Cuộc vượt ngục ly kỳ khỏi nhà tù Sơn La

Cuộc vượt ngục ly kỳ khỏi nhà tù Sơn La

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
1
Trong suốt 35 năm kể từ khi thực dân Pháp xây dựng nên nhà tù Sơn La làm nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng, chúng áp dụng những biện pháp bảo vệ kín kẽ và ác độc đến mức chưa từng có một cuộc vượt ngục thành công nào diễn ra.

Thế nhưng ý chí của người chiến sĩ cách mạng không khi nào bị bẻ gãy. Họ đã chứng tỏ "địa ngục" này không phải là nơi "bất khả xâm phạm" bằng cách tổ chức một cuộc vượt ngục tập thể thành công vào giữa năm 1943. Một trong những nhân chứng sống tham gia vụ đào thoát này là ông Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội kiêm Chủ tịch ủy ban kháng chiến Hà Nội năm 1946, nay đã gần 100 tuổi.

Ông Nguyễn Văn Trân

Người chiến sĩ kiên cường

Năm 18 tuổi, người thanh niên Nguyễn Văn Trân rời quê (làng Phù Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) lên Hà Nội làm công nhân nhà in và bắt đầu tham gia các cuộc đấu tranh, tuyên truyền bảo vệ quyền lợi thợ thuyền. Ông nhớ lại, những năm đầu tham gia cách mạng (1930 - 1939), ông sinh hoạt tại Hội ái hữu thợ in Bắc Kỳ, làm công nhân in ở các xưởng báo Ngọ Báo, Cậu ấm, Đông Pháp, Văn Lâm, Tân Dân...

Ông Trân kể, thời đó phong trào Mặt trận bình dân phát triển mạnh mẽ. Ông cùng anh em thợ in tham gia, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, đọc sách báo, đi tuyên truyền... Năm 1936, 3 công nhân trong đó có ông được tham gia lớp học "cách mạng thổ địa" - thực chất là chương trình "cách mạng dân tộc giải phóng" do trực tiếp đồng chí Trường Chinh giảng dạy.

Sau thời kỳ Mặt trận Bình dân, những năm 1939, đế quốc Pháp khủng bố phong trào các thuộc địa. Chúng cấm hết sách báo tiến bộ, mở các cuộc vây bắt cán bộ cách mạng, cấm và giải tán hết các tổ chức quần chúng. Một số cán bộ Đảng rút vào bí mật. Ông Trân được Đảng đưa ra ngoại thành để tổ chức in báo "Cờ Giải phóng". Tháng 2/1940, ông bị bắt khi đang bí mật tổ chức in báo "Cờ Giải phóng".

Ông Trân cho biết: 3 tháng sau, chúng đưa ra tòa xử án, ông Trân bị thực dân Pháp kết án 10 năm tù khổ sai, tống vào Hỏa Lò, chờ ngày đưa đi phát vãng lên nhà tù Sơn La.

Cuộc vượt ngục ly kỳ

Tháng 7/1940, thực dân Pháp đưa một đoàn tù khoảng gần 30 người, trong đó có ông Trân đày lên ngục Sơn La. Nhà tù chật ních, tất thảy có đến 250 tù chính trị bị giam cầm. Trong số tù chính trị có một số cán bộ trụ cột như Nguyễn Lương Bằng (Sao Đỏ), đồng chí Trần Huy Liệu (nhà sử học, nhà báo trước đã bị tù ở Côn Đảo), đồng chí Tô Hiệu...

Một góc nhà tù Sơn La

Công việc đầu tiên của các chiến sĩ cách mạng là tìm cách tổ chức các tù nhân để đấu tranh với bọn cai ngục, cải thiện chế độ giam cầm hà khắc và tranh thủ thời gian để đào tạo, rèn luyện cán bộ trong nhà tù. Đồng chí Tô Hiệu đã tập hợp một số đảng viên thành lập "tổ trung kiên" để phát triển số Đảng viên trong tù, cử ra một "Ủy ban nhà tù", khi đấu tranh thì cử ra Ban lãnh đạo đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân.

Cuối năm 1940, Đại hội chi bộ cử ra Ban chi ủy có 5 đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Trân. Chi ủy đã mở nhiều lớp học ban đêm, học chính trị, văn hóa và lớp đặc biệt học quân sự, chính trị. Có nhóm chuyên viết tài liệu, cho mượn và cất giữ tài liệu...

