Con đường cô độc của nghệ sỹ nhảy bằng gót giầy

Con đường cô độc của nghệ sỹ nhảy bằng gót giầy

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Giới trẻ Hà thành đang mê mẩn với một môn nghệ thuật mới là tapdance chủ yếu thể hiện bằng đôi chân, bằng tiết tấu và được xếp là một môn khiêu vũ thể thao, với sự kết hợp giữa hình thể và âm thanh nhưng người đã có công đưa bộ môn này vào Việt Nam dường như đang cô độc...

Nếu có thời gian đi qua các vườn hoa hay Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, chúng ta sẽ thường bắt gặp một chàng trai khoảng trên 30 tuổi, tóc túm đuôi ngựa đang say sưa với những bước nhảy điêu luyện trên đôi giày đặc trưng chỉ dành riêng cho tapdance. Đó là họa sỹ Nguyễn Tất Long - một tapdancer có tiếng của đất Hà thành.

Lạ & Cười - Con đường cô độc của nghệ sỹ nhảy bằng gót giầy

Họa sỹ Nguyễn Tất Long

Bán tranh mua đĩa học tapdance

Nguyễn Tất Long sinh năm 1979 tại Hà Nội. Anh bắt đầu làm quen bộ môn nghệ thuật này từ năm 2001 - 2002. Một điều bất ngờ là hầu hết Long đều học qua băng đĩa, bởi với bộ môn nghệ thuật mới lạ này ở Việt Nam chưa có một thầy dạy chuyên nghiệp để hướng dẫn. Thời gian gần đây, Long mới có cơ hội tiếp thu những bước tiến trong nghệ thuật tapdance nên việc luyện tập cũng được chuyên sâu hơn. Tuy nhiên, việc học tập vẫn chủ yếu qua các clip được lưu hành rộng rãi trên internet là chính.

Những ngày đầu luyện tập, anh tốn khá nhiều thời gian mò mẫm tại những cửa hàng băng đĩa để lùng mua những đĩa ghi lại một số bài nhảy kinh điển của các vũ công trên thế giới. Những loại đĩa này thường bày bán không nhiều hoặc nếu có đi chăng nữa đều là đĩa xịn nên giá cũng khá cao. Vì thế bán được bức tranh nào anh đều dùng tiền đó mua đĩa về tự học.

Hiện nay, những thuận lợi về công nghệ thông tin nên việc tìm kiếm băng đĩa cũng như clip về bộ môn nghệ thuật này không quá khó khăn như trước nữa. Sẵn niềm đam mê nên Long rất háo hức tham khảo và luyện tập theo và thực sự chuyên sâu khoảng 4 năm nay.

Là người đầu tiên được biết đến với vai trò một tapdancer khá chuẩn ở Hà Nội, Long cho biết, môn nhảy độc đáo này đã chinh phục anh từ hình thức đến nội dung. Anh thường tự nhận mình là một người trẻ nên có sở thích những môn nghệ thuật đã thoát ra khỏi sự mô phạm của khiêu vũ cổ điển để hướng tới sự khỏe khoắn trong vũ đạo. Mặt khác, tapdance được biết đến ở các nước phương Tây như một môn nghệ thuật đường phố rất phù hợp với một con người phóng khoáng như Long.

Tuy nhiên, sự khác biệt với các môn khiêu vũ khác bởi tapdance có sự kết hợp giữa hình thể và âm thanh. Đặc điểm của loại hình này là khi nhảy sẽ phát ra tiếng động từ bộ cá (hay còn gọi là bộ tap) bằng kim loại được gắn ở đế giầy của các vũ công. Đây không phải là những âm thanh khô khan mà tùy vào sự mềm dẻo của bàn chân người nhảy sẽ hình thành một chuỗi âm thanh có giai điệu tiết tấu vui tai.

Anh Long chia sẻ: "Đặc điểm chung của các thể loại nhảy khác nhau là luyện được sự tự giải phóng cơ thể. Cùng một lúc đảm đương hai yếu tố: Nhìn và nghe nên để tập trung vào trình diễn thì kỹ năng này càng cần được chú trọng".

Vốn là một họa sỹ nên Long coi nhảy tapdance như một cuộc dạo chơi. Đối với Long, bất kỳ bộ môn nghệ thuật nào cũng cần đến kiến thức nền. Đặc biệt những môn nhảy múa được ví như một người nghệ sỹ đang vẽ lên không gian. Chính vì thế, những kiến thức về mỹ thuật đã giúp cho Long có một tư duy về không gian khá tốt. Anh có khả năng biến hóa kỳ ảo trên không gian trừu tượng ấy với những bài kết hợp biểu diễn đặc biệt.

Mỗi lần bước ra sân khấu là một lần anh mang đến cho công chúng những bài biểu diễn với sự phối kết hợp khác nhau. Khi là một Nguyễn Tất Long độc diễn đầy tự tin trên sân khấu trong các chương trình của Yamaha, khi thì thấy một Tất Long nhuần nhuyễn với bạn diễn hay kết hợp ngẫu hứng và đầy thú vị cùng một nhạc cụ là chiếc sáo của người Mông trên sân khấu vũ điệu xanh của VTV6.

