Quyền Văn Minh và con đường gian truân đưa nhạc Jazz vào Việt Nam

Quyền Văn Minh và con đường gian truân đưa nhạc Jazz vào Việt Nam

Thứ 2, 08/07/2013 | 08:33
0
"Không có tôi, nhạc Jazz vẫn sẽ phát triển ở Việt Nam, vì tự bản thân Jazz đã có vẻ đẹp và sức hút riêng. Tôi chỉ là người đầu tiên chơi nhạc Jazz, là một nhân tố giúp đưa Jazz đến Việt Nam sớm hơn mà thôi", NSƯT Quyền Văn Minh, người thầy đầu tiên về nhạc Jazz tại Việt Nam nói.

"Tiếng sét ái tình với Jazz"

Cái tên Quyền Văn Minh gắn liền với chiếc kèn saxophone và những giai điệu đầy ngẫu hứng của các bản nhạc Jazz. Ông là người đầu tiên đưa khái niệm Jazz đến với công chúng Việt Nam và cũng là người đặt móng cho lâu đài nhạc Jazz tại Việt Nam. Ít ai biết, để có được một "cơ ngơi" như thế, người "thợ xây" đã phải trầy trật thế nào…

Nhân vật - Quyền Văn Minh và con đường gian truân đưa nhạc Jazz vào Việt Nam

NSƯT Quyền Văn Minh và những giây phút thăng hoa với chiếc kèn saxophone

NSƯT Quyền Văn Minh không phải là người được đào tạo bài bản. Tất cả những gì ông có được đều nhờ vào quá trình tự học, từ khi là cậu nhóc 14 tuổi. Lần đầu tiên cầm chiếc kèn trên tay, Quyền Văn Minh tự thổi trong vô thức. Vốn sở hữu dòng máu nghệ thuật từ bố mẹ, ông sớm lộ phát khả năng cảm thụ âm nhạc. Với người nghệ sĩ tài ba này, năng khiếu là một phần rất nhỏ quyết định thành công của những người dấn thân vào con đường nghệ thuật. Theo ông, điều cốt lõi mang tính quyết định là niềm đam mê đi kèm với một quyết tâm bền bỉ.

Khi còn nhỏ, gia đình không đủ điều kiện cho ông đi học chính quy tại Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc Gia ngày nay) nhưng Quyền Văn Minh không lấy đó làm nản. Nhiều ngày liền, người ta thấy bóng dáng của một cậu học sinh đứng ngoài lớp nhạc cụ, tay lăm lăm giấy bút, ghi chép những nốt nhạc phát ra từ phòng học. Học lỏm, ông nhận thấy không hiệu quả vì có quá nhiều thứ âm thanh từ những nhạc cụ khác nhau. Quyền Văn Minh liền nghĩ đến chiếc radio ở nhà.

Vậy là mỗi chiều chủ nhật, cậu học sinh dò sóng radio để nghe nhạc cổ điển rồi ghi lại làm tư liệu. Trong một lần dò đài, Minh nghe được những đoạn nhạc rất lạ, đầy tính kĩ thuật, khác hẳn với những âm thanh cậu đã từng nghe, từng nốt nhạc cuốn hút đến ma mị. Minh nhanh nhảu ghi lại những nốt nhạc đã lĩnh hội được rồi lôi ra, tập đi, tập lại một cách nghiền ngẫm. Nhớ lại giây phút ấy, NSƯT Quyền Văn Minh cho đó là định mệnh, một "tiếng sét ái tình với nhạc Jazz".

Những âm thanh kì ảo đó luôn ám ảnh Quyền Văn Minh. Mỗi lúc chơi nhạc, ông luôn lồng vào đó những giai điệu ngẫu hứng mà sau này ông mới biết đó là một dòng nhạc riêng. Phát hiện đó càng thêm thôi thúc ông tìm hiểu kĩ hơn về Jazz. Trong một lần đi phục vụ đám cưới, có một vị khách là thực tập sinh ở nước ngoài đã gặp Minh và ngỏ ý cho ông nghe chiếc đĩa anh  mua được. Như vớ được vàng, Quyền Văn Minh đến nghe, ghi chép tỉ mỉ từng nốt nhạc, làm "giáo án" cho riêng mình.

