“Cụ” rùa liên tục ngoi và ăn xác mèo chết

“Cụ” rùa liên tục ngoi và ăn xác mèo chết

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
UBND TP Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo khoa học để tìm biện pháp đảm bảo môi trường sống của Rùa Hồ Gươm.

Bên lề hội thảo PV Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đức Hạ - Chủ nhiệm bộ môn Cấp thoát nước, môi trường nước (Trường Đại học Xây dựng) xung quanh vấn đề này.

"Cụ" rùa thiếu oxy, đói cá

Theo ông, đâu là vấn đề nổi cộm nhất về môi trường Hồ Hoàn Kiếm trong thời gian này?

Đó là chất lượng nước. Chế độ oxi trong hồ không ổn định nên Rùa Hồ Gươm thường xuất hiện trong thời gian vừa qua do thiếu oxi. Thứ hai nữa là Hồ Gươm đang xuất hiện quá trình phú dược, xuất hiện các tảo độc ảnh hưởng đến chất lượng nước và ảnh hưởng đến các động vật thủy sinh khác. Thành phần sinh vật của Hồ Gươm so với các hồ khác ở Hà Nội là tương đối hạn chế, đặc biệt là cá không nhiều trong khi cá chính là nguồn thức ăn của rùa, thế nên mới có chuyện cụ rùa trước đây từng ăn mèo chết như báo chí phản ánh.

Ông đánh giá thế nào về tính cấp thiết của việc cải tạo môi trường nước trong sạch cho Rùa Hồ Gươm? Cần chú trọng điều gì để vừa cải tạo được môi trường nước mà không ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh?

Hồ Hoàn Kiếm còn gọi là Hồ Gươm có một giá trị sinh thái và lịch sử, Rùa Hồ Gươm là sinh vật linh thiêng, do đó sau khi Rùa Hồ Gươm được chữa trị thì cần phải để Rùa quay trở lại với môi trường tự nhiên.

Chúng tôi kiến nghị một số giải pháp: Thứ nhất nạo vét bùn để tạo không gian cho Rùa hoạt động, lấy đi các chất ô nhiễm mà hiện nay còn tích tụ trong hồ, tuy nhiên nạo vét hồ phải được thực hiện như thế nào? Theo chúng tôi là dùng phương pháp nạo vét sinh thái. Sở KHCN Hà Nội cũng đã triển khai nghiên cứu. Với những giải pháp đồng bộ về nạo vét bùn bằng biện pháp sinh thái thì sẽ không ảnh hưởng đến hệ sinh thái hồ.

Biện pháp thứ 2 là đảm bảo mực nước trong hồ, đáp ứng các yêu cầu về mực nước cảnh quan, sinh thái và chống tràn. Cần thiết kế lại hệ thống đập tràn xả nước mưa từ các cống xung quanh hồ mà chủ yếu là cống Hàng Khay và cống Đinh Tiên Hoàng xả vào. Nước mưa và nước thải đưa vào hồ cũng phải được đảm bảo các quy chuẩn hiện hành.

Thứ 3 là quá trình tự làm sạch trong hồ như cung cấp oxi, thả các bè thực vật thủy sinh. Biện pháp này cũng cần phải tính toán về diện tích, mật độ để đảm bảo những yêu cầu về cảnh quan, quá trình quang hợp. Những biện pháp ấy thân thiện với môi trường và rất hiệu quả khi tạo chế độ dòng chảy động trong hồ.

Và cuối cùng là biện pháp tuyên truyền để người dân có ý thức không xả rác, xả nước thải hoặc thả những động vật ngoại lai như rùa tai đỏ vào trong hồ. Đây là những biện pháp mà chúng tôi cho rằng phải triển khai kịp thời, có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan.

Hồ Gươm nghèo động vật thủy sinh

"Hệ sinh thái hồ đã bị hủy hoại, đa dạng sinh học vốn có đã không còn nữa và những gì đang hứng chịu là hệ quả của quá trình này. Nguồn thức ăn cho linh vật trong hồ đã bị cạn kiệt. Chúng ta cần có chiến lược khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái hồ Hoàn Kiếm. Bản chất gây ra ô nhiễm cho hồ Hoàn Kiếm là hệ sinh thái hồ đã bị hủy hoại, chỉ khi nào hệ sinh thái này được phục hồi thì chất lượng nước trong hồ Hoàn Kiếm mới được cải thiện bền vững".

