Cuộc sống đời thường của 'chú lính chì Thiện Nhân'

Cuộc sống đời thường của 'chú lính chì Thiện Nhân'

Chủ nhật, 09/06/2013 | 21:37
0
Cậu bé được cả xã hội xót thương ngày nào của 6 năm về trước với một chân và bộ phận sinh dục bị súc vật cắn, giờ đã tung tăng cắp sách tới trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Kết thúc năm học đầu tiên của đời học sinh, Phùng Thiện Nhân mang danh hiệu học sinh giỏi khiến mẹ Mai Anh và tất cả mọi người vẫn dõi mắt theo mỗi bước chân em nhiều năm qua đều cảm thấy hài lòng.

Không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ

Gặp Thiện Nhân tại nhà trong con ngõ nhỏ ở phố Nguyễn Đình Chiểu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cậu bé khiến chúng tôi ngạc nhiên khi đang sốt 39 độ vẫn chạy nhảy tung tăng, vui đùa với các anh khắp ba tầng nhà. Chỉ khi "mẹ còi Mai Anh" giục nhanh nhanh thay quần áo để đi viện khám, cu cậu mới chịu "nhớ ra" là mình đang bị ốm.

Chị Mai Anh chia sẻ: "Nhân là cậu bé rất tinh nghịch và hiếu động, không phải một đứa lành tính kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Nhân rất thông minh, có nhiều trò và không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ".

Được biết, sau nhiều năm, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật cả trong nước và ngoài nước, đến nay, bộ phận sinh dục của Nhân đã gần hoàn thiện như một người bình thường. Chị Mai Anh cho biết: "Nhân phục hồi sau mổ rất nhanh. Bình thường rất ít khi thấy Nhân ốm. Lần này sốt cao là do mấy hôm trước tôi cho Nhân đi bơi gặp trời mưa. Sốt cao là thế nhưng Nhân không rên rỉ ở giường như nhiều đứa trẻ con khác. Kể cả trong năm học, Nhân phải đi phẫu thuật hai lần, nhưng ngay khi vết mổ bớt đau là Nhân "vòi vĩnh" đòi mẹ cõng đến lớp để được vui chơi gặp gỡ các bạn".

Khi nói đến kết quả học tập của Nhân sau khi kết thúc năm học lớp 1, chị Mai Anh khá hài lòng: "Nhân không thuộc dạng miệt mài đèn sách như nhiều bạn bè cùng lứa. Tuy nhiên, Nhân hòa nhập nhanh với bạn bè ngay từ những ngày đầu đi học. Thời gian ở trường, Nhân không chỉ chơi với các bạn trong lớp mà còn chơi với cả các bạn trong trường từ lớp 5 trở xuống. Mỗi ngày đi học về, khi mẹ đến đón, Nhân bao giờ cũng là người ra sau cùng so với các anh vì còn cố chơi thêm với các bạn. Có khi mẹ phải "điều" anh vào "lôi cổ" mới chịu ra về”.

Xã hội - Cuộc sống đời thường của 'chú lính chì Thiện Nhân'

Thiện Nhân là cậu bé tinh nghịch, không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ

"Mẹ con mình là... mẹ con nhé... Mẹ không đẻ ra con cũng được"

Theo chị Mai Anh, Nhân có một đặc điểm là lúc nào cũng lo cho mẹ trước khi lo cho mình. Kể lại câu chuyện xúc động sau khi kết thúc ca mổ lần đầu để tái tạo bộ phận sinh dục cho Thiện Nhân ở Italy, chị vẫn rưng rưng nước mắt. Lúc đấy, Thiện Nhân vừa chuyển từ phòng mổ sang phòng hậu phẫu nên vẫn chưa tỉnh thuốc mê. Mấy tiếng liền ngồi chờ con mệt mỏi, chị như bừng tỉnh khi con trai hé mắt và thì thầm: "Nếu ai bắt nạt con thì mẹ đánh nhé. Sau này con lớn lên, con chăm sóc mẹ". Chị chỉ kịp gật đầu với con rồi cậu bé lại chìm vào giấc ngủ. Nghe xong câu nói của con, chị thực sự cảm thấy xúc động. Không giống những đứa trẻ khác, khi tỉnh giấc trên giường bệnh là khóc lóc, kêu đau đớn hay đòi ăn uống..., điều đầu tiên Nhân nghĩ đến là lo cho mẹ và bảo vệ mẹ. Lúc ấy, Nhân mới chỉ 5 tuổi.

Trong cuộc sống hàng ngày, không ít lần Thiện Nhân khiến mẹ Mai Anh phải bật khóc vì những hành động đáng yêu mà chan chứa tình cảm. Gương mặt hân hoan niềm hạnh phúc, chị Mai Anh kể: “Vào một buổi tối, mình mệt nên chỉ ăn qua loa rồi nằm ngủ. Nhân nhận với hai anh trai là đêm ấy Nhân ngủ với mẹ để trông mẹ. Đến 9h giờ tối, Nhân lạch cạch tha lên phòng một đĩa nhỏ có 3 cái bánh bột mì rán bé xíu bằng lòng bàn tay mời mẹ ăn.

