Con người trước thảm họa thuốc kháng sinh vô tác dụng

Con người trước thảm họa thuốc kháng sinh vô tác dụng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Kháng sinh "kho vũ khí chống lại vi khuẩn" đang dần dần vô tác dụng do vi khuẩn đã quá "quen" với thuốc. Tổ chức Y tế Thế giới WHO lo ngại, con người đang đứng trước nguy cơ quay trở lại thời kỳ trước khi thuốc kháng sinh ra đời.

Thuốc kháng sinh "vô dụng" trước vi khuẩn

Sự ra đời của các loại thuốc kháng khuẩn và kháng sinh là một trong những thành tựu vĩ đại của y học. Những viên thuốc nhỏ bé ấy đã giúp con người chống lại mọi bệnh tật do vi khuẩn gây ra và làm giảm tỉ lệ tử vong xuống mức thấp nhất. Song, cũng như con người, vi khuẩn có bản năng sinh tồn rất lớn. Chúng đã tìm mọi cách để biến đổi, chống lại "kẻ thù" là những viên thuốc kháng sinh.

Trong cuộc chiến giữa vi khuẩn và con người, phần thắng đang nghiêng về phía các loại khuẩn kháng thuốc. Đây gần như là dấu chấm hết cho thời kỳ hoàng kim của thuốc kháng sinh.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trong nhiều năm qua đã gây ra một hậu quả đáng buồn, đó là việc một trong những loại thuốc công hiệu nhất trong điều trị bệnh đang dần bị vô hiệu hóa.

Xã hội - Con người trước thảm họa thuốc kháng sinh vô tác dụng

Không nên lạm dụng kháng sinh

Penicillin là một trong những loại kháng sinh mạnh nhất ra đời vào năm 1940 cũng đang dần trở nên vô dụng khi các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra rằng, beta-lactamase, một loại enzyme do vi khuẩn tiết ra, có thể phá hủy cấu trúc của penicillin và vô hiệu hóa tác dụng của loại thuốc kháng khuẩn và chúng đang ngày càng phát triển, chiếm ưu thế. Thực tế đáng sợ là hầu hết các loại vi khuẩn đã tự biến đổi và có chứa các enzyme beta-lactamase.

Quá trình kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh vẫn diễn ra hết sức từ từ và chậm rãi. Nhưng chỉ chưa đầy một thập kỷ nữa, thế giới sẽ đứng trên bờ vực khủng hoảng nghiêm trọng, đó là lúc thuốc kháng sinh không còn tác dụng với vi khuẩn, kể cả các loại thuốc kháng sinh mạnh nhất cũng có khả năng bị xếp sang một bên. Trong những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng của nhiều căn bệnh lạ, kèm theo đó là sự biến đổi không ngừng của các loại vi khuẩn, virus gây bệnh.

Một trong những chủng virus biến đổi đáng sợ nhất được biết đến là virus cúm. Kết quả của quá trình biến đổi không ngừng là sự ra đời của nhiều chủng virus mới, khiến cho công cuộc nghiên cứu, bào chế thuốc điều trị rơi vào tình cảnh khó khăn.

Năm 2008, trong một ca chữa trị cho một bệnh nhân 59 tuổi người Thụy Điển bị nhiễm khuẩn ở Bệnh viện New Delhi, các nhà khoa học đã tình cờ phát hiện ra một dòng vi khuẩn mới có sức kháng thuốc mạnh bất thường có tên gọi Klebsiella Pneumoniae. Sau phát hiện này, thế giới bắt đầu được cảnh báo về sự nguy hiểm của tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.

Khác với các dòng khuẩn trước đây từng được biết đến, những vi khuẩn kháng thuốc mới được phát hiện đều rất mạnh và có thể đánh bại bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào mạnh nhất từ trước đến nay. Điều đáng lo ngại hơn là khi các nhà khoa học lấy mẫu gen của khuẩn Klebsiella Pneumoniae đi xét nghiệm, họ đã phát hiện ra rằng, một chuỗi nhỏ DNA của loại khuẩn này có thể dễ dàng trao đổi giữa các loại khuẩn khác nhau, làm gia tăng khả năng biến đổi của vi khuẩn. Điều đó có nghĩa, một khi bị nhiễm khuẩn Klebsiella Pneumoniae, bệnh nhân cũng có thể dễ dàng bị nhiễm thêm nhiều loại khuẩn khác. Chỉ tính riêng năm 2010, tình trạng vi khuẩn Klebsiella Pneumoniae kháng thuốc đã gây ra 25.000 ca tử vong tại châu Âu.

Trong các loại vi khuẩn mạnh nhất được phát hiện tại New Delhi, hầu hết đều có chứa dòng enzyme metallo beta lactamase (NDM - 1). Dòng enzyme vi khuẩn này đã phát triển mạnh và xuất hiện tại hơn 16 quốc gia khác trên khắp thế giới, bao gồm cả nước Anh. Hầu hết các nhóm khuẩn có mang NDM - 1 đều có khả năng kháng thuốc mạnh mẽ. Một nghiên cứu được công bố trên chuyên mục bệnh dịch của tạp chí Lancet cho biết, tình trạng khuẩn biến đổi và kháng thuốc đã lan ra 14 nhóm khuẩn khác nhau, trong đó bao gồm cả nhóm khuẩn gây bệnh lyạ̊ và dịch tả.

