Công chứng là 'thẩm phán phòng ngừa' hành vi phạm luật

Công chứng là 'thẩm phán phòng ngừa' hành vi phạm luật

Thứ 2, 18/03/2013 | 09:14
0
Lâu nay, người ta vẫn coi công chứng là “thẩm phán phòng ngừa” bởi công chứng có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn các giao dịch bất hợp pháp, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, giảm được gánh nặng cho cơ quan xét xử.

Công chứng: Thói quen ổn định

Khi được hỏi về giá trị của công chứng đối với các giao dịch về quyền sử dụng đất, các luật sư, các công chứng viên đều cho rằng, hoạt động công chứng trong những năm qua đã góp phần đưa các giao dịch có liên quan đến bất động sản đi vào trật tự.

Việc xác lập hợp đồng, giao dịch có công chứng, chứng thực đã trở thành thói quen ổn định trong phần lớn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuẩn hoá hồ sơ đăng ký sang tên quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận, phòng ngừa rủi ro và hạn chế tranh chấp.

Qua việc công chứng hợp đồng, giao dịch, kiến thức pháp luật về đất đai, nhà ở và ý thức tuân thủ pháp luật khi giao kết hợp đồng của người dân được nâng lên một cách rõ rệt, điều đó rất có lợi cho công tác quản lý và cho chính các bên tham gia giao dịch.

Các ý kiến cũng cho rằng, công chứng từ trước đến nay đang đóng vai trò là thiết chế quản lý các hợp đồng, giao dịch, đặc biệt là các hợp đồng, giao dịch có liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, cho ra đời và chứng nhận tính xác thực và hợp pháp của những văn bản có giá trị thi hành, không chỉ đối với các bên giao kết, mà còn đối với các bên có liên quan khác. Qua đó, Nhà nước có thể kiểm tra, giám sát, điều tiết một cách khách quan, công minh và hiệu quả những hợp đồng, giao dịch này.

Trong điều kiện hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật của đa số người dân còn thấp, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, còn nhiều bất cập, chồng chéo, hiệu lực chưa cao, khả năng "hậu kiểm” của các cơ quan chức năng còn cần phải tiếp tục kiện toàn thì những hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất không thể buông cho các bên tự ý quyết định mà cần được quản lý hết sức chặt chẽ.

Bỏ công chứng: Rủi ro chờ trước mặt

Rất ngạc nhiên với phương án để người dân tự quyết có công chứng hay không công chứng các giao dịch về quyền sử dụng đất, bà Đỗ Hoàng Yến - Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp - đặt câu hỏi, không biết tại sao Ban soạn thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lại đề xuất quy định này trong khi không có một báo cáo đánh giá tác động xem quy định hiện hành có ưu, nhược điểm gì, vì sao phải thay đổi. “Phải có đánh giá tác động cụ thể rồi mới bàn đến việc có bỏ hay không bỏ quy định bắt buộc phải công chứng các giao dịch về quyền sử dụng đất” – bà Đỗ Hoàng Yến đề nghị.

Cùng quan điểm cho rằng việc công chứng các giao dịch  về quyền sử dụng đất là cần thiết để đảm bảo an toàn pháp lý cho việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, ông Trần Công Trục - Trưởng văn phòng công chứng  Đông Đô - nhận định:

"Các giao dịch về nhà đất có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế nên nếu lược bỏ đi bất kỳ một thủ tục, trình tự, điều kiện nào hiện có thì chỉ có thể làm cho tình trạng tranh chấp về đất đai, nhà ở vốn đã rất phức tạp càng thêm phức tạp hơn, gây nguy hại to lớn đến an sinh xã hội và sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế”.

Về ý tưởng bỏ công chứng để giảm bớt chi phí cho người dân, ông Tuấn Đạo Thanh - Trưởng phòng công chứng số 1 Hà Nội - cho rằng, đó là một ý tưởng thiếu thực tế bởi văn bản công chứng có giá trị pháp lý không cần phải chứng minh.

Vì vậy nếu các giao dịch đã qua công chứng thì khi có tranh chấp đưa ra Tòa giải quyết, Tòa án cũng không cần phải làm hàng loạt các thao tác như trưng cầu xem chữ ký đó có phải của người đó không, có đủ năng lực hành vi dân sự không, có lừa đảo không.

Ông Tuấn Đạo Thanh khẳng định: “Nếu tranh chấp mà chỉ có giấy viết tay thì Tòa án sẽ mất rất nhiều thời gian để tiến hành xác minh, khi ấy, chi phí bỏ ra giải quyết tranh chấp còn lớn hơn nhiều so với chi phí phòng ngừa (lập văn bản công chứng)”.

Rõ ràng, trong điều kiện của nước ta hiện nay, công chứng là một thiết chế quan trọng giúp hNà nước quản lý thị trường bất động sản theo hướng minh bạch hơn, ổn định hơn. Người dân cũng yên tâm hơn khi có công chứng “gác cửa” về mặt pháp lý. Bởi vậy, không quá khó để lựa chọn phương án cho vấn đề này khi Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội thứ 5 tới.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Công chứng không phải là thủ tục hành chính

Trước sự quan tâm của người dân về hoạt động công chứng, tại chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã khẳng định, công chứng không phải là thủ tục hành chính mà là hoạt động của cơ quan bổ trợ tư pháp, do công chứng viên thực hiện.

Tại các nước theo truyền thống luật thành văn như Việt Nam thì những hợp đồng, giao dịch liên quan hoặc có khả năng liên quan đến quyền sở hữu, hay cả quyền chuyển quyền sử dụng đất thường yêu cầu bắt  buộc phải công chứng.

Trước câu hỏi của người dân về việc liệu công chứng có làm tăng chi phí cho sản xuất, kinh doanh hay không, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: "Nếu công chứng thì tăng chi phí cho xã hội, cho sản xuất, kinh doanh, nhưng đổi lại nó được sự an toàn. Nếu không an toàn mà dẫn  đến tranh chấp, dẫn đến rủi ro thì chắc chi phí của nó còn lớn hơn rất nhiều".

Theo Lan Phương( Pháp luật Việt Nam)

Tuyển phóng viên chuyên mục Pháp luật

Thứ 5, 10/01/2013 | 17:20
Báo điện tử Người đưa tin cần tuyển 03 phóng viên chuyên mục Pháp luật.

Đổi “mũi phong thủy” gặp tai ương

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
Không ít phụ nữ đã chi tiền "tút" toàn bộ những điểm không hợp phong thủy trên khuôn mặt từ phun thêu lông mày, gọt gò má, nâng mũi đến làm duyên cái miệng.

Giới trẻ săn lùng rắn phong thủy hợp tuổi

Thứ 7, 02/02/2013 | 07:43
Nuôi rắn cảnh - đang trở thành "mốt" của giới trẻ trong những ngày đầu năm mới Quý Tỵ. Với nhiều người, nuôi rắn cảnh còn là con vật phong thủy đem lại nhiều may mắn...

Phong tục hết sức kỳ dị ở ngôi làng gần Thủ đô

Chủ nhật, 17/03/2013 | 16:44
Mặc dù chỉ cách trung tâm Hà Nội hơn 60km nhưng ít ai ngờ được người dân làng Đồng Dâu (xã Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội) có một phong tục hết sức kỳ dị: Cứ mỗi khi vào rừng, tìm được bất cứ loài cây nào, dù biết tên hay không cũng đều ngâm rượu để uống.