'Cổ Lão Thần Mộc' nghìn năm tuổi nổi tiếng nhất Việt Nam

'Cổ Lão Thần Mộc' nghìn năm tuổi nổi tiếng nhất Việt Nam

Thứ 5, 25/07/2013 | 13:15
0
Người dân ở xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, Hòa Bình vẫn gọi cây Sanh ở làng Suối Cốc là "cây ma làng". Gốc cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi này đã được các đạo diễn chọn làm nơi khởi quay phim: "Ma Làng 1", "Ma làng 2", "Đàn trời" và các tác phẩm điện ảnh đặc trưng về các làng quê miền Bắc.

Sự trùng hợp kỳ lạ của con số 54

Cây Sanh ở làng Suối Cốc có tuổi thọ trên 800 năm đã trở thành "báu vật" của làng. Bóng cây rộng, phủ kín gần 100m2  với hàng chục thân trụ và hơn 40 thân nhánh được thiên nhiên "cắt tỉa" thành hình con hươu cao cổ. Con đường làng đi qua dưới vòm hai thân trụ cổ thụ.

Người dân cho rằng, đó là cái cổng làng "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam. Có những nhánh to gần hai người ôm. Rễ cây tua tủa bám lấy đất cằn tìm lấy sự sống. Trên những thân cây cổ thụ, những lớp vỏ xù xì, mục rũa vẫn nguyện làm nơi ký sinh cho những dây leo, thảm thực vật hút chất dinh dưỡng. Điều đặc biệt, nếu tính tổng số thân và nhánh cây vừa đúng con số 54, vừa khớp với 54 dân tộc Việt Nam. Ngày trước, cây Sanh này còn là nơi chim chóc kéo về làm tổ, sóc rừng, rắn rết cũng tìm nơi trú ngụ.

Đi giữa tán cây cổ thụ một ngày hè nóng nực, ta như lạc vào một rừng già râm mát. Nhiệt độ ngoài đường khoảng 360C, nhưng khi bước đi giữa tán cổ thụ, ta như bước vào một ngôi nhà có điều hoà nhiệt độ khoảng 180C. Cây cổ thụ như lá phổi, cung cấp không khí lành cho cả làng.

Theo ông Định Thanh Bính (SN 1962), Trưởng thôn Suối Cốc thì: "Nhìn tán cây Sanh tỏa rộng như một cánh rừng nhưng thực chất chỉ là một gốc, còn những gốc rễ tỏa xuống, bám đất, hút chất dinh dưỡng và tạo thành những gốc cây cổ thụ khác. Các cụ bảo rằng, quần thể cây này có đến 174 gốc.

Thời kỳ Hậu Lê, có một vị quan vi hành ngang qua đã hết sức ngạc nhiên và trầm trồ khen ngợi. Ngài đã mời một thầy địa lý đến để xem xét. Thầy địa lý đó phán rằng: Nơi đây có phong thủy cực kỳ đắc địa. Long mạch nằm ở nơi đất thiêng, cây Sanh hấp thụ được linh khí của đất trời. Khí hậu trong lành sẽ giúp cho sự sống sinh sôi nảy nở, con người nơi đây sẽ luôn khỏe mạnh, an lành. Ngay lập tức, vị quan đó đã cho lập đàn tế dưới gốc cổ thụ. Ông phong chức cho cây Sanh này là "Cổ Lão Thần Mộc".

Lạ & Cười - 'Cổ Lão Thần Mộc' nghìn năm tuổi nổi tiếng nhất Việt Nam

Cây Sanh cổ thụ có bóng phủ kín khoảng 100 m2.

Theo các cụ trong làng, cây Sanh rất thiêng: Từ khi được vị quan đó phong thần, dân làng đã coi cây Sanh là biểu tượng của đa thần. Người dân vẫn đồn đại rằng, dưới gốc Sanh vẫn còn có những hòn đá tiên. Nhiều lần dân làng đi ngang qua đã nhìn thấy một vị tiên tóc bạc trắng ngồi thư thái trên tảng đá. Chính vì vậy, dân làng thường kéo đến thắp hương, cầu nguyện những điều tốt đẹp. Có người, khi chuẩn bị đến thời kỳ sinh nở đã đến xin thần cây giúp cho việc sinh hạ được "mẹ tròn con vuông". Có người còn "bấm ngày" để đến túc trực tại gốc cây, đợi sinh con dưới tán cây, mong đứa trẻ sinh ra sẽ hấp thụ được linh khí của trời đất và có được sự che chở của thần cây và bảo vệ của vị tiên tóc bạc.

