Có thể đồi góa phụ là khu mộ cổ?

Có thể đồi góa phụ là khu mộ cổ?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Nhận định về những gò đống, cao hơn những khu vực đất xung quanh, nhiều chuyên gia nghĩ ngay đến khu mộ Hán và lời nguyền chỉ là "bài ca" truyền miệng mang mầu sắc huyền bí

Dù chưa nghiên cứu về gò đất tại Phổ Yên, Thái Nguyên, nhưng bằng nhạy cảm của người có nhiều năm nghiên cứu về mộ táng, PGS. TS Nguyễn Lân Cường (phó tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam) phán đoán gò đất này có nhiều khả năng là khu mộ táng theo kiểu nhà Hán. Trên khắp đất nước mình, có hàng trăm ngôi mộ Hán cổ như thế. Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành khảo cổ, PGS Cường cho rằng, xung quanh những gò đất cao, nơi có mộ táng người dân thường truyền tai nhau những câu chuyện ly kỳ. Chuyện ban đầu đôi khi chỉ là bông đùa, nhưng khi nó "tam sao thất bản" thì lại thành…nghiêm trọng.

Xã hội - Có thể đồi góa phụ là khu mộ cổ?(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Theo tài liệu công bố của cố GS Đỗ Văn Ninh, người đầu tiên của Việt Nam được đào tạo về khảo cổ học tại Bắc Kinh (Trung Quốc), cách đây nửa thế kỷ, nếu chúng ta đi trên các cánh đồng ở các huyện, nhất là vùng Nam Sách, Chí Linh, Đông Triều, Kinh Môn, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thái Nguyên... có thể thấy hàng nghìn gò đống lớn nhỏ. Những đống ấy đều do con người tạo nên trong lịch sử, trong đó phần lớn là mộ xây theo kiểu Hán, có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ IX. Nhiều ngôi mộ rất lớn, có diện tích mộ phần hàng nghìn mét vuông. Gần hai nghìn năm dãi dầu mưa nắng mà vẫn còn cao tới 5-6m. Hầm mộ có khi tới hàng trăm mét vuông, đồ tùy táng bằng gốm thô và đồ đồng có thể tới vài trăm cá thể, trọng lượng hàng tấn. Tiền đồng, nhất là tiền Ngũ thù thời Đông Hán có mộ chứa tới hàng chục cân. Để xây đắp những ngôi mộ này, phải có hàng chục khối gạch lớn, đào đắp hàng vạn khối đất cho một ngôi mộ. Bởi thế gần những mộ lớn, thường có những hồ, đó là dấu tích của việc xây dựng mộ kiểu Hán cách đây khoảng một nghìn năm.

Còn PGS.TS Nguyễn Lân Cường có cách lý giải của ông khác một số chuyên gia khảo cổ. Ông cho rằng, mộ Hán là tên chỉ chung cho di tích mộ táng thời Đông Hán (năm 25-40), thời Tùy (603- 617) Đường (618-721). Khoảng thời gian này, tương ứng với thời kỳ Bắc thuộc, người Hán sang Việt Nam sinh sống. Khi qua đời cho xây những khu mộ táng thức theo phong tục của mình. Mộ Hán có cấu trúc hình chữ nhật hoặc hình chữ T, có "quách gạch" và vòm uốn cong. Quần thể mộ Hán được xây bằng gạch, mộ thường đơn táng nhưng cũng có trường hợp song táng. "Từ ngày đi khai quật mộ cổ đến nay, tôi chưa thấy mộ Hán nào còn xương cốt. Có lẽ do "quách gạch" nên hóa hết", ông Cường nói.

Có thể, thời kỳ Bắc thuộc dấu ấn của mộ Hán có khắp nơi, chính vì thế nhiều khu mộ còn chưa được khai quật, nghiên cứu. Những gò đất ấy, vẫn luôn được nhiều thế hệ truyền cho nhau nghe câu chuyện ly kỳ, huyền bí về trinh nữ canh mộ, canh kho báu táng theo chủ nhân… Để giải bài toán về gò đất nơi có lời nguyền góa phụ kia, cũng rất cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, hoặc những đoàn khảo cổ.

Theo các chuyên gia, khi mọi bí ẩn được làm sáng tỏ thì những câu chuyện hoang đường tự khắc sẽ tiêu tan. Cũng có thể, những câu chuyện kỳ bí mà người dân tự truyền tai nhau qua nhiều thế hệ, ăn vào tiềm thức khiến người dân sinh sống nơi ấy tự hoang mang. Khi tâm lý con người không ổn định thì những gì xảy ra có sự trùng hợp cho dù là ngẫu nhiên thì nhiều người vẫn xâu chuỗi, lo-gic nó lại mong giải thích cho những gì họ tự tưởng tượng ra.

Nhà cảm xạ học Dư Quang Châu cho rằng: "Bệnh hay nỗi sợ xuất phát từ trong tâm thì có thể sử dụng biện pháp tâm lý để trấn an. Người ta có thể sử dụng lễ lạc bằng tâm linh để xua tan đi nỗi ám ảnh cho người sinh sống trên vùng đất được coi là "đất nghịch". Bên cạnh đó, người ta cũng có thể ứng dụng khoa học phong thủy để trấn yểm, hóa giải biến "đất nghịch" thành thuận hòa. Tất cả chỉ nhằm ổn định tâm lý của người sinh sống".

Khánh Hà