Những điều chưa biết về 'bà Dung chạy án'

Những điều chưa biết về 'bà Dung chạy án'

Thứ 3, 18/06/2013 | 13:06
0
Nghệ sỹ Hương Dung từ lâu đã trở nên quen thuộc trên sân khấu kịch nói lẫn màn ảnh nhỏ với các vai chính diện có chiều sâu tâm lý phức tạp. Tuy nhiên thành công từ vai diễn bà Dung (vợ thứ trưởng -PV) trong seri phim truyền hình dài tập Chạy án, làm diễn viên này bỗng dưng có duyên với những vai diễn phản diện.

PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi cởi mở với diễn viên Hương Dung xung quanh việc "tự làm mới mình" của những vai diễn phản diện.

Tự làm mới mình

Vai bà Dung vợ thứ trưởng là vai phản diện đầu tiên của chị ?

Khán giả từng biết đến một Huơng Dung hầu hết đều là những vai chính diện với lối diễn xuất có phần mềm mại,  khắc họa nội tâm, thiên về chiều sâu tâm lý. Vai bà Dung trong Chạy án không phải là vai phản diện đầu tiên tôi đảm nhiệm nhưng đó là một vai diễn khá nặng ký đòi hỏi sự đầu tư diễn xuất dài hơi nhất từ trước tới nay.

Nhân vật - Những điều chưa biết về 'bà Dung chạy án'

Nghệ sỹ Hương Dung (mẹ Cao Thanh Lâm) trong một cảnh quay phim Chạy án

Chị đến với vai diễn này như thế nào?

Thực ra đây không phải là vai diễn đo ni đóng giày cho tôi lại càng không phải tôi là người đầu tiên đạo diễn mời thử vai. Lý do lớn nhất là đạo diễn có phần lo ngại tôi hụt hơi khi xoay xở với tuyến nhân vật hoàn toàn mới này. Lần lượt những diễn viên như chị Minh Châu, Thanh Quý không nhận vai thì tôi… thử sức. Lần đầu tiên được trải nghiệm với một vai diễn hòa toàn mới, bản thân tôi khá hào hứng. Thời điểm đóng phim Chạy án, lịch làm việc của tôi thường xuyên theo guồng ngày đi quay, đêm muộn thì về nhà ôm kịch bản để nghiền ngẫm.

Chị có cảm giác "choáng" khi nhận vai Dung?

Tôi là người lấy thăng bằng khá nhanh, ý thức rằng, kịch bản dài hơi thì người diễn viên tỏa sáng xuyên suốt từ đầu đến cuối phim là điều không thể. Tuy nhiên, để tạo ấn tượng trong lòng khán giả thì người nghệ sỹ phải tìm được một vài điểm nhấn và tập trung hết tinh hoa của mình, nhằm thực hiện phân đoạn để đời đó. Xác định được điều đó nên tôi khá bình tĩnh để từng bước một chinh phục khán giả.

Điểm nhấn dẫn đến thành công của chị là gì? Chị có thể chỉ cụ thể?

Đó là chi tiết minh chứng cho việc bà Dung ngoại tình. Tôi không có ý định diễn theo xu hướng một chiều như tỏ ra  trâng tráo, thách thức chồng mà tôi diễn bằng chính sự đồng cảm của những người phụ nữ với nhau. Soi từ nội tâm của chính bản thân mình để làm sáng lên những góc khuất đáng thương của người đàn bà này mặc dù nhiều tiền của nhưng lại bị bủa vây bởi sự cô đơn và đối xử có phần kém trân trọng về tinh thần của những người thân trong gia đình. Dường như trong người đàn bà này vẫn còn một chút nữ tính, khi đi vào khách sạn với người tình vẫn thể hiện thái độ lén lút, bịt khẩu trang, đeo kính đen để che giấu thân phận. Đó là minh chứng liêm sỉ trong bà Dung vẫn còn tồn tại. Tất cả là do hoàn cảnh đưa đẩy cộng với sự không được kiểm soát dẫn tới đi quá đà.