Ông Trân kể, năm 1943 phong trào cách mạng phát triển rất mạnh trong cả nước trong khi số cán bộ cốt cán còn rất ít, phần lớn đã bị thực dân Pháp giam cầm tại một số nhà ngục. Chi ủy nhà tù nhận được thư của Trung ương cho biết phong trào đang rất thiếu cán bộ, đề nghị tìm cách để đưa cán bộ thoát tù ra hoạt động.

Chi ủy nhà tù quyết định kế hoạch vượt ngục bất chấp việc nhà ngục này là nơi được bảo vệ cẩn mật đến mức thực dân Pháp từng huyênh hoang vỗ ngực: "Đây là mồ chôn chính trị phạm". Trước đó, 2 chiến sĩ cách mạng đã tìm cách vượt ngục nhưng không thoát, một trong 2 người còn bị giặc chặt đầu bêu ở cổng nhà ngục Sơn La để khủng bố tinh thần chiến sĩ ta.

Kế hoạch vượt ngục được chuẩn bị kỹ lưỡng, mất nửa năm trời. Lúc đầu chi ủy liên lạc với một nhóm người có súng và quen đường từ Sơn La đi Móng Cái nhưng kế hoạch không thành do tên công sứ Cousseau đã theo dõi và bắt nhóm người này. Chi ủy quyết định lập kế hoạch khác, móc nối được với một thư ký tòa sứ để nhờ cung cấp bản đồ và làm các thẻ thuế thân; một nhân viên y tế làm ở bệnh xá giúp số thuốc men cần thiết; lương thực do nhà bếp chuẩn bị; người dẫn đường là một đoàn viên "Thanh niên cứu quốc Thái". Ngày ấn định vượt ngục là 3/8/1943.

"Mọi sự chuẩn bị đã sẵn sàng, Chi ủy đã chọn 4 người đó là đồng chí Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu, Nguyễn Lương Bằng và tôi. Ở trong tù bị cùm, chân không còn dẻo dai. Hàng ngày chúng tôi được cử ra ngoài rừng làm việc, luyện đi 15 - 30 cây số, leo đèo, vượt suối luyện cho đôi chân dẻo dai chịu đựng. Vượt ngục là rất khó vì phải thoát qua 3 - 4 lần cửa sắt.

Hàng ngày, chúng điểm danh 5 lần. Khi đi ra ngoài cứ 3 tù có 1 lính đi kèm. Chi ủy chuẩn bị kỹ càng lắm cho cuộc vượt ngục của chúng tôi bằng cách bố trí kế hoạch đánh tráo người, cả 4 được đưa ra ngoài làm bồi cho nhà công sứ và chúng tôi đều đi khỏi nhà tù đến chỗ hẹn người dẫn đường", ông Trân kể lại.

Ông Trân kể tiếp, theo kế hoạch những người vượt ngục sẽ đi luồn rừng. Chiếu theo bản đồ, từ nhà tù đến bờ Sông Đà là khoảng 50 cây số. Có thể đi từ sáng sớm đến chiều tối là sang được sông - địa phận Yên Bái sẽ "thoát" tầm ngắm của giặc. Vừa vượt qua được cổng gác cuối cùng, trên đường từ nhà tù xuống dốc, bất chợt mọi người nhận ra dáng tên cai ngục đang lên dốc nên đã kịp lẩn vào rừng.

Xế chiều hôm đó mọi người mới đến được bờ Sông Đà là Tạ Chan nhưng lại không có đò nào sang sông được vì lũ lớn. Cứ đi men theo sông, đi về phía Tạ Hộc nước lũ càng siết. Bí quá, mọi người bàn nhau quay lại đường số 6 "đường đường, chính chính" đi, vì chắc địch chưa thông báo kịp cho các châu trên dọc đường này. 7 ngày sau, mọi người mới về đến điểm hẹn. Ông Trân và ông Cả (đồng chí Nguyễn Lương Bằng) trú lại nhà dân chờ liên lạc đón về Hà Nội. 2 người còn lại xuôi về Hà Đông móc nối với cơ sở để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Ngân Giang