Cụ giáo 80 tuổi và lớp học đặc biệt ở Hà thành

Cụ giáo 80 tuổi và lớp học đặc biệt ở Hà thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Đến lớp học của cụ giáo Nam, được gặp các bạn cùng cảnh ngộ, được học chữ, làm toán, được vui chơi, những mảnh đời bất hạnh đã thoát ra khỏi tâm trạng mặc cảm.

Đã gần 12 năm trôi qua, 6 buổi mỗi tuần và bắt đầu từ 8h mỗi ngày, người ta vẫn thấy một cựu giáo viên 80 tuổi có mặt ở lớp tình thương trong trường THCS An Dương để dạy chữ miễn phí cho nhóm trẻ khuyết tật.

Từ lúc chỉ có 2 học sinh, hiện giờ lớp học đã có 15 học sinh. Trong lớp học đặc biệt này không chỉ có tiếng cô giảng bài mà còn cả tiếng khóc, tiếng cười ngây ngô, thơ dại của các em thiểu năng trí tuệ.

Người cựu giáo viên đó là cụ giáo Hồ Hương Nam (An Dương, Tây Hồ, Hà Nội). Bước vào tuổi 80, lưng đã còng, tóc đã bạc, cụ giáo Hồ Hương Nam vẫn đều đặn "đứng lớp", ngày mưa cũng như nắng mà không nhận bất kỳ khoản thù lao nào.

Xã hội - Cụ giáo 80 tuổi và lớp học đặc biệt ở Hà thành

Bà Nam với các học trò đặc biệt của mình

Lớp học của sự góp nhặt yêu thương

Hà Nội những ngày đầu thu tiết trời se lạnh, nắng hanh hao. Tôi tìm đến một căn phòng rộng chừng 12m2, đầy đủ ánh sáng, bàn ghế... được đặt ngay trong khuôn viên trường THCS An Dương.

Tại đây, buổi học vẫn diễn ra đều đặn như mọi ngày. Tuy nhiên, lớp học đã khuyết vài ba học sinh vì các em bị ốm. Các em còn lại đến lớp có em thì ho khù khụ, em thì sụt sịt hắt hơi, có em còn không viết được chữ nào. Thời tiết thay đổi đột ngột khiến cụ giáo thêm lo, thêm thương những học trò tật nguyền ốm yếu.

Ở lớp học khuyết tật ấy, 15 học sinh là 15 hoàn cảnh thương tâm khác nhau. Học sinh bé nhất 8 tuổi và lớn nhất đã ngoài 30. Em thì bị liệt, em bị bại não, câm điếc, thiểu năng trí tuệ hay tự kỷ. Hoàn cảnh gia đình của các em cũng rất éo le. Có em mất cả bố lẫn mẹ, có em bố nghiện ngập, phải sống với ông cụ, gia cảnh nghèo khó.

Mặc cảm tật nguyền và những vất vả trong cuộc sống thường ngày khiến các em sống thu mình. Mãi đến khi được đến lớp học của cụ giáo Nam, được gặp các bạn cùng cảnh ngộ, được học chữ, làm toán, được vui chơi, những mảnh đời bất hạnh đã thoát ra khỏi tâm trạng mặc cảm và dần sống hòa đồng.

Em Nguyễn Anh Tuấn nhà ở tận phường Bách Khoa, 25 tuổi, người to cao, da dẻ trắng trẻo nhưng thiểu năng trí tuệ. Hỏi Tuấn bao nhiêu tuổi, em cười: "8 tuổi" làm cả lớp cười ồ lên. Tôi bỗng thấy xót xa, nghẹn ngào.

Một học trò lớn tuổi nữa là em Đỗ Kim Thúy, 22 tuổi. Từ khi sinh ra, bị liệt nửa người, mẹ mất sớm, gia đình khó khăn. Thúy may mắn tìm được niềm vui và niềm tin vào cuộc sống khi được vào học lớp cụ Nam. Sau 14 năm, em đã đạt đến trình độ cao nhất lớp là học chương trình lớp 4, đọc thông, viết thạo, chữ khá đẹp và nhẩm toán khá nhanh, được bầu làm lớp trưởng.

Thúy hào hứng kể, đến lớp vui lắm, được cụ dạy chữ, dạy hát, bạn nào học giỏi còn được cụ thưởng kẹo, bim bim. Bây giờ, em đã biết đọc, xem ti vi, đi chợ đã biết tính tiền. Em bảo sẽ đi học đến đến khi nào cụ không dạy nữa mới thôi.

Một trường hợp nữa là Lưu Hồng Dương, 31 tuổi và đã gắn bó với lớp học này từ những ngày đầu tiên. Dương bị thiểu năng trí tuệ, liệt toàn thân, tay co quắp, không cầm nắm được gì. Ngày trước, Dương chỉ nằm hoặc ngồi một chỗ, tính khí thất thường, hay nổi nóng vô cớ. Nhưng nay, Dương đã biết đọc báo, đã cầm bút viết được những chữ đơn giản.

Trong cuộc sống, Dương, lạc quan, vui vẻ hơn, biết tự xúc cơm ăn, trò chuyện với mọi người, kể chuyện trường lớp và bạn bè, đọc báo, xem ti vi chứ không sống thu mình như trước.

Cụ Nam bộc bạch: "Hơn 10 năm qua, tôi thiết tha, gắn bó với các học trò như con, cháu của mình. Đến lớp nhìn các cháu ngồi cặm cụi viết, làm toán, ê a đánh vần là tôi thấy mình khỏe ra. Các cháu đến đây đều rất yêu thương nhau. Tôi rất vui khi cuối đời mình còn làm được việc hữu ích, phục hồi chức năng trí tuệ cho các cháu, để các cháu biết đọc, biết viết, xem ti vi, viết thư cho người thân nơi xa”.

