'Cú vấp' đầu đời của bác sỹ trẻ và câu chuyện phong bì, y đức

'Cú vấp' đầu đời của bác sỹ trẻ và câu chuyện phong bì, y đức

Thứ 5, 27/10/2016 | 11:14
0
Lời chia sẻ của một bác sỹ trẻ trên facebook về "cú vấp đầu đời" liên quan đến chuyện phong bì nhận được sự cảm thông của nhiều người. Bởi nó vốn là vấn đề nhạy cảm.

“Cú vấp” đầu đời của bác sỹ trẻ

Câu chuyện khá dài và người viết nhận mình là bác sỹ mới tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội, hiện đang công tác tại một bệnh viện công ở Hà Nội.

Bác sỹ trẻ này cho biết kể từ hồi đi làm, chưa bao giờ nhận phong bì của bệnh nhân mà luôn trả lại và động viên tinh thần để họ yên tâm điều trị. Thay vào đó, anh ta chỉ nhận trái cây hay của nhà trồng được mà bệnh nhân mang tặng khi đã ra viện.

Nguồn cơn câu chuyện cũng xuất phát từ cái phong bì mà bác sỹ này cho đó là “cú sốc gặp phải trong cái nghề cao quý của tôi”.

Khi đang ngồi làm việc tại phòng hành chính vào lúc gần nửa đêm, người nhà của bệnh nhân T.S.N mắc u thực quản vào phòng làm việc và hỏi thăm bác sỹ này tình hình hội chẩn.

Cafe8 - 'Cú vấp' đầu đời của bác sỹ trẻ và câu chuyện phong bì, y đức

 Thực tế là nhiều bác sỹ "bị" người nhà làm khó vì phong bì chứ không phải ngược lại. Ảnh minh họa: Dân trí.

Tuy nhiên do thiếu kết quả chụp CT scans nên bác sỹ đã hẹn đến khi nào có sẽ báo cho người nhà biết để có hướng điều trị. Khi ra về người này có “dấm dúi nhét phong bì vào dưới bệnh án”, bác sỹ từ chối nhưng đến lần thứ 3 người này vẫn để đấy rồi vội vàng bỏ về.

 “Lúc ấy, tôi định ra gọi bệnh nhân lại để trả lại, nhưng nếu ra giằng co với họ vì cái phong bì là một điều không hay. Nếu tôi cứ để đấy, người khác cầm đi tôi sẽ không biết ăn nói như thế nào với bệnh nhân. Lúc ấy trong đầu tôi chợt nghĩ, tôi sẽ cất hộ cho bác vậy, khi nào bác ra viện tôi sẽ trả lại.

 Tôi tưởng tưởng ra cảnh bệnh nhân xúc động cầm lại phong bì của mình sau khi điều trị xong xuôi (vì bệnh nhân này làm ruộng). Tôi cất phong bì ấy, không đụng đến, không mở ra xem bên trong là tiền hay là giấy và là bao nhiêu.

 Bên ngoài phong bì ghi: ‘BN T.S.N, địa chỉ…, mổ…, sđt…’, phần người nhận ghi ‘Xin cảm ơn bác sỹ’ ”.

Sau đó bốn ngày, người nhà bệnh nhân quay lại hỏi kết quả nhưng vẫn chưa có và người này muốn xin lại phong bì hôm trước vì cho rằng mình đưa nhầm, bác sỹ trẻ này không trực tiếp điều trị cho người nhà mình.

“Mọi việc tưởng kết thúc ở đây, sau đó tôi đi buồng xem bệnh nhân. Một lúc sau có hai người phụ nữ tôi chưa từng gặp mặt, hỏi tôi có phải là bác sỹ Y không, và nói muốn gặp riêng tôi. Tôi mời họ vào phòng, họ giới thiêu họ là bác sỹ A ở bệnh viện B, và bác sỹ C ở bệnh viện D và là người nhà của bệnh nhân T.S.N. Linh cảm có vấn đề không ổn, tôi nói chị cứ đi thẳng vào vấn đề đi…”

Cuộc nói chuyện giữa ba người diễn ra khoảng 45 phút, bác sỹ trẻ này cho rằng chỉ toàn “những lời chửi và đe dọa”: “Rằng tại sao tôi lại gọi cho bệnh nhân bảo là về đi, ko hội chẩn, để bệnh nhân về lo lắng, hoang mang muốn xin ra viện không điều trị tiếp.

Rằng tôi không phải là bác sỹ điều trị chính nên không được phép nhận phong bì. Rằng tại sao khi bệnh nhân đưa nếu biết là đưa nhầm, tại sao tôi không báo cho người nhà rằng tôi không phải là bác sỹ điều trị. Rằng nếu tôi không nhận thì mấy ngày qua tôi đã làm gì cái phong bì kia.

 Rằng tôi là người không trung thực … Rồi họ đe dọa và đưa ra đề nghị tôi phải xin lỗi bệnh và gia đình, và động viên họ yên tâm điều trị mà không sợ bị trù dập. Tôi phải làm theo ý họ nếu không muốn làm to chuyện.

Rằng họ là người trong ngành có thể bảo vệ được tôi, nhưng cũng có thể cho tôi chết bất cứ lúc nào. Kết thúc, tôi chỉ xin họ ít phút để nói suy nghĩ của mình, tôi nói đến lần thứ 5 chưa hết câu thì đã bị họ cắt ngang lời …”.

Kết thúc câu chuyện, bác sỹ trẻ trong tâm trạng mệt mỏi và buồn chán: “Tôi bỏ lại công việc về sớm. Ngồi trong phòng một mình, nước mắt cứ trào ra. Nhiều đêm tôi mất ngủ. Cay đắng thay một cái nghề bạc!

