Con học kém, vẫn bán gia sản cho “lai kinh ứng thí”

Con học kém, vẫn bán gia sản cho “lai kinh ứng thí”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Nhiều gia đình phải vay mượn hoặc bán bớt gia sản cho con lên kinh ứng thí dù biết rằng con mình không thể đỗ.

Cầm theo túi đồ đạc, vật dụng lớn bé, lỉnh kỉnh, các phụ huynh và sĩ tử đổ xô tràn ra các bến xe về quê. Kết thúc hai kỳ thi đại học (ĐH) đầy căng thẳng nhưng nỗi lo vẫn hằn sâu trên khuôn mặt các bậc phụ huynh. Những ngày tới, họ sẽ phải đối mặt với số tiền nợ vay đưa con "lai kinh ứng thí". Điều kỳ lạ là, nhiều bậc phụ huynh biết rằng, với lực học của con mình thì thi đến hai, ba trường cũng chẳng thể đỗ thế nhưng không hiểu sao họ vẫn chấp nhận vay nợ cho con đi thi...

Xã hội - Con học kém, vẫn bán gia sản cho “lai kinh ứng thí”

Phụ huynh mang nặng nỗi lo sau mỗi đợt thi ĐH. (Ảnh Bảo Lâm)

Bảy năm đưa con đi thi

Trong kỳ thi vừa qua, có không ít gia đình thí sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn mang nặng nỗi lo về kỳ thi ĐH của con cái. Để có tiền cho con dự thi ĐH, nhiều gia đình đã phải bán trâu bò và nhiều tài sản có giá trị. Trong số đó, có không ít gia đình thuộc diện nghèo đói nhưng vẫn gắng tích góp tiền bạc cho con đi thi ĐH một lần. Đáng buồn hơn, khi nhiều em học sinh vẫn sống theo lối mòn phong trào của bạn bè, quyết tâm thi ĐH cho "oai", chứ không hề nghĩ đến những hệ lụy đau lòng sau đó.

Như trường hợp của gia đình anh Phạm Văn Điểm (48 tuổi, quê Tứ Kỳ, Hải Dương) đưa con dự thi ĐH Sư phạm Hà Nội. Anh không ngần ngại cho biết, đây là lần thứ 7, anh đưa con đi thi ĐH để mong con sẽ sớm đạt được ước mơ giảng đường ĐH. "Tôi có ba cháu, một trai, hai gái. Đứa nào, tôi cũng nuôi cho ăn học hết cỡ. Các cháu nhà tôi đều chăm chỉ, chịu khó nhưng không được xuất sắc như người ta nên đường thi cử cũng lận đận. Cháu út năm nay thi vào trường này hơi khó, không biết có đậu được không, họ hàng thì vẫn kỳ vọng", anh Điểm tâm sự.

Anh Điểm đã có tới 7 năm đưa các con đi thi ĐH, hai lần đầu anh đưa con gái sinh năm 1988 đi thi, cả hai lần cháu đều đăng ký thi vào khoa Toán - ĐH Sư Phạm Hà Nội và đều không đỗ. Bốn lần tiếp sau đó, anh đưa cậu con trai thứ 2 đi thi. Và lần này, anh đưa cô con gái út đi thi với mong mỏi thực hiện được giấc mơ có con đỗ ĐH mà anh đã ấp ủ suốt 7 năm qua.

Anh kể, cuộc sống gia đình rất khó khăn, kinh tế phụ thuộc vào 7 sào ruộng. Ngoài ngày vụ mùa, anh phải xoay xở đi làm thợ xây, đi phụ hồ để có thêm thu nhập. "Tôi mồ côi cha từ lúc chưa lọt lòng, được học hết cấp 3, nhưng nhà nghèo, mẹ yếu, không có điều kiện học lên ĐH nên phải sớm ra đời bươn chải. Chính vì thế, tôi chỉ mong các con được vào ĐH, dù vất vả mấy tôi cũng sẽ cố gắng", anh Điểm bộc bạch.

