“Cuộc cách mạng trên bàn ăn”vì Covid-19, nghĩ về chiếc điếu cày ở Việt Nam

Từ bỏ thói quen chung đụng đồ ăn cũng là cách tốt để “sinh tồn” trong những ngày tháng Covid-19 dài đằng đẵng.

Covid-19 đã ảnh hưởng đến lối sống, sinh hoạt của hàng tỷ người trên thế giới và Trung Quốc – nơi dịch bệnh khởi phát – cũng không ngoại lệ. Tại quốc gia châu Á đang nổ ra những tranh cãi về thay đổi văn hóa dùng đũa trong bữa ăn để ngăn chặn nguy cơ lây bệnh.

Ở Trung Quốc, gắp đồ ăn cho người khác vốn là cách người thể hiện tình cảm thân mật với những người cùng thưởng thức trên bàn ăn. Cử chỉ này được thể hiện ở bất kỳ đối tượng nào, từ bố mẹ gắp cho con cái, cháu gắp thức ăn cho ông bà hay lãnh đạo gắp đồ ăn cho nhân viên. Đối với họ, gắp đồ ăn là nét văn hóa độc đáo mang đậm tính gắn kết gia đình, cộng đồng, cũng giống như cách người Pháp hôn lên má khi gặp gỡ.

Nhưng điều đáng lưu ý là người Trung Quốc lại dùng chính đôi đũa mà mình đang sử dụng để gắp thức ăn từ đĩa chung sang cho người khác. Điều này đã đặt ra những lo ngại về nguy cơ lây bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 khó lường như hiện nay. Chính vì vậy, chính quyền Trung Quốc đang tăng cường tuyên truyền người dân hãy sử dụng một đôi đũa riêng khi gắp thức ăn cho ai đó.

Truyền thông Trung Quốc gọi chiến dịch này là "cuộc cách mạng trên bàn ăn". Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc cũng lên tiếng ủng hộ chiến dịch này. Một số nhà hàng còn giảm giá cho những thực khách dùng đũa riêng để gắp đồ.

Tất nhiên, với một thói quen đã trở thành văn hóa, từ bỏ không phải là điều dễ dàng, thậm chí nhiều người còn phản đối một cách khó chịu. Họ cho rằng dùng đũa mình ăn để gắp đồ cho người khác mới là cách thể hiện sự thân tình, còn khi dùng đũa riêng như vậy thì lại thành xa cách, lạnh nhạt.

Cũng có lập luận theo kiểu bất cần và chủ quan rằng, Covid-19 có tính lây nhiễm rất cao, ngồi cạnh nhau đã đủ lây chứ chưa nói đến chuyện dùng đũa để gắp đồ ăn. Cùng với đó, quan niệm cho rằng lượng vi khuẩn lây truyền theo kiểu ăn chung thế này cũng không đáng kể.

Bên cạnh đó, thay đổi thói quen gắp thức ăn cũng khó trở nên khả thi nếu như chỉ có một vài cá nhân tiên phong. Dù bạn dùng đũa riêng nhưng người khác vẫn vô tư gắp đồ ăn bằng đũa của họ thì phòng lây nhiễm cũng không hiệu quả.

Thông thường, văn hóa dù khác biệt vẫn đáng được tôn trọng. Người phương Tây dùng dao nĩa, người Ấn Độ bốc bằng tay, người Trung Quốc dùng đũa. Nói một cách chính xác, lời kêu gọi của chính quyền Trung Quốc không phải là làm mai một văn hóa.

Đó chỉ là một cách “điều chỉnh văn hóa” phù hợp với tình thế hiện tại. Một khi dịch bệnh được dập tắt, người Trung Quốc sẽ lại tiếp tục “trao yêu thương” qua đôi đũa. Cũng giống như đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn, thói quen đó đã từng gây khó chịu nhưng cuối cùng mọi người đều phải chấp nhận bởi đó là cách hữu hiệu nhất để ngăn dịch bệnh lây lan.

Việt Nam cũng là một quốc gia dùng đũa và gắp thức ăn cho nhau cũng mang ý nghĩa thân mật khá tương đồng với người Trung Quốc. Nhưng người Việt đã đi trước người Trung Quốc khi bộ đội ta đã dùng đũa hai đầu trong bữa ăn từ những thập niên 60 thế kỷ trước. Rất tiếc kiểu ăn đó không được phổ biến và duy trì đến ngày nay.

Không chỉ phần nào đó ngăn ngừa Covid-19, dùng đũa riêng khi gắp thức ăn cũng sẽ giúp tránh khỏi những nguy cơ nhiễm khuẩn thông thường và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Không có gì đảm bảo rằng người thân của bạn sẽ không mắc bệnh và động tác “trao yêu thương” giữa hai bên có thể vô tình mang đến cả những tai ương không mong muốn.

Thật dễ để thấy những nguy cơ “chung đụng” sẽ mang đến rủi ro không nhỏ mà chúng ta thường tặc lưỡi bỏ qua. Mới đây, cơ quan chức năng cũng công bố những trường hợp nghi nhiễm Covid-19 khá hy hữu. Đó là 4 người hút chung điếu cày với ca bệnh 447, nhân viên cửa hàng pizza tại Hà Nội. May mắn thay, xét nghiệm cho ra kết quả âm tính và cả 4 được một phen “hú hồn” khi có màn giao lưu thuốc lào nơi công cộng.

Điếu cày ở những hàng quán có hàng trăm người đưa miệng vào hút mỗi ngày, trở thành vật trung gian truyền nhiễm cho Covid-19 là hoàn toàn có thể. Cũng thật khó để cho những người có thói quen chung đụng từ đồ ăn đến điếu thuốc từ bỏ thói quen của mình, nhưng hạn chế được phần nào cũng sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh ở thời điểm này.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Nhà công vụ: Người trả, người xin

Thứ 2, 10/08/2020 | 09:00
Với lý do chưa có nhà riêng, cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Đặng Huỳnh Mai xin giữ lại nhà công vụ. Dù sau đó, được biết bà này đã liên hệ với bộ Xây dựng để trả lại nhà song nó đã gây ra những luồng ý kiến tranh cãi.