Cội nguồn tên gọi

Cội nguồn tên gọi "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Cụm từ "Hà Nội Điện Biên Phủ trên không" từ lâu đã trở thành niềm tự hào của những tâm hồn thiết tha yêu Thủ đô. Trong những ngày đạn bom dữ dội của chiến tranh phá hoại, cụm từ có sức mạnh như một động lực để quân và dân ta tiếp tục bám đất, bám nhà, bám từng hào giao thông để lập nên một kỳ tích vang dội.

Những giả thiết ban đầu

Trong hội thảo "Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không - tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam" do bộ Quốc phòng tổ chức ngày 28/11 vừa qua, chúng tôi may mắn có cơ hội được tiếp xúc với ông Hà Đăng bên lề cuộc hội thảo. Ông Đăng nguyên là người phát ngôn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị 4 bên tại Paris, nguyên UVTƯ Đảng, trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TƯ. Khi được hỏi về những ngày tháng lịch sử không thể quên của dân tộc cuối năm 1972, ông Đăng không khỏi xúc động. Qua câu chuyện, tình cờ chúng tôi mới biết thêm những điều mà trước nay, ngay chính cả người Việt cũng vẫn còn ngộ nhận về tên gọi của trận chiến.

Xã hội - Cội nguồn tên gọi 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không'

Khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội.

"Khi đang tham gia đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris những ngày cuối cùng của năm 1972, chúng tôi từng nghe thấy trên báo chí và trong lời nói của bạn bè thế giới cụm từ "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" và "Hà Nội, lương tri và phẩm giá con người". Chúng tôi rất thích thú, tự hào và còn tưởng rằng các nhà báo nước ngoài đã sáng tạo ra tên gọi đã đi vào lịch sử này. Nhưng sau này tôi mới được biết chính người Việt Nam đã sáng tạo ra tên gọi nổi tiếng khắp năm châu này", ông Đăng nói.

Không chỉ ông Hà Đăng, những người đã sống và chiến đấu trực tiếp chỉ huy trong trận chiến 12 ngày đêm liên tục ở Thủ đô như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhà báo Hữu Thọ... cũng không ngờ chính mình lại là những người đầu tiên đã đặt ra một cái tên đi vào lịch sử.

Chia sẻ câu chuyện thú vị rằng ai là tác giả của tên gọi "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã được nhắc đến trên các sách, báo, các đài phát thanh, đài truyền hình của nhiều nước trên thế giới suốt 40 năm qua, nhạc sĩ Phạm Tuyên, tác giả của ca khúc nổi tiếng viết về trận chiến 12 ngày đêm lịch sử có tên gọi Hà Nội- Điện Biên Phủ kể lại:

"Tháng 12/1972, Đế quốc Mỹ chủ trương đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá, khởi đầu bằng việc sử dụng một lực lượng không quân dữ dội buộc Hà Nội đầu hàng. 4h sáng ngày 19/12, Đài phát sóng lớn nhất của ta ở Mễ Trì, Hà Nội bị địch đánh sập. Ngày 20/12, địch tiếp tục ném bom Đài phát sóng ở Bạch Mai. Bộ đội phòng không ta đánh trả quyết liệt. Đêm 26/12, bộ đội ta bắn rơi 8 chiếc B52. Trong không khí hồ hởi, ngay sáng hôm sau (27/12), tại phòng Giao ban của Đài Tiếng nói Việt Nam, tổng giám đốc Trần Lâm thông báo: Đêm qua bộ đội ta bắn rơi 8 máy bay B52, riêng Hà Nội đã hạ 5 pháo đài bay. Từ Sở chỉ huy tối cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lời kêu gọi: "Kẻ địch thua đau và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn. Nhưng, chúng vẫn ngoan cố kéo dài cuộc tập kích. Các đơn vị hãy bắn rơi nhiều B52 hơn nữa, hãy giáng cho không quân Mỹ một đòn Điện Biên Phủ ngay trên bầu trời Hà Nội, thủ đô thân yêu của chúng ta"".

Chính lời nói của Đại tướng đã truyền cho nhạc sĩ Phạm Tuyên niềm xúc động sâu sắc. Vậy là ngay đêm hôm đó, trong căn hầm của Đài Tiếng nói Việt Nam giữa lòng thủ đô rực lửa chiến đấu, những nốt nhạc, những lời ca hùng tráng tuôn chảy trên trang giấy dưới ngòi bút của người nhạc sĩ trẻ. Bài hát Hà Nội - Điện Biên Phủ đã ra đời giữa mùi khói bom của trận chiến oanh liệt.

"Khi nghe chữ Điện Biên Phủ, tôi có cảm giác rất khác và ngay đêm hôm ấy, ngồi trong hầm tôi viết bài Hà Nội - Điện Biên Phủ. Âm điệu trong bài hát không du dương mà quyết liệt bởi tôi muốn tỏ cho đế quốc Mỹ biết Hà Nội quyết liệt như thế nào" - nhạc sĩ Phạm Tuyên xúc động kể lại.

