Công nghệ chế biến cá cơm siêu sạch của ông già ô-zôn

Công nghệ chế biến cá cơm siêu sạch của ông già ô-zôn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
“Công nghệ chế biến 1 tạ cá cơm = 1 gói bột giặt OMO + 1 chai rượu + 1 lạng hàn the” đó là “bí kíp” mà TS. Vật lý Nguyễn Văn Khải đã lượm lặt được sau chuyến thực tế tại Âu Thuyền, xã Thọ Quang (Đà Nẵng).

Lo ngại thực trạng cá cơm “tắm” OMO và hàn the

Sau chuyến đi thực tế ở vùng biển Âu Thuyền, xã Thọ Quang (Đà Nẵng), TS. Vật lý Nguyễn Văn Khải đã chủ động liên hệ với PV để chia sẻ về những thành quả mà ông đã giúp ngư dân Thọ Quang chế biến cá cơm rút xương siêu sạch, đảm bảo chất lượng bằng công nghệ a-nô- lít. TS. Khải bảo rằng: “Tôi gọi PV đến không phải để kể công mà muốn bật mí với PV rằng, ở Việt Nam có thể tự hào vì đã có cá cơm siêu sạch”.

Xã hội - Công nghệ chế biến cá cơm siêu sạch của ông già ô-zôn

Cá được làm sạch với nước a-nô-lít chỉ sau 2 lần rửa

Cách mở đầu câu chuyện của TS. Khải khiến chúng tôi tò mò và quả thật tôi cũng chưa hiểu ngụ ý của ông muốn nói gì. Có lúc trong đầu tôi chợt nghĩ “ông giá ôzôn” đang khoe mẽ chăng? Nhưng càng về cuối câu chuyện, tôi mới ngộ ra rằng, ông muốn chia sẻ về những khốn khó, về sự mưu sinh của người dân vùng biển. Ông đắng đót trong từng câu nói và dám nhìn thẳng, nói thật về một thực tế đang diễn ra ở vùng biển này- nơi mà nhiều ngư dân sống bằng nghề đánh bắt, chế biến cá cơm và nguy cơ ô nhiễm môi trường.

TS. Khải cho biết, có đi mới thấy. Phải trải nghiệm thực tế mới biết ngư dân vùng biển bám biển kiếm sống, mưu sinh như thế nào. Tuy nhiên, cũng từ chuyến đi thực tế ấy, ông đã tìm thấy câu trả lời cho bức tranh ô nhiễm tại các vùng chế biến thủy sản. TS. Khải bảo rằng: “Bờ biển Việt Nam đang bị ô nhiễm, thềm lục địa bị ảnh hưởng, dải san hô đang bị thu hẹp. Vì thế, việc đánh bắt phải tiến hành rất xa bờ, cá gần bờ không có cá to. Điển hình cho tình trạng ô nhiễm là Âu Thuyền (Thọ Quang, Đà Nẵng)- nơi bà con sau khi đánh bắt thủy sản cập bờ và thải ra nước thải ngâm cá mà chưa qua xử lý”.

Theo lời kể của TS. Nguyễn Văn Khải, tình trạng ô nhiễm ở Âu Thuyền là một thực tế có thể dễ dàng nhận thấy bằng chính cảm quan của mỗi người khi đặt chân đến đó. Nhưng điều khiến ông bất ngờ lại chính là “bí kíp” chế biến cá cơm mà một cán bộ của Thọ Quang đã “tự thú” với ông. TS. Khải cho biết, ở vùng biển Đà Nẵng, vào tháng 3, tháng 4, đúng mùa cá cơm (từ Quảng Ngãi vào Phan Thiết mùa cá cơm vào tháng 7- PV), có thuyền đánh được tới hơn chục tấn cá. Phơi không kịp, họå phải sấy. Nhưng vì lượng cá quá lớn, trước khi sấy họ dùng bột giặt để rửa sạch cá cơm, sau đó dùng rượu để tẩy mùi bột giặt, cuối cùng là dùng hàn the để ướp cá có độ dai, giòn và trắng. Theo bật mí của các ngư dân, cá cơm loại này bán 80.000 đồng/1 lạng. “Loại cá cơm này có mùi khăm khẳm, mỡ trắng nổi ở giữa thân cá, màu đục” TS. Khải nói.

