Đã có lúc Go Group

Đã có lúc Go Group "mang chuông đi đánh nước Mỹ"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Lần đầu tiên "mang chuông đi đánh xứ người", một du học sinh ở Mỹ nói với tôi: "Nhóm của họ chơi nhạc chỉ để "chọc tức" thiên hạ". Nghe tôi thuật lại, Trần Xuân Hòa một thành viên trong nhóm Go Group Hà Nội (nhóm gõ) chỉ cười cười, không thanh minh: "Mà nói đúng hơn, chúng tôi chọn cách chơi mạo hiểm để chinh phục khán giả...".

Lối chơi độc, lạ và phong cách mạo hiểm

Lần đầu tiên Go Group trình làng vào tháng 12/2010 tại Hà Nội. Tính đến thời điểm đó, Go Group trở thành nhóm gõ Hàn Lâm đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Bốn thành viên của nhóm gõ là Phan Nam, Trần Xuân Hòa, Bùi Anh Dũng và Nghiêm Mạnh Tuấn, tay trống của Bức Tường. Họ đều là những nghệ sĩ gắn bó với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cũng như Dàn nhạc nhà hát Nhạc Vũ kịch.

Xã hội - Đã có lúc Go Group 'mang chuông đi đánh nước Mỹ'

Nhóm Go Group lưu diễn trên đất Mỹ

Tuy nhiên, đất diễn của các nghệ sĩ bộ gõ trong các dàn nhạc thính phòng dường như không đủ thỏa mãn niềm đam mê của họ với nghề, vì thế mà họ cùng nhau tạo dựng nên Go Group. Sự ra đời của Go Group vào tháng 9/2010 được xem như cơn gió lạ trong bầu trời âm nhạc Việt.

Nhắc lại buổi ra mắt, Hòa kể rằng, nhiều người "sốc" vì phong cách chơi độc và lạ, sử dụng hơn 100 nhạc cụ gõ trong đó chủ yếu là Marimba, Xylophone, Vibraphone, Campana, Gran casa, Timpani, thậm chí có cả đe, búa, lon bia, xoong, thùng nhôm... của nhóm. Khi khán giả đã quen thuộc với những tác phẩm âm nhạc Việt Nam đa số viết cho đàn dây và dàn nhạc như Piczzicatto Việt Nam của Đặng Hữu Phúc, Rhapshody Việt Nam của Đỗ Hồng Quân, Hoa Quỳnh của Nguyễn Văn Tuấn và Bài ca chim ưng của Đàm Linh thì lần đầu tiên, họ sẽ được thưởng thức các tác phẩm đó ở hình thức chuyển soạn cho hòa tấu bộ gõ với nhạc cụ chủ yếu là đàn Marimba - một nhạc cụ có hệ thống phím như đàn piano.

Go Group còn chơi những tác phẩm quốc tế được khai thác chủ yếu qua âm thanh của trống, các phần trình diễn được thể hiện với mức độ khó dần lên như Kuka-ili-moku (Christopher Rouse), Drum & Grain (J.Poul), Brazilian (Ney Rosauro) và đặc biệt là tác phẩm Musique de table (Thierry de Mey). Đúng như tên gọi của tác phẩm: "Âm nhạc cho chiếc bàn", các nghệ sĩ trình diễn với phần nhạc cụ là 3 mảnh gỗ tựa như các mặt bàn.

Chỉ ba chiếc bàn tương tác với đôi bàn tay nghệ sĩ, Nghiêm Mạnh Tuấn, Bùi Anh Dũng và Trần Xuân Hòa đã mang đến một phần biểu diễn cực kỳ sống động. Nghe Musique de table chỉ là những tiếng gõ "bộp, bộp..." lúc nhanh lúc chậm lên mặt bàn, nhưng với phần biểu diễn này, Go Group đã mang đến nhạc tính, thổi hồn vào âm thanh. Người nghe Musique de table cũng ngộ ra một điều rằng âm nhạc ở xung quanh chúng ta, chỉ cần ta biết lắng nghe. Ba chiếc bàn và ba đôi tay nghệ sĩ, nhưng nhạc công Trần Xuân Hòa cho biết đây là phần tập luyện kỳ công nhất của nhóm. Go Group đã tập ròng rã trong vòng một tháng rưỡi để có thể thành thạo kỹ năng biểu diễn tác phẩm của nghệ sĩ đương đại người Pháp Thierry de Mey.

Những phần hòa tấu là sự kết hợp cực kỳ phức tạp của hơn 100 nhạc cụ. Từ những nhạc cụ be bé như cái lắc tay, chuông đồng đến những nhạc cụ "khủng" như marimba, cồng, chiêng... Sự cầu kỳ này được một thành viên lý giải: "Không thể giản lược số nhạc cụ được bởi với bộ gõ nếu đơn giản quá sẽ rất khó cuốn hút người nghe. Hơn nữa, chúng tôi muốn vẽ lên một bức tranh nhiều màu sắc bằng âm nhạc".

Hình thức hòa tấu gõ của Go Group còn thể hiện rõ nét yếu tố trình diễn của các nghệ sĩ. Họ không thể đứng một chỗ khi sử dụng nhiều nhạc cụ trong một tác phẩm, cũng như mỗi tác phẩm sẽ có một cách sắp đặt nhạc cụ khác nhau để thuận lợi trong quá trình biểu diễn. Vì thế, yếu tố trình diễn của nghệ sĩ và sự sôi động của những tiếng gõ sẽ là những gì cuốn hút nhất dành cho khán giả.

