ hai của ông là Binh bộ thượng thư Đăng quận công Nguyễn Khải đã mở rộng thêm quy mô kiến trúc. Đến đời cháu ngoại của ông là Lê Khắc Tuy- tri phủ Hà Trung cùng dân 14 xã trong huyện Đông Sơn tu bổ hoàn chỉnh vào tháng 9 năm 1632, đời vua Lê Thần Tông (1619 - 1643), đền thờ được tôn tạo đúng vị trí ban đầu.

Khi còn sống, ông vẫn giương cao đạo học chốn quê hương và tích cực hỗ trợ cho các nho sinh trong vùng, ban tiền, ban của để họ có thể tiếp tục theo đuổi sách thánh hiền. Tới khi ông mất, đền thờ được dựng lên, mỗi khi có chuyện liên quan tới học hành thi cử, người dân lại đến kính ông, thắp một nén nhang trước lúc lên đường. Những người theo đạo Nho, ra vào cửa Khổng sân Trình đều xem ông như bậc thầy học lớn để noi theo.

Ngày nay, việc học của con em trong vùng vẫn luôn được chú trọng. Năm 2011, tỉ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng của xã lên tới hơn 60%, chính quyền và nhân dân cũng luôn tạo điều kiện tốt nhất cho con em được học hành thuận lợi.

"Cứ đến ngày lễ, ngày tết, nhất là ngày nhà giáo, tết âm lịch, ở đền lúc nào cũng rộn rã tiếng người. Người đến đây cũng chẳng phải vì cầu danh, cầu lợi mà là đến để tri ân một người thầy lớn, đạo học lớn của vùngå", ông Nguyễn Xuân Thái, người giữ đền cho biết.

Đỗ Hu