Cuộc hội ngộ đầy nước mắt của

Cuộc hội ngộ đầy nước mắt của "vua vàng tặc" và đàn em

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Theo chân "vua vàng tặc", tôi đã lần mò khắp các hang cùng ngõ hẻm ở đất Bắc Kạn, rùng mình khi nhận thấy tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra hết sức công khai, tàn phá từng khúc sông, trảng đồi nơi nó diễn ra.

Tên thật của ông là Bùi Ngọc Phủ, người Hà Nội gốc, nhưng quá nửa đời người, ông lăn lộn và gắn bó với vùng rừng thiêng nước độc của các huyện sâu xa nhất tỉnh Bắc Kạn. Bạn bè thành phố gọi đùa ông là A Phủ (theo tên nhân vật chính trong truyện ngắn vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài). Nhưng ở nơi thâm sơn cùng cốc, huynh đệ trong giới gọi ông là Vàng A Phủ với chữ Vàng ám chỉ công việc đào vàng đầy gian khó. Và chính với cái tên rất "dị" này, sau nhiều năm miệt mài đào xới, ông Phủ đã xác lập được một vị trí đỉnh cao cho riêng mình và cũng trở thành "huyền thoại sống" trong giới "vàng tặc" đất Bắc.

Xã hội - Cuộc hội ngộ đầy nước mắt của 'vua vàng tặc' và đàn em

"Vua vàng tặc" (người bên phải) và đàn em thân tín nhất một thời.

Cái duyên của vàng

Tôi trở lại vùng rừng xanh núi thẳm Na Rì (Bắc Kạn) lần thứ 2, với mục đích khác hẳn với những gì tôi mong muốn ở chuyến đi trước đó vừa diễn ra chưa đầy 1 tháng. Lần trước, đơn độc trong cuộc hành trình tìm kiếm những đề tài vùng cao hấp dẫn ở đất Bắc Kạn, tôi tình cờ quen một người đàn ông thú vị có tên Bùi Ngọc Phủ, 64 tuổi, người Hà Nội. Ngày hôm ấy, ngồi ngay cạnh người đàn ông ngoại lục tuần trên chuyến xe "bão táp" đưa hành khách từ Hà Nội lên Bắc Kạn, tôi đã lờ mờ nhận thấy chất "lạ" toát ra từ con người có vẻ ngoài rất đỗi bình dân ấy.

Suốt quãng đường hơn 200km, tài xế lái non, đi ẩu, đường vừa xấu vừa nhiều khúc cua giật tay áo, thế nhưng tịnh không thấy ông Phủ bật lên nửa lời than vãn mặc dù trong khi ấy, quá nửa phụ nữ trên xe đã bị say xe, còn cánh đàn ông cũng hết sức kêu than. Ông Phủ cứ thinh lặng như thế, đưa mắt nhìn về phía những trảng rừng xanh thẫm xa xăm, đau đáu một nỗi niềm mà mãi đến khi gần xuống xe tôi mới được ông chia sẻ: "Nỗi nhớ bằng hữu".

Qua vài lời vắn tắt trước khi đường ai nấy đi, tôi hiểu được lý do ông Phủ đến Bắc Kạn. Theo đó, sau hơn 20 năm giải nghệ kiếp đào vàng để trở về Hà Nội sinh sống, ông Phủ đã mất liên lạc với nhóm bạn cũ, những người trước đây đã từng đồng cam cộng khổ với ông trong nhiều chục năm trời để chờ ngày đổi vận vì vàng. Trong chuyến đi đó, ông Phủ chỉ muốn có một manh mối dù nhỏ nhất để qua đó ông gặp lại được những cố nhân của mình.

