Công nhận dạy thêm là một nghề?

Công nhận dạy thêm là một nghề?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
Với tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm, phải ký cam kết với UBND xã, phường, thị trấn. UBND cấp xã, phường, thị trấn có quyền “cấp phép” và quản lý các tổ chức dạy thêm học thêm.

Nhiều năm trở lại đây, Bộ GD&ĐT liên tục ban hành các văn bản nhằm siết chặt việc dạy thêm, học thêm. Mới đây, Bộ lại tiếp tục ban hành dự thảo thông tư quy định về việc này.

Dự thảo thông tư lần này của Bộ GD&ĐT cũng quy định hoạt động dạy thêm học thêm có hai hình thức tổ chức: Trong nhà trường và ngoài nhà trường. Xung quanh hai hình thức này được bổ sung nhiều chi tiết mới. Và việc dạy thêm trong nhà trường không chấp nhận việc tổ chức lớp dạy thêm theo các lớp học chính khóa.

Thay vào đó, căn cứ vào đơn xin học thêm của học sinh, trường tổ chức phân loại học sinh theo học lực và tổ chức dạy thêm theo nhóm trình độ học sinh. Giáo viên muốn dạy thêm phải có đơn đăng ký; trong đó phải có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của người giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm học thêm trong nhà trường. Nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên được dạy thêm, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu dạy thêm phù hợp với trình độ học sinh.

Xã hội - Công nhận dạy thêm là một nghề?

Với tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm, phải ký cam kết với UBND xã, phường, thị trấn, nơi đặt điểm dạy thêm học thêm, thực hiện đúng các quy định về dạy thêm học thêm ngoài nhà trường và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm học thêm.Trong dự thảo có quy định, UBND cấp xã, phường, thị trấn có quyền “cấp phép” và quản lý các tổ chức dạy thêm học thêm.

Xung quanh quy định này GS Hồ Ngọc Đại cho rằng: "Cho các UBND cấp xã được quyền cấp phép và quản lý, bản thân tôi thấy việc đó chưa ổn. Bởi năng lực chuyên môn của giáo viên cấp Bộ, Sở mới xác định được. Địa phương chỉ có thể quản lý những việc như: Cơ sở đó có gây ảnh hưởng về an ninh trật tự, môi trường, cơ sở vật chất, trang thiết bị... Bộ thì cao quá, không thể quản lý được tất cả, Sở là đơn vị cấp phép dạy thêm cho giáo viên hoặc đơn vị mở trung tâm dạy thêm là hợp lý".

Trường hợp không được dạy thêm, dự thảo cũng có nêu: Không dạy thêm học thêm đối với học sinh được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Không dạy thêm học thêm cho học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm học thêm các nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông. Giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục phổ thông và các cơ sở giáo dục khác đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức hoặc tham gia tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường.

Quy định về cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm cũng lần đầu được nêu ra chi tiết trong dự thảo. Phòng học phải đảm bảo diện tích trung bình tối thiểu 1,1m2/học sinh, được thông gió và chiếu sáng tự nhiên hoặc nhân tạo; kích thước bàn ghế phải theo quy định; có bảng chống lóa, địa điểm tổ chức dạy học phải đảm bảo an toàn cho người dạy, người học...

P.V