Thương hiệu cá cơm siêu sạch

“Tôi đã gặp một số doanh nghiệp và hộ sản xuất nhỏ, trao đổi rằng sẽ giúp họ làm cá cơm khô sạch hơn và nước mắm cá cơm trong hơn, thơm hơn. Ai cũng gật gù nhưng chẳng ai làm theo”, TS Khải bộc bạch.

TS. Khải kể lại: “Sáng 18/8/2011, tại hội trường thôn Lộc Phước, xã Thọ Quang, TP. Đà Nẵng, tôi hướng dẫn bà con quy trình chế biến thủy sản sạch bằng a -nô-lít và đèn ô- zôn khử khuẩn, khử mùi theo dự án “Chế biến thủy sản sạch và giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng cá” do Quỹ Môi trường toàn cầu giúp đỡ. Hàng trăm ngư dân chứng kiến bạch tuộc được rửa hơn chục nước da vẫn nhớt, tu vẫn đen, còn mùi và nước cuối vẫn đục. Khi dùng dung dịch a -nô-lít thì chỉ nước thứ 2 đã trong, hết nhớt, tu hết đen, hết mùi, dù chỉ rửa khoảng 10 phút chứ không mất thời gian như trước đây. Thử nghiệm với cá cơm, cá tạp đều cho kết quả tương tự với bạch tuộc”.

Sau lần thử nghiệm ấy, rất nhiều ngư dân đã sử dụng a-nô-lít để làm sạch cá và với họ trong cái khó đã ló cái khôn. Bây giờ thì xã Thọ Quang đã có 5 máy sản xuất a -nô-lít. Gia đình bà Nguyễn Thị Phu đã dùng dung dịch này để rửa nhiều loại thủy sản nhưng đến cuối 3/2012 mới bắt đầu dùng để rửa hơn 2 tấn cá cơm dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. Tất cả các tấm vỉ phơi cá, thùng đựng nước hoặc cá và mọi dụng cụ đều được rửa bằng a-nô-lít. Cá vừa được đưa về xưởng là được rửa ngay bằng a-nô-lít. TS. Khải cho biết, trước đây, nhà bà Phu rửa cá với nước muối pha (60 lít nước dùng 3 cân muối- PV) giá 6.000 đồng, nhưng dù có rửa bao nhiêu lần thì nước cuối vẫn đục và rất ít mỡ cá nổi lên. Khi phơi, ruồi bay đến đậu trên cá và vỉ suốt ngày. Bây giờ dùng a -nô-lít, mỡ nổi lên rất nhiều, trông cá có mã đẹp hẳn, ánh bạc lấp lánh, không mùi tanh, cả một sân phơi rộng hơn 3.000 mét vuông không hề thấy bóng con ruồi nào! “Điều không ai ngờ là cá cơm rút xương chỉ sau một ngày đã khô. Sau 7ä bảy ngày, cá cơm rút xương đựng trong túi ni -lông tôi đem từ Thọ Quang về vẫn khô cong, không thấy mỡ cá và màu cá trong, trông thật ngon!”, ông Khải nói.

Thọ Quang đã có thương hiệu cá cơm siêu sạch

Trao đổi qua điện thoại, ông Trần Nên- một hộ sản xuất cá cơm bằng a-nô-lít xã tại xã Thọ Quang cho biết: “Pha a-nô-lít vào nước rửa cá cơm, mỡ ở bụng cá được rửa sạch và rút được xương dễ dàng. Sau chế biến, con cá cong, không có mùi khó chịu, để ra ngoài cũng không có ruồi bâu. Từ công nghệ chế biến thủy sản mới, bây giờ Thọ Quang đã có thương hiệu cá cơm siêu sạch. Trước cá cơm bán được giá là 800.000 đồng/1 kg, giờ “mã” đẹp hơn bán được 1,5 triệu/1 kg”.

Lan Thơm