Việc gặp gỡ tình cờ ấy là tiền đề để hôm nay tôi trở lại Bắc Kạn, về Na Rì. Đi cùng tôi, ông Phủ gương mặt rạng rỡ, tự mình điều khiển chiếc xe 4 chỗ bình dân chỉ chở đúng hai người chúng tôi, chạy phăm phăm không ngừng nghỉ suốt từ Hà Nội. Ngồi sau tay lái vững chắc của ông bạn già, tôi khoan khoái dõi mắt theo những tán lá mơn mởn đọng đầy sương sớm, nhấm nháp chút cảm hứng vui sướng cùng ông Phủ, khi ông gọi cho tôi báo tin vui. Đó là cú điện thoại ngắn gọn, khoe về việc ông đã tìm lại được tung tích một người bạn xưa, lại đúng là người đàn em mà ông quý nhất. Người này kém ông Phủ tới 11 tuổi, dân tộc Nùng và giờ vẫn đang tiếp tục làm công việc khai thác vàng. "Thấy cậu quan tâm muốn tìm hiểu đến nghề đào vàng, tôi rủ cậu đi chuyến này cũng coi là cách để cậu mở rộng tầm mắt, góp thêm vốn liếng sống cho mình", ông Phủ vừa lái xe vừa quay sang nói với tôi.

Khác với lần trước, khi đã coi tôi là bạn, ông Phủ nói khá nhiều, chủ yếu là cách tồn tại giữa thiên nhiên. Tôi ngồi nghe, thích thú như muốn nuốt đến từng giọt kinh nghiệm quý báu của một người đã trải qua những trận chiến quyết liệt nhất trong quân ngũ.

Ông Phủ kể, sau giải phóng, mất vài năm loay hoay khi không một cắc dính túi, ông quyết định dấn thân vào nghiệp đào vàng. Và nhờ trời, ông trúng mấy quả rất đậm, đổi vận từ đấy. Theo ông Phủ, đào vàng giống như câu cá, phụ thuộc vào duyên của người với vàng. Cùng một khúc sông, cùng đồ nghề nhưng có người thành tỉ phú, có người trắng tay. Chính vì vậy, những người "thắng" được vàng, thứ nhất phải kể đến cái duyên trời định. Sau đó mới là những lọc lõi, những kinh nghiệm sinh tồn đầy hãi hùng ở nơi rừng thiêng nước độc, giữa những con người sẵn sàng bán đứng nhau vì... vàng.

Xã hội - Cuộc hội ngộ đầy nước mắt của 'vua vàng tặc' và đàn em (Hình 2).

Lán trại tiêu điều ngụy trang cho mỏ vàng nằm sâu 100m dưới lòng đất

Cuộc tái ngộ sau 26 năm xa cách

Từ thị xã Bắc Kạn men theo hướng Quốc lộ 3B về Na Rì, ngoằn ngoèo đi chừng 50km nữa, chúng tôi dừng chân trước một căn nhà xây theo lối 1 tầng rộng rãi, nằm ngay sát mặt đường chính, đó là địa điểm dừng chân đầu tiên của cuộc hành trình, nhà của ông Lý Ngọc M. (SN 1959), đàn em tin cẩn nhất trong sự nghiệp đào vàng của ông Phủ. So với các căn nhà trong khu vực, nhà ông M. khá khang trang và sạch sẽ. Mặc dù ở trên vùng núi cao, nhà ông vẫn có ti vi màn hình LCD cỡ lớn, đầu đĩa dàn loa hát karaoke đủ cả.

Hai người đàn ông có tuổi ôm chầm lấy nhau ngay từ ngưỡng cửa ra vào, mừng mừng tủi tủi. Ông Phủ vẫn thể hiện được bản lĩnh anh cả, cười lớn rồi xiết chặt đôi tay rắn chắc lên bờ vai cậu em. Ông M. vốn là đàn em, lại thật thà nên cứ tồng tộc khóc, nước mắt lã chã rơi trong niềm vui sướng tột cùng với người anh em 26 năm biệt tin.

Khi phút giây xúc động cao trào qua đi, ông M. mới để ý đến sự xuất hiện của tôi liền đánh mắt ướm hỏi. Vốn đã được tôi ngỏ ý từ trước, ông Phủ giới thiệu: "Cậu ấy là khách vàng dưới xuôi lên gom mối. Hôm nay tôi dẫn cậu này đi một vòng xem tình hình làm ăn trên đây thế nào". Thấy ông Phủ giới thiệu vậy, ông M. chẳng hỏi thêm, nét mặt lại càng giãn ra vui mừng hơn, ông M nắm chặt bàn tay tôi rồi mau mắn gọi vợ con chuẩn bị bếp núc thiết đãi khách quý. Lấy cớ nên lùi ăn uống lại buổi tối cho dông dài câu chuyện, ông Phủ đề nghị ông M. cho mình được mục sở thị ngay mỏ vàng nơi ông M. đang giữ vai trò bưởng vàng (chủ mỏ).

