Cô gái tật nguyền đạt giải thưởng lớn về văn chương

Cô gái tật nguyền đạt giải thưởng lớn về văn chương

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Mất khả năng vận động đến mức mọi sinh hoạt đều cần đến sự trợ giúp của người khác, nhưng Thúy vẫn từng bước vươn lên để tự nuôi sống bản thân và thực hiện giấc mơ nhà văn của mình.

Đứng dậy từ tận cùng nỗi đau

Tôi gặp Nguyễn Phương Thúy (Việt Trì, Phú Thọ) trong lễ trao giải cuộc thi sáng tác truyện ngắn do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cách đây khá lâu. Cô đã để lại ấn tượng khá sâu sắc. Nhân dịp công tác tại Phú Thọ, tôi ghé thăm nhà Thúy, người con gái tật nguyền có nghị lực phi thường.

Xã hội - Cô gái tật nguyền đạt giải thưởng lớn về văn chương

Thúy vẫn yêu đời dù cô đã liệt tới 90% cơ thể

Cô đã có nhiều bài viết đăng báo và nhận gần chục giải thưởng từ các cuộc thi sáng tác lớn... Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho cô. Đầu năm 2012, Thúy cho ra đời tuyển tập truyện ngắn “Cho em một lần...”. Cuốn sách này chứa đựng suy nghĩ, cảm xúc cá nhân của cô. Không dừng lại ở truyện ngắn này, Thúy tiếp tục viết nhiều hơn, tranh thủ viết mọi lúc có thể. Bởi viết là cách để Thúy giãi bày tâm tư, tình cảm của mình.

Thúy tâm sự: “Mỗi nhân vật trong sáng tác của em đều mang dáng dấp, hình bóng của em. Họ là người làm những điều em không thể thực hiện được. Các chi tiết trong truyện đều được lấy từ hoàn cảnh của em”.

Thúy mắc bệnh khớp vào năm 12 tuổi. Dù gia đình đã đưa đi chạy chữa ở khắp nơi nhưng không khỏi. Những buổi tới trường thay thế bằng những tháng ngày nằm viện. Cuối cùng, cuộc sống của Thúy gắn liền với chiếc giường, sau này là chiếc xe lăn. Từ ngày bị liệt, cô đã nhủ lòng quyết tâm không trở thành gánh nặng đè lên đôi vai gầy guộc của cha mẹ.

Thế nhưng chỉ có việc đặt tay lên bàn để viết, Thúy cũng phải nhờ tới sự giúp đỡ của người thân bởi cơ thể Thúy bị liệt tới 90% (chỉ cử động được cổ tay và từ phần cổ trở lên). Mỗi lần như thế, nước mắt cô lại lăn dài trên má vì đau và tủi thân.

Những tưởng bệnh tật sẽ quật ngã Thúy, nhưng không, cô vẫn vươn lên bằng nghị lực phi thường cùng với tình yêu thương bao la của cha mẹ, người thân... Thúy chia sẻ: “Hai năm sau khi bị bệnh, em ý thức được cuộc sống của mình gắn liền với xe lăn vĩnh viễn nên em bắt đầu tập trung vào công việc sáng tác. Mới đầu, em tập ghi lại những câu chuyện mà mình nghe thấy, chứng kiến, trải qua... Dần dần em thích viết, say mê viết và ước mơ trở thành nhà văn. Với em, viết không chỉ là thể hiện tâm tư tình cảm của mình mà viết còn là cách nuôi sống bản thân vì em không thể lao động”.

Trong quá trình thực hiện giấc mơ nhà văn, cô gặp rất nhiều khó khăn. Bởi căn bệnh quái ác đã cướp đi tuổi học trò thơ ngây đầy mơ mộng khi cô mới học lớp 6. Thế nên, khi mới viết, cô gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng câu từ, thể loại và sự hạn chế trong nhận thức (do không được tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài). Nhưng càng khó khăn, cô càng có thêm khao khát chiến thắng nỗi đau để trở thành người được mọi người công nhận.

Viết từ những gì bản thân trải qua, hiệnThúy đang tập trung để hoàn thành cuốn sách viết về nghệ thuật sống. Đây là cuốn sách thể hiện cách nhìn của Thúy về những khó khăn trong cuộc sống, làm cách gì để vượt qua những khó khăn ấy. Thúy cho biết, cuốn sách này chính là điều cô nhắn gửi cho những người có hoàn cảnh kém may mắn hay những người bình thường rơi vào tâm trạng chán nản... để giúp họ vượt qua khó khăn.

“Người ấy” đã khơi nguồn “say”

Thúy tâm sự: “Chỉ cần mình không ngừng hi vọng vào cuộc sống thì nhất định mình sẽ thành công. Bản thân em dù bị bệnh rất nặng, có thể ra đi bất cứ lúc nào nhưng em vẫn luôn cố gắng vượt qua nỗi đau để trở thành người có ích”. Thế nên, dưới bút danh Viên Nguyệt Ái, mỗi trang viết của Thúy luôn chứa đựng niềm lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống.

Thúy kể cho tôi nghe về người mà cô có tình cảm đặc biệt suốt hơn 5 năm và những gì anh mang lại cho cô. Anh ở cách cô khá xa về địa lý, là một người công tác trong ngành công an. Khi thực tập ở Việt Trì năm 2007, do mọi người kể nhiều về cô nên anh tò mò tìm gặp cô gái nghị lực ấy. Lần đầu tiên đến nhà, anh và cô nói chuyện trong hoàn cảnh cô nằm trên giường. Cách nói chuyện dí dỏm, hài hước cùng sự lạc quan yêu đời vượt trên bệnh tật của cô đã khiến anh cảm phục.

Số lần anh đến thăm cô nhiều hơn, những tin nhắn yêu thương, quan tâm được gửi tới đầy hơn. Theo thời gian, tình cảm của cả hai người trở thành sâu sắc. “Anh tin em làm được những điều em mơ ước và dành cho em một sự yêu thương ấm áp. Đó trở thành “vốn liếng” cho tâm hồn và cảm xúc sáng tác của em. Em đã viết hay hơn, sâu sắc hơn, thuyết phục hơn... từ khi em biết trân trọng anh, được anh trân trọng lại” Thúy say sưa nói với tôi như thế. Cô hiểu mình không còn cái khả năng trở thành “một nửa” của ai đó. Thế nhưng, cuộc sống - tình yêu - sự nghiệp của Thúy vẫn đang vẫy gọi cô ở phía trước.

Dù nhiều tổn thương và sóng gió, bệnh tật đang càng ngày thêm trầm trọng, nhưng bằng nghị lực phi thường như loài cây xương rồng trên triền cát trắng (nhiều người đã gọi cô như thế), Thúy vẫn quyết tâm chiến thắng số phận và vượt qua mọi trắc trở của cuộc sống, để vươn lên khẳng định mình.

Hồng Mây