Chị có gặp khó khăn khi phối hợp với bạn diễn?

Rất may diễn viên tôi đóng cặp là anh Dũng Nhi (vai thứ trưởng - PV). Trước đây, tôi với anh Dũng Nhi cũng có duyên với nhau trong một vài bộ phim nên việc nắm bắt diễn xuất của nhau để kết hợp không khó. Lúc đầu, tôi với anh Dũng Nhi thống nhất khi diễn đoạn cao trào, chi tiết phát hiện ra vợ ngoại tình, anh Dũng Nhi sẽ sấn sổ xông tới để cào cấu, bóp cổ vợ cho đến khi mặt mũi tái xanh. Tôi đưa ra ý tưởng góp ý sẽ bỏ qua toàn bộ những hành động mang tính bạo lực đó mà chỉ tập trung vào một hành động duy nhất là cánh tay giơ lên định cho vợ một cái tát trời giáng rồi lại buông xuống bất lực khi nghe vợ (là tôi) lạnh lùng nói câu: "Từ lâu, tôi đã không coi ông là đàn ông rồi". Kết hợp với biểu cảm gương mặt nhàu nhĩ rất đạt của anh Dũng Nhi nên phân đoạn này được đạo diễn vô cùng hài lòng và chỉ cần quay một lần duy nhất.

Nhân vật - Những điều chưa biết về 'bà Dung chạy án' (Hình 2).

Chân dung nghệ sỹ Hương Dung

Tìm về xuất phát điểm của nhân vật để chống nhạt cho vai diễn

Sau Chạy án, dường như chị có duyên với vai diễn những bà mẹ chồng có phần sắc sảo và cay nghiệt, chị có sợ mình sẽ nhàm chán?

Do kịch bản của Việt Nam ít tình tiết mới, phần lớn đi theo những khuôn mẫu đã có sẵn về một kết thúc mở hoặc cái kết có hậu, là diễn viên, tôi đôi lúc bị gò theo những khuôn mẫu đã được định hình. Ví dụ, trong gia đình người nanh nọc, cay nghiệt nhất định phải là bà mẹ chồng hay những chiêu trò để gây sức ép với con trai cũng là bà mẹ. Ưu điểm của nhân vật dạng này là người diễn viên sẽ có khá nhiều đất diễn. Vấn đề là người diễn viên phải tìm ra được lối diễn xuất khác nhau để tạo điểm nhấn cho chính vai diễn của mình.

Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về những sáng tạo trong tuyến nhân vật một màu này?

Trên thực tế so với kịch bản gốc, nhân vật bà mẹ chồng luôn được khắc họa với vẻ gớm ghiếc có phần hơi cường điệu. Mặc dù trong cuộc sống không phải không có những người như thế nhưng nếu đưa lên phim theo đúng nguyên mẫu kịch bản đôi khi sẽ bị phản tác dụng, dễ bị cho là diễn.

Trách nhiệm của người nghệ sỹ là phải dung hòa được điều đó. Khi nhận kịch bản, việc đầu tiên tôi phải nắm rõ nguồn gốc xuất thân của nhân vật mình thủ vai như thế nào. Với xuất thân từ gia đình đại gia, tư sản, nhân vật mẹ chồng phải toát được lên vẻ sang trọng, quý phái. Nếu là học đòi lối sống danh gia vọng tộc, nhân vật phải toát lên sự phô trương đầy kệch cỡm. Còn không thì phải là mẹ chồng sắc sảo, thì một Kim Tước trong bộ phim Cổ vật, tôi thủ vai phải có sự lăn lộn trên thương trường đến mức bỏ qua những đạo lý, lôi cả con gái, con rể vào cuộc. Nhân vật này phải khác với mẹ Minh Khang trong bộ phim Cầu vồng tình yêu có xuất phát điểm từ một gia đình nhiều tiền, ít chữ nhưng lại khát khao sánh ngang với những gia đình thuộc hàng danh gia vọng tộc, chính khách. Trong phim người đàn bà thứ 2, tôi vào vai một bà mẹ vợ chiều con gái nhưng do xuất phát điểm là gia đình hạng trung lưu nên tôi chọn lối diễn xuất cho một nhân vật ghê gớm nhưng thực tế lại là mẫu người ruột để ngoài da.

