Muôn kiểu kiếm tiền của xe ôm phố cổ

Muôn kiểu kiếm tiền của xe ôm phố cổ

Thứ 3, 03/09/2013 | 20:06
0
Uống nước tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), tôi được nghe "cánh" xe ôm rỉ tai nhau: "Làm xe ôm ở phố cổ "ăn" lắm, nhất là những khu phố có Tây và khách du lịch. Chỉ cần lòng vòng mấy tuyến phố chính đã có tiền trăm, thậm chí họ còn trả bằng tiền đô nữa...".

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi có mặt tại khu vực "bờ xôi ruộng mật" - phố cổ Hà Nội, nơi mà "cánh" xe ôm gọi là... thiên đường kiếm tiền để "mục sở thị" mánh kiếm tiền của họ.

Đánh nhau để... giành chỗ

Đó là Hàng Bông, Mã Mây, Hàng Bạc, Đinh Liệt... Vâng, xe ôm ở đây ngồi theo khu vực, sự phân chia này được hiểu theo quy luật ngầm rằng không ai được xâm phạm vào nơi chở khách của nhau. Phố cổ không phải là những phố rộng, taxi khó vào được nên nhiều xe ôm ở đây vẫn có cơ hội để kiếm tiền. Anh Trần Văn Minh (Giao Thủy, Nam Định) cho biết: "Khách du lịch không phải ai cũng muốn ngồi taxi, vì ô tô có kính, khó quan sát phố xá. Nhiều người muốn đi xe ôm để thong thả ngắm phố phường theo kiểu du lịch bụi. Mà xe ôm ở đây cũng không bát nháo như ở chỗ khác, khách ở khu vực nào thì chở khu vực ấy, không chèo kéo. Vì thế, những người xe ôm mới đến khó mà tìm được chỗ kiếm tiền, vì sẽ có tình trạng "ma cũ bắt nạt ma mới" ngay...".

Tại ngã tư phố Cầu Gỗ - Lương Văn Can, anh Nguyễn Văn Ngọc (Hạ Hòa, Phú Thọ) chuyên đứng đón khách ở đây cho rằng: "Đây là tuyến phố chính, có nhiều khách du lịch nên cơ hội kiếm tiền nhiều hơn...". Theo lời anh Ngọc thì không phải ai muốn làm xe ôm ở khu phố cổ đều được, bởi mỗi phố, mỗi ngã ba đều có người "đặt chỗ" ngồi trước. Vì thế, chuyện ẩu đả giữa những người đi xe ôm cũ và mới diễn ra thường xuyên. Ở đây, những người làm nghề xe ôm liên kết với nhau chặt chẽ, khi có xích mích với "người mới", họ thường gọi "đồng nghiệp" đến để dằn mặt. Chẳng thế mà nhiều người coi cánh xe ôm có "máu mặt" ấy là... dân xã hội đen chuyên nghiệp.

Xã hội - Muôn kiểu kiếm tiền của xe ôm phố cổ

Khách Tây đang trả giá đi xe với anh Trần Văn Minh

Bác Đặng Thị Mậu (số 54, Hàng Bông, Hà Nội) cho hay, gọi xe ôm ở phố cổ là... xã hội đen cũng không sai, bởi dân kinh doanh ở phố cổ thường hay có sự tranh giành vỉa hè, tranh giành nơi kinh doanh, nhất là những ngày cuối tuần có chợ đêm. Họ thường điện thoại gọi "cánh" xe ôm quen biết để dọa nhau, giành nơi bán hàng tốt nhất. Mỗi lần xong một phi vụ, cánh xe ôm quen gồm 4, 5 người đều được một khoản kha khá, bỏ túi để tiêu pha. Nhiều xe ôm được coi như người nhà của nhiều cửa hàng kinh doanh nơi phố cổ này.

Lê Hồng Thương - một du khách ở Đà Nẵng, vừa xuống xe trên phố Đào Duy Từ cho tôi biết: "Đây là lần thứ hai tôi ra Hà Nội tham quan. Để ngắm phố phường, tôi đã chọn xe ôm. Tuy nhiên, đi có vài phố ngắn mà tôi đã phải trả 100.000 đồng. Giá tiền như thế là đắt hơn khi đi taxi...". Tiếp lời chị Thương, bác Linh, bán trà chanh trên phố Đào Duy Từ rủ rỉ: "Đây là  mánh khóe "làm tiền" của "cánh" xe ôm. Họ biết du khách không biết đường, cố tình đi lòng vòng, "mua đường" trên các phố để lấy thêm tiền của khách. Nếu khách mang bản đồ du lịch thắc mắc về đường đi, họ lấy lý do là "phố cấm, đường một chiều" để giải thích. Tuy nhiên, những người làm ăn kiểu chụp giật" như thế không nhiều...".

