Công nghệ “chém gà” và “kênh” tuổi ngọc nghiến

Công nghệ “chém gà” và “kênh” tuổi ngọc nghiến

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Nghề nào mánh ấy, đó là thực tế không thể phủ nhận. Biết nhà giàu có nhu cầu các loại sản phẩm dân dụng liên quan đến ngọc nghiến, những "chuyên gia" tư vấn nhưng thực chất là đội "săn" và "chém gà" chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội.

Người giới thiệu mua - bán được một món đồ có thể được tiền "boa" của cả người bán, lẫn người mua đủ tiền làm một con xế xịn là chuyện thường. Vì thế, công nghệ "chém gà" và "kênh" tuổi ngọc cũng tự nhiên ra đời. Để rồi, chuyện nhà giàu cũng khóc vì bị "chém đau" đã không còn lạ nữa.

Sự kiện - Công nghệ “chém gà” và “kênh” tuổi ngọc nghiến

Đôi lộc bình ngọc nghiến "xịn" được bao nhiêu phần trăm?

Công nghệ “chém gà”

Phương giới thiệu cho tôi một người tên là Sướng, kèm theo những lời hoa mỹ như sau: “Sướng có thâm niên tìm hiểu về các loại gỗ quý đã 30 năm, trong đó có 10 năm lăn lộn ở rừng để biết thế nào là gỗ thật, gỗ "xịn", thế nào là ngọc, là trầm”. Phương còn nói thêm rằng, những "kiến thức" về gỗ quý Phương có được như ngày hôm nay, phần lớn do Sướng giúp.

Vừa độ thân tình, Sướng thẳng thắn: “Ông chủ nhà giàu là "gà" chẳng có gì sai cả. Ông ta có thể rất am hiểu, thậm chí nhiều "mánh" trong kinh doanh kiếm tiền nhưng "công nghệ" thổi tuổi gỗ chắc chắn ông ta không thể biết được. Muốn biết gỗ nghiến có tuổi đời nhiều hay ít thì phải xem vân gỗ. Nếu không phân biệt được đâu là gỗ nghiến, đâu là lim, là bách... thì vân gỗ nào chẳng giống nhau.

Tất cả ông chủ nhà giàu (trừ những ông chủ giàu có từ nghề gỗ) chỉ nghe và nhìn thấy nghiến, lim, bách, sưa do người buôn gỗ giới thiệu, chứ chưa hề biết cây gỗ nghiến như thế nào mà lại càng không có gỗ nghiến thật để đối chiếu xem gỗ họ giới thiệu có giả không? Chính vì thế mà "chuyên gia tư vấn” hay dân dã còn gọi là "cò" mới có cơ hội để "phát triển công nghệ chém" chứ”.

Theo Sướng, gỗ nghiến càng nhiều năm tuổi thì càng nhiều vân và đường vân rất sắc nét. Đường vân của nghiến khác với vân của lim, bách, sưa. Đó là một đường thẳng với xung quanh nhiều đường bâu nhỏ. Nếu người nào khéo tưởng tượng, nghĩ đó là một bông hoa cũng được. Từ cái đường vân này mà người bán và "cò" tha hồ tưng hứng để "chém gà".

Sướng trầm ngâm, gỗ nghiến bây giờ hiếm thật nhưng không đến mức quá đắt như số tiền nhà giàu bỏ ra mua về để "ngắm" như hiện nay. Nếu nó không có nguồn gốc ở Việt Nam thì là nghiến nhập ở Lào. Nghiến Lào thì không bao giờ "xịn" bằng nghiến Việt. Bởi khí hậu của Việt Nam, nơi nghiến sinh trưởng là ôn đới, cận ôn đới. Khí hậu lạnh làm cho nghiến đặc hơn. Khí hậu của Lào ẩm, nóng nên nghiến rỗng trong nhiều, ít vân. Song với "công nghệ thổi hàng" tiền tỷ của người buôn gỗ thì nghiến Lào biến thành nghiến Việt là điều hết sức bình thường.

Nắm được tâm lý của nhà giàu là mua đồ gì cũng phải "xịn", phải nhất, phải hơn người nên "cò" thừa sức "săn" và "chém". Nếu là nghiến Lào thì được nâng thành nghiến Việt nhưng tuổi đời của nghiến chỉ là 30 - 40 năm. Một bộ bàn ghế 7 món, với tuổi nghiến như trên, "cò" có thể "thổi" lên tới 2 tỷ đồng. Chuyện này, người bán và "cò" đã hiểu ý nhau và có quy định bất thành văn là chia đôi lợi nhuận do "cò" đưa ra mà người mua chấp nhận. Nếu người bán nào "tốt bụng", có thể cho "cò" đến 2/3 số tiền "cò" đã "thổi" giá lên được đó. Nếu nghiến Lào, ruột mà đặc được bằng 2/3 của nghiến Việt thì được nâng thành nghiến Việt có tuổi đời 50 - 60 năm. Tất nhiên, giá bán món đồ nghiến này cũng tăng lên sơ với tuổi "cò" đã "thổi" của gỗ.

