“Cò” khám chữa bệnh công khai “oanh tạc” bệnh viện

“Cò” khám chữa bệnh công khai “oanh tạc” bệnh viện

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
"Cò" khám chữa bệnh không chỉ ngang nhiên hoạt động, chèo kéo bệnh nhân, người nhà bệnh nhân giữa thanh thiên bạch nhật, mà còn luôn miệng quảng cáo rằng có mối quan hệ thân thiết với các y, bác sỹ.

Đội ngũ "cò" này còn sẵn sàng nhận dịch vụ làm thủ tục cho bệnh nhân từ A tới Z như đưa bệnh nhân đi khám nhanh không phải chờ đợi, "thúc đẩy" nhanh việc phẫu thuật (các ca mổ - PV).

Qua tìm hiểu của PV, phần lớn người bệnh rơi vào mạng lưới này đều trong tình trạng tiền mất mà bệnh vẫn mang. Điều đáng nói, khi người bệnh phân trần với bệnh viện về tình trạng trên thì một số cơ sở khám chữa bệnh đã "thờ ơ" với những phản ánh này.

Xã hội - “Cò” khám chữa bệnh công khai “oanh tạc” bệnh việnCò y bạ, khám chữa bệnh hoạt động tại Bệnh viện Mắt Trung ương.

Mánh lới làm giấy khám sức khỏe

Có mặt tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội), chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy một đội ngũ "cò" làm giấy khám sức khỏe dịch vụ. "Cò" - họ ngồi thành hàng công khai hai bên cổng bệnh viện. Cứ có người nào đi tới là đội ngũ này bắt đầu lao ra mời mọc, chèo kéo: "Anh ơi làm giấy khám sức khỏe không? Nếu anh làm thì vào đây em làm cho vừa nhanh lại vừa rẻ".

Tôi nghe một loạt lời rao đại loại như "Sức khỏe chị ơi! Sức khỏe không anh ơi? Nhanh, khám chuẩn đây?! ". Thấy tôi tạt xe vào tận cổng, nhiều "cò" bủa vây mời chào.

Một "cò" nữ, trạc tuổi 40 chạy ra đon đả mời: "Làm giấy sức khỏe hả em, đi làm hay đi học? Để chị giúp cho! ". Thấy tôi tỏ ra lưỡng lồ, "cò" nữ này "bồi" tiếp: "Để bọn này (tức "cò" - PV) làm cho, chứ vào bệnh viện đợi cả ngày cũng chưa chắc đã có, vừa mất thời gian lại tốn công sức chờ đợi.

Nếu làm nhiều tờ sẽ được giảm giá, 2 tờ giấy khám sức khỏe có giá 100.000 đồng, 1 tờ thì 50.000 đồng. Em quyết định làm thì đưa ảnh, tiền đây một lát sau quay lại lấy? "

Tôi vẫn tỏ vẻ phân phân, chị "cò" nói tiếp: "Em không phải lo đâu, ở đây ai chả làm thế. Làm giấy khám sức khỏe chỉ có đến cổng Bệnh viện đa khoa Hà Đông làm thì khỏi bàn, nhanh nhất, rẻ nhất đấy. Mọi người đến đây làm nhiều lắm rồi, có "thương hiệu" rồi em ơi! ".

Vừa nói, "cò" nữ vừa đưa một tập giấy chứng nhận sức khỏe để trong cặp màu trắng cho tôi xem. Chưa kịp định thần thì bên đối diện lại có một người đàn ông cũng cầm một tập giấy chứng nhận sức khỏe in sẵn, tay vẫy vẫy: "Ra đây anh làm cho, vừa nhanh vừa rẻ, em thích loại chứng nhận sức khỏe nào cũng có. Từ chỗ cận thị thành không hoặc muốn chiều cao cao hơn thực tế bao nhiêu đều được hết?!".