"Chi chục tỷ để sở hữu linh khí trời đất"

Di sản thiên nhiên

"Viện Khoa học bảo vệ môi trường thiên nhiên Việt Nam cho rằng cây Sanh làng Suối Cốc, xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã có tuổi thọ khoảng 800 năm. Ngày 19/5/2012, cây Sanh cổ thụ đã được vinh danh thành cây di sản thiên nhiên. Đây là gốc cây nằm trong "sách đỏ" của huyện Lương Sơn và được ghi vào trong hương ước của làng Suối Cốc", ông Hoàng Ánh Điện, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, Hòa Bình cho biết.     

Trong những năm kháng chiến ác liệt, gốc Sanh đã hóa thành căn cứ địa bí mật của người dân nơi đây. Đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ, cây Sanh trở thành nơi trú ngụ của hơn 40 hộ dân làng. Khi máy bay Mỹ điên cuồng trút "mưa bom, bão đạn" xuống những cánh đồng của vùng lân cận nhưng kỳ lạ là chẳng có một quả bom nào rơi trúng gốc cây cổ thụ này.

Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, người dân trong làng đã chặt đi những thân trụ to để làm củi đốt lò gạch, làm cầu bắc qua suối. Khi người dân đào mương, đưa nước về cánh đồng đã vô tình chặt những gốc cây cổ thụ. Thời gian sau đó, phong trào săn cây cổ thụ để bán rầm rộ diễn ra ở khắp các làng quê trong cả nước. Riêng ở Suối Cốc, đã có rất nhiều những cây cổ thụ bị cánh "săn" cây đưa về vườn của những kẻ "trọc phú".

Cây Sanh cổ thụ cũng đã thành mục tiêu săn lùng của giới buôn cây cảnh. Có thương lái đã trả giá chục tỷ để sở hữu được cây sanh khổng lồ, may thay cây này đã có trong hương ước bảo vệ của làng, nên chẳng cá nhân nào có quyền bán. Tuy nhiên, vì món lợi quá lớn, nhiều người dân trong làng vẫn âm thầm chặt những thân nhỏ lẻ đem bán. Sau khi, dân làng phát hiện đã báo cáo lên chính quyền. Trưởng thôn lại hô hào dân quân ở thôn tiến hành bảo vệ nghiêm ngặt. Dân quân túc trực, canh những kẻ trộm cây. Có lần phát hiện có người dân ở làng khác đào trộm trong đêm, cả làng đã dùng gậy gộc đánh đuổi, quyết không cho ai xâm phạm đến "cụ" cây. Chính vì sự bảo vệ nghiêm ngặt đó, cây Sanh mới còn được đến ngày nay.

Cây đa, khóm tre, bến nước, sân đình đã trở thành những biểu tượng văn hóa làng quê miền Bắc. Tuy nhiên, những biểu tượng tâm hồn của làng quê Việt gần như đã biến mất cùng quá trình đô thị hóa. Thế nhưng, người dân ở làng Suối Cốc vẫn còn giữ được cây Sanh mang những giá trị đặc trưng quý và hiếm này.

Khách thập phương ùn ùn về chiêm ngưỡng

Rất nhiều đạo diễn đã chọn cây Sanh Suối Cốc làm bối cảnh cho các bộ phim về đề tài làng quê. Phim "Ma Làng" được coi là bộ phim đặc trưng về văn hóa làng quê ở miền Bắc. Đặc biệt, bộ phim thường tránh những cảnh quay về trời nắng, chỉ thích những cảnh âm u. Chính vì vậy, anh Phạm Quang Minh (người chọn bối cảnh cho phim) đã đề xuất, chỉ lấy tông phim màu xanh xám, hợp với màu sắc của núi rừng và không khí của phim.

Có những đoạn phim, cảnh cây Sanh đầu làng ở Suối Cốc đã được chọn làm cảnh quay cho bộ phim.  Đặc biệt là trong phần giới thiệu phim, bối cảnh làng quê với gốc Sanh cổ thụ đã tôn thêm vẻ đẹp cổ kính của làng quê miền Bắc. Tiếp theo sự thành công của "Ma Làng 1", các nhà làm phim lại sản xuất tiếp "Ma Làng 2". Một lần nữa, cây Sanh cổ thụ này lại "bén duyên" với điện ảnh Việt.

