Cuộc tỷ thí nảy lửa của các “anh hào” xe ô tô mô hình

Cuộc tỷ thí nảy lửa của các “anh hào” xe ô tô mô hình

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Nhiều người bỏ ra hàng trăm triệu đồng để giành chiến thắng trên đường đua... đồ chơi.

Hẳn người đi đường không còn mấy lạ lẫm với hình ảnh những “anh hào” đủ lứa tuổi tụ hội về SVĐ Mỹ Đình mỗi Chủ nhật để tham gia màn biểu diễn tốc độ đến rợn người. Tiếng rít xe cùng mùi khét lẹt đặc trưng của tuyệt phẩm xe đua mô hình, tiếng hò hét đến “cháy” họng của khán giả đã thực sự biến khu vực nơi đây thành chảo lửa F1.

Ô tô-Xe máy - Cuộc tỷ thí nảy lửa của các “anh hào” xe ô tô mô hình

Các dân chơi đang chuẩn bị cho cuộc tỉ thí

Thú chơi “con mọn” dành cho nhà giàu

Giáp mặt các quần hùng ham mê tốc độ trong một buổi off tại sân chơi khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), anh Nguyễn Trung Nghĩa (Đội Cấn, Hà Nội), một lão làng trong đội chơi ô tô điều khiển từ xa cho biết: “Cũng giống như những thể loại đua xe thực, chơi xe mô hình cũng có phân loại đường đua là Onroad và Offroad. Onroad là loại hình đua với đường đua bằng phẳng, tốc độ cao. Loại xe này thường khó điều khiển và có thể tăng tốc hết khả năng, tốc độ xe có thể lên đến hơn 120km/h. Offroad là loại xe dùng cho đường địa hình hiểm trở, phức tạp. Đây là dạng xe phổ biến có bánh to, gầm cao, tốc độ vừa phải”.

Theo tiết lộ của dân chơi, nghề này, hầu hết những chiếc xe đều được nhập khẩu từ nước ngoài nên giá khá “chát”. Một “em” xe mô hình rẻ nhất hiện nay cũng khoảng 15 triệu đồng, vừa thì 30 triệu, còn đắt thì vô cùng, có khi cả núi tiền. Từng phụ kiện xe, giá cũng không phải bèo, chẳng hạn một con ốc vít có giá 300 nghìn đồng, một bộ lốp là 1,5 triệu đồng, bàn cân chỉnh xe 4 triệu đồng. Đó còn chưa kể các bộ phận, phụ tùng, phụ kiện khác như hệ thống điều khiển, ống xả, phanh, vỏ nhựa, khung sườn... mỗi phần cũng “ăn” cả triệu đồng.

Để có thể chơi xe, chủ nhân còn phải sắm thêm bàn đề (bộ phận khởi động xe, giá từ 1 - 2 triệu đồng). Hơn nữa, loại xe không chạy xăng thường mà dùng xăng đặc biệt. Trong loại xăng này có từ 20% - 30% chất kích nổ và các chất phụ gia khác để bôi trơn và bảo vệ động cơ. Tính ra mỗi lít khoảng 200.000 đồng (đắt gấp 12 lần xăng bình thường), trung bình mỗi buổi ra sân, xe ngốn mất 1 lít xăng. Nuôi mấy “em” này còn tốn hơn cả con mọn, anh Nghĩa nói thêm.

Giới nghiền xe đánh giá, chơi xe mô hình hoàn toàn không đơn giản. Đó là một thú chơi tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc. Không phải là một thú vui nhất thời mà cần sự đam mê, hiểu biết và thật tỉ mỉ mới có thể theo đuổi.

Anh Tư Triều, thành viên nhóm HRC (Câu lạc bộ ô tô mô hình Hà Nội) cho biết: “Chơi món này mất nhiều thời gian đấy, nghiên cứu xe, sửa xe, độ xe sẽ chiếm trung bình 4giờ – 7 giờ một tuần. Vì cùng một chiếc xe, chỉ cần chỉnh độ mở, độ nghiêng (toe, camber) một chút là đã khác. Và còn một điều đặc biệt là luyện tay lái, cái này thì vô cùng luôn, một xe “lởm” dưới tay lái lụa hoàn toàn có thể xưng bá như thường.

