Cơ chế bảo hiến mới: Nhân dân phải thực sự là chủ

Cơ chế bảo hiến mới: Nhân dân phải thực sự là chủ

Thứ 6, 07/06/2013 | 13:32
0
Về thuật ngữ, bảo hiến là bảo vệ hiến pháp. Vì sao phải bảo vệ Hiến pháp? Có hai lý do.

Thứ nhất, Hiến pháp quy định những việc quan trọng nhất của một quốc gia, như: các quyền cơ bản của mỗi người dân, gồm có các quyền con người và quyền công dân; những nguyên tắc cơ bản của chế độ và hình thức tổ chức chính trị của quốc gia.

Việc bầu cử hay thành lập và cơ chế hoạt động của ba nhánh quyền lực nhà nước là lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng như những cơ quan quan trọng nhất của nó; những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa nhà nước với công dân và với các nhà nước khác. Thứ hai, Hiến pháp là luật cơ bản của một quốc gia, những gì mà Hiến pháp quy định có hiệu lực cao nhất, nghĩa là toàn bộ hệ thống luật pháp của một quốc gia phải được xây dựng và hoạt động trên cơ sở hiến pháp và không được trái với hiến pháp.

Nói một cách hình ảnh, Hiến pháp giống như nền móng, rường cột, kết cấu chính của một toà nhà. Nó quyết định tính bền vững, độ cao, chiều rộng và tuổi thọ của ngôi nhà. Ai cũng biết, khi sửa chữa nhà cửa, ta có thể khoan, đục, thậm chí phá bỏ cả một bức tường, nhưng nếu tổn hại đến nền móng và kết cấu chính của toà nhà thì sẽ làm cho toà nhà dễ bị suy sụp, đổ vỡ.

Tuy vậy, Hiến pháp vẫn bị vi phạm bằng nhiều cách, dưới nhiều hình thức khác nhau. Có những đạo luật chứa những quy định vi hiến. Có những hành vi, quyết định của cơ quan hành pháp hay tư pháp trái với Hiến pháp. Do tầm quan trọng của Hiến pháp, và do tình trạng vi hiến vẫn tồn tại, mỗi quốc gia đều quan tâm xây dựng một cơ chế bảo vệ hiến pháp hữu hiệu, với những công cụ và phương pháp thích hợp tuỳ hoàn cảnh mỗi nước.

Luật sư - Cơ chế bảo hiến mới: Nhân dân phải thực sự là chủ

Ảnh minh họa

Công cụ đầu tiên là chính bản Hiến pháp, với những quy định tự bảo vệ rất chặt chẽ. Ví dụ, quy định về hiệu lực tối cao của Hiến pháp. Điều 146, Hiến pháp 1992 quy định:” Hiến pháp nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.” Hiến pháp cũng quy địnhrất khắt khe về việc thay đổi Hiến pháp.

Ví dụ: việc thay đổi Hiến pháp phải được 2/3 số nghị viên yêu cầu, phải thành lập ban soạn thảo và được quốc hội ưng chuẩn, sau đó phải đưa ra toàn dân phúc quyết (như Hiến pháp 1946 của Việt Nam), hoặc chí ít việc thay đổi cũng phải được 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, như Hiến pháp 1992.

Công cụ thứ hai, ở nhiều nước, là một cơ quan bảo hiến có thẩm quyền giám sát việc tuân thủ hiến pháp và hành động để chấm dứt hành vi vi hiến. Hình thức cơ quan bảo hiến khá đa dạng, tuỳ hoàn cảnh lịch sử và đặc điểm chính trị của từng nước. Đó có thể là một cơ quan có quyền kết luận một hành vi là vi hiến với yêu cầu đình chỉ hoặc vô hiệu hành vi đó, hoặc một cơ quan tố tụng có quyền kết luận và chế tài về những hành vi vi hiến bằng một bản án có hiệu lực cưỡng hành.