Bà tiên và ước mơ giản dị

Cụ giáo Hồ Hương Nam sinh năm 1933, quê ở Huế, là học sinh miền Nam ra Bắc tập kết. Tốt nghiệp lớp đào tạo sư phạm cấp tốc, năm 1955 cô nữ sinh Đồng Khánh xung phong vào Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình dạy học. Năm 1957 cô giáo Nam được điều ra Hà Nội, về dạy ở trường cấp 2 An Dương, phường Yên Phụ cho đến ngày nghỉ hưu.

Gần 30 năm đứng trên bục giảng, đào tạo bao lớp học trò thân yêu, cô giáo Nam được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Một hôm ra thắp hương ở đài tưởng niệm các nạn nhân bị trận bom B52 Mỹ hồi tháng 12/1972 ở khu tập thể An Dương, cụ Nam gặp một bà cụ cõng trên lưng đứa cháu liệt nửa người. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh khiến cụ Nam có ý định dạy cái chữ cho trẻ khuyết tật.

Nhớ lại ngày ấy, cụ Nam chia sẻ: "Nhiều lúc tôi định bỏ cuộc, nhưng nghĩ lớp mới bắt đầu mà đã tan thì phụ lòng cha mẹ các cháu. Không biết đến bao giờ các cháu khuyết tật mới biết viết, biết đọc? Nghĩ mà thương các cháu lắm! Điều đó khiến tôi quyết tâm duy trì lớp học khuyết tật này đến bây giờ".

Được con cháu ủng hộ, cụ giáo xin UBND phường Yên Phụ cho mượn trụ sở tuần tra của cụm dân cư số 6 làm lớp học, lúc đầu chỉ vẻn vẹn 3 học sinh. Ban đầu, chính bố mẹ các em cũng không tin con mình có thể học được, không tin cụ giáo già có thể "thuần" được tụi trẻ chứ chưa nói gì đến việc giúp trẻ biết chữ. Nhưng chỉ sau vài buổi đứng ngoài cửa sổ xem con học, họ đã yên tâm giao con cho cụ. Dần dần lớp học đông thêm, nhà chật hẹp, không đủ chỗ dạy các cháu, cụ Nam đi cầu cứu các cơ quan, tổ chức, xin địa điểm mở lớp.

Khi còn là giáo viên trường THCS An Dương, cụ biết có một gian phòng rộng 12m2 rất tiện cho việc mở lớp. Nghĩ là làm, cụ đi xe ôm lên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ đề đạt nguyện vọng. "Có lần tôi đã khóc trước các đồng chí ấy. Các đồng chí ấy thông cảm và cử người đến trường THCS An Dương khảo sát, cô hiệu trưởng nhà trường Trần Thị Vân đồng ý ngay" - cụ Nam tâm sự.

Từ đấy, cụ Nam có lớp dạy học đàng hoàng. Lớp học của cụ thường nhận từ 10-15 học sinh, độ tuổi từ 6 đến ngoài 30, hầu hết bị tật nguyền ở phường và có một số từ quận khác đến. Kinh phí hoạt động của lớp như mua sắm sách vở, thiết bị, đồ dùng học tập đều lấy từ tiền túi của cụ, không yêu cầu các phụ huynh đóng góp. Giáo án thì tự biên, tự diễn, trong lớp có đến 5 - 6 chương trình khác nhau, cháu tập viết, cháu tập nói, cháu rèn chữ, cháu học toán...

Không có kinh phí, thi thoảng nhận được từ một vài cá nhân, tổ chức có lòng hảo tâm ủng hộ mua thiết bị học tập. Còn tiền điện, nước của lớp học được nhà trường lo hộ.

Cụ Nam tâm sự: "Nhờ hoạt động nhiều, tham gia hầu hết các tổ chức hội và dạy lớp học tình thương nên tôi sống vui, sống khỏe ra, bệnh cao huyết áp cũng bị đẩy lùi. Xa các cháu tôi rất nhớ. Hôm nào được phê điểm khá cho các cháu là tôi vui. Hạnh phúc lớn nhất đời tôi là được làm nhịp cầu giúp những người tật nguyền vào đời".

Vậy là đã 12 năm trôi qua, không biết bao ngày với những kỷ niệm đứng lớp, nhiều học trò vẫn theo học từ những ngày đầu tiên. Còn với cụ giáo Nam, tuổi ngày một cao, cụ lại lo lắng về những ngày tháng tiếp theo sẽ còn không ít khó khăn nhưng những tình cảm dành cho những đứa trẻ tật nguyền vẫn dâng đầy.

Với cụ, được hàng ngày đứng trên bục giảng để dạy chữ cho học sinh đặc biệt là một niềm hạnh phúc lớn lao, ở đó có niềm vui, niềm tự hào của người thầy khi thấy các học sinh khuyết tật của mình ngày một tiến bộ, thay đổi.

Ghi nhận và cảm phục

Cô Trần Thị Vân (Hiệu trưởng trường THCS An Dương) tâm sự: "Tôi thật sự quý trọng những gì cụ Nam đang làm cho các em khuyết tật. Lúc đó trường còn nhiều khó khăn nhưng vẫn bố trí cho cụ và các em một lớp học với đầy đủ bàn ghế, dụng cụ giảng dạy. Hàng năm, trường cũng tổ chức các chương trình giao lưu, tặng quà cho các em vào dịp khai giảng hay bế giảng năm học. Đó cũng là lần đầu tiên những học sinh của cụ Nam được hòa đồng cùng bạn bè đồng trang lứa. Và cụ không chỉ dạy chữ mà còn dạy các em vượt qua mặc cảm để hòa nhập cộng đồng".

Hoàng Việt