Theo Phương, giới "cò" và người bán có cơ hội "chém" nhất đối với những loại nghiến có tuổi đời từ 100 năm trở lên. Bởi từ 100 đến 200, thậm chí là 300 tuổi đối với "cò" chỉ là một lời nói cùng với những câu giải thích mà ông chủ nhà giàu nghe thì sướng tai, song không thể phân định được thật - giả nhưng vẫn cứ lao vào mua để cho "cò" thả sức "chém" để được tiếng là mua được nghiến “đẳng cấp”. Chắc chắn ông chủ giàu có này và ngay cả "cò" cũng chưa bao giờ được nhìn vân gỗ nghiến 100 năm như thế nào và khác với vân gỗ nghiến 200, 300 năm ra sao? Cụ thể, một ông di lặc nghiến Việt, 100 tuổi có giá 1 tỷ đồng nhưng nếu 200 tuổi thì 2 tỷ, thậm chí cao hơn nữa là chuyện rất bình thường.

"Kênh" 1 tuổi ngọc, "ăn" vài trăm triệu

Sướng khẳng định, ngọc có trong nghiến chỉ ở những cây từ vài trăm năm tuổi trở lên, và không phải cây nào cũng có. Cả cánh rừng có đến vài chục cây nghiến trăm năm nhưng chỉ 1 - 2 cây có ngọc. Đó là chuyện rất bình thường của tự nhiên. Để chế biến được những cây gỗ nghiến có ngọc là cả một quá trình không đơn giản chút nào. Vì những chỗ ngọc đó, cứng hơn nghiến thường rất nhiều. Thợ gỗ không chuyên, không thạo về nghiến có thể bị tai nạn nghề nghiệp khi chế biến nó. Bởi nó cứng và không phải đồ nghề nào cũng có thể đục, đẽo, cưa được nghiến ngọc ra thành từng mảnh. Hơn nữa, ngọc không phải có ở toàn thân của cây nghiến.

Theo tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh - chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) thì tiêu chí để công nhân cây di sản đối với cây tự nhiên là phải sống trên 200 năm, cao trên 40 mét, đường kính 2 mét, có hình dáng đặc sắc. Hiện có 20 tỉnh đăng ký hơn 300 cây nhưng VACNE công nhận 92 cây là di sản Việt Nam, trong đó có cây gỗ nghiến.

Bởi thế, món đồ được gọi là ngọc nghiến ấy chưa chắc đã là "xịn". Vì để có 1 bộ bàn ghế 9 món hay một ông di lặc ngọc nghiến, có thể phải lấy từ rất nhiều cây nghiến ngọc mới tạo thành. Theo Sướng, bộ bàn ghế đó được làm ra từ cây nghiến có ngọc là "xịn" rồi chứ đòi hỏi cả bộ đó là ngọc nghiến hết thì chỉ còn... bắc thang lên hỏi ông trời.

Ngọc cũng có những vân khác nhau, vân ngọc 5 tuổi khác với vân ngọc 10 tuổi và đặc biệt là độ cứng của ngọc thì khác đến bất ngờ. Biết được chút ít thông tin này, nhiều "cò" và người bán đã "kênh" tuổi ngọc để "ăn" thêm được vài trăm triệu đồng dễ như trở bàn tay.

Sướng khẳng định: “Quá ít người biết và phân biệt được tuổi ngọc từ vân và độ cứng nên việc "săn gà", "chém đẹp" của "cò" đơn giản, dễ thực hiện hơn. Đã vậy, "cò" còn tâng bốc các tay nhà giàu mua để "ngắm" thể hiện đẳng cấp với yếu tố tâm linh nên ông chủ nào chẳng thích. Cụ thể, "cò" giới thiệu rằng: Ngoài đẳng cấp thì sở hữu đồ ngọc nghiến còn đem lại tài lộc, phú quý đầy nhà nếu gia chủ chịu khó thắp hương ngày rằm, mùng một; chịu khó nhờ thợ đến yểm bùa vào đồ vật ngọc nghiến đó. Nếu biết cách yểm, ngọc phát sáng linh lung, tối đến cả phòng sẽ sáng trắng, đẹp...”.

Thực hư thế nào chỉ có những người sử dụng nó mới biết. Song, bỏ ra vài tỷ, thậm chí vài chục tỷ đồng mua về chỉ để "ngắm", để cho người đời bàn tán, cho "cò" chặt chém, quả thật lãng phí vô cùng.

Nguyên Hằng