Cơ cực như người nhà bệnh nhân đi tìm chỗ trọ

Cơ cực như người nhà bệnh nhân đi tìm chỗ trọ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Nhà trọ 50.000 đồng/đêm, 60.000 đồng/đêm... đó là những tờ rơi quảng cáo quanh các bệnh viện ở Thủ đô. Chỉ cần gọi điện thoại theo số in trên tờ rơi, người bệnh hay người nhà bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tận tình nhưng sự thật về những ngôi nhà trọ này lại không như quảng cáo.

Kê phản là có tiền

Thông thường, một người bệnh sẽ có một người nhà đi theo để chăm sóc. Tại các bệnh viện lớn, những chiếc chiếu đơn của người nhà bệnh nhân trải la liệt tại hành lang. Nắm bắt được nhu cầu của người nhà bệnh nhân, các hộ có nhà gần bệnh viện sẵn sàng biến nhà mình thành nhà trọ.

Xã hội - Cơ cực như người nhà bệnh nhân đi tìm chỗ trọ

“Phòng riêng” theo quảng cáo thực chất chỉ là những tấm phản được kê san sát nhau

Theo chỉ dẫn của chị Lan, bán nước ngay cổng bệnh viện Nhi trên đường La Thành (Hà Nội), chúng tôi tìm đến căn nhà được "quảng cáo" là phòng rộng rãi, thoáng mát, giá cả phải chăng. Theo lời chị bán nước, đây là nơi có phòng đẹp và giá phòng "mềm nhất" khu này.

Tuy nhiên khi đến tận nơi xem, chúng tôi không khỏi ngán ngẩm. Đó là căn nhà cấp 4 xập xệ rộng khoảng 20m2 được chủ nhà kê 5 cái phản, lấy gạch làm chân. Trong phòng chỉ có duy nhất một lối đi hẹp ở giữa, trần nhà là những tấm xốp ghép xộc xệch đầy mạng nhện. Phía sau nhà là khu vệ sinh ẩm thấp và bốc mùi. Chị Hoa, chủ nhà trọ cho biết: "50.000đồng/ngày/phản cho hai người, nếu thuê tháng là 1 triệu đồng". Lấy lý do về tham khảo ý kiến người nhà, chúng tôi lặng lẽ rút lui.

Chúng tôi tìm đến bệnh viện K cơ sở 2 tại xã Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội với hy vọng ở đây giá thuê phòng sẽ mềm hơn. Tuy nhiên giá thuê phòng trọ ở đây cũng "chát" không kém khu vực viện Nhi. Bà Hằng (68 tuổi) chủ khu nhà cho biết: "Phòng rộng rãi có thể ở 2 người, giá 40.000 đồng/đêm, điện nước đầy đủ, vệ sinh sạch sẽ".

Theo quan sát của chúng tôi, dãy nhà bà đưa vào cũng là nhà cấp 4 xập xệ, nhà vệ sinh bốc mùi nồng nặc, có một khoảng trống rộng chừng 10m2 để phơi quần áo của 15 giường bệnh. Trong khi ngôi nhà chỉ cao chừng 4m vậy mà lắp hệ thống giường tới 3 tầng.

Bẩn, chật vẫn phải thuê

Dù bẩn, chật là thế, nhưng người nhà bệnh nhân vẫn phải cắn răng thuê để “trực chiến” chăm sóc "trường kỳ" cho người nhà. Vợ chồng chị Hương, quê Yên Bái chia sẻ: "Con gái tôi 14 tháng tuổi, cháu bị u máu trong mắt. Mỗi đợt điều trị kéo dài tới hàng chục ngày. Ở trong bệnh viện, chúng tôi cũng không có chỗ để nghỉ lưng. Ra ngoài thuê phòng, tuy cả nhà chỉ nằm trên chiếc phản vỏn vẹn 1,2 m nhưng cũng còn được nghỉ ngơi chút. Vẫn biết nhà trọ chật, bẩn nhưng vẫn phải thuê vì điều kiện kinh tế gia đình có hạn".

Bác Nhanh quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa có vợ bị u xơ tử cung phải xạ trị nhiều ngày nên vợ chồng bác phải thuê trọ ở gần bệnh viện. Vì chủ nhà không cho nấu cơm nên mỗi bữa 2 bác làm gói mỳ tôm cho tiện.

Tình cảnh này diễn ra phổ biến với những người bệnh và người nhà bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện ở Thủ đô. Mặc dù hiện nay, nhiều bệnh viện đã có nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân nhưng số lượng còn rất ít. Một cán bộ quản lý nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân nghèo ở bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: "Công suất sử dụng phòng luôn đạt 100%. Khu nhà này hoạt động phi lợi nhuận nên số lượng người đăng ký rất đông".

Hy vọng Bộ Y tế cùng với việc xây mới các bệnh viện để giảm tải sự quá tải các giường bệnh, cũng sẽ quan tâm hơn nữa nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân.

Đỗ Thơm