Cô gái 10 năm ăn Tết ở 'xóm chạy thận'

Cô gái 10 năm ăn Tết ở 'xóm chạy thận'

Thứ 4, 02/01/2013 | 09:37
0
Mười năm qua, vừa đấu tranh chống lại nỗi đớn đau của thân xác, vừa cặm cụi lao động mưu sinh bằng chút sức lực còn lại, chị Trần Phương Nhung (29 tuổi, ở Nam Định) có 10 năm gắn bó với "xóm chạy thận".

Mắc bệnh từ năm 18 tuổi, căn bệnh đã làm mất đi bao nhiêu mơ ước rất đỗi bình dị trong cuộc đời của chị Nhung. Chạy thận hơn 10 năm qua nhưng nhìn chị vẫn rất trẻ như ngày đầu chưa mắc bệnh. Mỗi ngày với chị vẫn tràn ngập niềm vui với những câu chuyện, những sẻ chia và các dòng nhật ký, những mẩu chuyện đơn giản. 

Cuộc sống của cô gái này vượt lên cái đau đớn của bệnh tật, của những ống truyền, của căn phòng trọ chật hẹp. So với các bệnh nhân khác ở "xóm chạy thận", chị Nhung là người lạc quan, chị đang thổi hồn vào chính cuộc sống của chị và những người xung quanh.

"Đời người sống được bao lâu nữa mà không sống cho vui vẻ và có ích. Phải luôn tìm cho mình niềm vui gì đó để chiến thắng cảm giác bệnh tật và đấu tranh với nó", chị nói.

Xã hội - Cô gái 10 năm ăn Tết ở 'xóm chạy thận'

Trần Phương Nhung (ở giữa) có giây phút hiếm hoi được ở cùng gia đình.

Chị Nhung cho biết: "Các bệnh nhân ở xóm trọ này đến từ nhiều địa phương, người già đã ngoài 70 tuổi, người trẻ cũng vừa tròn 18, 20 tuổi. Những bệnh nhân chạy thận ở nhiều bệnh viện như: Bệnh viện Bưu điện, bệnh viện Bạch Mai...Trước đây, các bệnh nhân chung cảnh ngộ như tôi, tập trung trọ ở một con ngõ nhỏ trên phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội) và khu sát bệnh viện Bạch Mai. Từ ngày khu vực gần bệnh viện Bạch Mai giải tỏa, hai năm nay các bệnh nhân ở đó cùng tìm về trọ quanh khu vực Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội). Chúng tôi gặp nhau tại "xóm chạy thận" này bởi cùng chung hoàn cảnh, bệnh tật".

Chị Nhung sinh ra trong một gia đình không khá giả, cả bố và mẹ đều bán nước để mưu sinh ở TP. Nam Định (tỉnh Nam Định). Chị gái của chị đã lập gia đình riêng, mọi thu nhập đều trông chờ vào những cốc nước chè, bán ở vỉa hè của bố mẹ già. Mười năm nay, kể từ khi chị Nhung bắt đầu phải xuống Hà Nội điều trị ở khoa Thận nhân tạo (bệnh viện Bạch Mai), bao nhiêu vốn liếng, tiền của trong gia đình đều phải đổ dồn vào để duy trì sự sống cho chị.

"Mỗi tuần chúng tôi phải chạy thận đều đặn 3 lần/tuần. Năm đầu tiên từ Nam Định ra Hà Nội điều trị, mẹ tôi cũng phải xuống ở cùng. Lúc đó, tôi chưa đến 20 tuổi, tôi phải nhìn bạn bè đi học, được đi đây đi đó, được thực hiện ước mơ của mình. Tôi thèm được là một người bình thường như họ. Đặc biệt là mỗi dịp Tết, cảm giác cô đơn khiến những người cùng hoàn cảnh như tôi thấy chúng tôi như một gia đình. Mười năm nay, Tết của tôi gắn liền với phòng trọ, bệnh viện và những chiếc dây dẫn lọc máu", chị Nhung ngậm ngùi chia sẻ.