Ngoài những diễn xuất cụ thể, chị có phải là người đầu tư tới từng tiểu tiết cho nhân vật của mình không?

Đối với tôi, phục trang để vào nhân vật cũng quyết định khá nhiều đến hiệu quả thành công của vai diễn. Đối với vai diễn bà Dung của Chạy án, tôi đã đầu tư khá nhiều tiền cho phục trang theo lối sang trọng, quý phái. Sau khi bộ phim đóng máy, tôi có tham gia một số bộ phim truyền hình như Cổ vật, Người đàn bà thứ 2, Cầu vồng tình yêu nhưng hầu như những phục trang của Chạy án tôi đều không tận dụng được. Một phần do những nhân vật tôi thủ vai mặc dù đều rất ghê gớm, sắc sảo nhưng sẽ phù hợp với những trang phục lòe loẹt, có phần đồng bóng. Thêm nữa, cái bóng của mẹ Cao Thanh Lâm quá lớn nên khán giả yêu nhân vật đến mức nhớ từng chi tiết, điệu bộ cho đến phục trang mình từng mặc. Tôi không muốn hình ảnh đó bị nhầm lẫn sang những vai diễn sau này.

Cảm ơn diễn viên Hương Dung về cuộc trò chuyện cởi mở này.

Bản lĩnh của diễn viên là phải kiểm soát được diễn xuất

 Là một diễn viên kịch nói, nghệ sỹ Huơng Dung thừa nhận khi mới bắt đầu chuyển sang đóng phim truyền hình chị cũng không khỏi bỡ ngỡ. Tuy nhiên với bản lĩnh của một người nghệ sỹ lâu năm trong nghề, chị đã kiểm soát khá tốt sự khác biệt này. Khi đứng trên sân khấu kịch, người diễn viên phải diễn trực tiếp cùng với micro và khán giả nên đài từ có phần hơi cường điệu hơn so với truyền hình. Khó khăn nhất là người diễn viên phải kiểm soát được đài từ (giọng nói) của mình. Bên cạnh đó, diễn trên sân khấu mọi tròn, khuyết về người hay vật đều phô rõ, diễn viên phải có mặt từ đầu đến cuối vở kịch còn khi đóng phim truyền hình, sự linh động của góc máy quay có thể cho diễn viên ăn gian về mặt thời gian. Ví dụ như trong kịch bản diễn viên phải xuất hiện đâu đó trong từng góc máy nhưng do lý do nào đó vắng mặt thì việc thu hẹp góc máy sẽ che đậy những điểm khuyết này.

Tuệ Linh 

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Người 'quyền lực' của ca sĩ

Thứ 2, 17/06/2013 | 08:42
Muốn gặp ca sĩ phải qua họ. Họ góp phần đưa tên tuổi ca sĩ lên vị trí ngôi sao nhưng cũng có thể vì họ mà ca sĩ tiêu tan sự nghiệp.

Những căn bệnh 'trầm kha' của showbiz Việt

Thứ 6, 14/06/2013 | 14:00
Những góc khuất phía sau ánh hào quang của các nghệ sĩ như: Dấn thân vào tệ nạn cờ bạc, rượu chè, thói khoe mẽ, nghiện hàng hiệu... khiến người ta thấy đối lập với những lớp áo khoác bóng bẩy, đẹp đẽ mà họ vẫn khi lên sân khấu.

'Tôi không phải bản sao thời trang của Mr Đàm'

Thứ 6, 14/06/2013 | 14:05
"Tôi không bao giờ ảnh hưởng từ bất kì ai. Tôi luôn có gu thẩm mỹ riêng. Có chăng đó chỉ là sự trùng hợp trong gu thẩm mỹ của tôi với những người khác...", ca sĩ Cao Thái Sơn chia sẻ.