Năm 2012, khán giả khi xem VTV1 công chiếu bộ phim "Đàn Trời" lại bắt gặp cây Sanh cổ đã từng xuất hiện trong phim "Ma Làng". Khi nhìn thấy gốc cây Sanh xum xuê, xù xì, cổ kính này, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã quyết định chọn làm bối cảnh quay của phim.

Khi chúng tôi tìm về Suối Cốc để viết bài cũng đã bắt gặp một nhóm nghệ sĩ đang quay tiểu phẩm hài tại gốc Sanh này. Đó là những gương mặt nghệ sĩ thân quen, được biết bao khán giả truyền hình yêu quý như: Quang Tèo, Chiến Thắng, Hải Anh, Bình Trọng... Được biết, "ê - kíp" này đang gấp rút khởi quay trong 4 ngày để hoàn thành tiểu phẩm này.

Trao đổi với chúng tôi, danh hài Chiến Thắng, trưởng nhóm cho biết: "Sở dĩ chúng tôi chọn quang cảnh dưới gốc Sanh này để quay tiểu phẩm hài vì, nơi đây mang đậm văn hóa của làng quê miền Bắc mà nội dung tiểu phẩm lại rất cần nét đặc trưng đó. Cây Sanh cổ kính với nhiều thân, nhánh xù xì phủ bóng khắp một vùng giống như một cái cổng khổng lồ của làng. Đây là nơi dân làng thường nghỉ ngơi sau mỗi giờ lao động mệt mỏi. Đó là nơi trai gái yêu nhau, trao nhau lời yêu thương thề nguyền. Nội dung vở kịch cũng nói đến những câu chuyện hài hước về trai làng này đến tán gái làng kia. Quả thật, nơi đây là một khung cảnh lý tưởng để quay tiểu phẩm".

Ông Thanh Bình, trưởng thôn Suối Cốc cho rằng: "Sau khi hình ảnh cây Sanh cổ thụ xuất hiện trên truyền hình, rất nhiều người hiếu kỳ đã tìm đến Suối Cốc để được tận mắt chứng kiến gốc Sanh cổ thụ. Khách du lịch khắp nơi ngày càng kéo đến tham quan và nghỉ mát nhiều hơn. Có nhiều tổ chức về bảo vệ thiên nhiên, môi trường, thực vật ở các nước đã đặt chân đến vùng quê hẻo lánh để nghiên cứu. Vào những ngày hè nóng nực, các sinh viên thuộc các trường về các ngành lâm nghiệp, sinh thái cũng tìm đến nghiên cứu. Đặc biệt, gốc Sanh này đã trở thành hình nền chứng kiến cho biết bao đôi uyên ương chụp ảnh cưới và họ đã nên vợ, thành chồng.            

Hoàng Thế Tào

Xót xa di sản thế giới bị ô nhiễm trầm trọng

Thứ 4, 03/07/2013 | 21:01
Người dân sống khu vực Thượng thành Huế đã phải sống treo 20 năm chờ giải tỏa. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng, nhếch nhác với rác thải và chuột. Đây là vấn đề nhức nhối cho cả người dân và cơ quan chức năng, khi khu vực Thượng thành nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế cần được trùng tu và bảo tồn.

Những hiệp sĩ thiên nhiên

Thứ 5, 04/07/2013 | 09:11
Đất lành chim đậu. Điều đó mãi luôn đúng và thực tế hơn với những tấm lòng cao cả bảo vệ các loài cò, vạc của không ít người dân. Những việc làm ý nghĩa, không công của họ được suy tôn, ghi nhớ và họ xứng đáng với tên gọi những "hiệp sĩ” thiên nhiên.

Những khoảnh khắc thiên nhiên hoang dã tuyệt đẹp

Thứ 2, 24/06/2013 | 10:55
Dưới đây là những bức ảnh đẹp của cuộc thi ảnh “Wildlife Photographer of the Year” (Nhiếp ảnh gia chụp ảnh thiên nhiên hoang dã của năm). Để ghi lại được những khoảnh khắc ngắn ngủi ấn tượng này, các tay máy đã phải “rình chờ” tới vài ngày.

Giải thưởng ảnh thiên nhiên hoang dã 2013

Thứ 2, 17/06/2013 | 14:52
Những bức ảnh sau đây lọt vào vòng chung kết cuộc thi ảnh ngoài trời. Bức ảnh “Đàn lạc đà” của Sudipto Das (Indian Times) đoạt giải nhất.