"Sáng hôm sau, Trần Lâm hỏi tôi sao đêm hôm qua làm gì mà hí hoáy mãi thế, thì tôi có đưa anh xem bài hát tôi vừa viết. Anh bảo: "Bài này quyết liệt đấy. Đúng là Điện Biên Phủ trên không. Anh còn nói phải đưa bài này đến báo Nhân dân để in. Thế là sáng ấy, vừa dứt đợt báo động, đường phố còn vắng teo, tôi đạp xe đến tòa soạn báo Nhân dân ở phố Hàng Trống nhưng lúc đó báo Nhân dân cũng đã đi sơ tán.

Tôi thấy anh Thép Mới lúc đó là phó tổng biên tập và anh Hữu Thọ đang ngồi dưới gốc cây đa chỗ Hàng Trống, các anh yêu cầu tôi hát cho các anh nghe bài hát đó. Nghe tôi hát xong các anh cùng đồng thanh nói báo Đảng nhất định phải đăng bài hát này. Nhưng bài này tôi viết tay nên các anh động viên tôi nhờ người chép lại cho sạch sẽ để báo lên khuôn, in ngay trong ngày hôm sau, cùng với chuyên mục mới Hà Nội - Điện Biên Phủ. Tôi nhờ người trực cùng hôm đó là anh Phan Nhân, vốn chép nhạc rất đẹp chép lại. Thế là bản nhạc được gửi gấp sang báo Nhân dân và sáng 29/12, tôi rất cảm động khi thấy bản nhạc đã được in trang trọng trên báo, giữa lúc địch còn chưa chấm dứt cuộc leo thang đánh phá".

Dẫu bom địch ném vào khu nhà nhạc sĩ ở, chiếc dương cầm của ông bị hỏng, tủ sách ông yêu quý bị cháy nhưng ngay sáng ngày 28/12, trên ghế đá, dưới gốc cây đa ở trụ sở báo Nhân dân phố Hàng Trống, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã hát vang Hà Nội - Điện Biên Phủ cho nhà báo Hữu Thọ và phó tổng biên tập báo Nhân dân lúc bấy giờ là Thép Mới nghe để rồi bài hát được đăng trên báo Nhân dân ngay sáng hôm sau. Cũng chính trong tối ngày 29/12 ấy, mặc cho tiếng còi báo động rền vang, bài hát đã được nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng các nhạc sĩ Trần Thụ, Mạnh Hà thể hiện trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trong chương trình Tiếng hát gửi về Nam. Để rồi những ngày sau đó nó được tung đi muôn phương, đến với bạn bè năm châu, bốn biển.

Qua lời kể của nhạc sĩ Phạm Tuyên, có thể đi đến một giả thiết, phải chăng chính lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Hãy giáng cho không quân Mỹ một đòn Điện Biên Phủ ngay trên bầu trời Hà Nội và tên bài hát Hà Nội - Điện Biên Phủ cũng như lời trong bài hát này: "Một Điện Biên Phủ nay vùi mộng xâm lăng, Hà Nội ơi là gợi ý đầu tiên cho sự ra đời của cụm từ đặc biệt Điện Biên Phủ trên không nổi tiếng khắp trong nước và quốc tế suốt 40 năm qua".

Xã hội - Cội nguồn tên gọi 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không' (Hình 2).

Nhạc sĩ Phạm Tuyên trò chuyện với PV trong cuộc gặp mặt báo chí cuối tháng 10 tại Hội nhạc sĩ Việt Nam.

Đi tìm câu trả lời

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi cụm từ đặc biệt này xuất hiện lần đầu tiên trên báo nào, đài nào, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, các cán bộ của Bảo tàng Quân chủng Phòng không Không quân đã phải lật từng trang báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Hà Nội Mới phát hành trong những ngày tháng hào hùng cuối năm 1972, đầu năm 1973 ấy để tìm ra đáp số. Chính là báo Nhân dân đã là tờ báo đầu tiên dùng cụm từ này.

Trong số ra ngày 29/12/1972, bên cạnh bài hát "Hà Nội - Điện Biên Phủ" của nhạc sĩ Phạm Tuyên, ở trang 2 có một dòng chữ "Hà Nội đang thắng một trận Điện Biên Phủ trên không". Cũng chính từ lần xuất hiện đầu tiên này trên tờ báo Nhân dân, tên gọi đặc biệt, đầy hình ảnh và ý nghĩa này đã lập tức được làng báo trong nước và phương Tây hưởng ứng để từ đó đến nay, 40 năm đã trôi qua nó vẫn được nhắc tới trên các phương tiện truyền thông của nhiều nước trên thế giới như một chiến thắng oanh liệt của nhân dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Câu chuyện thú vị về nguồn gốc của cụm từ đặc biệt này, ông Hà Đăng cũng cho rằng chính báo Nhân dân là tờ báo đầu tiên sử dụng cụm từ trên. Ông Hà Đăng khẳng định: "Thật ra, tại Hà Nội, ngay dưới căn hầm trú ẩn của báo Nhân dân tại số 71 Hàng Trống, phó tổng Biên tập Thép Mới đã sáng tạo ra cụm từ này. Ông Hà Đăng cho biết, điều này đã được khẳng định trong Hồi ký của Thép Mới: "Đặc biệt sau đêm chiến thắng rực rỡ 26/12/1972, báo ra sáng 28/12, chúng ta ra lời kêu gọi bạn đọc viết cho mục Hà Nội - Điện Biên Phủ, sáng tạo ra thành ngữ Điện Biên Phủ trên không".

Hoàng Hương