TS Nguyễn Viết Vĩnh, Thành viên hội đồng chữa trị Rùa Hồ Gươm.

Số lượng, mật độ tảo độc của hồ Hoàn Kiếm so với các hồ khác của Hà Nội hiện ra sao?

Hồ Hoàn Kiếm là hồ nước tù nên quá trình dinh dưỡng của hồ cao hơn các hồ khác, thông thường mật độ tảo lớn hơn các hồ khác của Hà Nội. Các hồ khác có các loài động vật thủy sinh phát triển nên sẽ làm trong nước, làm giảm mật độ tảo trong đó có cả tảo độc. Nhưng đối với hồ Hoàn Kiếm, độ PH lớn nên cá khó tồn tại và chế độ oxi không ổn định. Thực ra nhiều năm gần đây, TP Hà Nội không có chủ trương thả cá trong hồ Hoàn Kiếm, nên mật độ cá trong hồ mất dần. Chúng tôi nghĩ phải làm thế nào đảm bảo cân bằng sinh thái trong hồ Hoàn Kiếm, trong đó có việc bổ sung cá. Các loại động vật thủy sinh vừa góp phần làm trong nước và làm giàu oxi, đồng thời bổ sung nguồn thức ăn cho Rùa Hồ Gươm.

Hiện nay việc hút bùn được thực hiện bằng cần cẩu, ông có lo ngại gì về việc này có thể tác động không tốt đến hệ sinh thái của hồ Gươm?

Khi Rùa Hồ Gươm được đưa về bể điều trị, TP có chủ trương là làm khẩn trương để lấy đi lượng bùn lớn ở trong hồ, đây là việc hoàn toàn đúng đắn. Nhưng phải chú ý rằng, khi lấy đi một lượng bùn lớn trên bề mặt thì sẽ tạo lớp photpho trầm tích lâu năm ở dưới đáy hồ có thể xâm nhập trở lại vùng nước. Với cường độ bức xạ mặt trời như hiện nay, quá trình quang hợp sẽ diễn ra rất nhanh sẽ xảy ra tình trạng phú dược. Với kinh nghiệm từ các việc nạo hút bùn ở các hồ khác, sau khi nạo vét bùn xong, độ PH tăng lên, mật độ tảo tăng đáng kể. Khi thay đổi thời tiết, tảo chết hàng loạt làm tăng mạnh hàm lượng chất hữu cơ dẫn đến lượng oxi không ổn định. Tôi tin rằng, sau khi nạo vét đợt này, hồ sẽ bùng nổ tảo trong một thời gian, sau đó sẽ ổn định. Nhưng về lâu dài, việc nạo vét hồ nên dùng biện pháp sinh thái để không ảnh hưởng đến thành phần thủy sinh, chất lượng nước hồ cũng như sự di chuyển của Rùa Hồ Gươm.

Hiện nay, hồ Hoàn Kiếm nói riêng và các hồ khác trên địa bàn Hà Nội nói chung đang có sự chồng chéo quản lý, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đây là một vấn đề chúng tôi đã trao đổi nhiều lần. Hiện nay không chỉ có hồ Hoàn Kiếm mà còn nhiều hồ khác ở HN, việc quản lý các hồ còn nhiều chồng chéo. Hồ Hoàn Kiếm là hồ được xếp vào loại hồ sinh thái, hồ cảnh quan và hồ có nhiều giá trị lịch sử. Cho nên, giá trị về điều tiết nước mưa là không có ý nghĩa, vì thế hồ Hoàn Kiếm phải được giao cho một cơ quan quản lý có thể là UBND Quận Hoàn Kiếm hoặc giao cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch quản lý. Đơn vị này chịu trách nhiệm quản lý và phối hợp với các đơn vị khác như Công ty thoát nước, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin & Truyền thông. Không thể để nhiều đơn vị tham gia quản lý một cách chồng chéo như hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Lại Quỳnh