Cảm động người cha không chân bươn chải nuôi hai con nhỏ

Cảm động người cha không chân bươn chải nuôi hai con nhỏ

Thứ 3, 16/07/2013 | 11:52
0
Hai chân của anh phải cưa cụt ngang bẹn do di chứng của căn bệnh sởi quái ác, vợ xin đi làm ăn xa để kinh tế gia đình khấm khá hơn nhưng rồi bỏ anh với hai đứa con nhỏ ở nhà để "cập bến" với một tình yêu mới. Hàng ngày anh lê lết khắp các chợ tại khu vực quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Cổ Nhuế trên hai chiếc ghế gỗ bán tăm dạo kiếm tiền nuôi hai con nhỏ ở quê.

"Tuổi thơ dữ dội"

Giữa cái nắng tháng 7 oi nồng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 38 độ C, anh vẫn lê lết từng bước, trước ngực đeo một giỏ hàng hóa nào là bông tai, bút, tăm, bấm móc tay,… được treo qua cổ. Anh phải dùng hai tay nhấc chiếc ghế gỗ chỉ cao chừng 15cm làm cầu bắc đôi chân đã cắt ngang phần bẹn giúp anh di chuyển. Hỏi ra mới biết anh là Hồ Đình Quyết (SN 1983), quê ở xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An ra Hà Nội bán hàng kiếm sống nuôi hai con nhỏ.

Quệt ngang chiếc mũ vải lau những giọt mồ hôi thấm đẫm trên khuôn mặt tuấn tú, trắng trẻo, anh Quyết ngậm ngùi bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình: "Năm 12 tuổi, tôi bị lên sởi, do biến chứng, hai chân tôi ngày càng bị teo lại. Các bác sĩ khuyên bố mẹ tôi cắt bỏ đôi chân từ đầu gối xuống. Nhà nông, cắt đôi chân thì còn làm được gì, bố mẹ tôi vẫn quyết chạy chữa cho tôi, uống đủ thứ thuốc nhưng bệnh tật không thuyên giảm. Bệnh tình ngày một nặng, tôi cảm nhận rõ lúc đó đôi chân của tôi sự đau đớn và mất cảm giác dần chạy lên cao hơn. Cuối cùng, đôi chân của tôi buộc phải cưa đi mới có thể giữ được mạng sống".

Xã hội - Cảm động người cha không chân bươn chải nuôi hai con nhỏ

Anh Quyết bán tăm dạo trên đôi ghế gỗ tại khu vực chợ Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội

Đôi chân không còn, buồn đau đến tột cùng, nhìn chúng bạn đi lại mà ứa nước mắt. Xấu hổ với bạn bè, anh quyết định nghỉ học và xin bố mẹ vào Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi của huyện để học nghề. Tại Hội, anh đã được học hát và học làm nhiều việc khác để sau này lớn lên có thể lao động kiếm sống mà không phụ thuộc vào người thân. Đến tuổi trưởng thành, anh cũng được bố mẹ giới thiệu cho một người con gái kém anh 6 tuổi là con gái của một người đồng đội với bố anh.

"Ngày đó, công việc của tôi ở Hội là thường xuyên theo đoàn đi hát biểu diễn gây quỹ từ thiện. Họ không trả lương mà lo hết mọi chuyện ăn ở hàng tháng. Đến tuổi trưởng thành nhưng nào dám mơ lấy được vợ, bởi thân mình lo còn chưa xong nói chi đến việc có vợ, rồi có con cái. Nhưng được bố mẹ giới thiệu một người con gái bình thường, rồi hai đứa bén duyên và quyết định về chung sống với nhau. Nhưng bây giờ thì đường ai nấy đi", anh Quyết buồn rầu chia sẻ. 

Ngày ấy, anh thấy mình hạnh phúc. Ai cũng mừng cho anh đã may mắn cưới được vợ hiền, chấp nhận thiệt thòi gắn mình với người tật nguyền. Ngoài trồng lúa, quê anh cũng chỉ nuôi thêm gà, lợn, bò để có thêm thu nhập. Cuộc sống vất vả, hầu hết các việc đồng áng, vất vả do vợ anh đảm nhận, bởi vậy mà gia đình nhỏ khó tránh "sóng gió". Hai vợ chồng anh lần lượt có hai thành viên mới chào đời một gái và một trai trong niềm vui chúc phúc của hai bên họ hàng và làng xóm. Các cháu dần lớn lên, đồng nghĩa với chi phí ăn tiêu hàng ngày cũng tăng lên, khiến không khí gia đình ngày càng nặng nề. Có người thân mách ra Hà Nội bưng bê, dọn dẹp ở quán bia hàng tháng cũng được đôi triệu gửi về, không còn cách nào khác anh phải đồng ý để vợ đi.

