Cuộc đời họa sĩ vẽ tranh bằng miệng bán hàng chục ngàn đô

Cuộc đời họa sĩ vẽ tranh bằng miệng bán hàng chục ngàn đô

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Cho đến tận bây giờ, Đỗ Minh Tâm cũng không thể nào nhớ được vụ tai nạn kinh hoàng ấy. Từ một thanh niên cao lớn, khỏe mạnh với bao ước mơ, hoài bão bỗng chốc, Tâm trở thành người tàn phế. Và rồi Đỗ Minh Tâm bén duyên với hội họa, tay chân không còn sức lực, Tâm chỉ còn cách vẽ tranh bằng... miệng.

Biến cố kinh hoàng

Tôi gặp Đỗ Minh Tâm đúng lúc đôi bàn tay yếu ớt của anh sưng phù đau nhức. Di chuyển bằng chiếc xe lăn tự động, Tâm đưa tôi đi thăm xưởng vẽ nằm khiêm tốn dưới gầm cầu thang của Trung tâm Chắp Cánh. Tâm cười: "Nói xưởng vẽ cho oai chứ thực ra đó chỉ là góc sáng tác thôi". Trong xưởng vẽ của Tâm có một bức phác thảo khá lạ, một khuôn mặt được kết bằng nhiều chi tiết thiên nhiên hoa lá, góc dưới cùng là hình ảnh một họa sĩ nhỏ thó tư thế như đang ngậm cọ...

Lạ & Cười - Cuộc đời họa sĩ vẽ tranh bằng miệng bán hàng chục ngàn đô

Góc sáng tác của Tâm, nơi anh vẽ bằng cả nguồn sống của mình.

Tâm là người Thoại Xuân, Thanh Hóa. Từ nhỏ, Tâm đã nghe chuyện mình chỉ là con nuôi. Cha nuôi của anh là bộ đội đã chuyển ngành, còn mẹ anh làm nghề giữ trẻ. Tốt nghiệp phổ thông, Tâm đi lính. Sau khi ra quân, Tâm vào Sài Gòn lập nghiệp. Tại đây, Tâm làm đủ thứ nghề với hy vọng sau khi gom đủ tiền sẽ cưới vợ lập thân ở xứ sở "đất lành chim đậu" này nhưng rồi tai họa ập xuống.

Một đêm mùa hạ năm 2001, Tâm thong dong chạy xe về nhà sau một ngày lao động mệt mỏi. Rồi bỗng nhiên mọi thứ đổ sầm xuống người anh. Khi tỉnh lại, Tâm không còn nhớ mình đã bị tai nạn như thế nào, chỉ biết rằng hậu quả của nó rất tàn khốc. Vỡ cột sống, toàn thân của Tâm từ cổ xuống chân không còn cảm giác. Ròng rã gần 2 năm trời các bác sĩ lo chạy chữa để cứu mạng sống cho Tâm. Rồi, tang thương lại ập đến, cha Tâm qua đời. Không muốn mẹ già thêm gánh nặng, Tâm cắt đứt liên lạc và giấu nhẹm bệnh tình của mình. Trong lý lịch bệnh nhân, Tâm khai mình "tứ cố vô thân". Cũng vì lẽ đó nên khi sức khỏe dần hồi phục, anh được bệnh viện Sùng Chính (nay là Trung tâm Chấn thương - chỉnh hình) giới thiệu về Trung tâm Chắp Cánh nơi dành cho những người khuyết tật tự vươn lên bằng chính sức lao động của mình.

Bức tranh trị giá 7.000 USD

Sau khi chọn đủ thứ nghề để học nhưng không thành, Tâm quyết định học vẽ. Không cầm cọ được bằng tay, Tâm dùng miệng. Vẽ bằng miệng, tất nhiên, khó khăn gấp bội phần. Cọ nhỏ di chuyển nét vẽ tỉ mỉ khó đã đành, cọ lớn to nặng còn khiến Tâm chật vật hơn. Phải tốn rất nhiều thời gian, công sức Tâm mới có thể "cầm" vững cọ, và càng mất nhiều thời gian hơn nữa để Tâm có thể thành thạo các kỹ thuật cơ bản trong hội họa. Nhưng bằng chính nghị lực, khát vọng sống đã thôi thúc anh vượt qua nghịch cảnh. Cọ của Đỗ Minh Tâm cũng khác, phía dưới thân của những chiếc cọ to, luôn được bao một lớp cao su mềm để khi anh "cắn" lấy đỡ đau, đỡ mỏi.

Tháng 10/2010, bức tranh "Bước ngoặt" của Đỗ Minh Tâm đã giành giải nhất một cuộc thi hội họa do Chính phủ Đức phối hợp với bộ LĐ-TB&XH tổ chức. Kể từ đó, cái tên Đỗ Minh Tâm và những bức tranh vẽ bằng miệng của anh được các nhà sưu tầm và kinh doanh tranh vẽ chú ý. Tác phẩm của Tâm khi được mang ra nước ngoài thường có chú thích nho nhỏ là "orally" (tạm dịch: vẽ bằng miệng) và luôn được bán với giá rất cao so với giá mua tại Việt Nam.

Kể cho Tâm chuyện này, anh chỉ cười, bảo: "Mấy hôm trước còn nghe một anh nhà báo kể chuyện một bức tranh của mình đã "du lịch" từ Pháp, sang úc, rồi tới Mỹ. ở Mỹ, người ta treo giá tới 7.000 USD. Nghe rất khiếp". Xác tín lại câu chuyện của Tâm mới biết, một nhà sưu tầm người ý đã mua bức tranh ấy của Tâm với cái giá không hề dễ chịu... Tôi hỏi anh, bức tranh ấy tên gì, Tâm cười: "Nghe vậy, biết vậy, chứ mình cũng không biết nó là bức tranh gì. Thôi thì nghe tranh mình được người ta trân trọng, thấy vui vậy thôi. Mình như vầy, có cần tiền bạc nhiều làm gì. Tranh bán được mình chỉ lấy một phần nhỏ trang trải tiền màu, cọ, còn bao nhiêu làm từ thiện hết". Khao khát lớn nhất của Tâm là sẽ mở được một buổi triển lãm trưng bày những bức tranh của anh. Và nếu may mắn hơn, tranh của Tâm bán được, anh sẽ dành số tiền ấy để xây dựng một trường mầm non trên quê hương, nơi đã mấy mươi năm anh chưa từng được ghé về.

Hồ Ngọc Giàu