Viện Y học Mỹ gọi tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn là thảm họa đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Trong khi đó, WHO coi sự gia tăng của NDM - 1 là viễn cảnh đen tối của nhân loại khi thuốc kháng sinh không còn tác dụng.

Tìm kiếm nguồn thay thế

Sự phát triển khả năng kháng thuốc của vi khuẩn là một quá trình tự nhiên sớm muộn cũng sẽ xảy ra với mọi loại thuốc. Thế nhưng, quá trình tự nhiên này ngày càng xảy ra nhanh hơn và được củng cố bởi chính sự lạm dụng một cách bừa bãi của con người. Tổng Giám đốc Tổ chức WHO, bà Margaret Chan đã đưa ra lời cảnh báo về khả năng con người quay trở lại thời kỳ trước khi thuốc kháng sinh được phát triển nếu không có một hành động toàn cầu giải quyết vấn đề kháng thuốc đang ngày càng trầm trọng này.

Bà cho biết: "Kho vũ khí điều trị bệnh của con người đang dần cạn kiệt. Tốc độ mất đi những loại thuốc thiết yếu đó nhanh hơn tốc độ phát triển các loại thuốc thay thế rất nhiều. Trên thực tế, hệ thống nghiên cứu và phát triển các loại thuốc kháng sinh mới gần như đã ngừng lại".

Xã hội - Con người trước thảm họa thuốc kháng sinh vô tác dụng (Hình 2).

Thuốc kháng sinh sẽ dần mất tác dụng trước vi khuẩn

Các chuyên gia khuyến cáo, kháng sinh được ví như "của quý hiếm", chỉ dùng trong những trường hợp thực sự nguy cấp, vì thế không nên lạm dụng nó. Khi có bệnh nên đi khám chứ không nên tự ý uống thuốc, đặc biệt là kháng sinh. Khi uống cần tuân thủ 4 quy tắc: Đúng chỉ định, liều lượng, thời gian và cách dùng. Hiện tại, con người vẫn bỏ qua các nguyên tắc đó, sử dụng một cách bừa bãi mà không cần biết đến những nguy hiểm do chính kháng sinh gây ra.

Tác dụng phụ của kháng sinh không mong muốn, đáng sợ nhất là gây sốc phản vệ. Sốc phản vệ có thể xảy ra cho bất kỳ ai, bất cứ lúc nào và bất cứ loại kháng sinh gì. Sốc phản vệ là một dạng tai biến kinh hoàng không thể lường trước được, đôi khi người bị sốc không kịp phản ứng và có thể bị thiệt mạng. Có trường hợp ngay cả khi thử phản ứng với liều lượng cực kỳ nhỏ, đúng theo nguyên tắc và đúng kỹ thuật nhưng sốc phản vệ vẫn có thể xảy ra.

Một khi thuốc kháng sinh không còn là vũ khí hiệu quả trong cuộc chiến chống lại sự xâm chiếm của vi khuẩn, thế giới bắt buộc phải tìm kiếm một giải pháp khác, đó là tìm kiếm một sự thay thế. Tuy nhiên, để có được một loại thuốc kháng sinh mới, các nhà nghiên cứu cần tới 10-20 năm nữa. Để đối phó với vi khuẩn, trước mắt, một số hãng cung cấp dược phẩm đã cam kết cung cấp một số thuốc điều trị thay thế và vaccin là sự lựa chọn thay thế hàng đầu. Mặc dù vậy, chương trình vaccin thay thế cũng gặp nhiều thách thức.

Các nhà nghiên cứu cho biết, vaccin có thể ngăn chặn, kiểm soát vi khuẩn nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Vaccin không có khả năng diệt vi khuẩn mạnh như kháng sinh nên không thể thay thế kháng sinh trong một thời gian dài. Người sử dụng vaccin sẽ phải liên tục tiêm vaccin vào người, chính việc này cũng khiến vi khuẩn và virus kháng lại cả vaccin thay thế kháng sinh.

Một số nghiên cứu khoa học đang tập trung vào việc tạo ra chủng virus thuần chủng có khả năng tấn công các vi khuẩn gây bệnh khác. Phương pháp này có tên gọi là liệu pháp thể thực khuẩn, tức "lấy độc trị độc" và đang được nghiên cứu tại một số nước phát triển trên thế giới. Bằng cách tạo ra virus chống lại các vi khuẩn khác, chúng sẽ tự tiêu diệt lẫn nhau. Như vậy, loại virus này có tác dụng tương đương kháng sinh và hoàn toàn có thể thay thế kháng sinh.

Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi chi phí khá cao và mất nhiều thời gian để đưa loại virus thuần chủng vào cơ thể. Vấn đề đặt ra là loại virus này có thể thích nghi với môi trường mới hay không, liệu chúng có tồn tại lâu trong cơ thể con người để kháng lại các loại vi khuẩn gây bệnh hay không. Câu trả lời sẽ có trong tương lai, nhưng chúng ta cũng cần tránh thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh, việc này giúp nguồn kháng sinh không bị mất đi quá nhanh và con người không phải quay lại thời kỳ đen tối trước đây.

Hồng Nhung (Theo Dailymail/Livescience)