Có thể đóng cửa trường học trước nguy cơ dịch chồng dịch

Có thể đóng cửa trường học trước nguy cơ dịch chồng dịch

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn phòng chống bệnh tay chân miệng và tiếp tục giám sát các nguy cơ lây lan bệnh cúm trước nguy cơ dịch chồng lên dịch.

Trong hướng dẫn và giám sát phòng chống bệnh tay chân miệng được Bộ Y tế ban hành ngày 29/2, thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị tùy tình hình và mức độ nghiêm trọng của dịch, cơ quan y tế địa phương tham mưu cho cấp có thẩm quyền tại địa phương quyết định việc đóng cửa lớp học/trường học/nhà trẻ, mẫu giáo.

Xã hội - Có thể đóng cửa trường học trước nguy cơ dịch chồng dịch

Thời gian đóng cửa lớp học/trường học/nhà trẻ, mẫu giáo là 10 ngày kể từ ngày khởi phát của ca bệnh cuối cùng.

Đối với dịch bệnh cúm, để phát hiện các chủng virus cúm mới A/H3N2v, Bộ Y tế tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh, nhất là ở những người chăn nuôi lợn hay tiếp xúc với lợn. Nếu có nghi ngờ, bệnh nhân sẽ được điều trị sớm bằng thuốc oseltamivir.

Cách phòng tránh bệnh cúm:

Không tiếp xúc, không giết mổ, không ăn thịt gia cầm bệnh, bảo vệ tuyệt đối đường hô hấp, rửa tay thường xuyên với xà phòng. Nếu bất kỳ ai có những dấu hiệu của bệnh, có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bị bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Biểu hiện mắc bệnh của 3 loại cúm A đáng chú ý hiện nay:

Cúm A/H5N1: sốt, ho, tức ngực, suy hô hấp nặng, người bệnh bị tổn thương đa phủ tạng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao.

Cúm A/H1N1: Có biểu hiện giống cúm mùa như sốt, đau họng, ho, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và có thể có nôn hoặc tiêu chảy kèm theo.

Cúm A/H3N2: Người bệnh có biểu hiện ho, sốt cao, viêm đường hô hấp, đau nhức toàn thân…

Điều trị cúm như thế nào?

Đối với các loại virut gây viêm đường hô hấp thông thường, chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, uống đủ nước, ăn các thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa và sử dụng một số loại kháng sinh chống bội nhiễm. Tuy nhiên, cũng cần hết sức cảnh giác với những người có sức đề kháng yếu, có bệnh mạn tính. Hiện nay, người ta đã đưa ra được phác đồ điều trị cho bệnh nhân cúm A/H5N1. Thuốc được dùng chủ yếu cho bệnh nhân cúm A/H5N1 là tamiflu, một loại thuốc có tính ức chế sự sản sinh của virut này đối với cơ thể. Tuy nhiên, tamiflu chỉ có tác dụng trong vòng 48 giờ tính từ khi có dấu hiệu khởi phát bệnh.

BS. Phạm Văn Quế (Sức khỏe & Đời sống)

N.Linh (tổng hợp)