Thấy ông M. khẽ liếc nhìn tôi ra chiều ái ngại, ông Phủ vỗ vai đàn em, trấn an: "Đừng lo, cứ cho cậu ta theo có khi lại được việc. Vàng dưới xuôi đang lên rất mạnh, đừng để bọn mối cũ ép giá, thiệt lắm". Thế là sau phút giây lưỡng lự, ông M. gật đầu đồng ý cho chúng tôi thăm quan mỏ vàng thổ phỉ của mình.

Từ nhà ông M. lên đến mỏ của ông, đoạn đường chỉ hơn 5km nhưng toàn đường rừng gập ghềnh, khúc khuỷu. Chúng tôi buộc phải xắn quần cao lên quá gối để bì bõm lội bộ vào trong. Con đường đất càng vào sâu càng lầy lội nhão nhoét, in đậm dấu chân người bởi cơn mưa rừng chiều tối hôm trước. Vượt hàng chục con dốc dựng đứng, khe suối với lớp đá gan gà trơn trượt, quá giờ trưa, mỏ vàng dần dần hiện ra giữa rừng sâu.

Ông Phủ tuy nay đã ngoài 60, nhưng đã vào sinh ra tử trên khắp các mặt trận khốc liệt nhất ở miền Nam, lại có mấy chục năm bám rừng nên vẫn dẻo dai và khỏe mạnh chẳng kém gì người đàn em của mình. Cả hai vừa đi vừa ôn chuyện xưa cũ, vang cả một góc rừng. Theo sau, tôi vừa tập trung vào đường đi vừa vểnh tai nghe câu được câu chăng. Theo lời của ông M., ngoài ông ra, ở bưởng vàng của ông hiện nay còn có thêm 3 hay 4 đàn em nữa trước đây của ông Phủ. Số còn lại, giờ đã phiêu bạt khắp các phương trời, bản thân ông M. cũng không sao liên lạc được. "Em dạo này có tuổi nên làm nhỏ thôi, mấy anh em gom tiền vào làm cái mỏ nho nhỏ cho đỡ nhớ nghề, tính toán chia bôi thì mỗi tháng một người cũng được hơn hai chục triệu đồng", ông M. thật thà "khai" với đàn anh.

Theo ông M., ở khắp hai huyện giáp ranh là Na Rì và Ngân Sơn, có hàng trăm những mỏ "nho nhỏ" thế này, nhiều đến mức chính quyền hoặc không thể kiểm soát được hết hoặc chán không muốn hỏi thăm (?!). "Mình làm tí xíu thế nên chẳng bõ bèn gì, chỉ đủ đồng nuôi vợ con. Còn rất nhiều mỏ quy mô lớn, cũng khai thác trái phép nhưng dùng cả máy cơ giới đào bới ngày đêm, phá tan hoang cả một khúc sông hoặc sạt đến nửa quả núi", ông M. vừa nói trong khi vừa dẫn đường cho chúng tôi lại gần hơn mỏ vàng của ông. Đánh mắt quan sát, tôi thoáng thất vọng khi chỉ nhìn thấy toàn bộ mỏ vàng chỉ có khoảng 3- 4 lán trại trống hoác phất phơ trong gió, chẳng thấy đâu những cảnh rầm rập của những đội quân phu vàng hùng hậu, cởi trần trùng trục đang sàng đãi dưới sông. Dường như đọc được sự thất vọng trong mắt tôi, ông M. cười ha hả rồi kéo tay tôi lại gần một cái hố rất nhỏ trên mặt đất, đường kính chỉ đủ 1 người chui lọt rồi rỉ tai: "Dưới cái hố này, 100m, mời cậu xuống nếu đủ gan...".

Phóng sự của Long Nguyễn

(Còn nữa)