Sĩ tử về quê, gia đình còng lưng trả nợ

Chi tiêu tằn tiện cả năm trời để có chút tiền đưa con lên Hà Nội thi ĐH, nhiều người bị "choáng" vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Thủ đô.

Chị Lê Thị Phương (quê Đô Lương - Nghệ An) tâm sự: "Hoàn cảnh gia đình chẳng khá giả gì, mà đi thi xa xôi tốn kém lắm. Hai mẹ con dắt nhau đi tìm nhà người quen, họ cũng ở trọ làm thuê chỗ ở chật chội, thêm hai mẹ con vào ở cũng thấy ngại. Nhưng đành cắn răng chịu đựng, chứ tiền bạc eo hẹp nên không dám thuê nhà trọ. Tôi cũng ráng cho con ăn học để cuộc sống sau này sáng sủa hơn, không phải cực khổ như ba mẹ nó. Ở đây, tiêu có mấy ngày mà như bị mất cắp, cái gì cũng cao giá. Vụ này, nhà cấy được ba sào lúa, thu về là bán sạch được hơn ba triệu, vợ chồng tôi vun vén hết, để dành đưa con đi thi. Cháu nó thi hai đợt, ở lại Hà Nội cũng ngót mười ngày, sau đợt đưa con đi thi về hai vợ chồng lại còng lưng làm trả nợ".

Trong suy nghĩ của chị Phương, ĐH là con đường duy nhất để thoát nghèo, thoát ly vườn ruộng, để có được một tương lai tươi sáng hơn. Trái ngược với nỗi lo của mẹ, cháu Thắng lại phấn khởi: "Ra Hà Nội thi rất thích chú ạ, thi xong cháu xin mẹ đưa đi chơi một ngày rồi mới về. Cháu học lực trung bình, suýt trượt tốt nghiệp THPT vừa rồi nên biết thi ĐH làm sao đậu được. Thế nên, cháu phải đi thi ĐH cho biết thành phố, chứ không bạn bè ở quê lại cười cho!?".

Theo ghi nhận thực tế của PV Người đưa tin, có rất nhiều trường hợp sĩ tử đi thi cho biết, đua đòi theo phong trào, chứ biết chắc chắn với lực học của mình sẽ không có phần trăm cơ hội đậu nào. Như trường hợp của bạn H. (xã Quý Lộc, huyện Yên Định, Thanh Hóa) háo hức đi thi ĐH cho bạn bè "nể".

Nhà H. có hai chị em, chị H. đang học trung cấp nghề ở TP.Thanh Hóa. Gia cảnh khó khăn, mẹ H. làm ruộng, còn bố làm thuê trong miền Nam. H. học lực kém, đợt thi tốt nghiệp THPT vừa rồi tính cả điểm ưu tiên mới đậu. Thế nhưng, H. vẫn nằng nặc xin bố mẹ đi thi ĐH. Trước khi ra Hà Nội thi dự thi khối A trường ĐH Công Nghiệp, H. được bố mẹ cho một triệu rưỡi để lo ăn ở. Thi xong ba môn trắc nghiệm với số điểm chỉ đủ để chống "liệt", H. ở lại đi chơi thêm sáu ngày cho hết số tiền đem đi rồi mới bắt xe về quê.

Giữa cái nắng oi ả và sự mệt mỏi sau chuyến xe chật chội, vội vã về quê sau mấy ngày thi, nhiều phụ huynh tỏ vẻ đuối sức vì mệt mỏi nhưng còn vì nỗi lo đang đè nặng trên vai, khi cái nghèo còn đeo đẳng mà vẫn cố cho đi thi, gọi là… lấy tiếng. Con được dự thi ĐH là mừng lắm rồi, nhưng trước mắt là gánh nặng "cơm áo gạo tiền" và số tiền nợ chưa biết bao giờ mới trả hết.

Tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ"

Vẫn biết rằng nguyện vọng được đi thi ĐH của học sinh là hoàn toàn chính đáng nhưng thực tế đáng buồn là nhiều bậc phụ huynh chưa xác định rõ đường đi cho con em mình. Từ đó dẫn tới chuyện "thừa thầy, thiếu thợ" và bao hệ lụy khác.