Hôn nhân đổ vỡ

Thời gian đầu, vợ anh còn gửi tiền về để chồng nuôi hai con nhỏ. Sau, một số người họ hàng và bà con hàng xóm làm ăn ở Hà Nội bảo rằng vợ anh có "bồ". Thoạt nghe, anh không tin, gọi điện cho vợ xem tình hình cụ thể thế nào, bảo vợ về không đi làm ăn gì hết, nhưng chị vợ lạnh lùng trả lời luôn là cuối năm sẽ về làm đơn ly hôn. Kể từ ngày hai vợ chồng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", vợ anh cũng không gửi tiền về nuôi con nữa. Anh lo cho đứa con gái đang học mẫu giáo, đứa con trai mới hơn một tuổi không có bàn tay mẹ chăm sóc, giờ lại vắng bố. Anh gửi hai con nhờ ông bà nội nuôi rồi một mình lặn lội bắt xe ra Hà Nội tìm việc làm, ở nhà mãi thì ba bố con sẽ chết đói. "Một mình tôi chịu khổ cực thì không sao, còn hai đứa nhỏ có tội tình gì. Tôi phải sống, sống mạnh mẽ để các con lớn lên không thiếu thốn nhiều cả về tình cảm và vật chất so với chúng bạn. Dù khuyết tật nhưng mình phải đi làm để kiếm tiền nuôi hai con".

Ngày đầu ra Thủ đô, anh xin làm công nhân cho một cửa hàng bánh kem ở quận Hà Đông. Anh được trả tiền công 1 triệu đồng/tháng và được bố trí ở luôn tại cửa hàng cộng với bữa ăn trưa. Làm được một thời gian anh xin nghỉ bởi mức thu nhập như vậy anh có tiết kiệm đến mấy cũng không thể nuôi hai con hàng tháng. "Nghỉ việc tại cửa hàng bánh kem, tôi xin đi theo một anh tật nguyền đi bán tăm dạo để học hỏi kinh nghiệm và bán hàng ra sao. Dù công việc khá vất vả nhưng bù lại thu nhập cũng khá hơn trước, tôi tự mình mua hàng đi bán và xin ở nhờ nhà chùa trên phố Chùa Láng. Mỗi tháng trừ chi phí cũng gửi được khoảng 3 triệu đồng về quê nuôi con".

Hàng ngày, anh Quyết vẫn lê lết trên đôi ghế gỗ hết chợ này đến chợ khác tại khu vực quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Cổ Nhuế bán tăm dạo. Ai được nghe câu chuyện về gia đình của anh và chỉ cần nhìn anh bước đi mệt nhọc từng bước trong cái nắng hè gay gắt hay cơn mưa rào ập xuống không kịp chạy khiến nhiều người không khỏi xúc động. Người cho tiền hoặc mua gói tăm, cái bút giúp đỡ anh.

"Công việc càng ngày càng khó khăn, mình không thể sống mãi bằng tình thương, sự bố thí của mọi người mãi được. Có chỗ tôi đến lần đầu họ còn cho và mua ủng hộ, lần sau khó lắm, bởi hàng ngày có biết bao người khuyết tật đến bán hàng", anh Hồ Đình Quyết chia sẻ.              

Ước mơ của người cha tật nguyền

"Bán tăm chỉ giải quyết lúc khó khăn tạm thời, công việc này bấp bênh và cũng cạnh tranh. Tôi chỉ mong có một công việc ổn định hàng tháng gửi tiền về nuôi hai con ăn học là hạnh phúc lắm rồi. Mong muốn lớn nhất của tôi là hai con nhỏ được học hành đến nơi đến chốn, sau này không phải khổ, có như vậy vất vả mấy tôi cũng chịu được. Hiện, vợ chồng tôi mới ly thân, cô ấy bảo cuối năm làm đơn ly hôn. Tôi chỉ sợ mình tàn tật tòa không cho nuôi con thì khổ các cháu quá. Mẹ cháu lành lặn còn đi bước nữa, rồi chuyện con chung con riêng và người bố dượng có đối xử tốt với các cháu sau này hay không? Tôi cầu mong mình có sức khỏe để nuôi các cháu nên người", anh Quyết nói. 

Thiên Vũ

Chuyện tình cảm động của nam sinh và cô gái tật nguyền

Thứ 4, 19/06/2013 | 16:40
Lúc 21 tuổi, chàng sinh viên trường cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vinh (Nghệ An) đã thực sự gây sốc cho gia đình, người thân và bạn bè khi quyết tâm đến với cô gái mang đôi chân tật nguyền.

Mẹ già nuôi con trai tật nguyền, con gái nhiễm HIV

Chủ nhật, 26/05/2013 | 19:28
Tuy đã ở tuổi xế chiều, bà Hòa vẫn phải bươn chải kiếm tiền nuôi con trai tật nguyền, con gái bị HIV và đứa cháu ngoại bé bỏng.

Vợ chồng tật nguyền ươm mầm hạnh phúc trên xe lăn

Thứ 6, 03/05/2013 | 15:46
11 tuổi sau lần bạo bệnh khiến Phạm Ngọc Bộ (SN 1979) bị tê liệt đôi chân và phải bỏ học dở chừng. Cái tuổi mới lớn phải ngồi lỳ trong một góc nhà khiến cậu bé chán chường và mặc cảm với số phận.

Cám cảnh sự sống của hai đứa trẻ mồ côi và tật nguyền

Thứ 4, 24/04/2013 | 14:40
Hai đứa trẻ thiểu năng trí tuệ cứ cười ngặt nghẽo suốt ngày. Chúng cũng không biết mẹ đã bỏ đi, bố đã mất. Chúng sống nhờ bà nội đã ngoài 80 tuổi. Nếu một ngày bà cụ mất đi, không biết chúng có thể sống tiếp?