Tất nhiên, còn những công cụ và phương pháp khác, tuỳ từng quốc gia. Quân đội, công an cũng là những lực lượng bảo vệ hiến pháp, chống lại các hành vi xâm phạm an ninh, chủ quyền quốc gia, đe doạ nền tảng của chế độ, hoặc các tổ chức hay hành vi khủng bố.

Cuối cùng, nhưng lại là điều quan trọng nhất, là thẩm quyền và năng lực bảo vệ hiến pháp của công dân. Để xây dựng một xã hội thực sự dân chủ và văn minh, như các nghị quyết và cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp 1992 đã đề ra, nhân dân phải là người chủ thực sự của quyền lực nhà nước, cũng có nghĩa là người chủ của hiến pháp. Thông qua quốc hội, nhất là quốc hội lập hiến, nhân dân xây dựng và ban hành hiến pháp để tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Cũng bằng hiến pháp, nhân dân, thông qua các đại biểu của mình và quyền phúc quyết trực tiếp,  thiết chế một nhà nước phục vụ cho lợi ích của mình, một nhà nước dân chủ, vì thế mà nhà nước còn được gọi là công bộc (đầy tớ công) của dân. Thông qua hiến pháp, nhân dân trao cho nhà nước một bộ phận quyền lực, và giữ lại cho mình một số quyền lực, như quyền phúc quyết những vấn đề hệ trọng quốc gia, quyền phúc quyết sửa đổi hiến pháp, và nhất là quyền bầu cử - ứng cử dân chủ, tự do để thay đổi nhà nước nếu nhà nước làm hại cho dân.

Một cơ chế bảo hiến thực sự dân chủ, ngoài những công cụ bảo hiến của nhà nước, phải tạo điều kiện cho đa số nhân dân lao động, trí óc cũng như chân tay, tuỳ hoàn cảnh và năng lực của mình, được quyền trực tiếp giám sát việc tuân thủ hiến pháp, và được quyền tố giác, yêu cầu chấm dứt những hành vi vi hiến của của các “công bộc”, nhất là khi các quyền tự do cơ bản của mình bị xâm phạm. Đây là lý do mà mọi hiến pháp ở các nước dân chủ, văn minh đều quy định nhân dân có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tụ họp hoà bình, cùng với những quyền tự do khác.

Những quyền tự do cơ bản ấy có gì xa lạ mà chính là những quyền con người được công nhận tại Thoả ước quốc tế về các Quyền dân sự và Quyền chính trị của Liên hiệp quốc có hiệu lực từ năm 1976 mà Việt Nam đã tham gia từ 24/9/1982. Nội luật hoá những quyền ấy và đưa nó vào cuộc sống là nghĩa vụ của các nước thành viên. Chỉ khi những quyền tự do này được nhân dân sử dụng một cách thực chất thì chúng ta mới có một cơ chế bảo hiến với những điều kiện cần và đủ, và do đó có hiệu quả cao.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa

(Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam- Đại biểu Quốc hội)

Băng Tâm (BT)

Cơ sở thực tiễn để ra đời Tòa án bảo hiến Việt Nam

Thứ 5, 06/06/2013 | 07:17
Việc đề xuất mô hình tòa án nhân dân được giao nhiệm vụ bảo hiến xuất phát từ điều kiện thực tiễn của mô hình tòa án nhân dân hiện tại, đáp ứng được yêu cầu không làm cồng kềnh thêm tổ chức bộ máy, không phải xây dựng thêm nhiều trụ sở, có tính khả thi và có thể thực hiện ngay thực hiện nhiệm vụ mới được giao.

Cần có Hội đồng Bảo hiến và Hội đồng Tư pháp

Thứ 2, 18/03/2013 | 08:46
Ghi nhận các ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu góc nhìn của bà Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

Ai có quyền tạm dừng văn bản vi hiến?

Thứ 5, 14/03/2013 | 07:50
Hội đồng Hiến pháp phải có quyền phản biện, phát hiện văn bản vi hiến phải có quyền tạm dừng, phải trao quyền nhiều hơn cho Hội đồng Hiến pháp