Vào những năm 1970, ông đi diễn ở miền Nam, trong những ngày nghỉ, ông lùng sục mọi cửa hàng băng đĩa để cốt tìm cho ra những bản nhạc Jazz. Ông kể: "Lúc đó, người dân còn không biết Jazz là loại nhạc gì, tôi phải mang kèn ra quán, hỏi băng nhạc Mỹ mà có bìa người da đen. Thời điểm đó, những băng đĩa của nước ngoài không được khuyến khích, người bán đĩa nhìn tôi ái ngại trả lời không có. Tôi phải thuyết phục mãi, nói cháu là nhạc công rồi mang kèn ra thổi vài bài ở giữa quán, ông ấy mới tin, rồi lên gác tìm cho tôi một chiếc băng cassette. Nhưng mua băng cassette mà tôi lại không có đài, vét sạch cả túi có 10 đồng, tôi mua được cả băng và đài. Mua được chiếc băng đó, tôi quý lắm, về đoàn phải cất đi, sợ bạn bè mượn nghe nhiều lại hỏng. Tôi nghe một mình, đó là những tài liệu đầu tiên. Tôi ghi hết cả đĩa cũng là lúc nhạc Jazz ngấm vào tôi. Hàng ngày tôi tập những cái mình ghi được".

Nhân vật - Quyền Văn Minh và con đường gian truân đưa nhạc Jazz vào Việt Nam (Hình 2).

NSƯT Quyền Văn Minh ngoài đời

Người mở đường khiêm tốn

Với "vốn liếng" thu nhận được, năm 1988 Quyền Văn Minh làm chương trình "Quyền Văn Minh với ba dòng nhạc: Cổ điển, dân gian, Jazz". Đây là chương trình dậy sóng trong làng âm nhạc thời đó, vì một lẽ, ông là người đầu tiên thổi cổ điển bằng kèn saxophone và cũng là người đầu tiên đưa nhạc Jazz đến với công chúng. Rất nhiều bạn bè trong giới học thuật đến dự chương trình của ông. Quyền Văn Minh không nói chương trình có thành công hay không, chỉ biết rằng, sau đêm diễn đó, ông được mời giảng dạy tại chính ngôi trường ông từng mơ ước được theo học, Nhạc viện Hà Nội.

Giảng dạy sẽ làm gián đoạn con đường biểu diễn của ông. Nhưng vì khát khao xây dựng một thế hệ chơi nhạc Jazz mà ông đã gật đầu đồng ý, sau 3 ngày suy nghĩ. Thời gian sau đó, ông bắt đầu thành lập nhóm nhạc biểu diễn những đêm nhạc Jazz đầu tiên tại Hà Nội gồm có Quốc Trung, Anh Quân và Trần Mạnh Tuấn. 5 năm trôi qua, ông nhận thấy Jazz vẫn chưa có một chỗ đứng xứng đáng, vẫn chỉ là một thứ âm nhạc giải trí cho những vị khách Tây. Tình yêu với Jazz thôi thúc ông làm một điều gì đó lớn hơn thế. Và, câu lạc bộ nhạc Jazz ra đời.  Ông sáng tác những đoạn nhạc Jazz lấy cảm hứng từ những câu hát dân ca, thổi hồn dân tộc vào "nhạc của Tây".