Xã hội - Cô gái 10 năm ăn Tết ở 'xóm chạy thận' (Hình 2).

Những đồ nghề này giúp chị Trần Phương Nhung kiếm thêm thu nhập hàng ngày.

Tính sơ sơ mỗi tháng, một bệnh nhân chạy thận cũng phải chi phí hết hơn 4 triệu đồng. Chi phí đắt đỏ ở chốn đô thành cùng tiền viện phí cao làm bệnh nhân chạy thận khó khăn lại càng khó khăn hơn. Chị Nhung chứng kiến nhiều trường hợp người vào xóm trọ này, chạy thận được một thời gian thì hết tiền, đành phải về nhà nằm chờ chết. Dù các bác sỹ khuyến cáo để có lợi nhất cho sức khỏe, các bệnh nhân nên sử dụng một loại đạm có giá 1 triệu đồng. Đây là loại thuốc ngoài danh mục thanh toán của bảo hiểm y tế nên không phải bệnh nhân chạy thận nào cũng có tiền để mua dùng.

Chị Nhung ngậm ngùi: "Đã là bệnh nhân chạy thận thì ai cũng đều xác định sẽ phải "thi hành án chung thân" với bệnh viện, bởi quay về nhà là chết. Tôi đã gia nhập "xóm chạy thận" được 10 năm nhưng chưa phải là lâu đời nhất của xóm. Ở xóm, có nhiều người đã chạy thận được 16 -17 năm. Cá biệt, trường hợp của anh Nguyễn Văn Khai, 55 tuổi ở Sơn La, đã chạy thận 20 năm nay. Anh ấy giờ đã yếu đi nhiều. Sức cùng lực kiệt, tài sản gia đình cũng đi hết và chính anh ấy cũng biết mình chỉ còn sống được một thời gian ngắn nữa thôi".

Xác định còn "chiến đấu" với bệnh tật lâu dài, hàng ngày vào buổi sáng, chị Nhung lại cùng ông Tăng (quê Nam Định), một bệnh nhân cùng phòng trọ đi bán nước ở cổng trường tiểu học Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội). Chỗ bán nước này cũng là do những người dân ở đây "cho mượn" buổi sáng, buổi chiều lại trả lại chỗ cho họ. Chiều đến, chị Nhung lại dọn đồ đạc về phòng chuẩn bị đi lọc máu buổi tối. Chị tâm sự: "Mỗi ngày bán nước thu nhập không được nhiều, chỉ khoảng vài chục nghìn đồng. Nhưng số tiền đó với các bệnh nhân như chúng tôi là rất quý. Nó giúp người bệnh trang trải được một số chi phí cần thiết hàng ngày".

Chị Nhung chia sẻ, chị sợ nhất là những lúc cơ thể mệt mỏi, ốm nặng không đi bán hàng được, lúc đó bản thân hay nghĩ đến bệnh tật. Chính vì thế chị không cho phép mình nhàn rỗi. Không đi bán nước, chị mua len về móc các con thú, khăn để bán hàng qua mạng. Đặc biệt chị còn là cộng tác viên thường xuyên của báo Mực tím. Tính đến nay, chị tính mình đã có đến gần 60 bài được đăng báo với nhiều câu chuyện về cuộc sống, kỹ năng sống của người trẻ...Đọc những lời văn trong trẻo, tràn đầy lạc quan, khó ai nghĩ chị đã phải sống chung với bệnh tật 12 năm.

Đỗ Thơm

'Yêu nữ hàng hiệu' ngoài đời thực của nước Anh

Thứ 3, 01/01/2013 | 09:47
Gina Rio cho hay, cách duy nhất khiến cô cảm nhận được tình yêu của bố mẹ là nhờ khoản trợ cấp 10.000 bảng Anh (khoảng 338 triệu đồng) mỗi tháng.