Cựu tù Phú Quốc lập bảo tàng “có một không hai”

Cựu tù Phú Quốc lập bảo tàng “có một không hai”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Hàng loạt hiện vật quý giá của bảo tàng đã được ông Bảng đưa đi trưng bày tại các triển lãm như một cách tôn vinh những anh hùng dân tộc.

Với hơn 3000 hiện vật, hình ảnh và những di vật , Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội hiện được coi là bảo tàng phong phú nhất lưu giữ lại chứng tích gắn liền cùng những tháng ngày của các cựu tù Phú Quốc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Điều đặc biệt hơn, công trình ý nghĩa này do chính ông Lâm Văn Bảng, một cựu tù Phú Quốc cùng một số đồng đội của mình tự đứng ra xây dựng sau hành trình nỗ lực suốt 20 năm ròng rã.

Xã hội - Cựu tù Phú Quốc lập bảo tàng “có một không hai”

Ông Bảng bên hiện vật quý giá trong bảo tàng

Làm bảo tàng từ ký ức qua một quả bom

Gặp chủ nhân của Bảo tàng, ông Lâm Văn Bảng chia sẻ cùng chúng tôi: “Những ngày tổng tấn công Mậu Thân 1968, tôi bị địch bắt giam vào khám Chí Hòa rồi lại vào nhà tù Hố Nai - Biên Hòa”. Suốt khoảng thời gian bị địch bắt ấy, ông bị đẩy hết từ nhà tù này sang nhà tù khác, chịu nhiều trận đòn tra tấn dã man nhưng không hề chùn bước. Những hoạt động chống đối âm thầm trong tù khiến ông bị địch đày ra đảo Phú Quốc. 4 năm trời đi đầy tại “địa ngục trần gian”, chính bản thân ông đã từng hứng chịu những nhục hình, tất cả những hình ảnh đó đã trở thành kí ức không thể nào quên. Đến năm 1973, ông được trả tự do theo Hiệp định Pari, rồi ra quân và trở về công tác tại ngành giao thông.

Nhưng ý tưởng xây dựng một bảo tàng chỉ bắt đầu khi ông là Hạt trưởng Hạt quốc lộ 1, chỉ huy sửa chữa Cầu Giẽ. Một lần trong lúc làm việc, đơn vị ông đào được một quả bom tấn nằm ngay dưới chân cầu, ông liền cho anh em vớt lên, rút thuốc, rồi cho xây một cái bệ ngay trước cầu đặt quả bom lên và khắc trên bệ dòng chữ “cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ” được nhiều anh em công nhân và người dân chú ý.

Ông nhận ra rằng phải làm một điều gì đó để nhắc nhở con cháu sau này biết đến trang sử hào hùng của dân tộc. Thế là, một nhà bảo tàng được xây ngay trên mảnh đất hương hỏa của dòng họ Lâm, vợ ông lúc đầu còn phản đối nhưng trước quyết tâm sắt đá của ông bà cũng đành … chiều theo. Cứ thế, ngày ngày ông rong ruổi khắp mọi nơi để đi tìm kỉ vật.

Mỗi kỉ vật là một câu chuyện

Trong cuộc hành trình tìm kiếm khắp mọi miền Tổ quốc, có sự góp sức của nhiều đồng đội, mỗi một kỉ vật lại gắn với một câu chuyện bi ai và hùng tráng. Khi biết ông Lương Mạnh Dũng ở tận Khánh Hòa có chiếc bấm móng tay năm tác dụng làm từ chiếc cà mèn bằng inox được truyền từ ông cụ thân sinh ra ông Dũng, đến đời chú rồi đời em ông Dũng, 3 thế hệ từng bị tù đày ở nhà tù Phú Quốc, một kỉ vật gia truyền có ý nghĩa quan trọng như vậy họ coi trọng hơn cả tính mạng của các thành viên trong gia đình. Nhưng khi ông Bảo thuyết công việc sưu tầm tìm kiếm để phục vụ cho mục đích lưu lại cho con cháu còn nhớ đến trang sử hào hùng của dân tộc ông Dũng đã đồng ý tặng lại cho Bảo tàng.

Cựu tù Tăng Đình Thích ở thôn Diễn Đồng xã Diễn Châu, Nghệ An trong lần cùng đồng chí Tam đi tìm quả bom ở Nghệ An, gần đến nơi thì hết tiền. Đồng chí Tam phải đi bộ để đồng chí Thích tranh thủ làm “xe ôm”, có tiền mua xăng hai người tiếp tục hành trình và rồi cũng đem đủ số hiện vật quý giá ấy góp vào Bảo tàng. Những đồ dùng của các chiến sỹ cách mạng: chiếc xẻng đào hầm vượt ngục, bình toong, khăn giằn di, những bức thư, chiếc đàn măng đô luyn, bím tóc làm tin…tất cả đều là những tài sản vô giá của người chiến sỹ .

Trong bảo tàng của ông Bảng hiện tại, phòng trưng bày những chứng tích về chốn lao tù, đặc biệt là những chiếc đinh mà kẻ thù đã dùng để đóng vào đầu các chiến sỹ cách mạng, chiếc búa đục răng người, chiếc chảo gang chúng đun nước sôi rồi thả người vào đó, mô hình những chiếc chuồng kọp và khu biệt giamA1 rộng 17m2 giam 180 người… được xem là những hiện vật vô cùng quý giá. Ông Lâm Văn Bảng tâm sự với chúng tôi: “Tất cả công việc sưu tầm để xây dựng lên một Bảo tàng chúng tôi mong muốn như một nén hương thơm viếng các linh hồn các chiến sỹ, anh hùng liệt sỹ, đã hi sinh trong các nhà tù trong thế kỷ 20”.

Hiện nay bảo tàng có 15 người đều là cựu tù Phú Quốc thay phiên nhau quản lý dựa trên 4 tự: tự nguyện đến sinh hoạt, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm. Cùng với việc mở cửa thường xuyên để đón tiếp các đoàn khách trong nước và nước ngoài các ông thường xuyên đưa hiện vật đi trưng bày tại các triển lãm trong các ngày lễ, hội của dân tộc.

Hơn 20 năm miệt mài sưu tầm, lưu giữ các hiện vật và hình ảnh có giá trị lịch sử với nhiều tư liệu gốc có một không hai, bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đầy của các cựu tù Phú Quốc thật sự đã trở thành một địa chỉ lưu giữ những dấu tích chiến tranh, tôn vinh các anh hùng đã hi sinh cho sự nghiệp lớn lao của dân tộc.

Bảo tàng hiện được chia thành 2 khu chính là đền thờ các anh hùng liệt sỹ và khu trưng bày với 9 phòng trưng bày, tại tầng hai là nơi lưu giữ hơn 200 hiện vật bút tích và hình ảnh của Bác Hồ từ năm 1911-1969 có những bức thư chúc Tết của bác trong 9 năm liền, bản thảo nguyên những bút tích của Bác khi sửa bài quốc ca… Khi dẫn chúng tôi đi ông Bảng còn giới thiệu đoạn băng ghi âm trích lời Bác đọc bản tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945 trước toàn thể đồng bào

Nguyễn Duy