Cụ ông 80 tuổi lập đội 'phòng chống ma tuý'

Cụ ông 80 tuổi lập đội 'phòng chống ma tuý'

Thứ 4, 23/01/2013 | 08:24
0
Về thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên) hỏi ông Nguyễn Văn Giới, ai cũng biết rành rọt. Lẽ đơn giản, ông chính là người đã góp phần không nhỏ trong việc trả lại sự yên bình cho những người dân nơi thôn quê này. Nhiều người còn bày tỏ sự kính trọng, trìu mến khi gọi ông là "khắc tinh của ma tuý".

Tình nguyện "vác tù và hàng tổng"

Đầu những năm 2000, cùng với phường Hiến Nam (thị xã Hưng Yên), thôn Ngọc Quỳnh (thị trấn Như Quỳnh) là hai "điểm nóng" nhất về ma túy của tỉnh Hưng Yên. Tình hình buôn bán ma túy tại thôn Ngọc Quỳnh khi ấy vô cùng nhức nhối, đặc biệt là năm 2002 thì rộ lên như nấm độc gặp mưa. Toàn thôn có 300 hộ gia đình và hơn 1.000 khẩu nhưng những lúc đỉnh cao thì có tới 30 tụ điểm buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma túy. Hoạt động buôn bán và tiêm chích nhiều lúc diễn ra công khai, từ đầu thôn đến cuối thôn là từng tốp nghiện ngang nhiên tụ tập hút, chích. Số lượng những người mắc nghiện cũng tăng dần lên mỗi ngày, chủ yếu là độ tuổi thanh thiếu niên, nhiều gia đình có 2 - 3 đứa con trai đều sa vào tệ nạn ma túy. Các khu vực bờ đê, cầu xi măng, máng nổi đều trở thành những chợ cóc mua bán "cái chết trắng". Cũng chính từ nạn ma túy mà các tệ nạn khác cũng dồn dập kéo về Ngọc Quỳnh: Trộm cắp, mại dâm, trấn lột, xin đểu, đánh chửi nhau... Nhiều người còn không ngại gọi nơi đây là "Thanh Nhàn 2".

Xã hội - Cụ ông 80 tuổi lập đội 'phòng chống ma tuý'

Dù năm nay đã 82 tuổi nhưng ông Giới vẫn chưa một ngày lơi là công việc bảo vệ sự yên bình cho xóm làng.

Khi Ngọc Quỳnh chìm trong "chất trắng", ông Nguyễn Văn Giới đang là thủ từ tại chùa làng, là "cầu nối" giữa lòng tin, tình cảm của người dân với nhà Phật. Cũng chính từ những lần cúng hay viết sớ cho những người dân trong thôn, ông thấy được tình trạng của làng mình đang rất nguy cấp. Khi ấy, hầu như cụm từ mà người dân nơi đây cầu xin Đức Phật chỉ là "mong ma túy đừng tồn tại ở Ngọc Quỳnh nữa". Rồi vài đứa cháu họ của ông Giới cũng bị cuốn vào ma túy. Ông đau đớn, lo lắng cho tương lai của chính con cháu mình khi các lực lượng chức năng liên tục vào cuộc mà tình hình không hề được cải thiện. Vậy là, ông Giới quyết đem chút sức lực cuối cùng của một người đã ở cái dốc bên kia của cuộc đời để chống ma túy với hy vọng trả lại sự yên bình cho mảnh đất quê hương. Sau nhiều lần ngược xuôi xin cấp phép, cuối cùng, ông cũng thành lập được tổ tự quản vào đúng lúc cơn bão ma túy đang tràn vào Ngọc Quỳnh mạnh nhất.

Tổ tự quản của ông Giới thành lập vào năm 2002, có 7 thành viên. Tất cả đều là những cựu chiến binh đã hơn 50 tuổi và ông Giới là người cao tuổi nhất (72 tuổi) cũng là người đảm nhận vị trí tổ trưởng tới tận bây giờ. "Việc vận động mọi người tham gia vào tổ tự quản cũng không phải là việc dễ dàng bởi khi đó lên xã xin thành lập tổ, xã bắt phải có chữ ký của tất cả các thành viên, cam kết không đòi hỏi quyền lợi gì cũng như tự chịu trách nhiệm nếu có rủi ro xảy ra. Ban đầu, mọi người rất ngại ngần vì việc tham gia đội tự quản cũng giống như việc "vác tù và hàng tổng" vậy, không được quyền lợi gì mà còn phải đối mặt với sự hằn học, trả thù của rất nhiều các đối tượng xã hội. "Tôi đã phải dành nhiều thời gian ngồi trò chuyện, thuyết phục mọi người về tình trạng đang nhức nhối của thôn. Nếu những người lớn tuổi như chúng tôi không có hành động gì thì chắc chắn ma túy sẽ thiêu rụi cái làng này, ma túy sẽ định đoạt tương lai của con cháu chúng tôi", ông Giới kể lại.