Các thành viên của Go Group chia sẻ: "Khát vọng của Go Group không chỉ chơi âm nhạc hàn lâm mà muốn đem âm nhạc đương đại và nghệ thuật bộ gõ đến gần hơn với công chúng. Có thể bây giờ chỉ là thử nghiệm, nhưng biết đâu 5-10 năm nữa, giới trẻ sẽ thích nghe và chơi bộ gõ".

Những ấn tượng khó phai trên đất Mỹ

Cuối tháng 10, Go Group Hanoi có chuyến lưu diễn trên đất Mỹ theo lời mời của Trường âm nhạc thuộc ĐH Tổng hợp Bringham Young. Ban nhạc gồm 7 nghệ sĩ của dòng nhạc cổ điển thuộc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) và Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia VN. Trần Xuân Hòa đã kể cho PV nghe những ấn tượng khó quên trên đất Mỹ.

Xã hội - Đã có lúc Go Group 'mang chuông đi đánh nước Mỹ' (Hình 2).

Trần Xuân Hòa đang kể lại những kỷ niệm trên đất Mỹ

Đêm diễn đầu tiên trên đất Mỹ (2/11), tại Phòng Hòa nhạc Barrus, thành phố Rexburg, mở màn lúc 19h30. Lúc đầu các thành viên Go Group khá hồi hộp, vì âm thanh rất chuẩn của khán phòng và vì sự giới thiệu rất trịnh trọng của ông David Taylor, Chủ nhiệm Khoa Gõ của trường Nhạc BYU bang Idaho. Nhưng chỉ sau vài phút đầu tiên, các nghệ sỹ thành viên Go Group đã vượt qua sự bỡ ngỡ ban đầu, càng biểu diễn càng gắn bó với nhau hơn và càng bốc hơn. Trong số khán giả có rất nhiều nhạc công và sinh viên bộ Gõ của trường Nhạc BYU, họ rất chăm chú lắng nghe và rất tán thưởng các tác phẩm Việt Nam sáng tác hoặc chuyển soạn cho Bộ Gõ, như Bài ca Chim ưng (Đàm Linh) Rhapsodi Việt Nam (Đỗ Hồng Quân),...

Các tác phẩm của các nhạc sỹ nước ngoài như Thiery de Mey, Rosaro, J. Paul, với độ khó rất cao và đòi hỏi phải có sự phối hợp nghe lẫn nhau một cách rất chắc chắn, cũng được khán giả vỗ tay kéo dài rất lâu. Khi tác phẩm cuối cùng vang lên, cả nhà hát đứng bật dậy, vỗ tay từng tràng vang dội, yêu cầu các nghệ sỹ Go Group ra chào vài lần mới thôi. Các nghệ sỹ Go Group vừa ngạc nhiên với sự ngưỡng mộ mà khán giả dành cho mình, vừa sung sướng tự hào vì vừa thực hiện được ước mơ từ ngay ngày đầu thành lập của nhóm: Đó là "mang chuông đi đánh nước Mỹ".

Đêm diễn thứ hai (3/11) tại Hội trường của trường Đại học Weber State University, tại TP. Ogden, bang Utah. Trong số các khán giả tại thành phố Ogden hôm đó, có hai ông bà bác sỹ Marjorie và John Tall, người đã từng sống ở Việt Nam nhiều năm trong chương trình "Phẫu thuật Nụ cười" trước đây. Biết tin về đoàn Go Group đến từ Việt Nam, hai ông bà cố gắng thu xếp bằng được thời gian đến dự đêm diễn của Đoàn, mặc dù họ đang bận rộn trông coi cô con gái út, nghệ sỹ piano Malinda Tall (cũng đã sang Việt Nam biểu diễn) hiện đang chống chọi với căn bệnh ung thư. Kết thúc chương trình, cả hai ông bà cùng với hàng chục khán giả đã lên sân khấu, trò chuyện với các thành viên Go Group, và mỗi lần họ nhắc về những kỷ niệm ở Việt Nam, cả hai đều khóc, khiến cho các thành viên Go Group hết sức cảm động.

Buổi biểu diễn thứ ba là tại nhà hát De Jong, thành phố Provo, khi Đoàn Go Group tham gia biểu diễn cùng 3 ban nhạc: Bali (đến từ Indonesia), Destination (Tây Ban Nha) và BYU, Mỹ. Go Group được biểu diễn mở màn, với sự giới thiệu rất trân trọng của Giáo sư Ronald Brough, người đã giúp đỡ rất nhiệt tình cho đoàn ngay từ ngày đầu đến Mỹ. Đó là chương trình "âm nhạc dành cho gia đình - Family Concert" tổ chức hàng tuần vào các sáng thứ Bảy, khán giả gồm ông bà bố mẹ và trẻ em ngồi chật kín phòng Hòa nhạc 1.700 chỗ ngồi, họ theo dõi rất chăm chú các tiết mục và giao lưu đối thoại rất nhiệt tình với các nghệ sỹ trên sân khấu.

Ở mỗi thành phố, mỗi đêm diễn, có sự khác nhau rõ rệt về thành phần và số lượng khán giả, nhưng với Go Group, cách hưởng ứng của các khán giả Mỹ ở nơi nào cũng giống nhau một điểm, đó là họ vỗ tay rất nhiệt tình với từng tiết mục của đoàn, và cuối mỗi chương trình cả nhà hát đứng lên vỗ tay kéo dài rất lâu.

Lan Thơm