CPI giảm kỷ lục, đừng vội mừng

CPI giảm kỷ lục, đừng vội mừng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm lần đầu tiên sau 30 năm “cố thủ” có thể làm cho sản xuất tăng trưởng chậm, ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người lao động.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 6/2012 giảm 0,26% so với tháng trước, sau 38 tháng tăng liên tục. Với mức giảm này, so với cuối năm ngoái, CPI tháng này còn tăng 2,52%. Còn so với cùng tháng năm trước, CPI chỉ còn tăng 6,9%, rất sát với lạm phát kỳ vọng của năm như các chuyên gia đã từng công bố.

Xã hội - CPI giảm kỷ lục, đừng vội mừng(Ảnh minh họa)

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Thắng, vụ trưởng Vụ Giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, CPI giảm đầu tiên sau gần 40 tháng là do ba nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất theo thứ tự trong rổ hàng hóa gồm: Dịch vụ ăn uống (chiếm gần 40%), nhà ở và điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (10%), giao thông (9%) đều có mức giảm rõ rệt. Thêm vào đó, chiếm tỷ trọng 30% trong chỉ số chung, việc giảm phát ở hai thành phố lớn là Hà Nội âm 0,17 và TP.HCM âm 0,43 đã tạo ra lực kéo mạnh khiến CPI cả nước giảm mạnh theo. “Việc CPI tháng 6 cả nước đánh dấu mốc giảm phát sau nhiều tháng tăng với mức độ cực thấp chính là hệ quả của sức tiêu dùng bị suy giảm nghiêm trọng khi chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát đã bắt đầu nảy sinh các “tác dụng phụ” không mong muốn”, ông Thắng nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Người đưa tin, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: “Đây là biểu hiện của giảm phát, không lấy gì làm vui. Chúng ta cần xem xét nguyên nhân khiến CPI tháng 6 giảm 0,26% so với tháng trước. Mấy tháng gần đây, chỉ số CPI đã liên tục diễn biến theo chiều hướng mức tăng của tháng sau thấp hơn tháng trước, nay lại về âm thì rất cần thận trọng. Để xảy ra giảm phát sẽ gây ra tác hại vô cùng to lớn”.

Theo TS Ngô Trí Long, cần mổ xẻ vấn đề, lạm phát giảm mạnh là do sản xuất đình đốn, hàng tồn kho tăng cao, sức mua thấp chứ không phải do các doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, giảm chi phí để giảm giá thành. Do đó việc CPI giảm như vậy cũng không có lợi cho doanh nghiệp lắm. CPI giảm trong tình trạng sản xuất đang đình đốn như hiện nay là biểu hiện của xu thế giảm phát. Điều này có thể làm cho sản xuất tăng trưởng chậm, có nghĩa sản xuất đình đốn, ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người lao động”.

Có cài nhìn lạc quan nhưng không kém phần thận trọng, TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong rổ hàng hóa, nhóm giao thông giảm 1,64% là kết quả của nhiều lần liên tiếp giảm bán lẻ xăng dầu. Nhờ đó các sản phẩm, dịch vụ khác chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp bởi giá xăng dầu có điều kiện để giảm theo. Đây là tín hiệu khá lạc quan trong cuộc chiến chống lạm phát. “Tuy nhiên, chỉ số giá ở mức âm, đặc biệt ở các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu là biểu hiện của tình trạng tổng cầu sụt giảm, đại đa số người tiêu dùng đang cạn kiệt sức mua. Điều này kéo dài là rất đáng lo ngại”, ông Doanh nhấn mạnh.

CPI có thể tiếp tục diễn biến theo đà âm

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, CPI âm không ngoài dự đoán và không có gì ngạc nhiên. Dự báo, CPI các tháng tiếp theo của quý 3 cũng có thể sẽ âm. CPI từ đầu năm đến nay tăng thấp và hiện tại mới chỉ CPI tháng 6 âm nên kinh tế đang có biểu hiện của giảm phát. Còn nếu CPI giảm liên tục trong nhiều tháng thì lúc đó kinh tế mới lâm vào tình trạng thiểu phát. Xét về mặt con số, chỉ số này không có gì đáng lo ngại. Vì từ tăng thấp đến giảm nhẹ, kéo CPI tính theo năm xuống. Tính theo năm, CPI đến hết tháng 6/2012 so với tháng 6/2011 vẫn tăng 6,9%. Tuy nhiên, mặt lo ngại không phải là kinh tế lâm vào tình trạng thiểu phát mà cần tìm ra nguyên nhân tại sao CPI lại tăng thấp, và đến tháng này là âm. Nguyên nhân cơ bản là tổng cầu tiêu dùng của nền kinh tế suy giảm mạnh.

Văn Anh