Công sở đìu hiu những ngày làm việc đầu năm

Công sở đìu hiu những ngày làm việc đầu năm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
Như thường lệ, sau Tết Nguyên đán, nhiều đơn vị, công ty trên địa bàn Hà Nội lại vắng vẻ đến lạ thường. Mặc dù đã được xác định năm nay nền kinh tế sẽ có rất nhiều khó khăn. Vậy nhưng điều này vẫn không thay đổi được “truyền thống” ăn chơi đầu xuân?

Chỗ làm việc đìu hiu...

Theo quy định của Nhà nước, ngày 30/1 (tức ngày mùng 8 Tết) là ngày làm việc đầu tiên của các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, dạo một vòng quanh cách đơn vị hành chính Nhà nước và các công ty trên địa bàn Hà Nội, một điều dễ nhận thấy chính là không khí làm việc như thường ngày vẫn chưa thực sự trở lại. Nhiều cơ quan, công ty vẫn cửa đóng then cài, hoặc nếu có mở cửa cũng chỉ có một vài người.

Có lẽ, câu chuyện được bàn tán xôn xao nhất của giới công chức trong những buổi làm việc đầu năm đều liên quan đến ăn Tết và chơi Tết. Nhiều người trên tay cầm xấp lì xì chạy đi chạy lại mừng tuổi đồng nghiệp lấy may. Nhiều dân công chức nói vui với nhau, đầu năm đến cơ quan chỉ để chúc rượu, bắt tay và lấy tiền mừng tuổi...

Lạ & Cười - Công sở đìu hiu những ngày làm việc đầu năm

Không khí vắng vẻ tại phòng công chứng UBND phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội)

Khoảng 10h sáng ngày 1/2 (mùng 9 Tết), chúng tôi có mặt tại Văn phòng công chứng Hà Nội (Hoàng Ngân, Cầu Giấy, Hà Nội). Theo ghi nhận của PV, mặc dù văn phòng đã mở cửa nhưng rất ít người đến công chứng. Bên trong, nhiều bàn làm việc vẫn còn trống. Có mặt tại văn phòng công chứng này khoảng 1 giờ đồng hồ nhưng chỉ có khoảng 4 - 5 người cầm trên tay mớ giấy tờ đi vào xin công chứng chưa đầy 15 phút rồi lại đi ra.

Trái hẳn với sự vắng vẻ tại các công sở, các đền chùa tại Hà Nội như: Chùa Quán Sứ, Trấn Vũ, Phúc Khánh, Phủ Tây Hồ lại đang đón một lượng khách lớn đến cúng lễ trong ngày đầu năm mới. Thậm chí, nhiều công sở còn lên kế hoạch tổ chức cho nhân viên đi lễ tại các điểm đến tâm linh nổi tiếng như chùa Hương, chùa Bái Đính, Yên Tử... để cầu may.

Tại UBND phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), tấm băng rôn chúc mừng năm mới vẫn treo trước trụ sở. Bên trong, một chậu đào khá to được đặt trước cửa. Lúc chúng tôi đến, văn phòng công chứng của UBND phường này vắng như "chùa Bà Đanh", bên trong chỉ có hai nhân viên đang ngồi làm việc. Nhiều bàn làm việc, mặc dù có bảng tên nhân viên nhưng không có người. Cũng tương tự, trái hẳn với tình trạng xếp hàng, chen chúc xin dấu công chứng mỗi sáng tại UBND xã Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) như trước đây, khoảng 10h30’ sáng mùng 9 Tết, tuy chưa hết giờ làm việc nhưng phòng công chứng của ủy ban xã này vẫn cửa đóng then cài. Khi được hỏi, một bảo vệ của UBND xã Mễ Trì cho biết: "Phòng công chứng chỉ nhận hồ sơ từ 8 - 10h sáng thôi. Muốn công chứng giấy tờ thì sáng mai đến sớm".

Ngày làm việc đầu năm tại nhiều công ty, cơ quan Nhà nước chủ yếu đến để cùng nhau chúc mừng năm mới. Những cái bắt tay, những lời chúc tụng được thực hiện ngay bên những chậu cây cảnh, những lẵng hoa đầu năm. Chị Nguyễn Hà, nhân viên một công ty sách tại Yên Hòa, (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Năm nào chẳng vậy, ngày đầu năm, các sếp để cho anh chị em tranh thủ gặp gỡ. Mà các sếp cũng chẳng có mặt tại cơ quan, họ tranh thủ đi gặp gỡ các đối tác nhân dịp đầu xuân". Chị Hà cho biết, hầu như cứ phải ngoài rằm tháng Giêng (âm lịch) thì không khí làm việc tại các cơ quan Nhà nước mới bắt đầu vào nhịp. Còn thời gian trước đóỏ, nhiều người đi chùa đầu năm lấy may. Hoặc đến cơ quan cũng chỉ cho có lệ".