Đưa ra nhận định về kỳ thi ĐH vừa qua, ông Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho rằng: Đây là một kỳ thi với số lượng tập trung lên tới hơn một triệu thí sinh khắp cả nước là quá đông và ồ ạt. Hiện nay, tình trạng cả xã hội được huy động vào kỳ thi gây nên sự xáo trộn lớn và chứng tỏ tính chất quá cồng kềnh của kỳ thi này. "Như trường tôi có tới 1.500 cán bộ được huy động tham gia, tương tác thêm với gần 20.000 thí sinh, chưa kể người nhà các em cùng với các lực lượng ban, ngành, chính quyền địa phương tham gia tổ chức cho kỳ thi này thì có thể thấy bao nhiêu người đã phải bỏ lại công việc của mình để tập trung cho việc thi cử".

Trao đổi với PV Người đưa tin, PGS.TS Văn Như Cương, hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đề cập thẳng thực tế của việc thi cử: "Kỳ thi vừa qua với hơn một triệu thí sinh dự thi rất tốn kém và lãng phí. Chưa kể đến việc tốn kém ngân sách của Nhà nước mà ngay chính mỗi gia đình phụ huynh oằn lưng với khoản tiền lớn cho con dự thi ĐH. Tôi thực sự thấy buồn trước tình trạng thi ĐH theo kiểu đua đòi, phong trào mà chất lượng thì hoàn toàn kém. Những gia đình có con đậu ĐH thì mổ bò ăn mừng trong khi không hiểu con sẽ học gì ở trường ấy và ra trường nó sẽ làm công việc gì. Thực tế, bây giờ bạn trẻ ít ai nghĩ được việc đi học để tìm một cái nghề và gắn với cái nghề ấy. Có lẽ, họ chỉ nghĩ đến cái bằng rồi chấp nhận thất nghiệp!".

Theo PGS Cương, để giải quyết tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" thì phải giải quyết ngay từ tâm lý phụ huynh và học sinh. Bởi văn hóa học trong suy nghĩ của họ rất lạc hậu và bám theo kiểu phong trào. Thay vì cứ cố cho con thi trường ĐH này, trường ĐH nọ, họ không nghĩ đến việc hướng cho con đi học một nghề nào đó mà xã hội đang cần.

"Tôi đã từng gặp rất nhiều trường hợp các em sau khi học ĐH, CĐ xong, lấy bằng tốt nghiệp không xin được việc làm lại về quê gắn bó với đồng ruộng. Đó là một nghịch lý đau lòng mà ngay chính nền giáo dục chúng ta vẫn không thể giải quyết được. Rất nhiều trường ĐH được mở ra, đào tạo ồ ạt nhưng chất lượng thấp, còn những trường đào tạo nghề thì ngày càng ít đi, trong khi thực tế xã hội rất cần các thợ kỹ thuật lành nghề", PGS Cương chia sẻ.

Cùng chia sẻ về thực trạng sau mùa thi đại học, thầy Thiều Cao Cường, giáo viên lâu năm của trường THPT bán công Dương Đình Nghệ (Thiệu Hóa - Thanh Hóa) bày tỏ: "Sau khi các em đi thi ĐH đợt 2 về, tôi biết nhiều em chỉ muốn thi cho bỏ công 12 năm đèn sách chứ rất ít em đỗ đạt. Đừng nói là đậu ĐH chứ đến một trường CĐ bình thường, nhiều em cũng khó đạt được điểm. Nhiều em thi ba môn chỉ được mấy điểm, có môn bị điểm "liệt". Trước đó, trường đã tuyên truyền định hướng cho các em nhiều về việc chọn trường thi, trường nghề. Nhưng cái khó trăm bề từ suy nghĩ đến thực tế, cuối cùng vẫn là hệ lụy đau lòng của bệnh thành tích".

Cao Tuân