Tiếp chuyện với chúng tôi, NSƯT Quyền Văn Minh kể vanh vách những mốc thời gian gắn liền với sự phát triển của nhạc Jazz tại Việt Nam. Ngày đầu tiên Festival nhạc Jazz châu Âu được tổ chức tại Hà Nội, ngày đầu tiên có đêm diễn nhạc Jazz tại nhà hát lớn, ngày đầu tiên ban nhạc Jazz lớn nhất Việt Nam ra đời… Quyền Văn Minh nhớ hết, nhớ như đó là những mốc son trong cuộc đời mình. Cũng phải thôi, đời ông gắn liền với Jazz và thăng trầm cùng với Jazz.

Tính đến nay đã 17 năm ông duy trì câu lạc bộ nhạc Jazz. Ông cầm cố sổ đỏ vì Jazz nhưng không bao giờ tiếc nuối. Với ông, câu lạc bộ là một môi trường mang lại không gian biểu diễn cho các nghệ sĩ, là điều kiện tối thiểu nhất cho nghệ sĩ trẻ thể hiện khả năng của mình, là đất để các nhạc công trau dồi khả năng.

Với những đóng góp của mình, năm 2001, ông đã được Đại sứ liên minh châu Âu ca ngợi là "Huyền thoại sống của nhạc Jazz Việt Nam". NSƯT Quyền Văn Minh trân trọng những tình cảm đó, với ông, đó là những ghi nhận vì chặng đường ông đã đi. Ông chia sẻ: "Con đường này đầy gian truân nhưng cũng có những phút thành công vô giá. Vì thế, tôi chấp nhận những gian truân đó một cách vui vẻ khi nhìn thấy nhạc Jazz Việt Nam đã có một hệ thống vững chắc, có khả năng vươn tới những tầm cao".

Ông đã xây dựng được 4 thế hệ nghệ sĩ nhạc Jazz cùng biểu diễn ở câu lạc bộ, con trai ông, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc là thế hệ thứ 4 và học trò. Ông tự hào nói với tôi rằng, ở câu lạc bộ nhạc Jazz, mỗi năm có 365 đêm biểu diễn nhạc Jazz, bất kể nắng mưa, các nghệ sĩ đều cống hiến để phục vụ khán giả, có những ngày mất điện, các nghệ sĩ thắp nến để chơi nhạc. Ông cố gắng tạo ra cho các học trò của mình một cái nếp lao động, biết cống hiến để tự nâng cao bản thân mình.

Để kết thúc bài viết, tôi xin trích dẫn lời giới thiệu về NSƯT Quyền Thiện Đắc trên nhật báo New York Time: "Nghệ sĩ Quyền Văn Minh khuấy động Hà Nội bằng những bản nhạc Jazz, ông ấy sẽ chơi nhạc đến khi nào không còn chơi được nữa. Ở câu lạc bộ của Minh, bạn sẽ được thưởng thức âm nhạc của những nghệ sĩ tài năng nhất".       

Thanh Xuân

Nhạc sĩ thừa nhận ăn cắp bài hát bán cho Mr. Đàm

Thứ 3, 02/07/2013 | 10:07
Nam nhạc sĩ trẻ Trương Tuấn Huy thú nhận, ca khúc 'Chút tình phai' mà anh bán cho Mr. Đàm chính là sáng tác của Trường Nhân.

Gặp người nhạc sĩ của những khúc dân ca nổi tiếng

Thứ 7, 22/06/2013 | 21:49
Ông là nhạc sĩ Ngọc Thịnh, được người nghe biết đến qua những ca khúc dân ca nổi tiếng như: Mẹ, Lời quê, Câu đợi câu chờ, Ca dao sông quê, Hà Tĩnh quê mình, Sông thu...

Những bóng hồng phía sau nhạc sĩ Hồng Đăng

Thứ 5, 20/06/2013 | 15:14
Trong các sáng tác của nhạc sĩ Hồng Đăng, ngoài những ca khúc về cuộc sống, những ca khúc về tình yêu cũng chiếm phần lớn. Nhiều người bảo ông là nhạc sĩ đa tình, vì hầu như các ca khúc về tình yêu đều có những bóng hồng trong đó.