Có lẽ tôi đã sai ngay từ đầu, tôi sai vì tôi muốn làm một người tử tế, một bác sỹ tốt!

Cuộc đời mà, đâu phải một giấc mơ!”

Câu chuyện phong bì, y đức

Xuất hiện ở mọi nơi từ đám hiếu hỷ, hội họp … sự hiện diện của phong bì đã hình thành nên một nét văn hóa đặc trưng nhằm xúc tác bôi trơn cho xã hội, chắc chắn bệnh viện cũng không ngoại lệ.

 Đã có nhiều cuộc tranh luận nổ ra xoay quanh chiếc phong bì và đạo đức người thầy thuốc với những ý kiến trái chiều: “Bác sỹ cương quyết không nhận phong bì, hay nhận phong bì sao cho ‘chuẩn’?”

Quyết tâm không nhận phong bì, vậy làm sao để giải quyết nỗi niềm khiến một vị bác sỹ phải trăn trở trên trang facebook cá nhân?: “Có rất nhiều người nghĩ bác sỹ rất giàu. Đôi lúc tôi cũng thấy xót xa trước những lời mà các bạn dành tặng. Nhưng có một sự thật thì bác sỹ không hề giàu như các bạn nghĩ.

Cafe8 - 'Cú vấp' đầu đời của bác sỹ trẻ và câu chuyện phong bì, y đức (Hình 2).

Tôi có vài người quen, họ ra trường đi làm một công việc bình thường với mực lương 4-5 triệu một tháng, một vài người học chưa hết cấp 3 họ đi làm công ty Sam Sung với mức lương hơn 10 triệu.

Còn bản thân tôi sau khi đi làm mười năm ở một bệnh viện lớn, mức lương tôi nhận được đó sống ở Hà Nội với một gia đình gánh trên vai thì chúng tôi đã được đền đáp xứng đáng với những gì chúng tôi cống hiến, chúng tôi có thể yên tâm làm việc mà không lo đến vấn đề cơm áo gạo tiền?”.

Hay ý kiến của một vị bác sỹ khác: “Sự ghi nhận của người bệnh có thể chỉ là một lời khen, nhưng nếu thêm vật chất rõ ràng càng đáng trân trọng, tất nhiên cũng phải tùy điều kiện của họ” thì có gọi là chuẩn?

Trở lại với những dòng tâm sự chất chứa đấy nỗi niềm của vị bác sỹ trẻ mới trường, có thể thấy rõ sự yếu đuối về bản lĩnh của người thầy thuốc (không bàn đến tay nghề), cách xử lý tình huống vụng về đầy cảm tính để rồi mắc phải cái oan Thị Mầu to đùng và cái án “phong bì đo y đức” lửng lơ trên đầu.

Bệnh viện là nơi “xuất nhập đa nhân”, đủ mọi thành phần, tuổi tác và hoàn cảnh trong xã hội. Anh bạn thân bác sỹ của tôi đã từng bông đùa rằng: "Bác sỹ giờ kiêm cả nhà ngoại giao, người thương thuyết". Bác sỹ không chỉ phải nâng cao tay nghề mà còn phải học hỏi giao tiếp và ứng xử trong môi trường bệnh viện.

Đến đây thì có lẽ câu chuyện về phong bì bệnh nhân và y đức bác sỹ – người trong cuộc sẽ rõ hơn ai hết.

Tiến Quân

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Chuyên mục Đa Chiều đưa ra những góc nhìn khác nhau về các vấn đề thời sự - xã hội nóng thu hút dư luận. Độc giả có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, đồng tình hoặc phản biện về vấn đề quan tâm. Xin vui lòng gửi thư về địa chỉ: toasoan@nguoiduatin.vn. Mọi quan điểm của độc giả đều cần được tôn trọng!

Tâm sự xót xa của bác sỹ không cứu được bé trai chết vì tôn cứa cổ

Thứ 2, 24/10/2016 | 12:02
"Thôi cháu bé hãy ngủ ngoan, và các bác sĩ chỉ còn cách tàn nhẫn là không cho bố mẹ cháu vào bệnh phòng, để cháu biết, cuộc đời này đôi khi sự tàn nhẫn là cần thiết”.

Nhận phong bì bị phạt 30 triệu: Bác sĩ nào 'xử' đầu tiên?

Thứ 4, 08/01/2014 | 17:17
Từ 31/12/2013, nhiều quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ có hiệu lực. Trong đó, sẽ phạt đến 30 triệu đồng đối với hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám, chữa bệnh. Với quy định này, dư luận hy vọng nạn đưa - nhận phong bì sẽ được xóa bỏ tại các bệnh viện.

Tâm sự xót xa của bác sỹ không cứu được bé trai chết vì tôn cứa cổ

Thứ 2, 24/10/2016 | 12:02
"Thôi cháu bé hãy ngủ ngoan, và các bác sĩ chỉ còn cách tàn nhẫn là không cho bố mẹ cháu vào bệnh phòng, để cháu biết, cuộc đời này đôi khi sự tàn nhẫn là cần thiết”.

Nhận phong bì bị phạt 30 triệu: Bác sĩ nào 'xử' đầu tiên?

Thứ 4, 08/01/2014 | 17:17
Từ 31/12/2013, nhiều quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ có hiệu lực. Trong đó, sẽ phạt đến 30 triệu đồng đối với hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám, chữa bệnh. Với quy định này, dư luận hy vọng nạn đưa - nhận phong bì sẽ được xóa bỏ tại các bệnh viện.