Thần đồng nhí hay chỉ là hiện tượng lạ thường?

Thần đồng nhí hay chỉ là hiện tượng lạ thường?

Thứ 2, 22/07/2013 | 07:25
0
Những thông tin về "thần đồng" 3 tháng tuổi biết nói, 4 tuổi có thể đọc rõ vanh vách can chi của từng năm ở bất kỳ thế kỷ nào... đang gây xôn xao dư luận.

Ra ngõ gặp... "thần đồng"

Thời gian gần đây, dư luận tại tỉnh Bắc Ninh xôn xao về trường hợp bé Phạm Tuấn Minh được cho là thần đồng có trí nhớ siêu phàm. Dù mới 4 tuổi nhưng Minh có thể thuộc lòng lịch vạn niên. Điều đặc biệt, Minh không chỉ đọc vanh vách can chi của từng năm ở bất kỳ thế kỷ nào mà còn có thể đổi từ ngày dương sang ngày âm, hoặc ngược lại một cách chính xác chỉ trong tích tắc. Thậm chí, một ai đó đưa ra một ngày  bất kỳ trong năm, bé Minh sẽ cho biết chính xác các ngày đó là thứ mấy chỉ trong vài giây?!.

Xã hội - Thần đồng nhí hay chỉ là hiện tượng lạ thường?

Ông Nguyễn Phúc Giác Hải: "Tôi xếp em bé Tuấn Minh vào dạng người có bộ óc máy tính"

Khi mới lên 2 tuổi, Minh đã có thể thuộc lòng quốc kỳ các quốc gia trên thế giới và có khả năng ghi nhớ một cách chính xác các dãy số dài. Mặc dù chưa đến lớp nhưng Minh đã có thể tính toán các phép tính cơ bản và đọc chữ một cách trơn tru. Đặc biệt mọi khả năng này đều do bé tự tìm tòi, mày mò.

Hiện tượng "thần đồng" Phạm Tuấn Minh được xem là sự kiện gây xôn xao dư luận trong những ngày vừa qua. Tuy nhiên, những năm gần đây, ở trong nước xuất hiện không ít "thần đồng" được báo chí phản ánh.

Cách đây không lâu, người dân thôn Sâm Linh Đông (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) cũng xôn xao trước thông tin một bé gái chỉ mới 3 tháng tuổi đã biết gọi ba ơi, mẹ ơi. Trước những thông tin đồn đoán về cô bé lạ thường này, các cán bộ trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam đã xuống địa phương kiểm tra và xác thực thông tin.

Bé gái có tên Trần Hương Giang mới hơn 3 tháng tuổi đã biết nói là con gái của vợ chồng anh Trần Văn Đẩu (40 tuổi), chị Cao Thị Lan (39 tuổi). Suốt một thời gian dài, ngôi nhà nhỏ bé của vợ chồng chị Lan lúc nào cũng đông nghịt người dân hiếu kỳ tìm đến để có thể nhìn thấy và hy vọng cháu bé nói cho mọi người cùng nghe.

Điều đáng nói, ngay chính cha mẹ và người thân trong nhà đã nhiều lần bị giật mình vì nghe bé Hương Giang gọi "ba ơi!", “mẹ ơi!”. Trong khi đó,  hai chị gái và một anh trai của bé Giang đều đến hơn 15 tháng mới bắt đầu bập bẹ tập nói.

Bé Hương Giang có lần bị đau bụng được ba mẹ đưa lên bệnh viện đa khoa Quảng Nam khám và điều trị. Lúc nhập viện, bé Giang đang nằm trên giường. Lúc này giường bên cạnh cũng có nhiều người, bé Giang gọi: "Mẹ ơi" rồi "ba ơi" làm cho mọi người bất ngờ?!

Trước đó, năm 2007, trường hợp "thần đồng" Hoàng Thân (sinh năm 2000), người dân tộc Tày, sinh ra ở bản Duyên, xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa, Thái Nguyên cũng từng gây xôn xao dư luận khi cậu bé này được Thứ trưởng bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai đặc cách cho vào học lớp 3 ngay sau ngày đầu tiên đến lớp vỡ lòng.

Trước hiện tượng ra ngõ gặp "thần đồng" như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, đó chỉ là những trường hợp lạ thường và được thần đồng hoá. Bởi thực tế, có không ít "thần đồng" sau một thời gian báo chí đăng tải thông tin rầm rộ, lại trở về một người hoàn toàn bình thường, không có gì đặc biệt.

Xã hội - Thần đồng nhí hay chỉ là hiện tượng lạ thường? (Hình 2).

"Thần đồng" Tuấn Minh gây xôn xao dư luận về khả năng đặc biệt của mình

Lạ thường hay thần đồng hóa?

Trao đổi với phóng viên, TS. Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ - Tin học ứng Dụng (UIA) cho rằng: "Việc đổi lịch vạn niên có một quy luật chứ không cần phải đọc hết quyển sách đó mới có thể đổi được lịch dương ra lịch âm. Tuy nhiên, cậu bé rất thông minh và có tư duy sắc bén. Tuấn Minh đã nghĩ ra một quy luật riêng và có thể nói chính xác lịch âm và lịch dương. Theo tôi, ở độ tuổi đó, bé Tuấn Minh có thể được gọi là một thần đồng". 

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, ông chưa gặp ai có khả năng như cháu bé này. Ông là người làm về lịch ở hội đồng thẩm định của bộ Khoa học và Công nghệ, từng là tác giả của rất nhiều sách và công trình nghiên cứu về lịch nhưng không thể tính nhẩm ngày thứ như cháu bé này mà phải lấy giấy bút.