Xe ôm cũng cần... từ điển ngoại ngữ

Nhiều xe ôm làm "tay trong" cho các quán bar, vũ trường

Ngoài những câu chuyện cảm động về xe ôm và du khách trên phố cổ cũng còn đó một vài trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh". Vì tiền, họ sẵn sàng chở khách từ các quán bar ở phố cổ đến những nhà nghỉ để làm "bãi đáp" cho dân chơi. Mỗi lần như thế, họ đều chở kẹp ba, kẹp bốn, tất cả đều không mũ bảo hiểm, khi gặp công an, len lỏi vào các ngõ nhỏ để chạy trốn. Không những thế, một số xe ôm có máu "xã hội đen" còn là "tay trong" của các vũ trường trên phố Lý Thái Tổ, Hàng Bạc, Hàng Buồm... Khi có "động" hay thấy các lực lượng chức năng đi tuần, họ đều "phím" cho chủ quán bar, vũ trường bằng điện thoại để giải tán "quân", tránh sự kiểm tra gắt gao của công an. Anh Thọ cho biết, làm "tai mắt" của những quán bar "điểm đen" ấy rất nguy hiểm, bình thường không sao, cứ có chuyện gì là họ lại lôi xe ôm vào cuộc, có khi đánh nhau, ẩu đả, thanh toán nhau như trong phim. Kiếm tiền bằng con đường chân chính sẽ bền hơn là liên quan đến những quán bar, vũ trường đèn mờ ấy.

Anh Bùi Ngọc Thọ (xã Trực Tuấn, Nam Trực, Nam Định) tâm sự: "Làm nghề ở phố Tây nên chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với khách Tây, nhiều người dễ tính không sao, chứ nhiều khách nước ngoài cũng rất khó tính. Ví dụ như đã đồng ý trả giá để đi rồi, nhưng nhìn thấy mũ bảo hiểm cũ và xấu, họ cũng không đi nữa. Hoặc có đôi vợ chồng người Mỹ, muốn đi dạo quanh mấy tuyến phố chính nhưng lại muốn ngồi cùng một xe. Mà Tây thì rất to, chở hai người thì không được, cộng với sợ cảnh sát cơ động bắt vì xe chở ba nên phải nói mãi khách mới chịu thuê thêm xe nữa để đi...".

Một điều đặc biệt ở "cánh" xe ôm phố cổ là những lúc rảnh, họ thường mang quyển từ điển Việt - Anh ra để học cách giao tiếp. Để kiếm tiền được ở phố cổ Hà Nội, hầu hết những người làm nghề xe ôm đều biết nói tiếng Anh để mời khách hoặc trả giá với khách. Anh Thọ tếu táo: "Thích nhất là gặp được khách "sộp" muốn đi quanh phố phường Hà Nội, nhất là khách lần đầu tiên đến Thủ đô, nói gì cũng gật. Nhiều khi, đến Việt Nam họ muốn đổi tiền, nhờ chúng tôi đưa đến chỗ đổi USD. Chúng tôi đưa họ đến cửa hàng quen thuộc ở phố Hà Trung, Hàng Bạc. Vừa được tiền xe, chúng tôi được thêm một khoản mà chủ cửa hàng đổi tiền "boa" cho... ".

Anh Trần Văn Minh bộc bạch: "Làm nghề xe ôm ở phố cổ có cơ hội kiếm nhiều tiền hơn nhưng rất khó, bởi mỗi ngã ba, mỗi địa bàn đều có người cũ mưu sinh. Chỉ có người thân hay bạn bè quen của dân xe ôm cũ mới được "đứng xe" thêm ở đây. Tuy nhiên, mỗi xe đứng thêm, mỗi ngày phải đưa 50.000 đồng cho người cũ. Đấy là quy định ngầm. Nói chung, mỗi nơi mỗi luật lệ, để tồn tại được thì phải biết "nhìn nhau mà sống". Thấy bảo, sắp tới Hà Nội  mở rộng thêm nhiều tuyến phố đi bộ nữa thì "cánh" xe ôm chúng tôi còn nhiều cơ hội kiếm tiền hơn bây giờ...".