"Cò" xếp hàng khám mắt

Có mặt tại cổng Bệnh viện Mắt Trung ương (phố Bà Triệu, Hà Nội), chúng tôi bị "đám cò" vây quanh mời chào mua sổ khám bệnh với giá 3 nghìn đồng /sổ, kèm theo những lời quảng cáo có cánh như sẵn sàng tư vấn khám bệnh, làm các xét nghiệm không phải xếp hàng, được khám ngay, khám từ từ... với các loại giá khác nhau.

"Cò" nữ trông cũng "nhừ', cứ phân bua: Chỉ với 20.000 - 30.000 đồng cho một lần khám bệnh, làm các xét nghiệm nhanh từ 150 nghìn đến 200 nghìn đồng hoặc có thể nhiều hơn thế tùy theo mức độ yêu cầu của bệnh nhân... Giá rẻ bất ngờ, làm nhanh...

Tôi đang đứng, chưa biết tin ai, "nhờ" ai thì một "cò" nam, trung tuổi nói: "Tôi có người nhà làm bác sỹ, thậm chí làm cả lãnh đạo trong bệnh viện, khám gì, chữa gì, trọn gói, tôi giúp?! ". Tôi nghe thấy hoảng nhưng chắc chắn nhiều người bệnh, người thân của bệnh nhân ở xa đến, sẽ tin và không loại trừ họ đưa cho "cò" nhiều tiền để "cò" giúp.

Sau khi mua sổ khám bệnh, một "cò" đưa chúng tôi đi khám, chúng tôi phát hiện sổ khám bệnh được phía bệnh viện phát miễn phí. Việc phát sổ khám miễn phí có giá trị bắt buộc người bệnh phải đăng ký mua phiếu khám bệnh tại bệnh viện.

Thấy vậy, chúng tôi thắc mắc, "cò" sổ khám bệnh tỏ ý bực tức, nói: "Nếu tin tưởng, đưa tiền khám nhanh, tôi sẽ đưa đi tiếp còn không thì thôi". Đồng thời "cò" này đánh vào tâm lý người bệnh rằng: "Rất nhiều người bệnh đến xếp hàng từ sáng sớm nhưng đến tận trưa vẫn không được vào khám."

Chị Nguyễn Thị Tâm, người nhà bệnh nhân Nguyễn Minh Thu cho biết: "Cách đây 1 tuần, em gái tôi từ Hải Phòng lên khám bệnh. Do tin tưởng vào lời quảng cáo của "cò" sổ khám bệnh nên đã phải chi hàng trăm nghìn cho dịch vụ mua sổ, khám bệnh nhanh và làm các xét nghiệm nhưng chẳng hơn gì so với những người bệnh tự lấy sổ, lấy phiếu khám khác.

Tương tự, anh Nguyễn Lê Kiên, quê Thanh Hóa cho biết: Do bận, ít thời gian nên anh nhờ dịch vụ "cò" sổ khám bệnh đưa đi khám nhanh nhưng khi đưa tiền cho "cò" và đang ngồi đợi khám thì "cò" bỗng lặn mất tăm. Ra ngoài cổng viện, gặp lại người này, tôi đòi lại tiền, vì thấy chẳng giúp được gì, thì bị một nhóm "cò" vây xung quanh chửi bới, dọa đánh.

Qua tìm hiểu chúng tôi cũng được biết, không chỉ có "cò" sổ y bạ, khám chữa bệnh mà còn có "cò" ngồi xếp hàng đợi đến lượt khám. Nếu bệnh nhân nào cần khám nhanh, "cò" báo cho nhau, tùy cơ ứng biến, lấy của bệnh nhân giá chênh với tiền thực nộp khám bệnh từ 100.000 đến 200.000 đồng.

Bất lực trước "cò"?!