Xã hội - Cụ ông 80 tuổi lập đội 'phòng chống ma tuý' (Hình 2).

Các thành viên trong đội  tự quản của ông Giới.

Những chiến công thầm lặng

Sau khi được xã chấp thuận thành lập tổ tự quản, được cấp mỗi người một dùi cui cao su và một còng số 8, ông Giới bắt đầu vạch kế hoạch "tác chiến" cụ thể vì đối phó với các đối tượng nghiện hút, buôn bán ma túy luôn là một thách thức lớn đối với các lực lượng chức năng, trong khi tổ của ông chỉ vỏn vẹn 7 người mà tất cả đều đã "đầu hai thứ tóc". Kế hoạch đầu tiên mà ông Giới đề ra là "cắt cung, cô lập cầu". 7 người được chia thành 3 nhóm chốt trực ở ba đầu đường vào làng. Khi phát hiện có đối tượng khả nghi, tổ tự quản sẽ lập kế hoạch vây bắt trước khi chúng kịp thực hiện hành vi bán thuốc. Đối với các đối tượng nghiện đã biết mặt, biết tên trong làng; đội tự quản cũng phân ra các loại. Những đối tượng nào có thể vận động được thì đội sẽ đưa tới các trung tâm cai nghiện còn những đối tượng nào ngoan cố thì vừa phải sử dụng các biện pháp cứng rắn, vừa phải mềm dẻo khuyên nhủ để họ dần hiểu ra sự nguy hại của ma túy. Trong câu chuyện về những lần vây bắt các đối tượng ma túy, ông Giới nhắc lại một kỷ niệm đáng nhớ: "Đó là vào đêm 20/3/2003, khoảng 23h, tổ tự quản của chúng tôi phát hiện một đối tượng khả nghi đi vào trong thôn. Khi tiến hành khám xét đối tượng này, chúng tôi phát hiện hắn là con nghiện và mang theo một khẩu súng ngắn K54, bên trong có 7 viên đạn. Hắn khai tên là Trần Quang Trung, thường trú tại Kiêu Kỵ, Gia Lâm tới thôn để mua ma túy. Khi tôi lập biên bản để giải hắn về trụ sở công an, hắn rút ra một xấp tiền đưa cho tôi và nài nỉ để cho hắn đi. Tuy nhiên, nếu là vì tiền thì chắc chắn ngay từ đầu tôi đã không tham gia cái việc "vác tù và hàng tổng" này làm gì. Điều tôi mong muốn là tìm lại sự yên bình cho thôn làng tôi, đảm bảo tương lai cho các con cháu tôi...".

Với công việc "nhạy cảm" như vậy nên ban đầu gia đình và bạn bè ông Giới đều hết sức khuyên can ông. Bà Ngô Thị Giáo - vợ ông khi thấy chồng tuổi đã cao mà cứ 24/24 cầm dùi cui đi tới các tụ điểm ma túy thì cũng đứng ngồi không yên. Khuyên nhủ, giận dỗi nhiều lần không được, cuối cùng bà đành phải chiều theo ý chồng. Mỗi lần ông ra khỏi nhà, bà chỉ còn biết dặn với theo: "Nếu chúng cứng rắn quá thì mình cũng đừng cố chấp kẻo lại thiệt thân" rồi lại ngồi nhà nơm nớp lo sợ...  Và thực tế thì những đối tượng ma túy không dễ đối phó chút nào. Hôm trước, tổ tự quản phối hợp với công an tóm gọn một ổ hút chích buôn bán thuốc, thì hôm sau đá bay rào rào vào nhà ông. Nhiều lần vây bắt, có tên nghiện còn cầm dao dứ dứ vào ông: "Tôi bị HIV đấy! Cứ liệu không tôi chích cho một nhát"... Tuy nhiên, tất cả những điều ấy cuối cùng cũng không làm cho người cựu binh già e sợ. "Tôi đã đến từng tuổi này rồi còn sợ gì thiệt thân nữa. Cái tôi sợ chỉ là dân làng mình không yên, con cháu mình hư hỏng thôi", ông chia sẻ.