“Một mất một còn”

Môn này đòi hỏi người chơi có nhiều thời gian, phản ứng nhanh nhạy cũng như sự khéo léo, nên hầu hết người chơi ô tô mô hình đều rất trẻ. Họ có thể là nhân viên ngân hàng, kĩ sư, kiến trúc sư, doanh nhân, tìm đến ô tô mô hình như một thú vui để xả stress.

Anh Nghĩa chia sẻ: “Tôi không muốn mọi người nghĩ đây là một trò đốt tiền. Người ta đi vũ trường, chơi lô đề thì chúng tôi chọn môn này để giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc mệt mỏi. Đầu tư tuy nhiều nhưng cũng đáng đồng tiền bát gạo. Ngoài việc được sở hữu chiếc xe mà mình yêu thích, người chơi còn có dịp giao lưu, học hỏi về kỹ thuật lái, sửa chữa xe và có thêm nhiều bạn bè. Hơn nữa, đây là môn thể thao lành mạnh, rèn luyện khả năng quan sát và tính kiên nhẫn rất tốt”.

Chúng tôi xin thử một lần điều khiển từ xa, lái chiếc ô tô thu nhỏ mới cảm nhận sự phấn khích của các tay đua. Chỉ cần nhấn nhẹ vào chiếc điều khiển, chiếc xe đã lao đi vun vút, nhả từng đợt khói trắng xóa, động cơ nổ vang, đanh giòn, lạng lách điệu nghệ theo từng cử động nhỏ của chủ nhân. Tại Hà Nội, nhóm chơi xe mô hình động cơ điện thường tụ tập biểu diễn hoặc đua ở “thánh địa” Mỹ Đình (tên người chơi gọi SVĐ Mỹ Đình) và khu Ciputra hoặc khu đô thị Nam Trung Yên vào các chiều thứ Bảy, Chủ nhật.

Theo tiết lộ của một dân chơi từng vào sinh ra tử với môn đua xe này, đua ô tô mô hình có sức hút ma lực khiến người chơi bị cuốn theo không biết mệt mỏi. Ngồi trong công ty mà như bị “kiến đốt”, chỉ mong tan giờ làm để phi ra cùng anh em chinh chiến. Chỉ khi cầm lái mới biết được sướng thế nào. “Khi bạn rú ga, tăng tốc, vào cua, rồi quay đầu nhanh... đều có cảm giác hưng phấn. Nói chung, không có từ nào tả được!”, một thành viên trong đội đua chia sẻ.

Được biết, thể lệ cuộc chơi thường do các tay đua thỏa thuận ngầm với nhau. Khi lâm trận, hai bên đã nghiễm nhiên chấp nhận giao sinh mệnh “con cưng” của mình cho thần may mắn. Cuộc đua sẽ được phân thắng bại sau nhiều hiệp đấu, chủ nhân nào thua sẽ phải tâm phục khẩu phục mà vĩnh biệt “em” xe của mình. Được biết, đây là cuộc chơi một mất một còn, chỉ những anh em thần kinh thép mới dám tham gia.

“Choáng” với tốc độ của xe mô hình

Theo tính toán trên một diễn đàn, xe mô hình còn có những thông số khiến siêu xe hay cả xe đua F1 chào thua: Xe F1 điển hình có tốc độ động cơ khoảng 19 ngàn 500 vòng /phút; động cơ mô hình loại thường cũng đạt 30 ngàn vòng /phút, thậm chí có loại lên tới 50 ngàn vòng /phút. Tuy nhiên, thông số tốc độ của xe mô hình thường chỉ khiêm tốn dừng ở ngưỡng 120km/h. Về công suất, động cơ xe mô hình loại thường có dung tích xi - lanh 2cc sản sinh từ 2 đến 2, 5 mã lực. Để so sánh, chiếc Toyota Camry V6 3.5 có công suất 268 mã lực, nếu muốn đạt được hiệu suất như động cơ xe mô hình, động cơ Camry phải đạt công suất trên 3000 mã lực.

Anh Đức - Thanh Xuân