Anh nói: "Đặc thù của môn nhảy này là tận dụng tất cả những điểm trên đôi bàn chân chứ không chỉ mỗi gót giầy như flamenco. Đây là một loại hình nghệ thuật đương đại rất linh hoạt. Người nhảy có quyền mặc sức sáng tạo với các vũ điệu khác nhau và có thể kết hợp nhảy cùng bạn diễn hay các nhạc cụ như bass, saxsophone". Chính sự tài tình trong kỹ năng cũng như phong cách làm chủ đầy tự tin trên sân khấu mà người trong giới từng đánh giá kỹ năng của Long đã đạt tới độ ngang tầm với các vũ công trên thế giới.

Lạ & Cười - Con đường cô độc của nghệ sỹ nhảy bằng gót giầy (Hình 2).

Nguyễn Tất Long đang tập nhảy ở vườn hoa con cóc (ảnh lớn). Loại giầy đặc trưng có gắn cá bằng kim loại ở đế (ảnh nhỏ)

Liệu tapdance có chết yểu?

Hiện, loại hình này ở Việt Nam vẫn còn chậm phát triển. Ở Hà Nội mới chỉ có duy nhất nhóm The First Tapdance được biết đến như một nhóm đi tiên phong trong việc trình diễn tapdance tại Hà Nội. Nhóm nhảy này gồm 6 thành viên do Nguyễn Tất Long làm trưởng nhóm đồng thời cũng là thày dạy chung cho cả nhóm. Tuy nhiên, sự truyền thụ của người thầy này cũng khá đặc biệt. Anh không dùng phương pháp cầm tay chỉ việc mà để học trò của mình tự học qua DVD hoặc các clip trên mạng cho đến khi thành thục rồi mới hướng dẫn họ phối ghép lại với nhau sao cho kịch bản được hấp dẫn. Anh muốn học trò của mình mặc sức sáng tạo, bởi thứ không gian cho loại hình nghệ thuật này là không gian trừu tượng. Vì thế, cách tốt nhất để các vũ công tự hình dung và lên kịch bản cho riêng mình…

Để đạt được sự nhuần nhuyễn người học chỉ mất khoảng 1-2 năm. Tuy nhiên, thời gian không phải là thước đo chính mà cơ hội để các vũ công cọ sát mới là điều quan trọng. Điều này thể hiện ở những buổi biểu diễn thực tế mà nhóm được thầy Long đưa đi tham gia trình diễn như Trí tuệ Việt Nam, Đối thoại 07, Hành trình văn hóa, Bệ phóng tài năng... khiến mỗi môn sinh trưởng thành rất nhanh. Những chương trình Long được mời biểu diễn nghĩa là người mời có ý định chú trọng yếu tố mới lạ để làm điểm nhấn cho chương trình.

Tapdance là môn nghệ thuật gây sốc với giới trẻ ở các nước phương Tây nhưng khi đến Việt Nam sự tiếp nhận của công chúng vẫn còn e dè. Mặc dù không thuộc dòng bác học như vũ ba lê nhưng đây là một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự dày công khổ luyện, không phải ai cũng làm được khiến nhiều người không đủ kiên nhẫn để theo đuổi tới cùng. Ở Việt Nam, dù rất nhiều người tâm huyết đã cố gắng đưa môn nghệ thuật này trở thành phong trào nhưng không thành công. Long cho biết: "Điều này có thể là do cách thưởng thức nghệ thuật ở Việt Nam khác với nước ngoài. Hơn nữa, tapdance rất kén sân khấu. Để biểu diễn được tapdance phải có sàn gỗ và có hệ thống âm thanh cực kỳ tốt. Công cụ chính là loại giày chuyên biệt phải đặt mua ở nước ngoài với giá khoảng 100 USD/đôi, vì ở Việt Nam không bán. Đặc điểm của loại giày này được làm bằng chất liệu da rất mềm, phải có cái Cá được làm bằng sắt hoặc inox một đế vào mũi, một đế vào gót.

Chính vì những điều kiện không mấy thuận lợi đó mà nhóm The First Tapdance duy trì trong vòng hơn 2 năm thì tan rã. Hiện tại, Long hoạt động theo hình thức là một tapdancer - một cá nhân đơn lẻ. Anh vẫn đều đặn dành thời gian luyện tập vào buổi trưa và quãng 5h chiều. Đất để dụng võ của anh khá đơn giản là ở các khuôn viên, vườn hoa trong thành phố. Anh cũng thường nói vui rằng: "Mình vẫn chưa gặp duyên khi đã quá 10 năm gắn bó với tapdance mà vẫn chưa thể làm nóng môn nhảy này được".

Niềm hy vọng vẫn âm ỷ cháy

Sau một khoảng thời gian công chúng đón nhận e dè thì thời gian gần đây bộ môn nghệ thuật này đã bắt đầu gây được sự chú ý. Long cho biết, anh vừa mới kết thúc một đợt giảng dạy tapdance kéo dài hơn 1 tháng trên kênh VTV3. Mặc dù chưa trở thành một trào lưu làm mưa làm gió thu hút giới trẻ như nhảy hiphop hay dance sport nhưng ở người nghệ sỹ đầy tâm huyết này vẫn luôn cháy lên niềm hi vọng được truyền lại những gì mình đã biết và niềm đam mê tapdance đối với người Việt Nam, để môn nhảy trở thành một phong trào thực sự đúng như những gì nó đã được công nhận trên thế giới.

Tuệ Linh