Những người làm nghề xe ôm tại phố Đinh Liệt vẫn truyền tai nhau một câu chuyện vui về một người xe ôm tên Tâm, quê ở Yên Bái. Anh Tâm vốn là người nhanh nhẹn, tự học cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Hai năm về trước, anh chở một du khách người Pháp đi vòng quanh Hà Nội. Biết tiếng Pháp nên anh làm hướng dẫn viên du lịch cho người khách đó. Ấn tượng với người xe ôm vui vẻ và biết ngoại ngữ, mỗi lần sang Việt Nam, ông khách người Pháp tìm đến anh Tâm, nhờ chở đi. Đầu năm vừa rồi, anh được ông khách người Pháp mời sang Pháp chơi 10 ngày, mọi thủ tục giấy tờ đều do ông khách và bạn ông làm ở Đại sứ quán Pháp lo cho. Anh Nguyễn Văn Ngọc chép miệng, nói với tôi: "Đấy, cứ chăm chỉ làm lụng kiếm tiền thì sẽ có ngày gặp may cô ạ. Ai dám nghĩ, anh xe ôm  được sang Pháp du lịch. Đúng là làm nghề nào "ăn lộc" nghề đấy...". Chúng tôi có đến phố Đinh Liệt để hỏi về anh Tâm, nhưng bạn anh cho biết, anh vừa về Yên Bái chiều nay để lo cho cậu con trai cả vừa đỗ đại học.                                               

Bảo Quyên

Tình một đêm của gái Tây và xe ôm đường trường

Thứ 7, 03/08/2013 | 06:57
Gần đây, dân xe ôm TP.Đà Nẵng có thêm một dịch vụ chở khách Tây đường dài.

Đêm cuối tuần chứng kiến Tây đi chợ 'sung sướng' ở phố cổ

Thứ 7, 27/07/2013 | 16:27
Tại chợ đặc biệt này, nhiều khách Tây đến mua "hàng sung sướng" về dùng...

Thành phố cổ bị chôn dưới đáy biển hơn 1.000 năm

Thứ 2, 08/07/2013 | 17:25
Khoảng 1.200 năm trước, thành phố cảng Heracleion là một trong những trung tâm thương mại quan trọng nhất vùng Địa Trung Hải. Tuy nhiên, một tai họa ập đến nhấn chìm toàn bộ thành phố xuống đáy biển, nơi mà nó mãi mãi bị lãng quên.

Gặp nghệ nhân khắc họa hồn phố cổ bằng sắc màu vỏ ốc

Thứ 5, 27/06/2013 | 11:49
Người dân sống trong con hẻm nhỏ sau rạp chiếu bóng TP. Hội An từng ngỡ ngàng khó hiểu khi thấy ông thầy thuốc lần mò, kiếm tìm, nhặt nhạnh những vỏ ốc từ lâu đã trở thành thứ rác vứt đi.với con mắt của một nghệ sĩ khát khao hoài tưởng phố cổ, ông đã biến thứ tưởng chừng chỉ để vứt đi ấy thành những bức tranh chất chứa thông điệp riêng. Ông chính là nghệ nhân Lữ Ngọc Năm, người Việt Nam đầu tiên vẽ tranh bằng vỏ ốc.

Người dân phố cổ sống chật vật trong ngõ tối đen

Thứ 4, 29/05/2013 | 14:29
Hàng chục gia đình sống trong con ngõ nhỏ chỉ vừa 1 người đi nằm sâu hun hút, thiếu không khí và ánh sáng… Đó là những gì đang tồn tại ở khu phố cổ Hà Nội từ bao năm qua.

Những câu chuyện 'lạ' về dân chơi 'đổi gió' với... 'gái Tây'

Thứ 6, 12/07/2013 | 14:56
"Mốt" của dân chơi bây giờ không chỉ có vào vũ trường, "xõa" thâu đêm suốt sáng với các loại thuốc kích thích, đua xe... mà họ còn "đổi gió" bằng cách "làm thân" với "gái Tây". "Mục sở thị" sở thích quái đản ấy, chúng tôi lên các phố trung tâm quanh hồ Gươm (Hà Nội), phát hiện ra rất nhiều chuyện bi hài khó tin.