Sau ba năm có sự giúp sức của tổ tự quản do ông Giới thành lập, Ngọc Quỳnh đã trở lại thanh bình, an ninh trật tự dần được ổn định trở lại. Từ năm 2006 đến nay, trong thôn không có thêm một trường hợp mắc nghiện nào phát sinh nữa, các tụ điểm buôn bán chất trắng này cũng bị quét sạch. Với những chiến công thầm lặng này, cá nhân ông Giới và tổ tự quản của ông đã nhiều lần được UBND các cấp và cơ quan công an tặng bằng khen. Tuy nhiên, phần thưởng ý nghĩa nhất đối với ông Giới không phải là điều đó. Ông tâm sự: "Xóm làng bình yên, bà con tin tưởng là phần thưởng quý giá nhất đối với tôi rồi".

Tổ tự quản của ông Giới hiện nay chỉ còn lại 5 người do 2 người sức yếu đã xin nghỉ. Điều ông lo lắng bây giờ là khi mình không còn chút sức lực nào nữa sẽ không còn ai tiếp tục công việc của ông. Ông bày tỏ: "Tôi muốn xây dựng một đội ngũ kế tiếp để làm công việc của chúng tôi. Khổ nỗi làm việc khi không có chế độ đãi ngộ gì hẳn nhiên là không ai mặn mà rồi. Riêng cá nhân tôi và những thành viên trong tổ tự quản hiện tại chưa bao giờ đòi hỏi điều gì, nhưng tôi mong rằng chính quyền địa phương sẽ có chế độ chính sách để những người tiếp bước chúng tôi sau này có thêm nguồn động lực để làm việc vì xóm làng".

Năm nay, ông Giới đã đến tuổi 82 và vừa phải trải qua cuộc phẫu thuật vì thoái hóa cột sống nhưng hàng ngày ông vẫn đều đặn đi xe máy khắp làng để giám sát tình hình trật tự an ninh. Khi có đánh chửi nhau, tai nạn hay sự việc rắc rối nào trong thôn là ông đều lao đến ngay. Mới đây, ông còn làm cả gia đình một phen "hú vía" khi dám "chiến đấu" với hai tên trộm chó. Hôm đó, khi ông đi xe máy ra đầu ngõ thì thấy hai kẻ lạ mặt đang dùng gậy vây bắt một con chó. Ông vừa hô hào hàng xóm vừa lao xe vào hai tên trộm làm chúng ngã lăn ra đường. Một tên bỏ chạy, còn một tên dùng gậy đánh vào đầu ông. Mặc cho máu đang chảy ra trên đầu, ông Giới vẫn cùng một số người dân trong làng bắt gọn hai tên trộm. Hậu quả của vụ việc ngày hôm ấy làm ông phải nằm viện tới gần nửa tháng.

Đinh Nhung

Người "khắc tinh của phỉ" ở cực Bắc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
Bước vào tuổi 81 với 62 năm tuổi Đảng, ngoài mức độ thương tật 3/4, chủ một trang trại có giá đến tiền tỷ, những đứa con thành đạt thì người đàn ông dân tộc Tầy này còn được mọi người Cực Bắc Hà Giang ưu ái gọi bằng cái tên: Người “khắc tinh với phỉ”.

Những người lính già thành "khắc tinh" tội phạm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Tôi đến UBND phường Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào một buổi sáng trời chuyển mùa. Khác với những khu dân cư ở thủ đô, phường Khương Mai là khu vực có đến 90% thành phần dân cư là sĩ quan, quân nhân đang công tác và đã nghỉ hưu.

Chuyện "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng"... ở nước ngoài

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
Người ta vẫn gọi ông với cái tên trìu mến theo tên vợ: Ông Ba Thọ. Tính ông xuề xòa, nghe đấy rồi cũng để đấy, chẳng bao giờ tính toán thiệt hơn với người. Có lẽ, những đức tính của một người lính cụ Hồ năm nào vẫn còn đậm nét trong ông.

Nữ "hiệp sĩ" giao thông U60 kể chuyện "vác tù và hàng tổng"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Chia sẻ với phóng viên Người Đưa Tin, bà bảo mong ước lớn nhất của mình là bị thất nghiệp.