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, với tâm lý muốn được khám nhanh, không phải chờ đợi lâu, nhiều người nhẹ dạ cả tin nên bị mất tiền oan. Trên thực tế, việc bán một cuốn sổ khám bệnh với giá 3 nghìn đồng chỉ mang tính hình thức, điều quan trọng là sau khi bán được sổ cho bệnh nhân các "cò" luôn tìm cách lừa bệnh nhân chi tiền dịch vụ khám nhanh, sau đó lặn mất hoặc giở thói côn đồ nếu bệnh nhân hỏi quyền lợi.

Không những thế, nhiều trường hợp thấy bệnh nhân từ tỉnh xa về có vẻ ngơ ngác, các "cò" liền tạo vây cánh, tiếp cận, thi nhau hỏi han làm mất sự tập trung rồi "chôm chỉa" đồ và móc tiền trong túi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Theo lời kể của nhân viên Bệnh viện Mắt Trung ương, cách đây vài tháng, có một bệnh nhân từ tỉnh xa về đây đã khóc dở mếu dở vì mua sổ khám bệnh của các "cò" bên ngoài và thuê đưa đi khám nhanh nhưng cuối cùng bị lừa mất 20 triệu đồng.

Tình trạng "cò" mồi dẫn dắt bệnh nhân kiểu này xuất hiện tại bệnh viện từ lâu, thường nói dối bệnh nhân là đưa đi khám nhanh, gặp các Giáo sư, Tiến sĩ giỏi nhưng thực ra không phải vậy. Sau khi nhận được tiền, "cò" bỏ đi, có nhiều trường hợp giằng co, cãi cọ giữa bệnh nhân và "cò", thậm chí nhiều bệnh nhân bị mất tiền lên tới vài chục triệu đồng do tin tưởng lời quảng cáo của "cò".

Điều này không chỉ xảy ra đối với bệnh viện Mắt Trung ương mà ngay tại bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội các đối tượng "cò" cũng thường xuyên xuất hiện.

Lúc đầu chỉ là mua bán, chèo kéo khách khám chữa bệnh đơn thuần nhưng hễ khách hay người bệnh lơ là là chúng liền ra tay trộm cắp tiền bạc, đồ dùng có giá trị. Cá biệt, qua tìm hiểu chúng tôi cũng được biết, việc "cò" không chỉ lộng hành tại khu vực trước cổng các bệnh viện mà chúng còn ngang nhiên lấn sân vào trong khuôn viên của các bệnh viện.

Thậm chí, những đối tượng này còn bắt tay, móc ngoặc với một số y, bác sĩ trong bệnh viện để ưu tiên cho các "thượng đế" có nhu cầu nhanh nhằm kiếm tiền chênh lệch.

Lý giải về vấn đề này, TS. Vũ Bá Quyết, phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhấn mạnh: "Phía bệnh viện chưa phát hiện cán bộ, y bác sĩ bắt tay làm ăn với "cò" khám chữa bệnh. Ngay bản thân bệnh viện cũng đã ý thức được vấn đề này nên luôn có mối liên hệ mật thiết với chính quyền và công an địa phương để kiểm tra, chấn chỉnh lại trật tự trước cổng bệnh viện, đặc biệt là những đối tượng nghi là "cò" luôn chèo kéo, dụ dỗ người bệnh."

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, mặc dù các bệnh viện và cơ quan chức năng cơ sở có mối liên hệ, phối kết hợp với nhau nhằm chấn chỉnh lại trật tự công cộng tại các bệnh viện.

Tuy nhiên, biện pháp đó là chưa đủ, bởi những đối tượng "cò" thường xuyên hoạt động từng ngày, từng giờ lẽ nào lực lượng công an địa phương không hề hay biết?! Trong khi đó, người bệnh vẫn phải trả giá khá đắt cho việc rơi vào "mê cung" do "cò" bày ra, đặc biệt là những người bệnh và người nhà bệnh nhân ở các tỉnh, thành khác đến Hà Nội khám chữa bệnh.

Hương Lan

(Còn nữa)