Tối hôm sau, câu chuyện dưới bếp tối hôm trước mới được bà ngoại và các anh kể lại cho mẹ. Tối đó, học bài xong, các chàng trai đều đói bụng, đòi bà rán bột mì. Không may là nhà chỉ còn ít bột nên bà ngoại phải rán ra thành mấy cái be bé xinh xinh đủ chia cho lũ cháu trai ăn tạm. Nhân chọn luôn hai cái to nhất cho ra đĩa bảo "để cháu mang lên cho mẹ cháu" trong sự ngỡ ngàng của ngoại vì theo lệ thường, mẹ đã lên nghỉ và không có suất. Mẹ lúc đó ngái ngủ, đói bụng nên cứ ung dung chén hết cả ba cái bánh. Cũng nghĩ như mọi khi bà rán hàng chảo to đùng đùn đẩy nhau ăn chả hết và cu Nhân chắc là cũng đã "chén" đẫy rồi vì có bao giờ chịu để bụng lép trong những dịp "nhậu đêm" đâu. Đến tận tối hôm sau, mình mới thấy hết giá trị của ba cái bánh bột mì quý hiếm ấy".

Lần gần đây nhất là vào ngày lễ Ngày của Mẹ, chị Mai Anh lại nhận được một điều bất ngờ từ cậu con trai đáng yêu. Hôm đó, tối về, Nhân cứ bẽn lẽn đến gần, trình bày: "Mẹ ơi, mẹ đi tắm xong con bảo mẹ cái này..." - "Bảo đi con, nói luôn được mà" - "Nhưng con ngại lắm, tí đỡ ngại con mới nói được" - "Hay con cần cái gì ? Cần gì con cứ bảo với mẹ chứ, nói với mẹ không được thì nói với ai được?" - "Không, con không cần gì cả. Con nói thầm với mẹ vậy: Hôm nay là ngày của Mẹ con làm tặng mẹ cái bưu thiếp con để trong ngăn kéo của mẹ ý". Mẹ Mai Anh giật mình liền ôm lấy Nhân. Nhân gục đầu vào mẹ mắt đỏ hoe khóc làm mẹ nghẹn cả lòng. Nhân thổn thức: "Mẹ con mình là... mẹ con nhé... Mẹ không đẻ ra con cũng được...". "Lúc ấy, mình cảm thấy choáng và chợt thoáng ân hận vì những khi cáu mắng Nhân. Nhân gục vào mẹ khóc, dần dần đến nghẹn ngào.

Mình không lường được tình huống như vậy nên càng thấy nghẹn lòng. Hải Minh, anh của Thiện Nhân đứng cạnh thấy vậy cũng khóc theo luôn. Hôm sau, khi hỏi chuyện cô giáo chủ nhiệm của Nhân thì được cô cho biết, Nhân mất cả trưa làm cái bưu thiếp ở bàn ăn, xong Nhân nhờ cô cầm hộ lên tầng 3 vì sợ nhảy lò cò mò lên cầu thang thì nát mất", chị Mai Anh nhớ lại.

Chỉ sợ mẹ buồn, mẹ ốm, mẹ mệt

Ánh mắt sáng lên niềm tự hào, chị Mai Anh chia sẻ: "Đối với Thiện Nhân, điều đáng sợ và đáng buồn nhất trên đời là mẹ ốm, mẹ mệt, mẹ buồn. Bất cứ điều gì muốn làm mà ý thức rằng mẹ sẽ buồn thì Nhân không làm nữa. Tôi nhớ có lần Nhân mới phẫu thuật xong trong bệnh viện, Nhân muốn đi vệ sinh, tôi ôm con vào lòng mình để "đi" cho dễ. Nhưng hôm sau, tôi bận, nhờ chị họ Nhân qua trông, Nhân bảo với chị: "Chị phải bế em ngửa ra thì em mới không bị đau". Chị nó hỏi: “Sao mẹ Mai Anh vẫn bế vào lòng em không kêu?”. Nhân thủ thỉ: "Mẹ còi, mẹ bế úp em vào lòng thì mẹ dễ đi hơn. Chị khỏe, chị bế ngửa em lên cho em đỡ bị đau". Nghe xong, chị nó phì cười, còn tôi thì rưng rưng nước mắt. Yêu con nhiều lắm"!

Phạm Hạnh - Dương Thu

Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

Người phụ nữ viết lên cổ tích 'chú lính chì Thiện Nhân'

Chủ nhật, 26/05/2013 | 16:57
Chị là Trần Mai Anh, người cách đây bảy năm đã dũng cảm nhận một bé trai bị súc vật cắn mất chân và bộ phận sinh dục khiến dư luận cả nước xúc động, khâm phục.

Bị tạt nước sôi vì khoe 'chú lính chì'

Thứ 2, 04/02/2013 | 09:04
Nghe tiếng gọi từ ban công nhà bên đường, Hương nhìn lên và lạng cả tay lái khi thấy người đàn ông nuy phần dưới, đứng cười hềnh hệch trên tầng 3.

Chuyện ít biết về huyền thoại săn bắt cướp Lý Đại Bàng

Thứ 5, 28/02/2013 | 15:56
Lý Đại Bàng là đại tá công an, AHLLVTND được nhân dân lẫn tội phạm kính nể và ngợi ca. Tên anh đã trở thành biểu tượng của công an TP.HCM.

Chuyện ít biết về hoàn cảnh gia đình nạn nhân

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
Sau khi hung thủ máu lạnh Lê Văn Luyện bị bắt, chúng tôi quay lại phố Sàn (Phương Sơn, Lục Nam, Bắc Giang), thời điểm này, thân nhân của gia đình nạn nhân đã dịu lại đôi chút, chia sẻ với Nguoiduatin.vn một cách đầy đủ hơn những thông tin về hoàn cảnh gia đình.