“Cơn lốc” vỡ nợ của doanh nghiệp cà phê

“Cơn lốc” vỡ nợ của doanh nghiệp cà phê

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2012 đến nay có hơn 100 doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên đã và đang vỡ nợ hàng nghìn tỷ đồng. “Cơn lốc” vỡ nợ đang hoành hành trên các doanh nghiệp cà phê Tây Nguyên.

Đáng chú ý, thiệt hại trong những vụ vỡ nợ cà phê vẫn thuộc về người dân, bởi hầu hết khi ký gửi cà phê, cho vay tiền mặt họ chỉ có giấy nợ viết tay. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, khi hay tin hàng loạt doanh nghiệp vỡ nợ, nông dân trồng cà phê đã kéo nhau tới các đại lý để đòi tiền nợ ký gửi cà phê. Vấn đề là họ sẽ đòi được đến đâu khi tình hình đang rối ren như hiện nay.

Xã hội - “Cơn lốc” vỡ nợ của doanh nghiệp cà phêCà phê Tây Nguyên đang "chết chìm" vì nợ nần

Trước tình hình đó, Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Mil đã có buổi đối thoại với các đại lý đang nằm trong “nghi vấn vỡ nợ” và đưa ra giải pháp là nếu đại lý đã hứa trả nợ thì người dân nếu không quá khó khăn cũng cần chia sẻ để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Theo thống kê của Sở Công Thương Đắk Lắk, riêng địa bàn này đã có 43 doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê vỡ nợ, mất khả năng thanh toán khoảng 300 tỷ đồng và nợ nông dân 3.000 tấn cà phê nhân ký gửi. Hơn một nghìn nông dân ở Đắk Lắk cũng đang có nguy cơ mất trắng tài sản vì đã ký gửi cà phê cho các đại lý thu mua.

Các nhà phân tích cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam luôn ở tình thế “một cổ 2 tròng”: bị đối tác mua hàng “xỏ dây vào mũi” đồng thời vừa phải gồng mình trả lãi vay ngân hàng với mức “lãi suất cắt cổ” . Đó là những lý do khiến các doanh nghiệp rơi vào con đường phá sản không lối thoát.

Ông Lương Văn Tự, chủ tịch VICOFA bày tỏ: Chúng tôi tha thiết kiến nghị Chính phủ đã ưu tiên vốn cho nông nghiệp, nhưng đề nghị phải giảm lãi suất. Với lãi suất 17% hiện nay thì các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu cà phê đều không chịu đựng được.

Khánh Tuân (tổng hợp)