Khoảng 8h sáng, chúng tôi có mặt tại chùa Phú Đô thượng (làng Phú Đô, Từ Liêm, Hà Nội). Chị Hảo, một nhân viên của công ty xuất nhập khẩu tại đường Phạm Hùng cho biết: “Sau buổi gặp gỡ đầu xuân, các sếp mừng tuổi xong thì "thả cửa" cho một ngày để chị em đi lễ chùa cầu may. Chỉ có một ngày được đi lễ nên chúng tôi phải bố trí thời gian đi lễ 3 chùa trở lên để cầu may cho cả gia đình. S

au khi lễ ở đây, chúng tôi lên chùa Phúc Khánh rồi vòng về Phủ Tây Hồ là xong. Chúng tôi chỉ đi được mấy chùa gần, nhiều cơ quan tổ chức đi lễ xa như Bái Đính, Yên Tử, chùa Hương... là nhất nhưng mình không có điều kiện. Thôi thì cốt có cái tâm là được ". Chị Hảo cho biết thêm, hiện tại ở cơ quan chỉ có mấy người bảo vệ và một vài nhân viên kỹ thuật đang chuẩn bị máy móc cho công việc đầu năm. Còn cánh đàn ông trong cơ quan cũng tranh thủ, không "đại hội" đầu xuân thì cũng ra quán nhậu nhẹt.

Đến nhiều nơi vẫn phải làm việc “bở hơi tai”

Ngược lại hoàn toàn với tâm lý đến cơ quan chỉ bàn chuyện ăn, chơi Tết, hay cảnh áo quần là lượt đi lễ chùa của nhiều dân công sở, nhiều cơ quan dù muốn hay không cũng phải xắn tay vào việc làm tất bật từ sáng đến tối như các bệnh viện, nhà trường, các ga tàu, bến xe... Những nơi này được coi là nhộn nhịp nhất. Thậm chí, nhiều nơi còn phải làm việc xuyên Tết phục vụ khách hàng.

Lạ & Cười - Công sở đìu hiu những ngày làm việc đầu năm (Hình 2).

Ngược lại, đầu năm nhưng nhiều nơi phải làm việc "bở hơi tai" để phục vụ khách (ảnh chụp tại Ga Hà Nội)

Tại Ga Hà Nội, các quầy bán vé, thu ngân đã hoạt động hết công suất. Hàng trăm hành khách đang xếp hàng chờ mua vé đường dài về lại chỗ làm sau kỳ nghỉ Tết. Họ vẫn phải đảm bảo lịch trình chạy tàu, phục vụ hàng vạn người di chuyển vào Nam hoặc đi các tỉnh khác. Hay tại Bệnh viện Xanh - Pôn, bên trong các khoa vẫn hoạt động như những ngày thường. Trong dịp Tết cũng có nhiều bệnh nhân phải ở lại Bệnh viện để điều trị. Các bác sĩ trong Bệnh viện dường như không có khái niệm nghỉ Tết. Họ phải thay phiên nhau trực ca. Có khi ngày Tết còn nhiều việc hơn ngày thường.

Trong các ngành được coi là vất vả đầu năm, ngành giáo dục cũng phải làm việc một cách nghiêm túc. Trao đổi với chúng tôi, giảng viên Mai Thanh Tuyền, Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên cho biết: "Ngày đầu năm, tại các trường học không khí Tết còn vương vấn lắm cũng chỉ là vài câu chúc tụng của các sinh viên trước giờ vào lớp. Tôi được biết các ngành khác sau khi nghỉ Tết thì còn được nhàn hơn một chút, nhưng chúng tôi công việc nặng gấp đôi, vừa phải dạy kiến thức mới vừa phải ôn lại kiến thức cũ cho sinh viên nhớ. Những ngày đầu, do vẫn còn không khí Tết nên sinh viên vẫn còn uể oải, thậm chí là chán học, chệch choạc về giờ giấc. Giảng viên phải tạo không khí học tập và xốc lại tinh thần của sinh viên". Chị Tuyền cho biết thêm, trong ngày học đầu tiên của năm mới, điện thoại của chị liên tục đổ chuông của các sinh viên gọi đến với 1001 lý do xin nghỉ học.

Vương Chân