Cụ ông bỏ phố ra Biển Hồ cứu người

Cụ ông bỏ phố ra Biển Hồ cứu người

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
20 năm qua chỉ lận lưng được con thuyền độc mộc. Nhiều người tưởng ông bị gàn. Là vì chẳng thiết yên bình cùng vợ con, ông thích lênh đênh trên mặt hồ, để nghe tiếng sóng ầm ào và Cứu người sẩy chân trên miệng núi lửa triệu năm ngập nước.

Lênh đênh cùng "Ơi- Joanueng"

Ơi- Joanueng - "Ông già của Biển Hồ". Người J'ai thân thương gọi ông Hoan bằng cái tên như thế. Chẳng ai giàu bằng "Joanueng". Ông có một Biển Hồ mênh mông tuyệt đẹp, lại có hàng trăm người nhận làm cha. Nhưng cũng chẳng ai nghèo như "Joanueng".

Ông cụ tên thật là Quách Trọng Hoan (72 tuổi). Trong sổ hộ tịch ghi cụ ngụ ở thôn 4, xã Biển Hồ, TP.Pleiku, Gia Lai. Thế nhưng, quê gốc của ông mãi tận Nho Quan, Ninh Bình. Sau giải phóng, ông mang cả vợ con vào Tây Nguyên lập nghiệp. Ông bấm đốt ngón tay nhẩm tính: "Từ cái ngày cứu người chết đuối đầu tiên, đến nay đã 21 năm, mới đó mà nhanh thật".

Xã hội - Cụ ông bỏ phố ra Biển Hồ cứu người

Ông già Biển Hồ Quách Trọng Hoan.

Già Hoan kể: Quê ông ở vùng quanh năm ngập nước. Nơi có những con sông nước ngọt nối nhau, đi lại chủ yếu bằng thuyền. Thuở "đầu 3 chỏm" đã cùng bạn bè đồng trang lứa cắt cỏ, chăn trâu ngoài đồng, lúc rảnh rỗi lại chèo thuyền đi bắt cá, lươn ngoài sông. Vì thế, cậu bé Hoan lặn nước như con rái cá.

Một kỷ niệm thơ ấu mà đến nay ông vẫn không thể nào quên. Đó là vào khoảng chớm rét năm 1951, khi đang chăn trâu trên triền đê ở làng thì bất ngờ nghe tiếng kêu cứu thất thanh. Linh tính có chuyện chẳng lành, ông tót lên lưng trâu, phi một mạch ra bờ sông. Trước mắt là một con thuyền nhỏ đang dần chìm xuống mặt nước, trên khoang mấy người đang loạng choạng bấu víu. Không chần chừ, ông giục trâu trầm mình tiến thẳng ra nơi người gặp nạn.

Hai người được ông vứt chão kéo lên lưng trâu, lúc này dân trên triền đê cũng tụ tập đến. Thấy tinh thần gan dạ của cậu bé, mọi người bảo nhau ra cứu tiếp những người còn lại. Sau lần đó, cậu bé Hoan được xem là tấm gương trẻ dũng cảm, tốt bụng. Đó cũng là kỷ niệm đầu đời, hình thành phong cách sống của ông Hoan sau này.

Chiến công của "Ơi- Joanueng"

Trong căn lều lụp xụp bên miệng Biển Hồ, già Hoan kể lại kỷ niệm đến với quê hương thứ 2 của mình. "Những năm chiến tranh, tôi tham gia TNXP tại chiến trường Tây Nguyên. Thấy vùng đất hoang sơ này giàu tiềm năng. Ngày giải phóng tôi quyết định đưa vợ con vào đây sinh sống. Ngày đó vất vả, cực nhọc. Mồ hôi rỏ xuống, đất đai nảy chồi. Mãi sau này cuộc sống gia đình mới tạm ổn bằng nghề trồng cây công nghiệp".

Thế nhưng yên bình chưa được bao lâu thì phong trào phản quốc do bọn Fulro khởi xướng. Đó là vào khoảng những năm từ 1978 - 1982. Ông được phân công nằm vùng từ B1 - B13 để chống Fulro và vận động bà con các dân tộc đi theo cách mạng. Ông cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào. Ngủ trong các gia đình có người theo Fulro để vận động từ bỏ. Ông cũng là người đã bắt sống Rơ Châm Loắc - tên trung tá Fulro đầu sỏ từng gây nhiều tội ác, sau đó thuyết phục được tên này cải tà quy chính.