"Có thể khẳng định, với người bình thường để làm được điều này thì gần như là không thể, bởi quy tắc lịch âm và lịch dương vô cùng phức tạp. Chính vì thế tôi gọi cháu bé này là người có bộ óc máy tính và phi thường", ông Hải nói.

Quay trở lại câu chuyện về "thần đồng" 3 tháng tuổi biết nói ở Quảng Nam, tại thời điểm đó, trao đổi với báo chí, một cán bộ thuộc trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam đã đến nhà theo dõi, kiểm tra, cho biết: "Bé Giang không nói gì nên chúng tôi cũng chưa thể khẳng định được điều gì đặc biệt từ bé gái này. Vấn đề này cần thời gian tìm hiểu nghiên cứu thêm! Nhưng cũng rất có thể đây là một hiện tượng "thần đồng hóa" của các bậc cha mẹ như nhiều sự việc khác đã xảy ra!?".

Nhận định về khả năng đặc biệt của bé gái 3 tháng tuổi, TS.Vũ Thế Khanh lý giải: "Đặt giả thiết bé Giang ở Quảng Nam mới 3 tháng tuổi mà có thể gọi bố ơi, mẹ ơi là chính xác thì cũng không phải điều gì đặc biệt. Bởi theo tập quán suy nghĩ là cứ phải đến độ tuổi chính xác nào đó nói được thì là bình thường. Cũng như ngày trước trẻ 5 tuổi phải đi học thì giờ 3 tuổi, 4 tuổi đã đi học.

Cũng giống như vậy, trường hợp của cháu bé 3 tháng tuổi này chỉ là khác thường chứ không phải không thể xảy ra!?. Vì có những đứa trẻ rất là nhạy khi tiếp xúc với môi trường sống. Đứa trẻ này phát triển tư duy sớm hơn so với những đứa trẻ khác nhưng với những đứa trẻ 3 tuổi không biết nói thì lại là một vấn đề khác. Tư duy của những đứa trẻ này nhạy hơn bình thường về cấu trúc sinh học".

Theo TS.Khanh, thực tế có nhiều đứa trẻ có 1, 2 tháng tuổi đã nghe và hiểu được tiếng bố mẹ chúng. Điều đó được gọi là linh giác, thính giác. Từ lúc sinh ra, đứa trẻ đã có những điều đó rồi. Ba tháng biết nói chỉ là sớm chứ không phải điều gì ghê gớm, lạ lùng, đặc biệt. Đứa trẻ này chỉ là phát triển sớm hơn bình thường ở hệ thanh quản, âm thanh.

Có những người phát triển đều đều, nhưng có những người phát triển nhanh, lệch trước một thứ trong lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý). Sáu căn này đầy đủ thì gọi là bình thường. Nhưng có những người thiên về một căn nào nhạy hơn các căn khác.

Đứa trẻ biết nói từ lúc 3 tháng tuổi vì căn tai và nói phát triển nhanh hơn nhưng về căn ý, IQ thì cũng chưa thể biết được. Vì trong mỗi con người, có thể mạnh về căn này nhưng chưa chắc các căn khác cũng phát triển nhanh như vậy. Trong thực tế, nhiều nhân tài "chết non, chết yểu" vì hồi bé xuất hiện sớm một khả năng nhưng lớn lên khả năng này lại mòn dần (có thể khả năng này là sự kế thừa của tiền kiếp-PV).

Ví dụ như những người có khả năng học ngoại ngữ rất nhanh trong giai đoạn đầu là sự kế thừa từ nhân duyên, nhân quả từ đời trước. Nhưng nếu không có sự cố gắng, kế tục thì cái đà chạy kiếp trước sẽ chậm dần, mai một.                

Được biết, để kiểm tra khả năng đặc biệt của Tuấn Minh, các nhân viên của đại diện tổ chức IQ thế giới tại Việt Nam đã có cuộc thử nghiệm thực tế. Các câu hỏi được đưa ra một cách ngẫu nhiên nhưng kỳ lạ thay bé Tuấn Minh đều trả lời chính xác 100% mọi câu hỏi.

N.Giang

Những thần đồng nhí bị bỏ quên trong thế kỷ 20

Thứ 5, 18/07/2013 | 08:42
Thế kỷ 20 đã chứng kiến sự xuất hiện của những thần đồng với tài năng và trí tuệ vượt trội. Ngoài những vĩ nhân tạo dựng được sự nghiệp và tiếng vang, còn có những "trí tuệ hơn người" bị lãng quên. Có người chọn hạnh phúc riêng bình dị, có người bị bạc đãi hắt hủi,... nhưng đều là những tài năng gây nhiều tiếc nuối nhất.

Thần đồng tuyển Anh nhầm đền Kinkakuji ở Việt Nam

Thứ 4, 03/07/2013 | 08:59
Alex Oxlade-Chamberlain khá tự tin trả lời câu hỏi về ngôi đền nổi tiếng của Nhật Bản.

Chuyện thai giáo thần đồng của mẹ Đỗ Nhật Nam

Thứ 2, 22/04/2013 | 13:28
Chị Phan Thị Hồ Điệp chia sẻ, hai vợ chồng chị đều thực sự không kỳ vọng sau này con mình lớn lên sẽ thành thần đồng, thành dịch giả nhí nổi tiếng. Với anh chị, Nam lớn lên, khỏe mạnh, lành lặn, không ốm đau là điều hạnh phúc nhất.

Thần đồng Việt: Ngày ấy – bây giờ

Thứ 5, 11/04/2013 | 14:33
Được người đời ngưỡng mộ và tôn vinh là thần đồng từ khi còn rất nhỏ, nhưng bao nhiêu năm sau, không ít người tự hỏi họ bây giờ làm gì, ở đâu?