Khi Fulro hoàn toàn sụp đổ, muốn góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh, ông Hoan đã tạm để vợ con trong Pleiku, một mình ra Biển Hồ mua đất cất nhà, với "âm mưu" biến biển Hồ thành danh thắng du lịch của Pleiku. Thế nhưng do thiếu vốn, đành ngưng. Kể từ đó, ông tự sắm chiếc thuyền, tay lưới đánh cá trên Biển Hồ và nghề cứu người hình thành từ đó.

Trong đời cũng có những vụ cứu người mà ông không thể nào quên. Ngày đó có người không may chết đuối dưới chân một con thác gần Biển Hồ, nơi người chết nước chảy xiết, tạo thành những hang, hố rất sâu. Người ta phải nhờ đến hàng chục thợ lặn có tiếng ở vùng biển Quy Nhơn lên, nhưng vẫn vô vọng. 4 ngày ngụp lặn, tưởng như vô vọng. Đến ngày thứ 5, ông xuất hiện. Với dòng nước xiết và hung hãn, ông phải dùng kinh nghiệm và lý trí để tính toán lực nước đẩy, hòng đoán định vị trí xác trôi.

Sau khi đến vị trí dự tính, ông nín thở lặn một hơi. Ông thấy xác người đang nằm dưới một khe đá, nhưng nước lạnh buốt, lại sâu, đành phải ngoi lên. Lấy sức, ông tiếp tục ngụp xuống như rái cá, dùng hết sức bình sinh ôm xác người kéo lên, cũng là lúc ông sắp ngạt nước. Mọi người trên bờ thấy vậy xúm vào đưa cả xác chết và người sống vào bờ.

Xã hội - Cụ ông bỏ phố ra Biển Hồ cứu người (Hình 2).

Ông luôn để sẵn số điện thoại để người kêu cứu có thể gọi bất cứ lúc nào.

Triết lý nhân sinh của "Ông già Biển Hồ"

Ông Hoan lại kể, vụ mới nhất là vào dịp Tết âm lịch 2012. Một người trầm mình tự tử ở đảo Rùa, thuộc khu vực Biển Hồ. Trời về khuya, cái lạnh buốt xương. Ngay trong đêm ông theo chân người nhà đến nơi người bị nạn. Tuy nhiên, do đêm tối, dù đoán định vị trí nhưng vẫn không thể thấy xác. Buồn rầu trở về, sáng hôm sau ông lại dậy sớm tiếp tục tìm kiếm. Sau một buổi ngụp lặn, cuối cùng cái xác cũng được ông đưa lên. Khi tìm hiểu nguyên nhân, ông càng xót xa khi biết người này đã để lại bức thư tuyệt mệnh trước khi quên sinh, chỉ vì bị nghi ngờ ăn cắp 200 nghìn đồng.

"Sống trên đời là phải làm việc thiện", ông Hoan gói gọn quan niệm sống chân phương của mình. Ông kể: "Năm 1989, khi nghe tin có 2 xác chết trên dòng Pôkô cách thác Yaly chừng 16km đường rừng, không ai nhận trách nhiệm. Một mình tôi đã lội bộ 2 ngày đường tìm đến. Khi đến, hai cái xác tội nghiệp đã bị bọ và kỳ đà ăn nát. Tôi quyết định mai táng ngay trong đêm, xong xuôi thì kiệt sức, mới biết mình đã kiệt quệ vì đang bị sốt rét rừng". Ba năm sau, người thân của hai nạn nhân ở Cao Bằng tìm về, ông lại trực tiếp dẫn đường chỉ mộ. Với ông công việc đó dường như là trách nhiệm, cần phải làm.

Rồi để cầu siêu cho người chết, năm 2009, ông đã tự tay bỏ tiền bạc và công sức xây dựng một ngôi đền mang tên Vạn Linh, ngay trong khu vườn nhà mình. Ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, ông lại tự tay hương khói, cầu cho những linh hồn xấu số.

Cần lắm một tấm lòng như thế

Chia tay chúng tôi, già Hoan cười hiền: "Nhà báo nếu viết đừng có kể gì về chuyện tôi cứu người nhé, ngại lắm". Chúng tôi gật đầu: "Sống trên đời, làm những việc thiện nguyện như già thì mấy ai. Mà vợ hiền, con thành đạt, sao không vào thành phố sống hưởng chút an nhàn cuối đời?". Ông lại nheo mắt cười lắc đầu. Chúng tôi biết, trong mênh mông Biển Hồ, vẫn cần lắm tấm lòng và kinh nghiệm của ông để cứu người chẳng may bị sẩy chân.

Hải Đăng